2023 sẽ là năm của ví tiền mã hóa
Báo cáo nhận định ví đã trở thành một phần không thể thiếu khi người dùng bước vào thế giới tiền mã hóa và là một trong những cơ sở hạ tầng quan trọng nhất trong hệ sinh thái blockchain.
Huobi Research tin rằng ví không lưu ký (non-custodial) sẽ thu hút người dùng Web2 đến với Web3. Ví đã đơn giản hóa quy trình phức tạp gắn liền với ngành công nghiệp tiền mã hóa.
Theo nghiên cứu, tổng số người dùng ví tiền mã hóa toàn thế giới đã tăng 6.3% lên 85 triệu vào tháng 11/2022. Cùng kỳ năm 2021, số người dùng ví là 80 triệu USD. Nghiên cứu lưu ý tốc độ tăng trưởng tuy có giảm so với năm trước nhưng đây vẫn là tín hiệu tốt trong tình hình downtrend.
Về quy mô doanh thu, Future Market Insight chỉ ra tổng doanh thu của thị trường ví tiền mã hóa toàn cầu năm 2022 là khoảng 1,398 tỷ USD. Dự kiến doanh thu vượt 3,371 tỷ USD trong 10 năm tới. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 9.2%, thể hiện xu hướng tăng cao.
Huobi Research cho biết Bắc Mỹ là khu vực dẫn đầu về mảng ví, chiếm hơn 30% doanh thu. Một số người chơi chính ở Bắc Mỹ là Coinbase Wallet, BitGo và BitPay. Thị trường phát triển nhanh thứ hai là châu Á-Thái Bình Dương.
Nghiên cứu dự đoán châu Á-Thái Bình Dương sẽ đóng vai trò quan trọng trong đổi mới blockchain. Khu vực này có dân số lớn với nhận thức tài chính cao, đam mê công nghệ, thúc đẩy phát triển ví tiền mã hóa.
Nhìn chung, MetaMask có doanh thu cao nhất với 200 triệu USD. Các ví như imToken và TokenPocket đứng đầu trong cộng đồng Trung Quốc. Ngoài ra, Huobi Research chỉ ra Coin98 là ứng dụng ví có tăng trưởng nổi bật, tập trung vào DeFi và có giá trị thị trường 2.1 tỷ USD. Coin98 cung cấp các dịch vụ đa dạng như ví không lưu ký, bộ tích hợp sàn giao dịch phi tập trung ngay trong ứng dụng, trình duyệt DApp và cầu nối cross-chain.
Trong khi duy trì lượng người dùng ổn định, ví tiền mã hóa được nhắc đến nhiều hơn cả sau cú sập FTX vào tháng 11. Một số nhà phân tích đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự quản lý tiền mã hóa. Changpeng Zhao (CZ), nhà sáng lập sàn giao dịch Binance cũng từng khẳng định về vai trò của ví không lưu ký và ứng dụng DeFi.
Các ví phần cứng như Trezor và Ledger đã báo cáo nhu cầu tăng đột biến do hậu quả lây lan từ FTX. Lúc đỉnh điểm, các báo cáo tiết lộ khoảng 15 triệu Bitcoin đã được tự quản lý.
Trong tương lai, con số này hứa hẹn tăng cao thêm. Thảm họa FTX đã giáng đòn vào niềm tin của cộng đồng, khiến họ có xu hướng rút tiền khỏi các sàn giao dịch. Không chỉ vậy, loạt FUD gần đây nhắm vào Binance đã tác động đến tâm lý người dùng.
Dù kết quả chưa ngã ngũ, vụ việc nhắc lại bài học lớn sau FTX: không gì là quá lớn để sụp đổ. Và khi các sàn còn nằm trong vòng nghi vấn, đó là lúc ví tiền mã hóa nắm lấy cơ hội để lên ngôi.
Đọc thêm: