5 thói quen giao dịch cần thiết cho mọi Trader
Dù bạn là người mới hay cũ thì MarginATM nghĩ rằng khi giao dịch bạn cũng cần phải tạo cho bản thân các thói quen nếu muốn giao dịch hiệu quả hơn. Ở bài viết hôm nay mình sẽ đề cập đến 5 thói quen giao dịch tích cực mà bất kỳ một trader nào cũng cần có để áp dụng vào kế hoạch giao dịch hàng ngày. Từ đó có kinh nghiệm đối diện với các rủi ro trong thị trường đầy biến động như tiền điện tử.
Tại sao cần tạo thói quen giao dịch?
Bất kỳ ai khi tham gia vào thị trường tiền điện tử thì cần cũng tạo cho mình các thói quen khi giao dịch. Muốn trở thành một trader thành công bạn cần có một kế hoạch tốt, thói quen tốt và một tư duy kỷ luật, từ đó mới có thể có một hồ sơ giao dịch nhất quán nhất.
Như mình luôn nói trong mọi bài viết chia sẻ kinh nghiệm trading, các nhà đầu tư cần xem việc Trading như một hoạt động kinh doanh và thực hiện nó với thái độ nghiêm túc cùng kỷ luật nghiêm khắc. Thành công lâu dài không phụ thuộc vào may rủi như cờ bạc.
Theo Alexander Elder, tác giả của cuốn “Trading for a Living”, để trở thành một nhà giao dịch giỏi, “Bạn cần phải giao dịch bằng con mắt của mình, nhận ra các xu hướng và ngã rẽ thực sự, không lãng phí thời gian hoặc năng lượng cho những cảm xúc tiếc nuối và mơ mộng.”
Vì vậy, thói quen giao dịch là một phần rất quan trọng đối với các trader.
Kiểm soát nỗi sợ mất mát trong giao dịch
Các hoạt động giao dịch luôn ẩn chứa rủi ro và điều đó khiến các nhà đầu tư có phần dè chừng sợ hãi. Khi đối mặt với thua lỗ, hầu hết mọi người sẽ có xu hướng chiến đấu với nó và tin rằng lần này mình sẽ giao dịch thắng để gỡ lại khoản lỗ. Khi điều này xảy ra, mọi phán đoán và hiệu quả giao dịch của bạn sẽ bị giảm đi, càng khiến bạn thua lỗ nhiều hơn.
Trong cuốn sách “Nhà giao dịch có kỷ luật”, Mark Douglas có nói rằng để giao dịch thành công thì yếu tố tâm lý chiếm 80% và phương pháp sẽ chiếm 20%. Ông nói thêm rằng tâm lý luôn là kẻ thù của các giao dịch thành công và một nhà giao dịch thành công phải học cách kiểm soát được nó, không được quá sợ hãi và không được quá tự tin.
Để kiểm soát được yếu tố cảm xúc, bạn phải kết hợp các phương pháp giúp bạn có kỷ luật hơn.
Nỗi sợ hãi trong giao dịch có thể có nhiều dạng từ sợ không đúng, sợ bị bỏ lỡ (FOMO) và nhất là sợ thua.
Nỗi sợ thua lỗ còn được xem như một thành kiến về mất mát, nó xuất phát từ bản năng bẩm sinh là chúng ta có xu hướng thích tránh thua lỗ hơn là đạt được mức lợi nhuận tương tự. Các nghiên cứu của Amos Tversky và Daniel Kahneman đã chỉ ra rằng thua lỗ có sức ảnh hưởng tâm lý gấp đôi so với việc thu về lợi nhuận.
Thành kiến về sự mất mát có thể giúp chúng ta phản ứng hiệu quả với các mối đe dọa trong cuộc sống. Nhưng trong giao dịch, điều này có thể tác động khiến bạn có các quyết định đóng vị thế không phù hợp với mong muốn tránh thua lỗ nhiều hơn hoặc thu lợi nhuận ít hơn vì sợ lỗ lớn hơn. Một số trader thậm chí có thể thực hiện các giao dịch đảo ngược vị thế để phục hồi các khoản lỗ trung bình.
Ví dụ: Đang Long BTC có lời nhưng giá bất ngờ đi xuống khiến trader lỗ, họ sẽ mở thêm 1 lệnh short với hy vọng giảm thiểu mức lỗ có thể phát sinh.
Douglas cũng từng nói rằng chìa khóa để giao dịch có lãi là học cách xử lý nỗi sợ giao dịch. Ông chia sẻ thêm:
“Hầu hết các nhà đầu tư tin rằng họ biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với giá. Điều này khiến các trader đặt quá nhiều kỳ vọng vào kết quả có thể đạt được, trong khi không nhìn nhận ra cách chơi đó là trò chơi xác suất. Điều này thể hiện ở chỗ các trader đang bắt đầu mở lệnh ở mức giá quá cao hoặc quá thấp theo cảm xúc do sự sợ hãi hoặc tham lam quá mức sau một chuỗi toàn thua hoặc thắng.”
Đọc thêm: 05 điều nên làm khi bạn thua lỗ quá nhiều.
Luôn cập nhật thị trường và đón đầu xu hướng
Thị trường tài chính cũng như tiền điện tử luôn liên tục thay đổi và phát triển. Vì vậy là trader trong thị trường này bạn cần phải học cách nhận định, diễn giải tin tức và áp dụng nó như một yếu tố có lợi với mình.
Một số chuyên gia cho rằng việc đọc, học hỏi và đưa ra quyết định dựa trên những kiến thức và tin tức này có thể giúp bạn xác định các cơ hội mới hơn mà có thể người khác không nhìn thấy hoặc đã bỏ qua. Trong khi cũng có một số người tin rằng bạn không bao giờ nên giao dịch dựa theo tin tức.
Nial Fuller, một trader kiêm nhà đào tạo giao dịch đã ủng hộ với ý kiến đưa ra rằng: Không nên dựa theo tin tức mà nên dựa vào những dữ liệu có được để đưa ra quyết định. Điều quan trọng là tập trung vào hành động giá. Tin tức thường được đưa ra để hợp thức hóa đường giá mà thôi:
“Giao dịch thành công cũng giống như bạn đang trong quá trình giảm cân, đòi hỏi bạn phải bỏ qua những thứ bạn không cần. Nếu bạn cố gắng tiếp thu và vận dụng mọi thứ bạn thấy trên tin tức, bạn sẽ nhanh chóng đánh mất tài khoản của mình.”
Có một câu xuất hiện từ lâu từ các nhà giao dịch rằng “Xu hướng là bạn của bạn”. Nhiều người vẫn cảm thấy điều này khá đúng khi áp dụng trong giao dịch. Và chỉ bằng cách cập nhật tin tức thị trường để nắm bắt xu hướng, các nhà giao dịch mới có thể biết cách tách biệt sự cường điệu so với thực tế.
Đi theo đám đông là một thói quen dễ mắc phải trong giao dịch và đôi khi nó lại có ý nghĩa nhất.
Lấy ví dụ như đợt bán tháo vừa rồi của Bitcoin, nếu bạn là trader mua ở vùng $64,000, khi nhận thấy Bitcoin có dấu hiệu giảm nhanh thì việc đóng lệnh là lựa chọn đúng đắn để tránh rủi ro thanh lý và lỗ nhiều hơn.
Tuy nhiên, sẽ khá khó khăn để biết khi nào dừng sóng và vào bờ. Warren Buffett cũng đã từng nói: “Hãy sợ hãi khi người khác tham lam, và hãy tham lam khi người khác sợ hãi”.
Ví dụ: Một trong những ví dụ nổi tiếng và lâu đời nhất về tâm lý đám đông trong giao dịch là cơn cuồng hoa tulip vào cuối thế kỷ 16. Thị trường hoa tulip Hà Lan đang bùng nổ và những người đang lời ngay lập tức mất hết tiền chỉ sau một đêm. Hay gần đây nhất là bong bóng dot.com vào cuối thế kỷ XX.
Trong cả đầu tư và giao dịch, những gì là sự thật kết hợp với quá trình nghiên cứu nghiêm túc sẽ chính là người bạn đồng hành, giúp trader có thể nắm bắt được xu hướng và biết được khi nào nó bắt đầu có dấu hiệu kết thúc. Việc không tìm hiểu và giáo dục bản thân hiểu về tâm lý đám đông trong đầu tư có thể sẽ mang điều tai hại đến với danh mục đầu tư của bạn.
Kế hoạch rõ ràng cùng kỷ luật cao
Nhận biết được hành vi giao dịch, tâm lý đám đông hay thái độ chán ghét thua lỗ chính là yếu tố quan trọng để giao dịch thành công. Cảm xúc con người có thể là tác nhân tự phá hoại và dẫn tới giao dịch thua lỗ. Vì vậy điều quan trọng là phải lập ra kế hoạch giao dịch và tuân thủ một cách có kỷ luật.
Một kế hoạch giao dịch chi tiết và có kỷ luật là chìa khóa giúp bạn dễ thành công trong giao dịch vì nhờ đó có thể xác định được cách mà bạn sử dụng để giao dịch. Từ đó bạn chỉ cần tuân theo kế hoạch và thực hiện giao dịch, miễn vào đúng set up đó thì bạn sẽ có lời. Tất cả các quy tắc và chiến lược sẽ không thành công nếu chúng không tuân theo kỷ luật nào.
Kỷ luật là yếu tố xác định tâm lý của các nhà giao dịch. Kỷ luật cũng là yếu tố giúp phân biệt một nhà giao dịch thành công với một nhà giao dịch đang vật lộn với thua lỗ.
Do đó, việc tuân thủ kế hoạch giao dịch đã đặt ra là yếu tố then chốt để duy trì kỷ luật, và nếu một nhà giao dịch có kế hoạch, khả năng để họ tự phát triển một chiến lược giao dịch thành công là rất cao. Điều này bao gồm việc phải rõ ràng về mục tiêu và biết được khi nào cần bù lỗ và khi nào cần thu lãi.
Việc áp dụng một phong cách giao dịch phù hợp với đặc điểm tính cách và khả năng chấp nhận rủi ro có thể giúp bạn xác định được mức rủi ro mà bạn sẵn sàng chấp nhận là bao nhiêu.
Bạn cũng sẽ dễ dàng tuân thủ kế hoạch giao dịch hơn nếu bạn áp dụng phong cách giao dịch phù hợp với đặc điểm tính cách của mình.
Có bốn phong cách giao dịch chính, đó là:
- Giao dịch theo tỷ lệ (Scalping).
- Giao dịch trong ngày (Day Trading)
- Giao dịch xoay vòng (Swing Trading).
- Giao dịch theo vị thế (Position Trading).
Scalping là giao dịch nhanh chóng và phù hợp nhất với các nhà giao dịch tích cực, những người có thể đưa ra quyết định ngay lập tức và hành động theo những quyết định đó mà không do dự.
Những người khác có thể thoải mái hơn với giao dịch Swing, khi họ có thể suy đoán về chuyển động giá trong khoảng thời gian kéo dài từ 5 đến 30 ngày. Giao dịch xoay vòng tương thích với những người có tính kiên nhẫn để chờ giao dịch.
Tìm hiểu thêm: Scalping Trading & Swing Trading là gì? Đặc điểm và cách phân biệt.
Có công mài sắt có ngày nên kim
Thói quen mình muốn nói tới ở đây là sự kiên nhẫn. Kiên nhẫn là một phẩm chất mà tất cả các nhà giao dịch cần phải có. Nhiều chuyên gia nói rằng bên cạnh việc quản lý tiền tốt, phân tích chuyên sâu và tính kỷ luật, việc rèn luyện tính kiên nhẫn có thể tạo ra kết quả giao dịch ấn tượng.
Đôi khi cần thận trọng khi theo dõi thị trường và chờ đợi thời điểm tốt nhất để tham gia hoặc thoát khỏi một giao dịch hay vị thế. Điều này có nghĩa là kiểm soát được cảm xúc.
Nhà giao dịch Jarrett Davies nói rằng bạn nên đặt mục tiêu lợi nhuận của mình dựa trên những cơ sở phù hợp, lập luận hợp lý với những phân tích cơ bản và yếu tố tâm lý. Tránh đóng vị thế mua theo phản ứng tự phát, cảm tính bởi một đợt giảm giá mà không có bất kỳ chất xúc tác hay tin tức tiêu cực nào ủng hộ cho sự giảm giá.
Một trader nên học cách kiên nhẫn để đạt được mục tiêu thay vì thoát vị thế giao dịch. Nếu giao dịch chỉ cách mục tiêu lợi nhuận vài pips thì bạn hoàn toàn có thể đóng lệnh theo cách thủ công. Còn đối với việc đóng vị thế khi mới đạt được một nửa mục tiêu mà không vì lý do gì khác ngoài sự lo lắng thì đó là một sai lầm.
Giao dịch thiếu kiên nhẫn sẽ dẫn đến những thua lỗ không cần thiết, khiến bạn thêm căng thẳng và lãng phí năng lượng cảm xúc của mình. Các nhà giao dịch nên dành thời gian để đánh giá kế hoạch giao dịch trước khi đi tới thực hiện nó. Điều kiện thị trường cũng cần được chú tâm phân tích trước khi mở lệnh.
Kiên nhẫn là một trong những phẩm chất quan trọng cần có để bạn có thể đối phó với các tình huống khác nhau trong giao dịch từ thời điểm bạn mở lệnh giao dịch, đến khi quản lý nó và thiết lập, chờ đợi các mục tiêu của bạn.
Tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng nên kết hợp cả tính kiên nhẫn và thiếu kiên nhẫn trong giao dịch. Một trong những thói quen giao dịch khiến các trader thành công trở nên khác biệt là họ có sự kiên nhẫn với những giao dịch thắng nhưng nổi tiếng thiếu kiên nhẫn với những giao dịch thua.
Mặc dù điều này đi ngược lại với xu hướng tự nhiên, nhưng đó là một trong những phẩm chất xây dựng nền tảng giao dịch lâu dài của nhiều người. Và trong số tất cả các thói quen giao dịch được nhắc tới, thì có lẽ đây là một trong những thói quen quan trọng nhất.
Một số trường hợp các trader có thói quen di chuyển điểm dừng lỗ (stoploss) để một giao dịch thua lỗ có thêm cơ hội 'quay đầu' nhưng nó lại có xu hướng gây ra thua lỗ thêm. Một giao dịch thua lỗ như vậy không xứng đáng với sự kiên nhẫn bỏ ra.
Thay vào đó, hãy phát triển các thói quen giao dịch để giảm thiểu thua lỗ và đạt được lợi nhuận nhiều hơn. Điều này sẽ bao gồm việc nhanh chóng thoát khỏi các giao dịch thua lỗ và kiên nhẫn với các giao dịch có lời (hay còn gọi là gồng lời), miễn là mọi điều kiện thị trường được đáp ứng với mỗi trường hợp.
Rút kinh nghiệm từ những mất mát
Giao dịch là quá trình bạn dùng tiền để kiếm tiền, bạn giành được một phần lợi nhuận và cũng có thể mất một phần vốn. Giao dịch thua lỗ trên thị trường là chuyện bình thường và dường như là không thể tránh khỏi. Sau mỗi lần giao dịch thua lỗ bạn có thể rút ra thêm một kinh nghiệm quý giá.
Một số chuyên gia nói rằng sự khác biệt giữa trader thành công và thất bại là ở chỗ: “Những người thành công hiểu rằng có những rủi ro bạn cần phải chấp nhận và sẽ có lúc bạn mất tiền, còn người thất bại thì có phần bảo thủ với điều đó.”
Chiến lược hợp lý là nên dựa trên tiêu chuẩn rằng: Tỷ lệ thắng trung bình nhiều hơn tỷ lệ thua thì đó là bạn đã thành công. Bạn sẽ không thể luôn thắng mỗi khi bạn thực hiện giao dịch. Có nhiều thống kê vẫn chỉ ra rằng có hơn 90% trader nói chung đều thua lỗ khi giao dịch hợp đồng quyền chọn.
Gary Dayton, nhà tâm lý học giao dịch và là tác giả của cuốn sách “Giao dịch có tâm trí: Đạt được hiệu suất giao dịch tối ưu với sự tỉnh táo và tâm lý học hiện đại” nói rằng: Để trở lại sau khi đã trải qua quá trình thua lỗ lớn là một thách thức, nhưng thành công sẽ không bao giờ đạt được nếu bạn từ chối, rút lui hoặc bỏ qua các khoản lỗ trong giao dịch.
Ông tin rằng những khoản lỗ có thể là cơ hội để trở thành một nhà giao dịch lành nghề hơn.
Có những bước nhất định mà các nhà giao dịch thành công cần trải qua sau khi thua lỗ để trở nên mạnh mẽ và có kỷ luật hơn.
- Đầu tiên là nhận trách nhiệm và làm chủ được khoản lỗ.
- Sau đó, nên tạm dừng giao dịch để tìm hiểu xem nguyên nhân thua lỗ là do đâu.
- Các bước tiếp theo bao gồm lập một kế hoạch mới và tiếp tục với những kế hoạch tốt hơn nữa.
Các nhà giao dịch giỏi sẽ coi khoản lỗ như một điểm dừng và chờ đợi cơ hội tiếp theo. Các nhà giao dịch tốt hơn sẽ đảo ngược vị thế của họ (trong điều kiện thị trường cho phép) và bù đắp không chỉ cho khoản lỗ ban đầu mà còn có thêm lợi nhuận cuối cùng cho họ. Hầu hết các giao dịch đảo vị thế chỉ nên được thực hiện khi có những lý do đủ thuyết phục mà trader có thể phát hiện được.
Điều quan trọng là phải nhìn nhận thua lỗ như động lực để học hỏi và phát triển các kỹ năng giúp bạn giao dịch tốt hơn. Dayton chia sẻ: Khi bạn đã phục hồi sau thua lỗ, hãy giao dịch trở lại. Lúc này bạn đủ mạnh mẽ hơn về mặt tinh thần và chuẩn bị tốt hơn trước. Hãy để mất mát qua đi và thực hiện những dự định tốt đẹp của bạn.
Áp dụng thói quen giao dịch vào thực tế
Áp dụng được 5 thói quen tích cực nêu trên vào giao dịch chắc chắn sẽ giúp bạn hái quả ngọt. Cải thiện những sai lầm cũng như xác định điểm mạnh, điểm yếu trong giao dịch là một chủ đề khá phổ biến. Tất cả những điều đó có thể tạo ra một phương pháp giao dịch hiệu quả và có lợi nhuận hơn.
Các trader hãy hiểu một điều rằng chúng ta sẽ không thể luôn thắng trong mọi giao dịch mở ra mỗi ngày. Dù áp dụng tất cả các phương pháp trên hiệu quả bạn cũng không thể chiến thắng 100% các giao dịch vì thế miễn tỷ lệ thắng nhiều hơn tỷ lệ thua thì bạn đã có thể trở thành trader thành công rồi.
Chúc các bạn sẽ áp dụng các thói quen này thật tốt và nhanh chóng trở thành nhà giao dịch thành công trong thị trường tài chính và tiền điện tử bạn nhé.