Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Công thức cho trader thành công: Liệu có dễ dàng?

Thành công có công thức không? Tất nhiên là có và còn có rất nhiều nữa. Vậy công thức cho trader thành công là gì? Liệu có dễ dàng để đạt được?
Avatar
Sammie
Published Jun 11 2021
Updated Jun 05 2024
13 min read
trader thành công

Để trở thành nhà đầu tư lão luyện luôn là mơ ước của rất nhiều Trader. Tuy nhiên mong ước chưa bao giờ là đủ. Chắc hẳn khi các bạn chưa bước chân hay mới bước chân vào lĩnh vực trading, các bạn sẽ tưởng tượng ra một thế giới toàn màu hồng, vì bạn đã nghe nhiều về nó và về các triệu phú. Thật không may, mọi chuyện không đơn giản như thế. Thị trường lên rồi xuống, bí mật trong đó là gì? Hãy cùng khám phá qua bài viết dưới đây.

Có công thức cho trader thành công không?

Câu trả lời là có. Thậm chí có rất nhiều công thức là đằng khác. Cũng như các môn khoa học, chúng ta cần áp dụng đúng công thức và tuân thủ nguyên tắc nếu muốn đạt được kết quả.

Để thành công, mình có tổng hợp được một một công thức khá hay các bạn tham khảo như sau, thành công gồm 3 yếu tố: Thái độ, tầm nhìn và kỷ luật.

công thức trader thành công
Thành công luôn có công thức
advertising

Các thành tố trong công thức cho trader thành công

Thái độ

Thái độ trong công thức thành công là một thừa số chứ không phải số hạng. Một thái độ tốt gắn liền với sự tiến bộ của trader. Vậy một thái độ đúng là như thế nào?

Thứ nhất: Không được tự tin khi bạn chiến thắng quá nhiều.

Tự tin thái quá là hành vi tâm lý phổ biến nhất với các trader sau một vài lần thắng liên tiếp. Nó có thể che mờ đi lý trí của bạn khi dự đoán kết quả giao dịch. Các trader khi quá tự tin thường sẽ có tâm lý chủ quan, không chú trọng đến việc đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình và sẽ có xu hướng gia tăng rủi ro, tức là họ trở nên “liều” hơn. Chính vì thế họ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi các biến động của thị trường.

Thứ hai: Không bao giờ ngừng giao dịch ngay cả khi mọi thứ trở nên tồi tệ.

Hãy giữ vững thái độ lạc quan, bạn có thể trở thành một trader thành công. Không thể có giao dịch mà không thua lỗ. Nếu bạn phản ứng quá mức với lợi nhuận âm của mình, điều đó sẽ làm bất ổn giao dịch của bạn. Hãy chỉ xem xét thua lỗ của mình như một bài học hay nhưng không tập trung vào đó.

Tầm nhìn 

Trader phải có cái nhìn dài hạn. Mơ ước của mọi trader chính là có thể giao dịch ở bất cứ nơi nào mà vẫn kiếm được tiền, hoàn toàn tự do và không bị ràng buộc. Nhưng trước giai đoạn đó chúng ta phải trả giá rất nhiều, và trên con đường đến đích sẽ có vô số trader nghiệp dư bị loại khỏi cuộc chơi. Để trở thành một trader thành công, hãy lưu ý đến những vấn đề dưới đây.

Xây dựng tầm nhìn theo từng giai đoạn.

Có một điều vô lý nhưng đang tồn tại (và có lẽ vẫn mãi tồn tại) đó là mong muốn làm giàu nhanh chóng của các trader mới. Họ thường bị sa vào cái bẫy kỳ vọng quá nhiều dựa trên những gì hiện có. Nhưng chúng ta buộc phải nhìn vào sự thật, nấc thang đầu tiên của trader chính là giảm thiểu thua lỗ và cố gắng tiến về điểm hòa vốn. Quá trình này có thể mất vài tháng đến hàng năm trời tùy thuộc vào mỗi cá nhân.

Do vậy hãy lên mục tiêu, kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn giao dịch. Điều đó giúp bạn lên kế hoạch giao dịch hợp lý và tuân thủ chặt chẽ lộ trình cụ thể đã đề ra.

xây dựng mục tiêu dài hạn
Xây dựng tầm nhìn và mục tiêu dài hạn

Phát triển kế hoạch giao dịch của riêng bạn.

Một kế hoạch ngẫu nhiên và rời rạc không phải là chiến lược cho một trader thành công, và nó sẽ không hoạt động trong thị trường tài chính. Thay vào đó, bạn hãy dành thời gian để vạch ra một kế hoạch giao dịch cân bằng và kỹ lưỡng. Để đạt được điều đó, bạn nên cân nhắc đến những rủi ro, bối cảnh thị trường, tần suất giao dịch của bản thân và dựa vào các thông tin để phân tích cơ bản hay phân tích kỹ thuật. Hoặc kết hợp cả hai.

Có rất nhiều chiến lược giao dịch ở ngoài kia và bạn cần hiểu được bản chất cách thức giao dịch của bạn dựa vào điều gì. Tuy nhiên nếu có thể hãy cố gắng phối hợp cả yếu tố cơ bản và kỹ thuật sẽ tốt hơn. Nhưng nó vẫn cần dựa vào phong cách của bạn và miễn là hiệu quả với bạn là được.

Quản lý các giao dịch như một chuyên gia

Để thành công, bạn phải tiếp cận giao dịch như một chuyên gia, tức là xem nó như một công việc kinh doanh toàn thời gian, không phải như một sở thích hay một công việc đơn thuần.

Nếu nó được tiếp cận như một sở thích, thì sẽ không có cam kết rõ ràng cho cái mà bạn đạt được khi giao dịch trên thị trường. Nếu xem đó là một công việc đơn thuần, nó có thể khiến bạn nản lòng vì không có tiền lương thường xuyên.

Giao dịch là một hoạt động kinh doanh và phải gánh chịu chi phí, thua lỗ, thuế, sự không chắc chắn, căng thẳng và rủi ro. Là một trader, bạn hãy xem nó như một công việc kinh doanh nghiêm túc, toàn thời gian và bạn phải nghiên cứu, lập chiến lược để tối đa hóa lợi nhuận của mình.

Sử dụng cái nhìn đa chiều cho định hướng lẫn chiến lược

Các trader thành công luôn giữ một góc nhìn đa chiều cho cả định hướng và chiến lược đầu tư của mình. Điều này giúp họ nhìn ra những hạn chế trong chiến lược giao dịch, cải thiện kỹ năng và chỉnh sửa nó cho phù hợp với biến động thị trường. Cách dễ nhất để cải thiện kỹ năng giao dịch của bản thân là phân tích các giao dịch trước đó của bạn. Hơn nữa, hãy đọc thêm sách được viết bởi các trader thành công và tìm hiểu các điểm mới trong phân tích kỹ thuật và định hướng chiến lược.

Đọc thêm: Xác định mục tiêu và kiểm soát giao dịch hiệu quả

Kỷ Luật

Những người thành công luôn là những người có và tuân thủ các quy tắc của mình. Trong trading thì các quy tắc lại càng quan trọng hơn. Tất cả những quy tắc này nhìn chung là giúp trader tránh được những cám dỗ của thị trường và có khả năng lặp lại được những hành động nhất định trong những tình huống nhất định. Do đó, nếu chơi trò trading mà không có đủ tính kỷ luật để tuân thủ các quy tắc thì chúng ta sẽ không có một cơ hội nào cả.

Luôn quản lý rủi ro trong mức chịu đựng được

Điều quan trọng đầu tiên bạn cần phải nhớ là: Luôn quản lý rủi ro trong mức chịu đựng được. Bởi vì sao bạn biết không? Đó là vì bạn phải chuẩn bị tinh thần rằng, bạn có thể mất tất cả số tiền ấy khi bước vào cuộc chơi giao dịch đầy rủi ro này.

Nếu giao dịch với tinh thần "Ôm bom liều chết" thì dù có nhiều tiền cách mấy rồi cũng hết. Kể cả những người giàu nhất trên thế giới hay những trader lâu năm, việc đầu tiên của họ luôn là việc tính toán đến trường hợp họ mất bao nhiêu tiền cho một giao dịch trước, chứ không phải ngồi tính xem họ kiếm được bao nhiêu.

Vậy nên, hãy xác định ra cho mình một giới hạn thua lỗ trước khi bắt đầu giao dịch. Đừng nghĩ đó là việc nên làm, mà đó là việc phải làm.

Tìm hiểu: 05 phương pháp quản lý rủi ro trong giao dịch crypto

Thứ hai, bạn cần tuân thủ chiến lược giao dịch đã đề ra 

Sự nhất quán trong phong cách giao dịch sẽ dẫn tới sự nhất quán trong kết quả và tạo ra lợi nhuận bền vững. Việc thay đổi chiến lược ngay khi giao dịch không thuận lợi là một sai lầm phổ biến. Bạn không nên tạo áp lực cho bản thân sau khi giao dịch thất bại, bởi chúng ta cần chấp nhận không phải mọi giao dịch đều sẽ thành công. Nếu chiến lược giao dịch với quản lý rủi ro phù hợp, việc tuân thủ nghiêm ngặt sẽ mang lại kết quả mong muốn.

Cuối cùng, đừng để bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài

Những trader giỏi nhất không bao giờ giao dịch theo cảm xúc, lời khuyên hay bất kỳ điều gì thu hút sự chú ý của họ. Bởi vì họ biết chắc rằng, nó không hiệu quả về lâu về dài. Các trader giỏi nhất và có lợi nhuận nhất quán nhất luôn thủ cho mình một kế hoạch giao dịch chiến thắng và sau đó giao dịch theo kế hoạch của họ. Vì thế, đó cũng là điều bạn nên làm!

Tính kỷ luật của mỗi cá nhân là khác nhau tùy vào môi trường sống. Tuy nhiên tin vui là chúng ta có thể luyện tập để tăng tính kỷ luật của mình lên.

Chỉ cần áp dụng đúng công thức thì sẽ thành công?

Các trader giao dịch trên bất kỳ thị trường nào cũng đều là những người chấp nhận rủi ro vì sự biến động của thị trường. Một số trader thành công nhất để chúng ta học hỏi là:

  • Jesse Livermore: Tên tuổi của ông gắn liền với những khoản lãi và lỗ khổng lồ. Ông kiếm được một triệu đô la vào năm 1929 nhưng thua lỗ và mất tất cả vào năm 1934. Sau đó ông đã tự kết liễu đời mình vào năm 1940.
  • George Soros: Là một trong những trader giao dịch cổ phiếu thành công nhất trong lịch sử, Soros có biệt danh là "người đàn ông đập nát ngân hàng trung ương Anh" khi kiếm được 1 tỷ đô la từ việc bán khống 10 tỷ bảng Anh. Ông cũng là chủ tịch của Quỹ Soros Fund Management.
  • Richard Dennis: Là một trong những trader giao dịch hàng hoá thành công trên sàn Chicago, ông đã kiếm được khoảng 200 triệu đô la trong khoảng thời gian 10 năm từ việc đầu cơ trên thị trường.
  • William Delbert Gann: Là một nhà phát triển các chỉ báo kỹ thuật như Gann Angels và Square of 9, ông là một trader sử dụng các kỹ thuật dự báo thị trường dựa trên chiêm tinh, hình học và toán học.
  • Bill Lipschutz: Ông đã biến khoản đầu tư $12.000 vào thị trường chứng khoán thành $25.000 trong vài tháng, nhưng đã mất tất cả. Tuy nhiên sau đó, ông đã kiếm được hơn 300 triệu đô la.
  • Nick Leeson: Sau khi gia nhập Barings Bank ông đã nhanh chóng gây được ấn tượng mạnh với giới lãnh đạo và thăng tiến nhanh chóng từ vị trí giao dịch viên trên sàn đến vị trí quản lý chi nhánh Singapore. Từ năm 1992 ông đã bắt đầu thực hiện những giao dịch đầu cơ phi pháp và mang lại cho Barings Bank những khoản lợi nhuận khổng lồ. Nhưng ông đã sớm thua lỗ trong các giao dịch và đẩy ngân hàng Barings đến bước phá sản.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về các trader thành công khác và những câu chuyện trong quá trình trading của họ thông qua bài viết: Top 10 trader nổi tiếng nhất thế giới mọi thời đại

Như bạn thấy đấy, ngay cả các huyền thoại của giới Trader cũng có lúc thua lỗ và thất bại. Sự thật thì không có một công thức cố định nào đảm bảo khả năng giao dịch thành công cho các Trader.

Thị trường được so sánh như một đại dương và Trader là một người lướt sóng. Lướt sóng đòi hỏi khả năng giữ thăng bằng, sự kiên nhẫn và tư duy đúng. Thái độ bạn cần để giao dịch không khác gì thái độ bạn cần để lướt sóng. Với một phương pháp phân tích tốt và chiến lược hiệu quả, tỷ lệ thành công sẽ được cải thiện.

Kết luận

Cuối cùng, có thể bạn sẽ đồng tình hoặc bác bỏ công thức trên, nhưng không ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng của các yếu tố đã được liệt kê. Dù cách này hay cách khác, cải thiện chúng là điều cơ bản để bạn tiến bộ hơn.

RELEVANT SERIES