Chiến tranh Ukraine & Nga - Tiêu cực cho nhân loại, Cơ hội của Bitcoin?
Ngay từ khi tiếng súng còn chưa nổ ra trên đất Ukraine, thị trường đã phản ứng rất mạnh mẽ đối với cuộc xung đột này. Đơn giản là vì: ngoài thiệt hại kinh tế do bom đạn lên con người và các tài sản quốc gia, trì trệ hoạt động sản xuất kinh doanh thì còn đến từ các lệnh trừng phạt kinh tế.
⇒ Kinh tế Nga sẽ trở nên trì trệ, thiệt hại nặng nề ⇒ Ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế các nước khác.
Đứng trước những rủi ro về kinh tế nêu trên, giá Vàng và Bitcoin đã biến động rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong khi Vàng phản ứng tích cực thì Bitcoin lại chịu ảnh hưởng bán tháo nặng nề, kéo theo thị trường Crypto rơi vào trạng thái ảm đạm.
Hiện tại, các quốc gia đặc biệt là Mỹ và EU đang đưa ra các lệnh trừng phạt với Nga trước hành động gây mất an ninh hòa bình trên thế giới. Tuy nhiên một số câu hỏi đặt ra là:
- Thị trường tài chính thế giới sẽ ra sao nếu áp dụng lệnh trừng phạt lên Nga?
- Chiến tranh có thực sự là điều tích cực đối với Bitcoin?
- …Và những câu hỏi khác xoay quanh về yếu tố lạm phát và tình hình tài chính.
Để có một góc nhìn cụ thể hơn, anh em cùng mình tìm hiểu ngay qua bài viết này nhé!
Tổng quan về kinh tế Nga đối với thế giới
Có lẽ thời gian vừa qua khi đọc các tin tức, anh em thường nghe được rằng Nga là nước có sản lượng dầu thô và khí đốt hàng đầu trên thế giới. Cụ thể là cả hai ngành này đều đứng thứ 3 trên thế giới với tỷ trọng:
- Dầu thô (Brent Oil): lên đến 18.65% một ngày - Gấp gần 2.5 lần vị trí thứ 4 là Iraq.
- Sản lượng khí đốt (Natural Gas): 15.36% một năm - Gấp hơn 4 lần Iraq ở vị trí thứ 4.
→ Điều này đúng nhưng chưa đủ!
Ngoài đóng vai trò là quốc gia có sản lượng dầu thô và khí gas lớn thứ 3 trên thế giới thì Nga còn đóng một vai trò quan trọng khác trong nền kinh tế thế giới qua các mảng:
- Lương thực (lúa mì, ngô, dầu hạt hướng dương)
- Sản xuất kim loại: Niken, Titan, Palladium, Nhôm. Chúng đều là những kim loại quan trọng trong ngành công nghiệp sản xuất máy bay và đồ điện tử.
- Khí C4F6 & Neon để sản xuất chất bán dẫn.
Tổng quan về kinh tế của Ukraine
Cùng với Nga, ngành cung cấp lương thực thực phẩm (Lúa mì, Ngô, Dầu hạt hướng dương) của Ukraine chiếm tỷ trọng ⅓ sản lượng cung cấp trên thế giới.
Và đặc biệt hơn, điều mà mình muốn nhấn mạnh đến anh em là các nước ở Trung Đông và Bắc Phi gần như đang phụ thuộc vô lượng lương thực của Nga & Ukraine cung cấp.
Bên cạnh đó, lượng Neon sử dụng trong sản xuất bán dẫn và phụ phẩm trong quy trình sản xuất thép chiếm tỷ trọng đến ¼ sản lượng của cả thế giới.
⇒ Sau khi có cái nhìn tổng quan về các mảng kinh doanh sản xuất xuất khẩu trọng điểm của cả hai nước Ukraine và Nga → Có thể nhận thấy rằng cả hai nước, đặc biệt là Nga đang giữ một mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng trên thế giới.
⇒ Do đó, chiến tranh và các lệnh trừng phạt có thể sẽ làm đứt đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu từ đó nâng mức giá chung của các ngành nghề lên cao. Đây quả thực là một tín hiệu xấu đối với sự phát triển của kinh tế thế giới và nguy hiểm hơn là thế giới hiện chỉ vừa đang trong những giai đoạn đầu phục hồi sau đại dịch Covid19 diễn ra.
Trừng phạt Nga, ai mới là người thắng?
Chỉ sau vài ngày Nga nổ súng trên đất của Ukraine, Mỹ và các nước Châu Âu đã liên tục đề ra các lệnh trừng phạt áp lên Nga.
Gần đây nhất, lệnh trừng phạt có thể xem là một “đòn chí mạng” đối với Nga đó chính là việc loại Nga ra khỏi SWIFT.
*Dành cho anh em nào chưa rõ thì SWIFT là một hệ thống thanh toán toàn cầu. Sự góp mặt của SWIFT đóng một vai trò rất quan trọng trong hoạt động giao thương thanh toán giữa các quốc gia.
Do đó, nếu Nga bị loại ra khỏi SWIFT thì đồng nghĩa với việc hoạt động giao thương, cung ứng Dầu thô, khí đốt, lương thực,... của Nga sẽ trở nên khó khăn hơn.
Như vậy, nguồn cung nguyên liệu dầu và khí đốt ra cho phần lớn thị trường thế giới bị giảm đi trong khi nhu cầu vẫn không đổi (thậm chí cầu có thể tăng lên do một số doanh nghiệp lợi dụng tích trữ đầu cơ).
⇒ Giá dầu sẽ tăng lên và nguy hiểm bắt đầu từ đây. Anh em có thể thấy rõ ảnh hưởng thông qua xâu chuỗi sau:
- Trường hợp 1: Tiền lương của người dân không tăng.
Việc giá cả hàng hóa tăng lên tức người tiêu dùng sẽ phải trả giá mắc hơn.
⇒ Sức mua sẽ giảm vì người dùng sẽ phải giảm chi tiêu ⇒ Dẫn đến hàng hóa trong nền kinh tế bị tồn đọng. Các cuộc bạo động, biểu tình, đình công có thể diễn ra ở các nhà máy, xí nghiệp.
⇒ Trước mắt là Lạm phát xảy ra do giá cả tăng lên chóng mặt nhưng sau đó, hàng hóa tồn động → Dẫn đến Giảm phát xảy ra.
Giảm phát là một điều hết sức nguy hiểm đối với nền kinh tế vì nó khiến cho kinh tế trở nên suy thoái. Đó là lý do tại sao các quốc gia vẫn luôn cố gắng giữ mức lạm phát ở một mức kiểm soát được.
- Trường hợp 2: Tiền lương của người dân được nâng lên.
Nếu tiền lương người dân được nâng lên → Mức giá chung của hàng hóa trong nền kinh tế tăng lên.
⇒ Lạm phát xảy ra và càng nguy hiểm hơn khi lạm phát đang ở mức báo động.
Như vậy anh em có thể thấy, Nga chiếm tỷ trọng đáng kể trong nguồn cung năng lượng trên thế giới → Trừng phạt Nga có thể là con dao hai lưỡi.
Đồng RUB giảm hơn 30% - Có tác động như thế nào?
Dưới áp lực của các lệnh trừng phạt đang được ban hành lên Nga, đồng RUB trong ngày hôm nay đã mất giá khoảng 30% so với đồng USD.
Một con số khủng khiếp với một đồng nội tệ!
Russian ruble plunges 30% to a record low of 119 per dollar, after Western nations announce harsh sanctions on Moscow, including sanctions on Russia's FX reserves. pic.twitter.com/QdzCkpFhAl
— Jamie McGeever (@ReutersJamie) February 28, 2022
Nhóm chịu ảnh hưởng thấy rõ nhất có lẽ là các Doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh, sản xuất tại Nga.
Vì doanh thu của họ chính là RUB. Do đó, khoản lợi nhuận trước đó mà các doanh nghiệp kiếm được nếu từ lời sẽ có thể thành lỗ và thậm chí từ lỗ có thể trở thành lỗ nặng khi kết toán lợi nhuận về nước (công ty mẹ).
⇒ Vậy theo anh em, cơ hội dành cho Bitcoin và thị trường Crypto sẽ như thế nào?
(Câu trả lời mình sẽ phân tích cụ thể hơn ở phần cuối)
Sẽ ra sao nếu Mỹ tăng lãi suất ở thời điểm này?
Như anh em cũng đã biết, trong đại dịch diễn ra thì Mỹ đã liên tục cung tiền ra thị trường và không ngừng đẩy áp lực lạm phát lên cao hơn.
→ Buộc Fed phải sớm hành động nâng lãi suất.
Trước khi căng thẳng Nga - Ukraine diễn ra, Fed đã có kế hoạch cho việc tăng lãi suất bắt đầu từ tháng 3.
Như anh em có thể thấy qua các phân tích trên, việc chiến tranh xảy ra đi kèm với rủi ro về khủng hoảng kinh tế ⇔ Các nước cần phải giữ lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và kích thích nền kinh tế hoạt động.
Tuy nhiên, nếu Mỹ tiến hành nâng lãi suất thì các nước khác gần như buộc phải nâng lên theo.
Tại sao?
Bởi vì, nếu các nước không nâng mức lãi suất cơ bản lên ⇔ Đồng nghĩa với việc lãi suất gửi tiết kiệm ở quốc gia đó kém hấp dẫn hơn so với ở Mỹ.
Điều này dẫn đến hệ luỵ là người dân có xu hướng bán ra đồng nội tệ để mua USD và gửi tại ngân hàng Mỹ để hưởng lãi suất cao.
⇒ Đồng nội tệ của quốc gia họ bị mất giá!
Dường như Fed đang ở tình thế “Tiến thoái lưỡng nan” và có lẽ hành động khả thi nhất của Fed trong giai đoạn này chỉ có thể là:
- Một là cầm cự thêm.
- Hai là nâng nhẹ khoảng 0.25% để thị trường không bị sốc.
Chiến tranh Ukraine & Nga ảnh hưởng tích cực với Bitcoin?
Sau khi phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế thông qua lãi suất và ảnh hưởng của cuộc chiến tranh, mình muốn tóm lại các ý chính như sau:
- Mỹ & Châu Âu đưa ra các lệnh trừng phạt → Mục đích cản trở đường kinh doanh của Nga.
⇒ Vật giá leo tháng ⇒ Lạm phát càng thêm Lạm phát.
- Đồng RUB mất giá.
⇒ Doanh nghiệp có nguy cơ lỗ nặng, kinh tế Nga khốn đốn.
- Việc Mỹ nâng lãi suất cơ bản lên nhanh có thể càng khiến kinh tế toàn cầu trở nên tồi tệ hơn.
Anh em hãy cùng mình đi phân tích xem những yếu tố này đang tác động đến Bitcoin như thế nào nhé!
Đồng RUB giảm giá trị - Trú ẩn ở đâu?
Như mình có đặt câu hỏi ở phần trên, Cơ hội dành cho Bitcoin và thị trường Crypto sẽ như thế nào khi đồng RUB giảm 30%?
Doanh nghiệp đang là một trong những nhóm chịu thiệt lớn nhất vậy để Hedging (bảo hiểm) được rủi ro này.
→ Doanh nghiệp có thể sẽ kết chuyển tài sản tiền mặt sang các tài sản đảm bảo khác đơn cử như Vàng và Bitcoin.
Theo bạn Vàng và Bitcoin, đâu là tài sản tốt nhất?
Có thể Vàng hiện tại đang được định hình là tài sản đảm bảo tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nhìn một góc độ khách quan hơn, nếu nắm giữ vàng thì người mua không thể tạo ra thêm giá trị gia tăng ngoài phần tăng đến từ rủi ro lạm phát.
Trong khi đó, với Bitcoin là một tài sản có biến động lớn, vốn hoá vẫn còn nhỏ và người dùng có thể tạo ra giá trị gia tăng thông qua các hoạt động DeFi.
Trong ngắn hạn, có thể Bitcoin vẫn đang được xem là tài sản đầu cơ, tài sản rủi ro nhưng có thể quan điểm này sẽ dần thay đổi khi đại dịch vừa qua Bitcoin đã mang đến hiệu suất tăng trưởng vượt trội hơn Vàng rất nhiều.
Ngoài ra, khi thị trường tiếp tục trên đà lạm phát, rủi ro về khủng hoảng kinh tế càng cận kề thì Nhà đầu tư sẽ càng có xu hướng tìm đến các tài sản rủi ro.
⇒ Lặp lại câu hỏi trên, theo bạn tài sản nào hấp dẫn hơn?
Bên cạnh đó, theo Bloomberg “người Nga đang sở hữu khoảng $214B dưới dạng Cryptocurrency”. (Thống kê vào 2/2/2022)
Trong khi đó, vốn hóa toàn thị trường Crypto tại thời điểm thống kê rơi vào khoảng $1,000B. Nói cách khác, tài sản Crypto mà người Nga nắm giữ chiếm hơn 21% trên thị trường.
→ Với tình hình đồng RUB mất giá, con số trên hoàn toàn có thể đang tăng lên đáng kể. Đặc biệt là giới tài phiệt tại Nga.
Crypto đang là công cụ cứu cánh cho Ukraine?
Chiến tranh giữa Nga - Ukraine được xem là cuộc chiến tranh xâm lược. Nói cách khác, nếu Ukraine thua thì tài sản của quốc gia này sẽ bị trưng thu và thuộc về Nga.
Theo anh em, nếu chính phủ Ukraine lo ngại lạm phát do chiến tranh và thực hiện tăng dự trữ vàng ở thời điểm này liệu có an toàn?
→ Theo quan điểm của mình là không và dường như Bitcoin là “kẻ” phù hợp nhất ở giai đoạn này.
Đó là ở góc độ quốc gia, còn người dân Ukraine thì sao?
Theo mình, người Ukraine đặc biệt là giới nhà giàu sẽ càng có nhiều lý do hơn để tìm đến Bitcoin và Crypto. Tại sao?
Chiến tranh xảy ra, ngân hàng ở Ukraine cũng phải dừng hoạt động. Chưa nói đến ảnh hưởng của lạm phát khiến tiền của họ mất giá trị thì các dịch vụ giao dịch qua Ngân hàng và tài sản họ đang lưu trữ trong Ngân hàng có thể bị ảnh hưởng, gián đoạn.
Nếu cầm một lượng lớn tiền mặt, tài sản trong người để giao dịch hoặc bỏ trốn sang Quốc gia khác ở giai đoạn chiến tranh sẽ không phải là một lựa chọn khôn ngoan.
⇒ Càng thấy rõ hơn Bitcoin và Crypto là con đường tốt nhất ở thời điểm này để dự trữ tài sản và giao dịch.
Và thực tế, việc giao dịch bằng Bitcoin đã diễn ra tại Ukraine khi hai phóng viên người Đan Mạch đã phải dùng Bitcoin để mua một chiếc Mazda 3 trong tình trạng người dân không muốn sử dụng tiền mặt.
Two journalists from Danish media in Ukraine said that since cash is a scarce commodity, car transactions had to be replaced by crypto, and they paid 0.059 bitcoin to buy a Mazda3 car. Ukraine has one of the highest rates of crypto adoption in the world. https://t.co/dGkhlVvY6i
— Wu Blockchain (@WuBlockchain) February 26, 2022
⇒ Chưa nói đến các Quốc gia khác, nếu chiến tranh có kết thúc thì Bitcoin ở Ukraine cũng sẽ trở nên phổ biến và có thể được adoption (chấp nhận) dễ dàng hơn.
Áp lực lạm phát và Fed
Như anh em cũng đã biết, kinh tế thế giới sau đại dịch với hàng loạt gói hỗ trợ của các nước được tung ra nhằm cứu cánh nền kinh tế đã tạo ra một hệ lụy đẩy mức lạm phát lên mức báo động.
Anh em có thấy rõ nhất về áp lực lạm phát thông qua chỉ số CPI của Mỹ trong đợt báo cáo của Tháng 1 vừa rồi đã tăng lên 7.5% - mức cao nhất kể từ năm 1982.
Điều này khiến Fed gần như buộc phải tăng lãi suất ngay để cứu cánh nền kinh tế thế giới nói chung và của họ nói riêng.
Tuy nhiên, như mình phân tích ở trên thì việc Fed nâng mức lãi suất lên nhanh ở thời điểm này không khác gì việc đẩy các Quốc gia khác xuống bờ vực khủng hoảng.
Mà các Quốc gia khác khủng hoảng thì Doanh nghiệp Mỹ tại các Quốc gia đó cũng sẽ khốn đốn → Hiệu ứng Domino lên nền kinh tế Mỹ.
Tóm lại, việc Fed tăng lãi suất lên nhanh sẽ không phải là một bài toán hay. Do đó, Fed có lẽ sẽ tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp hoặc tăng nhẹ 0.25% - 0.5% và có lộ trình như kế hoạch.
⇒ Vậy thì áp lực lạm phát vẫn còn ở đó.
⇒ Lại là một động lực để Bitcoin tăng trưởng tốt như đợt dịch vừa rồi.
Tìm hiểu thêm Tại sao “đế chế" Crypto và Bitcoin không bao giờ sập?
Tổng kết
Trên đây là những quan điểm của mình về các diễn biến gần đây trên thế giới. Nga đóng vai trò là một mắt xích quan trọng đối với nền kinh tế của thế giới nên việc áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga chưa hẳn đã có lợi đối với hầu hết các quốc gia.
Mặt khác, Nga có người bạn thân thiết là Trung Quốc Đại Lục nếu con đường làm ăn của Nga nhỏ lại chỉ còn sống cùng với Trung Quốc thì vẫn có thể sống được (Dù kinh tế lúc này có bị phụ thuộc vào Trung Quốc).
Tuy nhiên, nhìn chung Bitcoin và thị trường Crypto có thể được hưởng lợi nhiều trong dài hạn nếu chiến tranh và lạm phát kéo dài thêm. Còn anh em? Anh em nghĩ sao về Bitcoin và thị trường Crypto dưới tác động của Chiến tranh và Lạm phát như hiện tại?
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào trong bài, anh em đừng quên Comment ngay bên dưới để mình cùng nhau thảo luận nhé!