Bài học kinh nghiệm sau sự sụp đổ của FTX
Thảm họa FTX đã tác động liên hoàn lên toàn bộ thị trường. Nhưng nghĩ theo hướng tích cực, chúng ta có thể rút ra bài học kinh nghiệm thông qua thất bại của FTX.
Chỉ vài tháng sau sự sụp đổ của LUNA, chúng ta lại tiếp tục chứng kiến một dự án lớn khác ngã xuống. Đặc biệt hơn, nhân vật chính lần này lại là Sam Bankman-Fried, vốn từng là thần tượng và nguồn cảm hứng của nhiều người.
Cách đây vài tuần, nhà sáng lập FTX vẫn được coi là vị anh hùng giải cứu thị trường tiền mã hóa và là hy vọng cuối cùng của những công ty trên bờ vực phá sản. Thế mà đế chế hàng tỷ USD này đã sụp đổ gần như hoàn toàn trong vỏn vẹn 6 ngày. Bankman-Fried nếu nói nhẹ thì là một nhà điều hành thiếu kinh nghiệm. Một số người nặng lời hơn thậm chí chỉ trích anh là kẻ lừa đảo.
Cú sập của FTX cuốn theo tài sản của nhiều người, từ nhà đầu tư nhỏ lẻ cho đến các quỹ lớn có tiền gửi trên sàn giao dịch. Ngoài 134 công ty liên kết trực tiếp với FTX, một số dự án thậm chí nối gót FTX nộp đơn phá sản. Không cần bàn cãi, hiệu ứng domino của vụ việc vô cùng lớn. Tuy nhiên, đây có thể là cơ hội để chúng ta đúc kết những bài học xương máu trong đầu tư.
“Too big to fail”
“Đại án FTX” lần này có lẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với LUNA trước đó. Trên thực tế, FTX có quy mô lớn hơn và liên quan đến nhiều thành phần hơn trong thị trường tiền mã hóa. Từ nhà đầu tư nhỏ lẻ, người dùng sàn FTX cho tới các quỹ đầu tư cũng như dự án khác đều chịu ảnh hưởng đáng kể. Do đó, việc này có thể tạo hiệu ứng domino lên toàn thị trường.
Tác động đáng sợ là vậy nhưng liệu có mấy ai ngờ được đế chế hùng mạnh một thời của Sam Bankman-Fried sẽ có kết cục như hôm nay? Và đó là bài học mình muốn nhắc đến bên cạnh những kinh nghiệm cơ bản như phân bổ vốn, không bỏ trứng cùng một rổ và có những cú "bắt dao" sai lầm.
Giới tài chính và kinh doanh có một thuật ngữ nổi tiếng là “Too big to fail”, tức “Quá lớn để sụp đổ”. Đây cũng là tựa của một bộ phim lấy đề tài khủng hoảng tài chính năm 2008. Bộ phim mở ra góc nhìn về hậu quả những công ty trong lĩnh vực tài chính gây ra lúc bấy giờ và cách họ đối phó với khủng hoảng.
FTX là một trong những sàn giao dịch thuộc top đầu trong thị trường tiền mã hóa. Xét về quy mô người dùng, FTX chỉ xếp sau Binance. Bankman-Fried cũng là cái tên cứng cựa trong giới. Theo Forbes, Bankman-Fried được công nhận là người giàu nhất thế giới dưới 30 tuổi.
Bên cạnh đó, nhà sáng lập FTX có mạng lưới quan hệ lớn, đặc biệt là liên quan đến chính trị. Những điều này cho thấy FTX là thế lực, là đế chế lớn trong thị trường này. Chính vì vậy, rất nhiều người cho rằng FTX không bao giờ có thể sụp đổ.
Trước khi vụ việc vỡ lở, một lượng lớn FTT trị giá khoảng 500 triệu USD được bán trên sàn Binance. Khi nghi vấn được đặt ra, nhiều người hỏi ngược lại: “Một người như Sam Bankman-Fried mà không có nổi 500 triệu USD hay sao?” Và đúng là Bankman-Fried không có nổi 500 triệu USD thật. Forbes ước tính một nửa tài sản của Bankman-Fried đến từ FTX, mà tài sản của FTX lại phụ thuộc vào những token kém thanh khoản cùng các khoản vay thế chấp.
Quay lại câu chuyện, vấn đề là hầu như mọi người đều nghĩ rằng FTX “too big to fail” - quá lớn để có thể sụp đổ. Đáng tiếc là họ đã hiểu sai ý nghĩa của thuật ngữ này và áp đặt suy nghĩ “thứ gì càng lớn thì càng khó sụp đổ” cho mọi tình huống. LUNA chính là ví dụ điển hình. Vào khoảng cuối năm 2021-đầu năm 2022, LUNA nổi lên như một dự án tiềm năng với vốn hóa lớn, tính ổn định cao và phí giao dịch thấp.
Cuối cùng, sự thật chứng minh không gì không thể xảy ra. Đế chế Terra hàng tỷ USD nhanh chóng giảm về 0 chỉ trong một tuần. Đầu tư trong lĩnh vực tài chính vốn đã khó đoán nhưng crypto lại càng non trẻ và tiềm ẩn nhiều yếu tố biến động hơn. Do đó, chúng ta luôn phải chuẩn bị tâm thế cho mọi tình huống xấu nhất.
Thực ra, khi bảng cân đối kế toán của Alameda Research bị lộ, mình vẫn không chắc chắn 100% FTX sẽ đổ vỡ, đặc biệt là trong vòng chưa đầy một tuần như thế.
Tuy nhiên, “Too big to fail” không có nghĩa là một công ty lớn sẽ không bao giờ sụp đổ. “Too big to fail” ám chỉ một công ty có quy mô lớn và có vị thế vững mạnh. Một khi sụp đổ, công ty đó sẽ trở thành quân cờ domino khổng lồ xô đổ hàng loạt nhân tố khác trong thị trường.
Nhìn lại quá khứ, chúng ta từng chứng kiến nhiều đế chế lớn một thời ngã xuống. Chẳng hạn, Lehman Brothers được thành lập từ năm 1847 và từng là ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 tại Mỹ. Vết thương Lehman Brothers để lại đã góp phần gây ra khủng hoảng tài chính năm 2008. Huyền thoại Nokia 150 tuổi cũng không nằm ngoài số phận. Yahoo, mạng xã hội từng làm mưa làm gió thế hệ 8x, đã chết dần dưới những đối thủ khác.
Vì vậy, bài học đầu tiên không chỉ dành cho những nhà đầu tư độc lập mà còn dành cho quỹ đầu tư: Mọi chuyện luôn luôn có thể xảy ra. Công ty lớn đến đâu cũng có thể phá sản.
Đọc thêm Hành trình phá sản của FTX.
Câu chuyện niềm tin
Bài học thứ hai thực ra có chút liên quan với bài học đầu tiên. Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Tại sao nhiều người lại nghĩ rằng FTX khó có thể sụp đổ được?
Suy cho cùng, bản chất vấn đề nằm ở niềm tin của chúng ta. Nếu bạn trót đặt lòng tin vào sai người và mất tiền, bạn cũng không cần quá đau khổ hay dằn vặt bản thân. Đây có thể là bài học đắt giá cho cả bạn, cả mình và nhiều người khác trong chặng đường tương lai.
Không chỉ nhà đầu tư bình thường, các trader dày dặn kinh nghiệm cũng khó lòng thoát khỏi bẫy tâm lý này. Ngay cả những quỹ đầu tư lớn như Multicoin Capital đã bày tỏ quan điểm FTT không thể thất bại sau khi Coindesk rò rỉ bảng cân đối kế toán. Sau khi FTX nộp đơn phá sản, Kyle Samani, nhà sáng lập Multicoin, đã lẳng lặng xóa những dòng tweet bênh vực FTX trước đây.
Hầu hết mọi người coi Bankman-Fried như một người trẻ tài năng, có nhiều tiền và mối quan hệ xung quanh, thậm chí liên quan đến giới chính trị Mỹ. Bankman-Fried đã tiêu tốn khoảng 400 triệu USD để ủng hộ đảng Dân Chủ trong cuộc đua bầu cử Mỹ. Sở hữu thế lực hùng hậu sau lưng như vậy, Bankman-Fried ắt hẳn sẽ vượt qua được biến cố lần này? Kết quả là Bankman-Fried không thể làm gì khác ngoài đi đến bước nộp đơn phá sản.
Trong đầu tư, niềm tin có lẽ chiếm khoảng 70-80% trong những yếu tố quyết định giá của một đồng coin hay token. FTT cũng không ngoại lệ. Trước đây, khi mình mua FTT, mình tin rằng Bankman-Fried là một người giỏi, FTX là sàn giao dịch đang phát triển và khả năng ứng dụng của FTT trong tương lai sẽ vô cùng rộng mở.
Hoặc với Bitcoin, chúng ta mua Bitcoin không hẳn để thanh toán hàng hóa (ở những nơi đã chấp nhận phương tiện thanh toán này). Chúng ta mua vì tin rằng Bitcoin sẽ được nhiều người chú ý hơn và từ đó tăng giá mạnh trong tương lai.
Như vậy, giá của một tài sản tạo thành từ hai yếu tố: niềm tin và giá trị. Nếu niềm tin quá lớn so với giá trị, đây có thể là bong bóng. Và đặt trường hợp niềm tin đổ vỡ, quả bong bóng đó sẽ nổ rất to và rất nhanh.
YouTuber nổi tiếng Nas Daily từng có video lên tới hàng triệu lượt xem bày tỏ sự tôn trọng với Bankman-Fried. Tuy nhiên, sau vụ việc, anh đã quyết định xóa video đó và làm video mới thể hiện quan điểm ngược lại. Nas đã mất lòng tin với Bankman-Fried. Bạn của Nas đã mất đi phần quỹ nghỉ hưu khi gửi tiền trên sàn FTX.
Từ thần tượng của nhiều người, được giới truyền thông ca ngợi là “thần đồng” crypto, giờ đây những từ dùng để miêu tả Bankman-Fried chỉ toàn là tiêu cực. Giá của tài sản được cấu thành bởi niềm tin. Khi niềm tin đổ vỡ, người người quay lưng, giá FTT bắt đầu tụt dốc không phanh. Khi FTT sập mạnh, Bankman-Fried đã cố gắng huy động thêm vốn nhưng bất thành. Nếu là trước đây, Bankman-Fried có thể dễ dàng kêu gọi hàng triệu, hàng tỷ USD. Xét tình hình hiện tại, mấy ai còn muốn bước vào thương vụ của FTX với hàng tá vấn đề như thế.
Tổng kết
Những gì mình muốn nhắn gửi hôm nay là hãy tỉnh táo và chuẩn bị tinh thần cho mọi biến cố. Với các nhà đầu tư, bạn hoàn toàn có thể đặt lòng tin vào sai chỗ. Chúng ta dù sao vẫn là con người và đôi khi có thể mắc sai lầm. Tuy nhiên, đừng để bản thân lạc lối trong niềm tin mù quáng ấy. Hãy cẩn trọng và dừng lại đúng lúc để bảo vệ bản thân. Với các dự án, hãy ghi nhớ niềm tin của cộng đồng là yếu tố then chốt quyết định tương lai sản phẩm. Khi sự tin tưởng tan vỡ, tình thế sẽ rất khó lòng cứu vãn.
Đọc thêm: Cú lật mặt của Sam Bankman-Fried.