BNB Chain (Binance Smart Chain) là gì? Tổng quan về BNB Chain
Thời gian qua, cùng tồn tại song song với nền tài chính truyền thống, không gian crypto ngày càng rộng mở và bùng nổ mạnh mẽ. Cùng với đó là sự lớn mạnh của các blockchain khi trở thành những mảnh ghép vững chắc tạo nên sự thịnh vượng của toàn bộ ngành công nghiệp tiền điện tử. Trong đó phải kể đến Binance Smart Chain - nền tảng ghi nhận sự tăng trưởng vô cùng ấn tượng kể từ khi ra mắt cho đến thời điểm hiện tại. Đồng thời cũng góp phần không nhỏ đến đà phát triển không ngừng của Binance Coin (BNB) - đồng coin lớn thứ 3 tính theo vốn hóa thị trường, chỉ xếp sau Bitcoin và Ethereum.
Vậy bạn có biết Binance Smart Chain (BNB Chain) là gì? Nền tảng blockchain này có đặc điểm gì nổi trội và cách thức hoạt động ra sao? Trong bài viết này, MarginATM sẽ cùng bạn tìm hiểu về Binance Smart Chain với các nội dung sau:
- Binance Smart Chain (BNB Chain) là gì?
- Sự khác biệt giữa Binance Smart Chain và Binance Chain
- Nguyên lý hoạt động của Binance Smart Chain
- Đặc điểm nổi bật của Binance Smart Chain
- Lộ trình phát triển và tầm nhìn tương lai của Binance Smart Chain
- Các dự án nổi bật trên Binance Smart Chain
- Cơ hội kiếm tiền và đầu tư vào Binance Smart Chain hay không?
BNB Chain (Binance Smart Chain) là gì?
Binance Smart Chain (BSC) là một nền tảng blockchain hoạt động dựa trên cơ chế máy ảo Ethereum (EVM), được hậu thuẫn và phát triển bởi Binance - sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới.
Nhờ tính năng tương thích với máy ảo EVM và việc tạo ra các hợp đồng thông minh, blockchain này hỗ trợ giải pháp cross-chain (chuỗi chéo) nhằm cho phép luân chuyển các tài sản trên cả ba mạng lưới Binance Smart Chain, Binance Chain và Ethereum.
Đặc biệt, nền tảng này được xem như là nhân bản của Ethereum, tồn tại song song và vận hành một cách độc lập với Binance Chain thông qua sự kết hợp giữa hai thuật toán bằng chứng cổ phần (Proof of Stake) và thuật toán bằng chứng ủy quyền (Proof of Authority).
Hơn nữa, Binance Smart Chain không tạo ra một token mới mà nó sử dụng luôn Binance Coin (BNB) làm native token. Điều này đã góp phần thúc đẩy đáng kể tính ứng dụng rộng rãi của token này trong không gian DeFi.
Sự khác biệt giữa Binance Smart Chain (BSC) và Binance Chain (BC)
Đều được thiết lập bởi “ông lớn” Binance, cả Binance Smart Chain (BEP20) và Binance Chain (BEP2) đều hoạt động song song, độc lập với nhau và có chung native token là Binance Coin (BNB).
Tuy nhiên, nhiều người vẫn thường nhầm lẫn về hai blockchain này mặc dù chúng có một số điểm khác biệt như sau:
- Binance Chain BNB (BEP-2): Được Binance ra mắt vào tháng 4 năm 2019. Mục tiêu trọng tâm của blockchain này là tạo điều kiện giao dịch nhanh chóng với hình thức phi tập trung, không chịu sự giám sát của bất kỳ bên thứ 3 trung gian nào. Binance DEX là dApp lớn nhất trên Binance Chain và là một trong những sàn giao dịch phi tập trung thân thiện nhất dành cho người dùng đến thời điểm hiện tại.
- Binance Smart Chain (BEP-20): Được biết đến là một blockchain cải tiến hơn nhiều so với phiên bản Binance Chain gốc và được vận hành một cách độc lập. Điểm khác biệt của BSC là có thể tạo ra các hợp đồng thông minh và có khả năng tương thích với máy ảo Ethereum (EVM). Mục tiêu hoạt động của BSC là giữ nguyên thông lượng cao trong quá trình giao dịch diễn ra trên Binance Chain, đồng thời có thể tích hợp các hợp đồng thông minh vào hệ sinh thái của Binance Chain.
Nguyên lý hoạt động của Binance Smart Chain
Binance Smart Chain được vận hành dựa trên thuật toán Proof of Stake Authority (PoSA), là mô hình kết hợp giữa Proof of Authority và Proof of Stake với thời gian khối (block time) xấp xỉ khoảng 3 giây. Trong hệ sinh thái Binance Smart Chain, người xác thực (validator) của nền tảng đã stake một lượng BNB nhất định và sẽ được nhận lại phí giao dịch nếu cung cấp một khối hợp lệ trên mạng lưới.
Trên thực tế Binance Smart Chain được xây dựng nhằm hoạt động đồng bộ cùng Binance Chain và được tích hợp sẵn khả năng tương thích chuỗi chéo giữa 2 blockchain này. Với sự kết hợp hoàn hảo giữa tốc độ giao dịch nhanh chóng của BC và những cải tiến trong chức năng hợp đồng thông minh của phiên bản mới, nền tảng này cho phép người dùng di chuyển các tài sản kỹ thuật số từ blockchain này sang các blockchain khác một cách liền mạch chỉ trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, các token BEP-2 và BEP-8 của Binance Chain cũng có thể hoán đổi với token BEP-20 của Binance Smart Chain. Nhờ tính năng tương thích với máy ảo Ethereum, những người tạo dApp trên các blockchain khác có thể chuyển EVM sang Binance Smart Chain một cách dễ dàng và thuận tiện.
Với phương thức hoạt động tối ưu, Binance Smart Chain dường như thực sự trở nên thu hút đối với các nhà phát triển dApp khi mạng lưới Ethereum liên tục được mở rộng, song song cùng đó là phí gas cũng ngày càng tăng cao. Mặc dù nền tảng này đã thực hiện kế hoạch chuyển đổi sang mô hình PoS trong bản Ethereum 2.0 nhằm thúc đẩy việc giảm bớt mức phí giao dịch, nhưng có lẽ đây vẫn là trở ngại đối với người dùng.
Đặc điểm nổi bật của Binance Smart Chain
Dù ra mắt sau nhiều blockchain khác nhưng Binance Smart Chain vẫn sở hữu những ưu điểm nổi trội có thể thu hút được nhiều nhà phát triển cũng như lượng người dùng khủng kể từ ngày được thiết lập cho đến thời điểm hiện tại. Cụ thể, những tính năng đặc biệt của BSC là:
- Là blockchain được vận hành một cách độc lập, Binance Smart Chain cung cấp tính bảo mật cao và sự an toàn trong quá trình giao dịch và chuyển đổi tài sản của người dùng cũng như các nhà phát triển.
- Các block trên BSC được tạo ra trong thời gian ngắn chỉ khoảng 3 giây nhờ hiệu suất mạng lưới cao.
- Được tích hợp khả năng tương thích với EVM, BSC có thể hỗ trợ được tất cả công cụ hiện có của nền tảng Ethereum với thời gian giao dịch nhanh đáng kể và mức phí rẻ hơn.
- Binance Smart Chain hoạt động đồng bộ với Binance Chain, có thể chuyển đổi tài sản giữa 2 blockchain và có khả năng liên lạc liên chain đồng thời mở rộng quy mô của các dApp, giúp tăng năng suất hoạt động tốt hơn.
- Với khả năng quản trị on-chain của Smart Chain thông qua cơ chế đồng thuận PoS và việc sở hữu 21 nhà xác thực khác nhau, BSC cho phép các giao dịch dưới hình thức phi tập trung diễn ra hiệu quả trên nền tảng và tạo cơ hội tiếp cận hệ sinh thái dễ dàng cho những người tham gia.
- Mạng lưới BSC có thể phục vụ cho hầu hết các lập trình viên, đặc biệt là các nhà phát triển muốn tạo ra các dApp ứng dụng tính năng hợp đồng thông minh vào các tài sản kỹ thuật số.
Lộ trình phát triển và tầm nhìn của Binance Smart Chain
Được ra mắt vào năm 2020, đội ngũ phát triển Binance Smart Chain đã vạch ra lộ trình phát triển cùng tầm nhìn và những mục tiêu trong thời gian dài hạn một cách rõ ràng. Trong thời gian qua, blockchain này cũng đã đạt được một số cột mốc quan trọng trong roadmap. Hãy cùng điểm qua những kế hoạch đưa ra và thành tựu đã của Binance Smart Chain kể từ khi trình làng nhé!
Lộ trình phát triển trong năm 2020 và 2021
Giai đoạn 4/2020 - 9/2020
Đây là khoảng thời gian Binance công bố whitepaper cho Binance Smart Chain với những cải tiến so với Binance Chain đã ra mắt trước đó. Ở thời điểm này, nền tảng này cũng đã ra mắt Testnet thông qua việc hợp tác với ChainLink, Ankr, Band Protocol,… Đến tháng 9/2020, BSC chính thức vận hành Mainnet cùng với ứng dụng của BNB.
Giai đoạn 9/2020 - 3/2021
Trong giai đoạn này, dòng tiền ở DeFi chủ yếu tập trung vào blockchain Ethereum. Dường như các ứng dụng DeFi ở Binance Smart Chain vẫn còn rất “trống”. Tuy nhiên, BSC nhanh chóng thu hút được nhiều nhà phát triển tiềm năng khi tung ra các chiến lược thông minh bao gồm chương trình Most Valuable Builder, Build Reward Program với tổng giải thưởng lên đến hàng triệu đô.
Vào khoảng tháng 2/2021, giai đoạn mà phí giao dịch trên Ethereum tăng cao đáng kể, trong khi đó hệ sinh thái Binance Smart Chain đã hình thành được DeFi Stack rõ ràng. Chính điều này đã kéo dòng tiền lớn đổ về thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới Binance Smart Chain. Từ đó tổng giá trị bị khóa trên nền tảng (TVL) trong BSC DeFi đã tăng trưởng ấn tượng và cán mốc 40 tỷ đô.
Giai đoạn 3/2021 - 6/2021
Tháng 3/2021 là thời điểm các ứng dụng DeFi của Binance Smart Chain phát triển mạnh mẽ, đặc biệt phải kể đến là PancakeSwap. Xuất phát điểm là một AMM và là sàn Dex, PancakeSwap đã trở thành trung tâm thanh khoản cho cả hệ sinh thái BSC và còn mở rộng sang nhiều mảng khác.
Cho đến tháng 6/2021, DeFi ở BSC đã có phần bão hòa, trong khi đó “hot trend” NFT đang bùng nổ trên thị trường tiền điện tử. Đây cũng là giai đoạn Binance thông báo về kế hoạch tạo ra NFT Marketplace. Vào ngày 24/6, nền tảng đã chính thức ra mắt nền tảng này và thu hút được sự chú ý động đảo của cộng đồng.
Giai đoạn 6/2021 - 9/2021
Hệ sinh thái Binance Smart Chai duy trì trạng thái bình lặng cho đến cuối tháng 7, lúc này xu hướng GameFi đã bùng nổ với mô hình Play-to-earn vô cùng hấp dẫn đối với người dùng. Đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa trend NFT và DeFi giúp người tham gia có thể vừa giải trí và vừa thu lại khoản lợi nhuận nhất định.
Dẫn đầu “hot trend” này là tựa game tỷ đô Axie Infinity được vận hành trên mạng lưới Ethereum. Hơn nữa, chỉ trong thời gian ngắn chỉ chưa đầy 1 tuần, hệ sinh thái BSC đã nổi lên trên thị trường crypto về mảng GameFi và nhận được sự chú ý đặc biệt từ cộng đồng.
Cho đến cuối tháng 8, một hot trend khác lại xuất hiện làm khuynh đảo cả thị trường đó là Metaverse. Đặc biệt lĩnh vực này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ CEO Binance - Changpeng Zhao (CZ). Kể từ đó các dự án GameFi cũng dần lấn sân và tạo ra vũ trụ Metaverse cho riêng mình.
Tuy nhiên, xu hướng này cũng không mang lại quá nhiều thay đổi tích cực cho hệ BSC. Tính đến thời điểm cuối tháng 9, hệ Binance Smart Chain dường như vẫn còn chững lại so với mục tiêu đưa ra và kỳ vọng của cộng đồng BSC.
Giai đoạn tháng 9/2021 - 12/2021
Trong giai đoạn này, “ông lớn” Binance đã liên tục tung ra nhiều chương trình nhằm thúc đẩy quá trình tăng trưởng của hệ sinh thái BSC, tuy nhiên có vẻ như không mang lại được nhiều thành công. Để cạnh tranh tích cực với các hệ sinh thái khác, Binance đã tiếp tục ra mắt chương trình DeFi Incentive Program trị giá 1 tỷ đô và phát triển blockchain BSC là một trong những mục tiêu mà quỹ hướng đến.
Trong gói 1 tỷ đô này có khoảng 500 triệu đô dành cho chương trình đầu tư, 300 triệu đô phát triển Chương trình Incubator (ươm mầm), 100 triệu đô cho Liquidity Mining Incentive và Phát triển tài năng 100 triệu đô. Đây cũng là giai đoạn Binance nỗ lực để tung ra các trend mới trên thị trường crypto như Initial Game Offering, Fan token platform.
Ngoài ra, về khía cạnh blockchain, Binance đã triển khai thành công cơ chế đốt coin BEP95. Quá trình này cho phép đốt một lượng BNB nhất định trong quá trình giao dịch, giảm nguồn cung lưu thông của token này và thúc đẩy mức giá tăng lên.
Những cột mốc đã đạt được trong năm 2020 và 2021
- Tháng 12/2020, Trust Wallet cho ra mắt token TWT trên mạng lưới BSC và tung ra đợt Airdrop với phần thưởng token cho số lượng người dùng khủng của Binance. Tổng số giao dịch liên quan đến TWT được ghi nhận con số cao kỷ lục là 470,000.
- Tháng 1/2021, Binance Launchpool đã phát hành token BEP20 - BTCST, đại diện cho thu nhập của máy đào BTC. Nền tảng chứng kiến khoảng 1.255 tỷ đô tiền gửi vào, bao gồm 10.43 triệu BNB, 18,600 Bitcoin và 186 triệu BUSD được sử dụng để staking và nhận về BTCST.
- Cho đến giai đoạn tháng 1/2021, BSC đã xây dựng thành công cross-chain cho 42 dự án trong hệ sinh thái này và tổng giá trị của các tài sản này cán mốc 1.37 tỷ đô.
- Hầu như các dự án vận hành trên BSC đã bắt đầu hình thành một hệ sinh thái chu trình khép kín. Trong đó bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng như: Điều này bao gồm cơ sở hạ tầng như sản phẩm ví, Oracles, bảo hiểm, thanh toán, công cụ phát triển, công cụ cung cấp dữ liệu, NFT và thị trường giao dịch. Ngoài ra nền tảng này còn sở hữu hơn 100 dự án với gần 60 trong số đó ghi nhận lượng người dùng và lượng giao dịch lớn.
- Có khoảng 850,975 địa chỉ hoạt động trên BSC, 473,000 giao dịch diễn ra mỗi ngày. Con số này gần bằng 40% số lượng trên blockchain Ethereum, tuy nhiên phí gas giao dịch chỉ khoảng $0.07, chỉ khoảng 2-3% so với phí gas của Ethereum.
Tầm nhìn dài hạn của Binance Smart Chain trong tương lai
Từ những thành tựu ấn tượng đạt được trong thời gian qua, đội ngũ các nhà phát triển Binance Smart Chain không ngừng nỗ lực để tạo nên sự bùng nổ hơn nữa cho nền tảng này. Có lẽ điều này phần nào được thể hiện trong tầm nhìn rõ ràng được đưa ra cho tương lai sắp tới của BSC.
Cụ thể, các nhà phát triển đã tập trung quan tâm đến những nhóm ngành với các dự án tiềm năng bao gồm: Algorithms, Aggregation và Integration, Cross-chain và Multichain, Game, Community và Social Tokens, Synthetics, Institutional DeFi và Infrastructure và Tools.
Đồng thời ngày càng có nhiều ý tưởng đưa ra về Web 3.0, mô hình mới nhằm kết nối giữa không gian kỹ thuật số và thế giới thực thông qua việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Dường như nền tảng BSC cũng đang chú ý đặc biệt đến “làn gió mới” của thị trường crypto. Hy vọng trong tương lai, Binance Smart Chain sẽ còn bùng nổ và được ứng dụng rộng rãi hơn nữa.
Các dự án nổi bật trên Binance Smart Chain
Thông qua việc tích hợp cross-chain và tương thích với máy ảo EVM mà Binance Smart Chain dường như trở thành giải pháp tối ưu nhất giúp tiết kiệm thời gian giao dịch và giảm thiểu chi phí cho quá trình này.
Ngoài ra, nền tảng này còn kế thừa và mở rộng quy mô các dApp hiện có trên Ethereum. Binance Smart Chain sẽ kết hợp các tính năng của Dex với chức năng hợp đồng thông minh nhằm mục đích thúc đẩy các nhà phát triển có thể lập trình và tương tác dễ dàng trên blockchain.
Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể về tổng số lượng các dự án được thiết lập trên nền tảng BSC bởi dường như mỗi ngày đều xuất hiện thêm một dự án mới. Theo ước tính, con số đó là khoảng 450 dự án, trong đó bao gồm:
- DeFi (DEX & Liquidity): ~150 dự án
- NFT: ~ 80 dự án
- Lending: ~25 dự án
- IDO Platform: ~15 dự án
Dưới đây là một số dự án nổi bật trong hệ sinh thái Binance Smart Chain:
Oracle
Oracle là hệ thống cung cấp dữ liệu lớn hàng đầu thế giới, quản trị dữ liệu theo thời gian thực cho các blockchain và smart contract. Thông qua Oracle, blockchain và smart contract (on-chain) có khả năng tương tác với dữ liệu bên ngoài (off-chain).
3 dự án Oracle nổi bật trên Binance Smart Chain là:
- Chainlink: Dự án Oracle hàng đầu thị trường tích hợp thành công với mạng lưới Binance Smart Chain.
- Band Protocol: Là đối thủ đáng gờm nhất của Chainlink trong mảng Oracle nếu so sánh về vốn hóa thị trường của hai nền tảng này. Gần đây, Band Protocol cũng đã thông báo tích hợp với Binance Smart Chain.
- Gravity: Đây là một Oracle Network hỗ trợ cross-chain, đã tích hợp thành công Binance Smart Chain.
AMM
AMM (Automated market maker) là giao thức tạo lập thị trường tự động, sử dụng các thuật toán để tính toán giá token ngay tại thời điểm mua. Trong AMM, không có khái niệm người bán, thay vào đó smart contract sẽ đóng vai trò là bên trung gian. Người bán sẽ gửi tài sản của mình vào liquidity pool (bể thanh khoản), sau đó người mua sẽ tiến hành swap tài sản mà họ đang có với tài sản trong pool thông qua smart contract.
3 dự án AMM nổi bật trên Binance Smart Chain là:
- Bounce: Nền tảng Swap Token tương tự Balancer.
- PancakeSwap: AMM có mô hình tương tự Uniswap, hoạt động với cơ chế thúc đẩy người dùng bằng Liquidity Mining.
- DODO: Sự kết hợp hoàn hảo giữa AMM và Oracle tạo thành một Dex hoàn chỉnh nhằm giải quyết các rủi ro trong quá trình giao dịch. DODO cũng đã thông báo tích hợp với Binance Smart Chain.
Derivative
Derivative (hay còn gọi là phái sinh) là những sản phẩm được tạo ra dựa trên giá trị của tài sản cơ sở. Nền tảng này cho phép nhà đầu tư giao dịch số lượng sản phẩm lớn mà không cần phải sở hữu trực tiếp nó. Mức lợi nhuận thu được sẽ được tạo ra dựa trên sự chênh lệch và biến động giá của tài sản cơ sở đó.
2 dự án Derivative nổi bật trên Binance Smart Chain là:
- MCDEX: Sàn giao dịch phái sinh phi tập trung, được vận hành trên mạng lưới Ethereum và có kế hoạch hỗ trợ thêm cho nền tảng Binance Smart Chain.
- Hedget: Một giao thức cho phép người dùng tạo các quyền chọn dựa trên tài sản cơ bản. Sau khi bỏ phiếu thành công, Hedget đã tiến hành tích hợp thêm BSC.
Synthetic
Synthetic (Synthetic Asset) hay còn gọi là tài sản tổng hợp. Đây là một loại hình phái sinh mới gồm các token đại diện kỹ thuật số và các hợp đồng tài chính cung cấp khả năng tiếp xúc dễ dàng đối với tài sản cơ bản hoặc vị thế tài chính.
2 dự án Synthetic nổi bật trên Binance Smart Chain là:
- Spartan Protocol: là một clone của Synthetic trên nền tảng Binance Smart Chain.
- Linear Finance: là một nền tảng cho phép tạo, quản lý và giao dịch các Synthetics Assets. Dự án này cũng đang tích hợp thêm Binance Smart Chain.
Lending
Lending (cho vay) nghĩa là người dùng sử dụng các tài sản hoặc tiền của họ đem đi cho người khác vay (Borrowers) với một tỷ lệ lãi suất nhất định được đưa ra trong thỏa thuận ban đầu giữa hai bên. Sau 1 khoảng thời gian, chủ sở hữu tài sản sẽ nhận lại cả vốn gốc và khoản tiền lãi suất. Người đi vay có thể là những người dùng khác hay các tổ chức chẳng hạn như các sàn giao dịch.
2 dự án Lending nổi bật trên Binance Smart Chain là:
- Fortube: Một Lending Platform (nền tảng cho vay) được phát triển bởi The Force Protocol. Cho đến hiện tại, Fortube là Platform sở hữu TVL cao nhất trên nền Binance Smart Chain (theo thống kê trên DeFiStation).
- Hard Protocol: Một dApp chuyên về mảng Lending được phát triển bởi Kava labs.
DeFi Ecosystem
Một dự án lớn được cộng hưởng từ nhiều sản phẩm nhỏ, xét về các dự án nổi bật trong phân khúc này trên Binance Smart Chain thì có thể kể đến những cái tên như là Venus Protocol, Alpha Finance Lab, Kava,…
Cơ hội đầu tư và kiếm tiền với Binance Smart Chain
Đầu tư vào token
Theo dữ liệu từ CoinMarketCap cho thấy số lượng token thuộc hệ sinh thái BSC là rất lớn, lên đến 200 token và thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên điểm vào ở hiện tại dường như không tốt bằng thời điểm đầu năm 2021. Nếu bạn là một nhà đầu tư dài hạn thì đây vẫn là mức giá đã thấp hơn rất nhiều so với trước lúc thị trường sập ngày 19/5/2021 và 4/12/2021. Chính vì vậy mà vị thế vào ở hiện tại tốt hơn rất nhiều so với đầu tháng 5/2021.
Theo quan điểm cá nhân mình, khi tìm kiếm đầu tư các token DeFi hay NFT trên Binance Smart Chain, bạn nên lựa chọn những dự án thuộc top đầu, có tiềm lực tài chính, dàn backer với các tên tuổi lớn cùng đội ngũ các nhà phát triển tiềm năng góp phần thu hút được lượng người dùng lớn và sự chú ý của các nhà đầu tư.
Một số dự án tiêu biểu có thể kế đến như là PancakeSwap (CAKE), 1Inch Exchange (1INCH), Venus (XVS), Alpha Finance (ALPHA), BakerySwap (BAKE), Dego Finance (DEGO).
Tham gia Farming, Staking và Lending
Người dùng có thể sử dụng hầu hết các token thuộc hệ sinh thái Binance Smart Chain để tiến hành Farm, Stake hay Lend để kiếm về những phần thưởng giá trị. Vì cơ chế của các nền tảng này khá giống nhau nên bạn chỉ cần biết cách sử dụng ví non-custodial (ví không lưu ký) để deposit tài sản của mình vào các Vault hoặc Pool của dự án.
Một số nền tảng phổ biến bạn có thể tham khảo như là:
- Farming: PancakeSwap, BakerySwap,…
- Lending: Venus, Cream Finance, ForTube, Alpha Finance,…
- Yield Aggregator: Beefy Finance, AutoFarm, Value DeFi, Acryptos,…
Tìm hiểu thêm Hướng dẫn sử dụng Binance Smart Chain (BSC) từ A-Z.
Tổng kết
BNB Chain (Binance Smart Chain) được vận hành từ sự kế thừa những ưu điểm nổi trội của Binance Chain và kết hợp thêm nhiều cải tiến vượt bậc. Nhờ tính năng tích hợp với máy ảo Ethereum và có thể tạo ra các hợp đồng thông minh, Binance Smart Chain không chỉ thúc đẩy quá trình giao dịch diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn và giảm thiểu chi phí mà còn cung cấp giải pháp cross-chain liên kết nhiều blockchain khác nhau. Từ đó phát triển hệ sinh thái BSC rộng lớn với các dự án tiềm năng, hứa hẹn sẽ tiếp tục bùng nổ trong tương lai.