Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Thị trường crypto sẽ ra sao khi Credit Suisse và Deutsche Bank sụp đổ?

Credit Suisse và Deutsche gần đây trở thành mối quan tâm của giới tài chính nói chung và crypto nói riêng. Nhiều người lo ngại thị trường sẽ bị tổn hại nặng nề nếu hai ngân hàng hàng đầu châu Âu phá sản.
Avatar
uyntran.web3
Published Oct 04 2022
Updated Jan 15 2024
7 min read
thumbnail

Credit Suisse và Deutsche gần đây trở thành mối quan tâm của giới tài chính nói chung và crypto nói riêng. Nhiều người lo ngại thị trường sẽ bị tổn hại nặng nề nếu hai ngân hàng hàng đầu châu Âu phá sản.

Tuần trước, Ulrich Koerner, giám đốc Credit Suisse, đã gửi văn bản nội bộ trấn an nhân viên. Tuy nhiên, ngày 30/9, văn bản bị rò rỉ và ngay lập tức nhận phản ứng tiêu cực.

Theo Reuters, Koerner tuyên bố đây là “thời khắc quan trọng của toàn thể đội ngũ Credit Suisse” và là “giai đoạn đầy thử thách”. Mặt khác, ông khẳng định ngân hàng đang tái định hình để hướng đến tương lai bền vững dài hạn. Ngân hàng cũng sẽ công bố chiến lược mới vào ngày 27/10.

Vấn đề là ngân hàng Thụy Sĩ này cần có lượng vốn đầu tư lớn để tái thiết lại công ty. Với tình trạng hiện tại, điều này dường như không quá khả thi với Credit Suisse.

Nguy cơ phá sản

Ngày 3/10, giá cổ phiếu Credit Suisse (CSGN) giảm 11% khi thị trường mở cửa và thấp hơn 59% kể từ đầu năm. Đáng chú ý, từ mức đỉnh năm 2007, giá CSGN đã liên tục lao dốc 91%.  

Việc giá CSGN rơi trong ngày 3/10 có thể do chính Koerner châm ngòi. Trong thư gửi nhân viên, Koerner lập luận phần lớn mối quan tâm của giới truyền thông và thị trường không phải là tín hiệu.

“Tôi biết không dễ để giữ tỉnh táo giữa vô vàn câu chuyện trên phương tiện truyền thông, đặc biệt là khi có quá nhiều tuyên bố sai lệch. Tôi hy vọng bạn không nhầm lẫn giữa hiệu suất cổ phiếu với nguồn vốn và thanh khoản mạnh mẽ của chúng tôi”, Koerner nói.

Đáp lại, Spencer Jakab, biên tập viên của Wall Street Journal, đã so sánh sự tương đồng trong lối phát ngôn đầy tự tin của Credit Suisse và Lehman Brothers trước khi sụp đổ năm 2008.

Theo Jakab, cả hai giám đốc ngân hàng đều sai lầm khi đánh giá thấp thị trường. Ông cho biết quan điểm của thị trường có thể phản ánh tương lai trong giai đoạn khắc nghiệt. 

Ngày 1/10, IP Banking Research công bố báo cáo (tại đây) cho thấy cả Credit Suisse và Deutsche Bank hiện giao dịch ở mức định giá thấp. Deutsche Bank có tỷ lệ PTBV (giá so với giá trị tài sản công ty) nhỉnh hơn Credit Suisse.

“Credit Suisse hiện giao dịch ở mức 0.23 giá trị. Deutsche Bank đang giao dịch ở mức 0.3. Đây là mức định giá đáng lo ngại đối với các ngân hàng, ngay cả với ngân hàng châu Âu”, IP Banking Research cho biết.

Điều này đồng nghĩa cổ phiếu của hai ngân hàng đang giao dịch dưới giá trị tài sản công ty khi chúng được thanh lý. Bên cạnh đó, hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ (credit default swap - CDS) của Credit Suisse hiện ở mức cao. CDS là phí bảo hiểm công ty mua để đề phòng nguy cơ vỡ nợ.

Doanh nghiệp mua CDS sẽ trả cho bên bán một khoản phí (gọi là CDS spread). Khoản phí này thay đổi tùy theo tâm lý nhà đầu tư và trạng thái hoạt động của doanh nghiệp. Nếu xếp hạng tín nhiệm của bên mua càng thấp thì phí CDS càng cao và ngược lại.

Đây là mức CDS cao nhất của Credit Suisse kể từ năm 2009 khi cổ phiếu thấp kỷ lục. Vào tuần trước, CDS của công ty tăng khoảng 15%. Điều nảy đã làm nhiều người hoài nghi ngân hàng đang đứng trước bờ vực phá sản.

Ảnh hưởng đến thị trường tiền mã hóa 

Cái tên Credit Suisse và Deutsche Bank đã trở thành chủ đề nóng trên Twitter những ngày qua. Ngày 2/10, tài khoản @WallStreetSiv với hơn 320,000 người theo dõi, nhận định Credit Suisse sắp phá sản. “Mức sụt giảm trong giá cổ phiếu của Credit Suisse rất đáng lo ngại. Từ 14.9 USD vào tháng 2/2021 xuống còn 3.9 USD”, @WallStreetSiv viết.

Nhiều người cho rằng Credit Suisse sẽ đi vào vết xe đổ như Lehman Brothers trước đó. Tuy nhiên, xét khối tài sản ngân hàng Thụy Sĩ đang nắm giữ, mức độ thiệt hại có thể còn nặng nề hơn nhiều. 

Theo chuyên gia đầu tư Graham Stephan, tập đoàn chứng khoán Lehman Brothers kiểm soát khoảng 600 tỷ USD trước khi phá sản. Trong khi đó, tổng số tài sản Credit Suisse và Deutsche Bank quản lý lên đến 2,800 tỷ USD, gấp 4.6 lần Lehman Brothers.

Nếu Deutsche Bank và Credit Suisse phá sản, hai công ty sẽ mất khả năng thanh toán và phải thanh lý tài sản. Một khi giá của các tài sản giảm xuống đáng kể, những ngân hàng khác cũng phải bán bớt tài sản để tránh lệnh ký quỹ. Do đó, cú sập của hai ông lớn sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền trên nhiều thị trường, bao gồm tiền mã hóa.

Lark Davis, Youtuber chuyên về crypto, đã bày tỏ lo ngại trước khối tài sản Credit Suisse và Deustche Bank đang quản lý. Davis tin rằng khi hai ngân hàng sụp đổ, sử cũ Lehman Brothers sẽ lặp lại.

Trong khi đó, Samson Mow, nhà sáng lập công ty cơ sở hạ tầng Bitcoin JAN3, lên tiếng trấn an người dùng của mình. Mow nhận định Bitcoin đã tạo đáy với chỉ báo trung bình động WMA dưới 200.

“Chúng ta đã trải qua hiệu ứng UST (Terra) và Three Arrows Capital. Ngay cả khi Credit Suisse hay Deutsche Bank sụp đổ và kích hoạt khủng hoảng tài chính, giá Bitcoin cũng sẽ không giảm thêm”, ông nhận xét.

Không ai biết chắc khi nào hai ngân hàng sẽ phá sản. Tuy nhiên, nếu việc đó xảy ra, ảnh hưởng đối với thị trường tài chính toàn cầu sẽ không hề nhỏ.

Đọc thêm:

RELEVANT SERIES