CZ liệu có đi con đường của công chúa Huawei?
Bà Mạnh Vãn Châu, con gái nhà sáng lập Huawei cũng từng bị bắt vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tối ngày 12/12, cộng đồng tiền mã hóa xôn xao trước thông tin Binance và ban lãnh đạo bị cáo buộc rửa tiền và vi phạm lệnh cấm vận. Giá BNB lập tức lao dốc gần 5% trong chưa đầy 1h. Hiện BNB đã tăng nhẹ 1.2% lên 277 USD nhưng chưa thể hồi lại mốc ban đầu. Tuy nhiên, thiệt hại của Binance sẽ còn lớn hơn nhiều nếu dàn lãnh đạo công ty vướng vào vòng lao lý.
Rắc rối của Binance
Như MarginATM đưa tin (tại đây), cuộc điều tra bắt đầu từ năm 2018. Văn phòng Luật sư Seattle đã phối hợp với bộ phận Điều tra Tội phạm của Sở Thuế vụ (IRS) sau khi phát hiện nhiều nhóm tội phạm chuyển tiền bất hợp pháp qua Binance.
Mỹ yêu cầu các sàn giao dịch tiền mã hóa phải đăng ký với Bộ Tài chính và tuân thủ quy định chống rửa tiền. Reuters chỉ ra Binance chưa bao giờ làm vậy dù một phần ba người dùng của sàn năm 2017 là ở Mỹ.
Reuters đã theo dõi hiệu quả kiểm soát tội phạm tài chính của Binance trong suốt năm 2022. Báo cáo cho thấy Binance thực hiện các biện pháp chống rửa tiền một cách lỏng lẻo, để lọt hơn 10 tỷ USD bất hợp pháp trên sàn giao dịch.
Ngoài ra, Binance bị tố hỗ trợ người dùng Iran lách luật cấm vận của Mỹ. Từ năm 2018, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tăng cường áp đặt lệnh cấm vận lên Iran. Binance lúc bấy giờ tuyên bố ngừng cung cấp dịch vụ tại Iran và thanh lý tài khoản của người dùng tại đây.
Mặt khác, Binance vẫn ngầm cho phép người dùng Iran giao dịch cho đến tháng 6/2022, khi sàn thắt chặt luật chống rửa tiền. Tháng 6/2019, Binance đăng bài hướng dẫn người mới sử dụng VPN để “vượt tường”. CZ cũng từng nhấn mạnh sự cần thiết của VPN trên Twitter. Những bài đăng này hiện đã bị xóa.
Reuters cũng tiết lộ 10 tin nhắn giữa một số nhân viên cấp cao Binance năm 2019-2020. Theo đó, các nhân viên chia sẻ mức độ phổ biến và thứ hạng người dùng Iran đang tăng cao. Hãng tin khẳng định nội bộ Binance đã cố ý mở đường cho người Iran vi phạm lệnh hạn chế.
Công chúa Huawei
Bà Mạnh Vãn Châu cũng từng bị bắt giữ do vi phạm hạn chế liên quan đến Iran. Bà Mạnh là Giám đốc Tài chính Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei.
Bà bị ngân hàng HSBC cáo buộc nói dối về mối quan hệ của Huawei với Skycom, một công ty kinh doanh ở Iran.
Phía bà Mạnh tuyên bố bản thân vô tội và kêu gọi khép lại vụ án do Canada không có lệnh cấm vận Iran. Trong khi đó, tòa án Canada vẫn tiếp tục xét xử vụ án dù Huawei lập luận cáo buộc của Mỹ không có hiệu lực ở Canada.
Kể từ đó, Mỹ đã tìm cách dẫn độ bà Mạnh từ Canada để xét xử tội gian lận tài chính nhưng không thành. Cuối năm 2018, bà bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của cựu Tổng thống Mỹ. Trong gần 3 năm, bà bị giam lỏng tại nhà riêng ở Vancouver (Canada) cùng nhiều thiết bị theo dõi trên người.
Huawei là tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới và từng là một trong ba nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu, chỉ sau Apple và Samsung Electronics. Vụ bắt giữ bà Mạnh năm 2018 đã làm dấy lên căng thẳng giữa 3 cường quốc Trung Quốc, Mỹ và Canada.
Tháng 9/2021, bà Mạnh mới đạt được thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ và được thả tự do. Sự kiện này được coi là sự giải thoát với cả 3 nước liên quan.
Vụ việc của Binance gần đây có sự trùng hợp thú vị khi CZ là người Canada gốc Trung Quốc và cũng bị cáo buộc vi phạm lệnh cấm Iran. Theo Reuters, các công tố viên tin rằng đã nắm đủ bằng chứng buộc tội Binance và nộp đơn tố cáo hình sự đối với 12 giám đốc Binance. CZ, nhà sáng lập Binance nằm trong số đó.
Hiện Binance đã lên tiếng bác bỏ tin xấu từ Reuters. Sàn tuyên bố tuân thủ hơn 47,000 yêu cầu thực thi pháp luật từ tháng 1/2021. Ngoài ra, Binance đã tăng đội ngũ pháp lý và bảo mật lên hơn 500% để đẩy lùi các hoạt động bất hợp pháp. Dù không có phát ngôn chính thức, CZ chia sẻ lại thông báo của Binance và đăng tweet lấp lửng về các phương tiện truyền thông.
Đọc thêm: Lỗ hổng nghiêm trọng ảnh hưởng 30 triệu người dùng Binance.