Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Hợp đồng thông minh là gì? Tất tần tật thông tin về Smart Contract

Hợp đồng thông minh là sự cải tiến đặc biệt của công nghệ blockchain và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Vậy smart contract là gì và quan trọng ra sao?
quynhnguyen
Published Nov 17 2021
Updated Aug 06 2022
19 min read
thumbnail

Ngành công nghiệp tiền điện tử ngày càng bùng nổ mạnh mẽ và không ngừng đổi mới với những cải tiến trong công nghệ blockchain. Một trong những yếu tố giúp crypto trở nên khác biệt và vượt trội hơn những lĩnh vực khác đó là nhờ vào hợp đồng thông minh và ứng dụng rộng rãi của nó. Vậy bạn có biết khái niệm quen thuộc này là gì? 

Hôm nay, MarginATM sẽ cùng bạn tìm hiểu về hợp đồng thông minh với các nội dung sau: 

  • Hợp đồng thông minh là gì?
  • Tại sao smart contract lại quan trọng?
  • Hợp đồng thông minh hoạt động như thế nào?
  • Các tính năng của hợp đồng thông minh?
  • Ưu và nhược điểm của hợp đồng thông minh
  • Tính ứng dụng của hợp đồng thông minh trong crypto và các ứng dụng khác

Smart contract là gì?

Hợp đồng thông minh (smart contract) là thuật ngữ để chỉ một chương trình đặc biệt, có khả năng tự động thực hiện những điều khoản cũng như thỏa thuận giữa các bên (cụ thể trong trường hợp này là các hệ thống máy tính). Smart contract được vận hành nhờ vào sự cải tiến của công nghệ blockchain và không thông qua bất kỳ bên thứ ba trung gian nào. 

Hợp đồng thông minh cung cấp các thông tin minh bạch, chính xác, có tính bảo mật cao đồng thời có thể dễ dàng truy xuất mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Thông thường, smart contract hoạt động dựa trên từ 4 yếu tố sau: chủ thể hợp đồng, các điều khoản đưa ra, chữ ký số và nền tảng phân quyền.

Smart contract được vận hành nhờ vào sự cải tiến của công nghệ blockchain

Khái niệm về hợp đồng thông minh xuất hiện từ những năm 1990, được nhà khoa học máy tính Nick Szabo đưa ra lần đầu tiên vào thời điểm đó. Ông cho rằng smart contract là một công cụ hiệu quả để tối ưu hóa và bảo mật mạng máy tính thông qua việc kết hợp giữa các giao thức khác nhau nhằm thúc đẩy sự tiếp cận dễ dàng của người dùng với công nghệ blockchain

Hơn nữa, Szabo cũng đã hé lộ về tính ứng dụng rộng rãi của hợp đồng thông minh trong các khía cạnh của đời sống xã hội, có liên quan đến những thỏa thuận hợp đồng như hệ thống xử lý thanh toán, quản lý bản quyền nội dung, hệ thống tín dụng, quản lý hệ thống giáo dục các cấp,…

Ví dụ: Đơn giản nhất đó là hệ thống máy bán hàng tự động, mọi người chỉ cần chọn loại nước uống mình thích sau đó bỏ tiền vào đúng chỗ, máy sẽ tự động xuất sản phẩm và thối lại tiền cho người dùng. Đây là một trong những ứng dụng gần gũi nhất của smart contract trong cuộc sống hằng ngày.

Hay là khi ký một hợp đồng mua bán nhà và số tiền được trả bằng tiền điện tử. Đối với hình thức hợp đồng truyền thống, thường sẽ cần đến bên thứ 3 đứng ra làm chứng cho các thỏa thuận đặt ra. Tuy nhiên, với smart contract thì mọi điều khoản hoàn toàn do hai bên quyết định, không phụ thuộc vào bất kỳ bên trung gian nào và việc ký kết sẽ dựa trên công nghệ blockchain. Bạn có thể xem bảng so sánh sự khác nhau giữa 2 loại hợp đồng dưới đây để rõ hơn về ví dụ này.

Sự khác nhau giữa hợp đồng truyền thống và hợp đồng thông minh

Tại sao smart contract lại quan trọng?

Hợp đồng thông minh là một yếu tố quan trọng trong các blockchain và góp phần tạo ra hiệu quả hoạt động của một nền tảng nhất định bởi nhiều lý do khác nhau. Về bản chất, các hợp đồng thông minh trên blockchain cho phép tạo ra các giao thức không cần dựa trên sự tin cậy. Tức là hai bên trong hợp đồng có thể đưa ra các cam kết thông qua blockchain mà không cần phải biết hoặc tin tưởng lẫn nhau. Họ có thể đảm bảo rằng nếu các điều kiện của hợp đồng không được thỏa mãn, hợp đồng sẽ không được thực thi. 

Smart contract giúp loại bỏ các bên trung gian và giảm chi phí vận hành

Ngoài ra, việc sử dụng hợp đồng thông minh nhằm loại bỏ nhu cầu đối với các bên trung gian, giúp giảm đáng kể chi phí hoạt động. Tuy nhiên, mỗi blockchain có một phương pháp triển khai hợp đồng thông minh khác nhau.

Trên thực tế, hợp đồng thông minh cho phép các nhà phát triển xây dựng một loạt các ứng dụng và token phi tập trung. Chúng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ các công cụ tài chính mới đến hậu cần và trải nghiệm trò chơi. Khi chúng được lưu trữ trên blockchain như bất kỳ giao dịch tiền điện tử nào khác. Một khi ứng dụng hợp đồng thông minh đã được thêm vào blockchain, nó thường không thể thay đổi (mặc dù có một số ngoại lệ).

Hợp đồng thông minh hoạt động như thế nào?

Nói một cách đơn giản, hợp đồng thông minh hoạt động như một chương trình tất định. Có nghĩa là nó thực thi một tác vụ cụ thể trong trường hợp thỏa mãn các điều kiện nhất định. Do đó, một hệ thống hợp đồng thông minh thường tuân theo các câu lệnh "If… then…"

Ở giai đoạn đầu, các điều khoản trong hợp đồng sẽ được viết lại dưới dạng ngôn ngữ lập trình. Sau đó người ta sẽ mã hóa chúng và đánh dấu nó bằng một địa chỉ rồi chuyển vào một block trong blockchain. Khi đã được chuyển vào block, dữ liệu này sẽ được phân phối và sao chép lại bởi các nút đang hoạt động trên mạng lưới blockchain đó. 

Những thông tin được lưu trữ trên blockchain sẽ chờ đợi các điều kiện kích hoạt. Khi được kích các smart contract sẽ hoạt động và thực thi một số điều khoản đã được đồng thuận trước đó và tự động kiểm tra quá trình thực hiện những cam kết được nêu trong hợp đồng.

Smart contract hoat động như một chương trình tất định

Đối với mạng lưới Ethereum, các hợp đồng thông minh sẽ đảm nhiệm vai trò thực thi và quản lý những hoạt động diễn ra trên blockchain, cụ thể là trong khi những người dùng đang tiến hành các giao dịch và tương tác với nhau. 

Trên thực tế, hợp đồng thông minh trên nền tảng Ethereum có nhiều điểm nổi trội hơn so với các blockchain khác. Những smart contract trên mạng lưới này bao gồm một mã hợp đồng và hai Public key. Trong đó Public key thứ nhất là do người tạo hợp đồng cung cấp. Public key còn lại đại diện cho chính hợp đồng, đóng vai trò như một mã định danh kỹ thuật số duy nhất cho một hợp đồng thông minh riêng biệt. 

Ví dụ: Nếu bạn muốn mua một chiếc xe hơi từ công ty A và trả tiền điện tử qua blockchain. Biên nhận sau đó sẽ được đưa vào hợp đồng thông minh của công ty A và công ty này có trách nhiệm giao mật mã và chiếc xe cho bạn vào một ngày nhất định đã nêu trong hợp đồng. Nếu mật mã của công ty A không giao đúng thời hạn thì tiền sẽ được chuyển lại vào tài khoản bạn. Nếu đến trước thời hạn thì hệ thống sẽ giữ lại cả tiền của bạn và mật mã của công ty A để chuyển vào đúng ngày.

Các đặc trưng của hợp đồng thông minh

Hợp đồng thông minh là sự kết hợp của nhiều tính năng vượt trội, mang lại những cải tiến so với hợp đồng truyền thống. Cụ thể, smart contract sở hữu những đặc trưng sau: 

  • Phân tán: Hợp đồng thông minh được sao chép và phân phối trong tất cả các nút của mạng Ethereum. Đây là một điểm khác biệt so với các giải pháp khác dựa trên các máy chủ tập trung.
  • Tất định: Hợp đồng thông minh chỉ thực hiện các nhiệm vụ thiết kế riêng cho nền tảng này trong trường hợp các điều kiện đều được thỏa mãn. Bên cạnh đó, các kết quả của hợp đồng thông minh không đổi dù người thực hiện là ai.
  • Tự động: Hợp đồng thông minh có thể tự động hóa tất cả các loại tác vụ, hoạt động như một chương trình tự thực hiện. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, nếu smart contract không được kích hoạt, nó sẽ duy trì trạng thái "không hoạt động" và sẽ không thực hiện bất kỳ hành động nào.
  • Không thể sửa đổi: Không thể sửa đổi hợp đồng thông minh sau khi đã triển khai. Chỉ có thể "xóa" chúng nếu chức năng này đã được thêm vào từ trước. Do vậy, có thể nói rằng hợp đồng thông minh giống như một thước đo chống giả mạo.
  • Có thể tùy chỉnh: Trước khi triển khai, hợp đồng thông minh có thể được mã hóa theo nhiều cách khác nhau. Vì vậy, chúng có thể được sử dụng để tạo ra nhiều loại ứng dụng phi tập trung (Dapp).
  • Không cần dựa trên sự tin cậy: Hai hoặc nhiều bên của hợp đồng có thể tương tác thông qua hợp đồng thông minh mà không cần biết hoặc tin tưởng lẫn nhau. Ngoài ra, công nghệ blockchain đảm bảo tính chính xác của dữ liệu.
  • Minh bạch: Vì các hợp đồng thông minh dựa trên một blockchain công khai, không ai có thể thay đổi mã nguồn của chúng, mặc dù bất kỳ ai cũng có thể xem được.

Giống như các hợp đồng thông thường, hợp đồng thông minh được thiết kế để thực thi các điều khoản của thỏa thuận cho dù đây là trao đổi tiền điện tử, quyền được mã hóa, bằng chứng nhận dạng hay thực tế là bất kỳ điều gì khác.

Ưu và nhược điểm của hợp đồng thông minh

Ưu điểm

Những ưu điểm vượt trội của hợp đồng thông minh
  • Là một bộ mã có thể lập trình, hợp đồng thông minh có khả năng tùy chỉnh cao và có thể được thiết kế theo nhiều cách khác nhau để cung cấp nhiều loại dịch vụ và giải pháp. Bởi vì được thực hiện một cách tự động thông qua lập trình trên hệ thống nên đảm bảo việc thực thi sẽ diễn ra một cách có linh hoạt.
  • Smart contract giúp tiết kiệm chi phí trong quá trình vận hành. Cụ thể, việc triển khai hợp đồng thông minh sẽ không cần đến sự giám sát của bên thứ ba, cũng không phải in ấn, chuyển phát, lưu trữ trong kho. Hơn nữa với các chương trình phi tập trung và tự thực hiện (self-executing), hợp đồng thông minh góp phần giảm chi phí hoạt động và hiệu quả sẽ được tăng cao.
  • Smart contract cũng đảm bảo được sự minh bạch, rõ ràng trong hoạt động của các nền tảng. Mọi giao dịch đều được thực hiện trên hệ thống và được lưu lại trên blockchain, vì vậy các chủ thể có thể dễ dàng kiểm tra nguồn gốc giao dịch.
  • Đặc biệt, trong hợp đồng thông minh thì người dùng chỉ có thể truy cập xem thông tin nhưng không thể chỉnh sửa hay xóa bỏ bất cứ điều gì. Chính điều này sẽ giúp bảo mật những dữ liệu quan trọng mà không bị tác động từ các bên liên quan.
  • Trên thực tế smart contract được thực hiện một cách nhanh chóng, vì vậy có thể tiết kiệm được thời gian. Đồng thời loại hợp đồng này không hạn chế về số lần sử dụng nên có thể ứng dụng liên tục mà vẫn đảm bảo được sự tiện ích trong quá trình hoạt động.
  • Ngoài ra, hợp đồng thông minh có tính ứng dụng cao đối với rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó là việc tạo ra các tài sản được token hóa từ hệ thống bầu chọn, ví tiền mã hóa, các sàn giao dịch phi tập trung cho đến trò chơi hay nhiều app trên di động. Bên cạnh đó cũng có thể tích hợp smart contract trong các khía cạnh chăm sóc sức khỏe, từ thiện, chuỗi cung ứng, quản trị, tài chính phi tập trung (DeFi),...

Hạn chế

  • Smart contract có thể gặp phải những rủi ro vì khả năng bị tấn công hay xảy ra sự cố trong lúc vận hành. Điều này là bởi chúng được tạo nên bởi bộ mã máy tính do con người viết ra, vì thế không thể tránh khỏi việc một số lỗi vẫn tồn tại.
    Ví dụ: Vụ hack của tổ chức tự trị phi tập trung có tên The DAO năm 2016, do có sai sót trong mã hợp đồng thông minh đã dẫn đến hàng triệu ETH biến mất.
Smart contract vẫn có thể gặp sự cố hoặc bị tấn công
  • Các hợp đồng thông minh dựa trên công nghệ blockchain nên rất khó hoặc không thể sửa đổi và can thiệp. Có một số ý kiến cho rằng các hệ thống tập trung cũng có thể cung cấp hầu hết các giải pháp và chức năng mà hợp đồng thông minh mang lại. Tuy nhiên, điều khác biệt là ở chỗ, smart contract chạy trên một mạng ngang hàng (P2P) phân tán thay vì trên một máy chủ tập trung.
  • Smart contract còn có một hạn chế khác liên quan đến tình trạng pháp lý của chúng. Các bên chủ thể sẽ không được đảm bảo quyền lợi nếu có lỗi xảy ra bởi hiện pháp luật của các nước chưa có chính sách pháp lý rõ ràng cũng như cách thức quản lý các hợp đồng thông minh.

Tính ứng dụng của smart contract trong crypto và các lĩnh vực khác 

Nhờ các tính năng vượt trội của hợp đồng thông minh so với hợp đồng truyền thống nên chúng đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực và mang lại hiệu quả đáng kể. Không chỉ được sử dụng trong không gian crypto, smart contract còn được tích hợp trên nhiều nền tảng khác nhau như quản lý dữ liệu, quản lý chuỗi cung ứng, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm, quản lý của chính phủ, quyền sở hữu tài sản, ký quỹ và ô tô.

Trong ngành công nghiệp tiền điện tử

Về cơ bản, hầu hết các ứng dụng được cung cấp bởi các hệ thống tập trung đều có thể được thiết kế tương tự các Smart Contract trên blockchain. Hợp đồng thông minh cho phép các nhà phát triển có thể thiết kế ra nhiều trường hợp sử dụng khác nhau. Việc ứng dụng loại hợp đồng cải tiến này thúc đẩy giao dịch diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn và tiết kiệm được thời gian lẫn chi phí vận hành. 

Nhờ có smart contract mà các giao dịch diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn

Cụ thể các hợp đồng thông minh được tích hợp trên các ứng dụng tài chính phi tập trung (dApp) cho phép người dùng có thể giao dịch dù bất cứ ở mọi nơi mà không phụ thuộc vào bất cứ bên thứ 3 trung gian nào. Đồng thời với đặc tính phi tập trung và phân quyền, mạng lưới smart Contract có thể vận hành hệ thống giao dịch các loại tiền điện tử một cách linh hoạt và cải tiến vượt trội hơn. 

Ví dụ: Smart contract được ứng dụng trong các ví tiền điện tử để lưu trữ các loại Coin & Token. Các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) như Uniswap, 1Inch, Coin98 Exchange. Các game blockchain như Crypto Kitties, Axie Infinity,...

Một số lĩnh vực khác

  • Quản lý dữ liệu: Các nhà phát triển có thể lập trình những hợp đồng thông minh để hợp lý hóa quá trình ghi dữ liệu bằng cách thực hiện tất cả các công việc đó một cách tự động. Smart contract cho phép lưu trữ dữ liệu đồng nhất và minh bạch giữa các phòng ban.
  • Quản lý chuỗi cung ứng: Việc triển khai công nghệ blockchain và các hợp đồng thông minh có thể giúp theo dõi vị trí của sản phẩm và giảm nguy cơ bị mất các loại hàng hóa vì tính minh bạch của dữ liệu.
Áp dụng smart contract trong quản lý chuỗi cung ứng
  • Chăm sóc sức khỏe: Hợp đồng thông minh sẽ góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí cho ngành y tế bằng cách loại bỏ các hệ thống dựa trên giấy tờ và máy chủ dữ liệu không an toàn.
  • Kết quả bầu cử: Với hợp đồng thông minh, những sự việc như thao túng bầu cử sẽ được ngăn chặn với nhiều tính năng vượt trội. Trên thực tế các phiếu vote được bảo vệ bởi sổ cái sẽ cần được giải mã và yêu cầu quyền truy cập đủ mạnh để tiếp cận nó.
  • Quy trình ký quỹ: Ký quỹ thường đề cập đến một thỏa thuận pháp lý mà bên thứ ba đại diện cho hai bên khác nắm giữ một số tiền cụ thể trong quá trình hoàn thành giao dịch. Tuy nhiên, với smart contract, hình thức hợp đồng này sẽ giúp ngăn chặn gian lận và giảm rủi ro cho cả hai bên của giao dịch. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sử dụng hợp đồng thông minh để hỗ trợ quá trình ký quỹ bằng cách làm cho nó minh bạch và tự động.
  • Công nghiệp sản xuất ô tô: Smart contract sẽ tự động thanh toán cho các hoạt động như bảo dưỡng, lái xe qua các cổng thu phí và bảo hiểm.

Tìm hiểu thêm Thuật ngữ crypto quan trọng mà người mới cần biết.

Tổng kết

Có thể khẳng định rằng hợp đồng thông minh là một sự cải tiến về công nghệ, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến không gian tiền điện tử và cả nhiều lĩnh vực khác trong xã hội. 

Smart contract dường như là nền móng vững chắc thúc đẩy sự ra đời các ứng dụng tiềm năng hơn nữa trong tương lai và hứa hẹn mang đến nhiều đổi mới giá trị. Có lẽ với những tính năng nổi bật của smart contract, nhiều quốc gia sẽ sớm xem xét về quy định pháp lý áp dụng cho loại hợp đồng này.

RELEVANT SERIES