Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Dự báo Crypto 2025: Các tổ chức lớn nói gì về xu hướng thị trường?

2025 sắp đến, liệu các tổ chức lớn trên thế giới, đang nhìn nhận như thế nào về triển vọng ngành trong năm tới?
Luc Nguyen
Published Dec 30 2024
Updated Jan 02 2025
20 min read
tổ chức lớn crypto dự báo 2025

Bài viết tổng hợp các quan điểm từ các tổ chức lớn như Coinbase, Messari, Delphi Digital, Hashed, Presto, K33 Research, Flipside, và Korbit Exchange, nhằm đưa ra cái nhìn tổng quan nhất về:

  • Các loại tài sản lớn trên thị trường như BTC, ETH và SOL.
  • Các ngách thị trường đáng chú ý như DeFi, Stablecoin và AI.

Hầu hết các tổ chức đều lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của thị trường crypto trong năm tới. Tuy nhiên, Solana có thể đối mặt với một số thách thức về cả mặt kỹ thuật lẫn xu hướng thị trường, đặc biệt là sau sự bùng nổ của memecoin.

Bitcoin chạm 160,000 - 200,0000 USD

Bitcoin được dự đoán có thể đạt mức từ 160,000 USD (theo Korbit Exchange) đến 210,000 USD (theo Presto Research) vào năm 2025.

Trong khi đó, các báo cáo từ Messari và Coinbase không đưa ra con số cụ thể về mức giá mà BTC có thể đạt được, nhưng vẫn giữ quan điểm lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của Bitcoin.

Giá trị thực tế trung bình của BTC tăng trung bình 5.3% mỗi tháng

Dự đoán Bitcoin đạt mức 210,000 USD vào năm 2025 được xây dựng trên cơ sở chỉ số MVRV (Market Value/Realized Value, tức giá trị thị trường/giá trị thực tế trung bình). Kể từ năm 2017, MVRV đã dao động trong khoảng từ 0.5x đến 4.7x, với các đỉnh lịch sử tại 4.7x (2017) và 4x (2021).

Theo dự báo, Realized Value hiện tại (722 tỷ USD) sẽ tăng trung bình 5.3% mỗi tháng nhờ sự chấp thuận của các ETF giao ngay, dự kiến đạt 1,200 tỷ USD vào quý 3 năm 2025.

Với giả định MVRV ở mức thận trọng 3.5x, vốn hóa thị trường của Bitcoin (Market Value) có thể đạt 4,200 tỷ USD. Chia theo nguồn cung dự kiến là 19,986,416 BTC, giá mỗi Bitcoin sẽ vào khoảng 210,000 USD.

Tác động tích cực từ các yếu tố vĩ mô

Bên cạnh đó, các yếu tố định tính cũng được kỳ vọng đóng vai trò động lực chính thúc đẩy giá Bitcoin trong năm 2025, chủ yếu đến từ các điều kiện vĩ mô hơn là sự phát triển của hệ sinh thái. Một số yếu tố đáng chú ý bao gồm:

  • Quốc gia mới, một số công ty thuộc S&P 500 chấp nhận Bitcoin làm tài sản dự trữ.
  • Dòng vốn vào ETF dự kiến sẽ tiếp tục ở mức dương trong năm 2025, đặc biệt khi Grayscale's GBTC chuyển sang dòng vốn ròng tích cực. Theo K33 Research, dòng vốn chảy vào Bitcoin ETF trong năm 2025 sẽ chiếm 2.5% tổng dòng vốn toàn cầu vào các ETF, và các Bitcoin ETF dự kiến sẽ tiếp tục vượt mặt vàng trong năm 2025.
  • Chính sách tiền tệ nới lỏng của FED, tăng chi tiêu thâm hụt của chính phủ Mỹ, hỗ trợ từ Quốc hội Mỹ thân thiện với crypto (đặc biệt là chính sách về Dự trữ Bitcoin Chiến lược).

Các thách thức & áp lực của BTC

Tuy nhiên, quá trình triển khai và sự tăng trưởng của Bitcoin cũng sẽ đối mặt với một số thách thức và áp lực bán tiềm ẩn, bao gồm:

  • Lạm phát lõi (core CPI) hiện ở mức 3.3%, cao hơn mục tiêu của FED, có thể buộc ngân hàng này phải điều chỉnh lại chính sách tiền tệ nếu lạm phát tiếp tục gia tăng, gây áp lực lên các tài sản rủi ro như Bitcoin.
  • Các rào cản pháp lý trong việc triển khai các sáng kiến như Dự trữ Bitcoin Chiến lược có thể làm chậm tiến độ hợp pháp hóa crypto tại Mỹ, khiến quá trình áp dụng và phát triển Bitcoin gặp trở ngại.
  • Mt. Gox Rehabilitation Trust, tổ chức phục hồi sau vụ hack lớn của sàn Mt. Gox, dự kiến sẽ hoàn tất việc phân phối khoảng 40,000 BTC còn lại vào tháng 10 năm 2025. Đây là một khối lượng Bitcoin lớn và nếu những người nhận thanh lý ngay, sẽ tạo ra áp lực bán trên thị trường.
  • Chính phủ Mỹ hiện nắm giữ một lượng lớn Bitcoin (208,000 BTC) từ các vụ tịch thu trong các chiến dịch chống tội phạm, và nếu chính phủ này quyết định bán ra một phần hoặc toàn bộ số BTC này, điều này sẽ tạo ra áp lực bán không nhỏ, ảnh hưởng đến giá trị của Bitcoin trên thị trường.
advertising

Ethereum hồi phục, ETH/BTC về mức 0.05

Ethereum đã đối mặt với nhiều thách thức trong nửa cuối năm 2024, đặc biệt khi các blockchain monolithic như Solana thu hút sự chú ý nhờ ưu thế về tốc độ và sự đơn giản.

Trong khi đó, Ethereum vẫn phải giải quyết một số vấn đề đáng kể, bao gồm:

  • Phân mảnh tài sản (asset fragmentation): Người dùng gặp khó khăn trong việc di chuyển tài sản giữa các giải pháp layer 2 (L2), vì mỗi L2 hoạt động như một hệ sinh thái riêng biệt, dẫn đến sự phân tán tài sản và giảm tính linh hoạt.
  • Thiếu các hệ thống chứng minh (proof system): Điều này làm hạn chế khả năng mở rộng và tối ưu hóa của nhiều giải pháp L2, ảnh hưởng đến hiệu suất và sự phát triển của Ethereum.

Kết quả là, tỷ lệ ETH/BTC đã giảm xuống mức thấp nhất (0.035) kể từ năm 2021. Tuy nhiên, với lộ trình phát triển dài hạn và các nâng cấp quan trọng đang được triển khai, Ethereum được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2025, và tỷ lệ ETH/BTC có thể quay lại mức 0.05.

Điều gì thúc đẩy sự phục hồi của ETH?

Khác với Bitcoin, sự phục hồi của Ethereum chủ yếu được thúc đẩy bởi kỳ vọng vào các nâng cấp kỹ thuật dưới đây, thay vì các yếu tố vĩ mô như ETF.

Giải quyết phân mảng layer 2:

  • ERC-7683 (Intents): Cho phép người dùng chỉ định ý định giao dịch (intents) mà không cần quan tâm đến chi tiết kỹ thuật của từng L2. Ví dụ: Một người dùng có thể thực hiện một loạt hành động như hoán đổi token trên L2, chuyển tài sản sang một chuỗi khác, và tham gia bỏ phiếu quản trị chỉ với một giao dịch duy nhất.
  • EIP-7702 (Account Abstraction): Cho phép ví thông thường (EOA) tạm thời hoạt động như ví thông minh, giúp tối ưu hóa các giao dịch phức tạp.

Cải thiện trải nghiệm thông qua Beam Chain Roadmap là kế hoạch cải tiến dài hạn đến năm 2029, tập trung vào:

    Tại sao ETH ETF khó cạnh tranh với BTC ETF?

    Theo Coinbase, do mối tương quan cao về lợi nhuận giữa Bitcoin và Ethereum, nhiều nhà đầu tư truyền thống không nhận thấy Ethereum mang lại lợi thế đáng kể so với Bitcoin, khiến sự quan tâm dành cho ETH ETF giảm sút.

    Ngoài ra, Bitcoin thường là cửa ngõ đầu tiên để các nhà đầu tư mới tham gia thị trường crypto, nhờ vào sự nhận diện thương hiệu cao hơn và mô hình đầu tư đơn giản hơn. Điều này làm giảm sức hút của ETH đối với các danh mục đã có BTC.

    Bằng chứng là, trong tổng số 354 ETH ETF 13-F Filers (tổ chức tài chính có tham gia ETH ETF đã nộp báo cáo tài sản theo chuẩn 13-F của SEC) tính đến ngày 30/9/2024, chỉ có 43 Filers (tổ chức tài chính) không nắm giữ BTC ETFs, đồng thời dòng vốn ETH ETF trong gần 100 ngày gần nhất giữ ở mức tiếp cận 0.

    dòng tiền btc etf eth etf
    Dòng tiền BTC ETF và ETH ETF giao ngay theo thời gian. Nguồn: Coinbase

    Solana gặp nhiều khó khăn trong 2025

    Theo Presto, Solana hiện chiếm hơn 50% khối lượng giao dịch hàng ngày onchain, một con số khá tương đồng với Ethereum vào năm 2022. Nếu so sánh theo cùng một mô hình, Solana có thể đạt mức vốn hóa tương đương với Ethereum vào năm 2022, khoảng 400 tỷ USD.

    Điều này đồng nghĩa với việc giá của SOL có thể dao động trong khoảng từ 800 đến 1,000 USD.

    chỉ số vốn hoá giữa eth và sol theo thời gian
    Chỉ số vốn hoá giữa ETH và SOL theo thời gian. Nguồn: Presto

    Tuy nhiên, đây chỉ là một phép so sánh cơ bản. Nếu xét về khả năng diễn ra viễn cảnh này, Solana vẫn đối mặt với không ít khó khăn, bao gồm cả những thách thức về mặt kỹ thuật, xu hướng chủ đạo thúc đẩy blockchain này sau sự bùng nổ của memecoin, cùng với sự cạnh tranh khốc liệt từ các blockchain thế hệ mới:

    • Thời gian phê duyệt SOL ETF lâu: Mặc dù triển vọng SOL ETF được thông qua vào năm 2025 khá khả quan, đặc biệt sau đơn tranh cử từ Trump, quá trình phê duyệt vẫn mất khá nhiều thời gian (gần một năm). Do đó, SOL ETF có thể sẽ không kịp thông qua trong chu kỳ tăng trưởng ở năm 2025.
    • Lạm phát của Solana: Được dự báo vẫn ở mức cao, vượt 5.2% trong năm 2025, trong khi ETH và BTC có mức lạm phát dưới 1%. Mức độ đốt từ các hoạt động onchain của Solana không đủ để cân bằng với lạm phát mạng lưới, ngay cả khi blockchain này thu hút nhiều giao dịch nhờ memecoin và AI.
    • Memecoin thống trị chỉ số mạng: Solana phụ thuộc nhiều vào hoạt động của memecoin để thúc đẩy các chỉ số như phí giao dịch, số lượng người dùng, và khối lượng giao dịch trên DEX. Tuy nhiên, điều này đặt ra câu hỏi về tính bền vững của các hoạt động này, vì memecoin thường mang tính nhất thời.
    • Vốn hóa thị trường stablecoin trên Solana thấp: Chỉ đạt 4.7 tỷ USD, thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 2022 và rất nhỏ so với Ethereum (103.7 tỷ USD). Đây là một yếu điểm lớn, vì stablecoin đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tính thanh khoản bền vững trên chuỗi.
    • Chưa hoàn toàn phi tập trung: Mặc dù số lượng validator của Solana đã tăng lên, nhưng 72% trong số đó vẫn nhận sự hỗ trợ từ Chương trình uỷ quyền của Solana Foundation, và các validator này chiếm tới 19% tổng SOL stake. Điều này cho thấy mức độ phụ thuộc cao vào tổ chức trung tâm, làm giảm tính phi tập trung thực sự.
    • Số lượng client trên Solana còn hạn chế: Mạng Solana phụ thuộc vào số lượng client hạn chế, điều này làm giảm khả năng chống chịu và bền vững của mạng trước các rủi ro. Tuy nhiên, điều này đang được cải thiện với sự ra đời của các client mới như Firedancer, Sig và Tinydancer (các đối tác validator của Solana).
    • Thường gặp sự cố gián đoạn: Solana tập trung vào hiệu suất và khả năng mở rộng, nhưng điều này đi kèm với rủi ro công nghệ cao hơn, đặc biệt là với các sự cố như gián đoạn mạng vào tháng 2/2024. Trong khi đó ở Ethereum, với triết lý ưu tiên tính sẵn sàng và chịu lỗi, được các tổ chức ưu tiên hơn để xây dựng các sản phẩm yêu cầu mức độ an ninh cao như tài sản mã hóa.
    • Sự nổi lên của các blockchain mới: Solana sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các blockchain thế hệ mới như Sui, Aptos, Base và sắp tới là Monad. Mạng Solana không có hệ sinh thái blockchain xoay quanh mình vì không chú trọng phát triển các giải pháp Layer 2 như Ethereum, điều này sẽ tạo ra những thách thức lớn trong việc duy trì vị thế.

    Stablecoin đạt 3,000 tỷ USD vốn hoá

    Stablecoin đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong năm 2024, với vốn hóa thị trường tăng 48%, đạt 193 tỷ USD vào đầu tháng 12.

    Dự đoán từ Coinbase cho rằng thị trường stablecoin có thể đạt 3,000 tỷ USD trong 5 năm tới, tương đương 14% tổng cung tiền M2 của Mỹ (21,000 tỷ USD), cho thấy dư địa phát triển rất lớn từ mức hiện tại chỉ khoảng 0,9%.

    Stablecoin và thanh toán được dự đoán sẽ dẫn đầu làn sóng áp dụng tiếp theo của tiền mã hóa nhờ khả năng cung cấp giao dịch nhanh hơn, rẻ hơn so với các phương pháp truyền thống, đặc biệt trong thanh toán kỹ thuật số và chuyển tiền quốc tế.

    Năm 2024, theo dữ liệu từ Visa, stablecoin đã xử lý 27,100 tỷ USD giao dịch trong 11 tháng, gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước, với sự tăng trưởng lớn trong giao dịch ngang hàng (P2P) và thanh toán doanh nghiệp xuyên biên giới (B2B).

    Đồng thời, stablecoin như USDC được sử dụng ngày càng nhiều nhờ tính tuân thủ pháp lý và tích hợp với các nền tảng như Visa và Stripe. Một dấu mốc quan trọng là thương vụ Stripe mua lại Bridge – công ty hạ tầng stablecoin – với giá 1.1 tỷ USD, thương vụ lớn nhất trong ngành tiền mã hóa từ trước đến nay.

    Stablecoin chia sẻ doanh thu (revenue-sharing stablecoin) cũng có thể là xu hướng dẫn dắt thị trường này trong năm 2025. Hai mô hình nổi bật trong lĩnh vực này bao gồm:

    • Chia sẻ doanh thu giữa các nhà phát hành stablecoin (như Paxos, M^0, Agora) với lớp ứng dụng.
    • Chia sẻ doanh thu giữa các nhà phát hành stablecoin (như Ethena với đồng USDe) với người dùng cuối.
    mô hình stablecoin chia sẻ doanh thu
    Mô hình stablecoin chia sẻ doanh thu. Nguồn: Delphi Digital

    DeFi sẽ tiếp tục phát triển mạnh

    DeFi sẽ luôn là sản phẩm chủ lực của crypto và sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2025 vì:

    • Lãi suất thấp: Lãi suất giảm tạo ra môi trường thuận lợi cho DeFi nhờ vào các lợi suất hấp dẫn và chi phí vốn thấp, thu hút cả nhà đầu tư bán lẻ và tổ chức tìm kiếm cơ hội rủi ro cao hơn.
    • Cải thiện trải nghiệm người dùng (UX): DeFi đã chứng kiến sự cải thiện mạnh mẽ trong UX, bao gồm ví tiền điện tử, cầu nối (on/off ramps), các nền tảng giao dịch và bot giao dịch tích hợp vào các nền tảng Web2.
    • Sự chấp nhận ngày càng tăng: Sự ủng hộ từ các tổ chức lớn và thay đổi trong chế độ pháp lý đặc biệt là ở Mỹ, có thể giúp DeFi phát triển, điển hình là: Trump’s World Liberty Financial là một dự án tài chính được xây dựng dựa trên Aave. Dự án này gần đây cũng đã thiết lập một quan hệ đối tác chiến lược với Ethena Labs.

    Theo dự báo từ Coinbase, Delphi và Messari, DeFi trong năm 2025 sẽ chứng kiến một số xu hướng phát triển chính như sau:

    • Khối lượng giao dịch DEX tăng trưởng mạnh mẽ: Dự báo khối lượng giao dịch của các sàn DEX sẽ chiếm từ 20-22% tổng khối lượng giao dịch của CEX giao ngay vào năm 2025. Điều này xảy ra khi các nhà đầu tư chuyển sang tìm kiếm các tài sản rủi ro cao hơn, như altcoin, memecoin, và các cơ hội yield farming.
    • Ứng dụng zkTLS trong DeFi: Mô hình DeFi sẽ áp dụng công nghệ zkTLS, cho phép trích xuất dữ liệu web2 một cách riêng tư. Công nghệ này mở ra các cơ hội phát triển mới cho DeFi, như việc chấm điểm tín dụng onchain và xác minh danh tính.
    • Xây dựng Modular DeFi: Các dự án DeFi lớn sẽ trở thành các liquidity hubs, nơi các dự án khác có thể xây dựng các logic và ứng dụng của riêng mình. Các ví dụ điển hình là Aave V4 và Uniswap V4, nơi các nền tảng này cung cấp thanh khoản và các dịch vụ cốt lõi cho các dự án DeFi khác phát triển trên nền tảng của chúng.
    • Fee switch thúc đẩy tăng trưởng DeFi token: Fee switch có thể trở thành một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của các DeFi token trong năm 2025, khi mô hình này tạo ra giá trị gia tăng trực tiếp cho token từ chính hoạt động của các dự án.

    AI x Crypto vẫn sẽ được chú ý trong năm 2025

    Thay vì DeFi là ngách thị trường lâu đời và luôn giữ vai trò quan trọng trong crypto, AI x Crypto là một ngách thị trường mới nổi, được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2025, nối tiếp từ sự bùng nổ của năm 2024.

    Theo dự báo từ Messari và K33 Research, thị trường này vẫn rất đáng chú ý, với AI Agents và AI Memecoins dự kiến sẽ chiếm phần lớn vốn hóa trong toàn bộ không gian AI x Crypto.

    vốn hoá thị trường ai x crypto
    Vốn hoá thị trường AI x Crypto và dự phóng 2025. Nguồn: K33 Research

    Đồng thời, một thị trường tiềm năng khác có thể kể đến là AI Data (một modular stack quan trọng trong AI). Blockchain có thể mở khóa nguồn tài nguyên data này một cách hiệu quả khi cho phép:

    • Quản lý quyền sở hữu và nguồn gốc: Đảm bảo rằng người đóng góp dữ liệu sẽ duy trì quyền kiểm soát và được công nhận xứng đáng.
    • Truy cập dữ liệu bảo mật: Cho phép sử dụng các bộ dữ liệu nhạy cảm một cách bảo mật mà không vi phạm quyền riêng tư.
    • Cơ chế khuyến khích chia sẻ dữ liệu: Tạo ra các mô hình kinh tế minh bạch để khuyến khích việc chia sẻ dữ liệu.

    Theo Hashed, thị trường data này có trị giá trên 20,000 tỷ USD trong các năm tiếp theo.

    dự phóng ngách dữ liệu chất lượng cao
    Dự phóng ngách dữ liệu chất lượng cao. Nguồn: Hashed

    Dữ liệu có thể trở thành một lĩnh vực tiềm năng để tăng trưởng trong năm 2025, đặc biệt khi ngách thị trường AI Agent được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng. Dữ liệu là yếu tố cốt lõi giúp AI Agent phát triển bền vững trong dài hạn.

    Hơn nữa, theo phân tích từ modular stack, các lĩnh vực hỗ trợ AI, như sức mạnh tính toán, đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, với hầu hết các dự án trong lĩnh vực này có vốn hóa lên tới hàng tỷ USD.

    Tuy nhiên, thị trường dữ liệu vẫn còn tương đối nhỏ, với dự án lớn nhất, VANA, chỉ đạt mức hơn 600 triệu USD.

    Ngoài ra, một số điểm phát triển đáng chú ý trong thị trường AI x Crypto là:

    • Mô hình AI phi tập trung sẽ tập trung phát triển cho từng ngách cụ thể thay vì phát triển một mô hình AI tổng quát khi điều này là điểm mạnh của các tổ chức tập trung như OpenAI và Google.
    • Dynamic TAO sẽ trở thành động lực thúc đẩy Bittensor trong giai đoạn 2025. Với Dynamic TAO, mỗi subnet trên Bittensor (bao gồm các subnet hiện tại và trong tương lai) sẽ có token riêng, các token này sẽ được kết nối chặt chẽ với TAO token (token gốc của Bittensor).
    mô hình dynamic tao
    Mô hình Dynamic TAO. Nguồn: Messari

    Một số dự báo khác

    Một số dự báo thuộc nhiều nhánh thị trường khác đáng được chú ý như:

    • Circle/Ripple/Kraken có thể sẽ tiến hành IPO trong năm 2025 (Nguồn: Báo cáo Presto).
    • NFT sẽ hồi phục, khối lượng giao dịch theo tháng đạt 2 tỷ USD (Nguồn: Báo cáo Presto).
    • Telegram bots sẽ tiếp tục là một nguồn lợi nhuận lớn trong năm 2025. Các bot giao dịch này đặc biệt phổ biến với các token meme và giao dịch trên các DEX ở trên Solana (Nguồn: Báo cáo Coinbase).
    • Thị trường dự đoán sẽ tiếp tục phát triển trên lĩnh vực giải trí và thể thao thay vì bầu cử như giai đoạn 2024 (Nguồn: Báo cáo Coinbase).
    • GameFi sẽ chú trọng phát triển gameplay và trên mobile, blockchain chỉ là yếu tố hỗ trợ để tạo sự khác biệt với các game truyền thống (Nguồn: Báo cáo Messari).
    • Khi các quy định pháp lý rõ ràng hơn và tài sản được token hóa nhiều hơn, việc cải thiện quy trình KYC và AML trở nên quan trọng. Việc xác thực danh tính on-chain là yếu tố thiết yếu, đặc biệt đối với các tài sản yêu cầu nhà đầu tư chứng minh vị thế tài chính (Nguồn: Báo cáo Coinbase).
    • Ordinals có thể nhận được sự chú ý trở lại bằng hình thức airdrop cho holders (Nguồn: Báo cáo Messari).
    • Base sẽ phát triển vượt bậc khi so sánh với các L2s khác (Nguồn: Báo cáo Flipside).
    • Châu Á sẽ dần đầu trong làn sóng blockchain 2025 (Nguồn: Báo cáo Hashed).

    Đọc thêm: Fluid đang lật đổ các đế chế DeFi như thế nào?

    RELEVANT SERIES