Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Soft Fork và Hard Fork là gì? Tại sao lại có Bitcoin Hard Fork?

Với sự kiện Hard Fork của Ethereum mà những thuật ngữ này đã nóng trở lại. Vậy Soft Fork và Hard Fork là gì? Cùng tìm hiểu về các thuật ngữ này tại đây.
Avatar
alice
Published Jul 13 2021
Updated Jul 23 2022
14 min read
thumbnail

Fork, Soft Fork hay Hard Fork đều là những thuật ngữ đã xuất hiện từ lâu. Nhưng những ngày gần đây, cộng đồng trông chờ về bản cập nhật Hard Fork London của Ethereum và Soft Fork Taproot của Bitcoin đã khiến những thuật ngữ này nóng trở lại.

Vậy chính xác thì Fork là gì? Soft Fork và Hard Fork có ý nghĩa gì với tiền điện tử mà khiến mọi người xôn xao như vậy? Ở bài viết này, MarginATM sẽ cùng bạn đi tìm hiểu sâu vào các fork này nhé.

Fork là gì?

Có lẽ bạn đều biết bất cứ phần mềm nào cũng cần có những bản cập nhật thường xuyên nhằm sửa chữa các vấn đề hoặc cải thiện hiệu suất. Ví dụ như khi chúng ta sử dụng Smart Phone, các ứng dụng yêu cầu bạn cập nhật phần mềm mới nhất để có những trải nghiệm tốt hơn.

Trong thế giới crypto, các bản cập nhật như vậy được gọi là các “fork”. Các loại tiền điện tử bản chất là các mạng lưới phi tập trung. Do đó tất cả các bên tham gia vào mạng lưới - còn được gọi là các “nodes” - cần phải tuân theo một số quy tắc để có thể cùng làm việc một cách hài hòa và đồng bộ với nhau.

Và trong một số trường hợp, các quy tắc có thể sẽ không tương thích với với nhu cầu sử dụng nên phát sinh ra nhu cầu cập nhật các fork.

Có 2 dạng fork trong lĩnh vực tiền điện tử đó là: Soft ForkHard Fork. Cả 2 dạng này về cơ bản đều làm thay đổi cách vận hành của giao thức tiền điện tử.

Soft Fork là gì?

Một Soft Fork là một sự thay đổi trong giao thức tiền điện tử theo phương thức tương thích ngược (backward-compatible). Điều này có nghĩa là:

  • Các node chưa cập nhật sẽ vẫn có thể xử lý các giao dịch và đẩy các block mới lên blockchain, miễn là không vi phạm vào các quy tắc của giao thức mới.
  • Các khối trên Soft Fork đều tuân thủ quy tắc đồng thuận cũ và có thêm các quy tắc đồng thuận mới. Do đó nó không yêu cầu các nút trên mạng lưới phải nâng cấp để duy trì sự đồng thuận.
  • Các khối được tạo bởi các nút tuân theo bộ quy tắc đồng thuận cũ sẽ vi phạm bộ quy tắc đồng thuận mới. Do đó có thể sẽ bị lỗi khi xác thực trên các nút đã cập nhật phiên bản mới.
minh họa soft fork
Minh họa về quá trình cập nhật Soft Fork

Ví dụ: 

  • Một soft fork đưa ra quy tắc mới là giảm kích thước block từ 3mb xuống còn 2mb. Khi đó, các node cũ sẽ vẫn có khả năng xử lý giao dịch và đẩy các block mới có kích thước 2mb đổ lại. Nhưng nếu các node cũ này cố gắng đẩy block lớn hơn 2mb lên mạng lưới, các node mới sẽ từ chối block do vi phạm quy tắc. Vấn đề này sẽ thúc đẩy các node cũ phải cập nhật giao thức mới, nếu không chúng sẽ không có được độ hiệu quả như các node đã cập nhật.
  • Hay một ví dụ dễ hiểu hơn nữa là cập nhật Soft Fork giống như bạn cập nhật hệ điều hành iOS 13 cho Iphone, và bản cập nhật này tương thích với tất cả các đời điện thoại như từ Iphone 6 đến Iphone 12. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng các tính năng cũ như chụp hình, quay phim, nghe nhạc hay cài đặt ứng dụng và dùng thêm các tính năng mới ở các bản cập nhật mới.

Hard Fork là gì?

Hard Fork là một sự thay đổi của giao thức tiền điện tử mà không tương thích với các phiên bản trước. Có nghĩa là các node cũ không được cập nhật phiên bản mới sẽ không thể xử lý giao dịch hay đẩy các block mới lên blockchain.

Hard Fork giới thiệu 1 phiên bản Blockchain hoàn toàn mới và các nodes chạy trên phiên bản cũ sẽ không còn được chấp nhận trên phiên bản mới. Vì vậy, tất cả người dùng phải cập nhật, nâng cấp phần mềm để có thể thực hiện xác thực và xác minh giao dịch.

Hard Fork được dùng để thay đổi hoặc cải thiện giao thức hiện tại, hoặc có thể tạo ra một giao thức và blockchain mới và độc lập.

minh họa hard fork
Minh họa về quá trình cập nhật Hard Fork

Ví dụ: 

  • Khi một giao thức có sự thay đổi về việc cho phép kích thước block được đẩy lên blockchain từ 2mb lên 4mb. Nếu một node đã cập nhật thực hiện về đẩy một block 3mb lên blockchain mà có các node cũ chưa cập nhật thì các node này sẽ cho rằng đó là một block không hợp lệ và từ chối block đó.
  • Hay trở lại với ví dụ về nâng cấp phần mềm Iphone trên, Hard Fork giống như như việc bạn sử dụng tính năng có trên iOS 13 chạy trên các điện thoại Iphone 6 trở lên mà không có ở iOS 12 chạy trên Iphone 5s. Giả sử chế độ Dark Mode chỉ có trên iOS 13 nên nếu bạn đang sử dụng Iphone 5s mà lại muốn dùng Dark Mode thì có một cách là đổi dòng điện thoại mới từ Iphone 6 trở lên và cập nhật iOS 13 mới dùng được. 

Tùy thuộc từng tình huống, các hard fork có thể được chấp thuận và thực hiện theo kế hoạch hoặc sẽ không có sự chấp thuận cao và gây ra nhiều tranh cãi. 

  • Với một fork được thực hiện theo kế hoạch, các bên tham gia sẽ tự nguyện nâng cấp phần mềm của họ nhằm đáp ứng các quy tắc mới, bỏ đi các phiên bản cũ. Các node không cập nhật sẽ tiếp tục quá trình mining trên blockchain cũ và rất ít người dùng.
  • Nếu fork đó không có tỷ lệ đồng thuận cao, gây ra nhiều bất đồng về vấn đề nâng cấp trong cộng đồng, thì thường giao thức sẽ bị chia làm 2 blockchain riêng biệt không tương thích với nhau →  đồng nghĩa với việc xuất hiện 2 loại tiền mã hóa khác nhau. Cả 2 blockchain này sẽ có cộng đồng riêng cho mỗi bên, các nhà phát triển sẽ tiếp tục xây dựng theo cách mà họ nghĩ là tốt nhất.

Ví dụ nổi tiếng nhất cho trường hợp thứ 2, đó là Hard Fork của Bitcoin và tạo ra Bitcoin Cash. Trong đó, một phần cộng đồng ban đầu của Bitcoin tin rằng việc tăng kích thước khối Bitcoin từ 1mb lên 8mb sẽ giúp mạng lưới nhanh hơn và phần còn lại thì không. Do đó việc phân nhánh mới đã xảy ra, đặc biệt là các giao dịch trên blockchain gốc cũng được sao chép vào nhánh mới.

Bitcoin Hard Fork là gì?

Sau khi đã hiểu về Hard Fork, thì chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được Bitcoin Hard Fork là gì. Bitcoin Hard Fork đơn giản là sự kiện thay đổi các quy tắc của giao thức Bitcoin khiến cho những khối (block) và giao dịch cũ bị vô hiệu hoá.

Một khi Hard Fork diễn ra, tất cả các nodes và người dùng bắt buộc phải nâng cấp phần mềm bản mới nhất thì mới có thể sử dụng bình thường.

Trong trường hợp, một số node không chấp nhận quy tắc mới mà vẫn dùng quy tắc cũ thì mạng lưới sẽ xảy ra hiện tượng chia tách chuỗi khối thành hai blockchain khác nhau với tầm nhìn và sứ mệnh khác nhau.

Và đa số Hard Fork của Bitcoin đều xảy ra việc chia tách chuỗi khối này. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Hard Fork là sự chia tách chuỗi khối.

Tại sao lại có Bitcoin HardFork?

Có nhiều lý do khiến các nhà phát triển tạo ra Hard Fork.

  • Phục nhu cầu người dùng: Sau khi đã hoạt động một thời gian, mạng lưới sẽ cần có sự thay đổi để tương thích với nhu cầu người dùng và thay đổi những luật lệ hiện có.
  • Đảm bảo vấn đề an ninh bảo mật: Có thể do đã phát hiện được một rủi ro hoặc lỗi nghiêm trọng trên bản phần mềm cũ, nên cần thêm tính năng mới vào hoặc đảo ngược các giao dịch để ngăn chặn các hacker lợi dụng lỗ hổng.
  • Xung đột trong tầm nhìn của đội ngũ phát triển: Nhìn chung Hard Fork là sự thay đổi tích cực đối với Bitcoin nhưng sự thay đổi sẽ tạo ra xung đột do không cùng tầm nhìn và định hướng. Buộc Bitcoin Hard Fork phải chia tách khỏi chuỗi tạo thành 2 chuỗi riêng biệt.
  • Lợi ích cá nhân và nhóm nhà phát triển: Bởi khi một coin được tạo ra từ Hard Fork thì trước thời điểm diễn ra Hard Fork, người nắm giữ BTC sẽ được airdrop đồng coin đó theo tỷ lệ 1:1. Sau đó khi hoàn thành Hard Fork, họ sẽ tìm cách để các coin đó được listing lên sàn giao dịch khiến giá token tăng và tạo cơ hội để xả lên đầu những người mua sau để thu về khoản lợi nhuận khổng lồ.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Bitcoin sẽ tăng sau mỗi lần cập nhật Hard Fork.

Bitcoin Hark Fork
Bitcoin Hark Fork

Lịch sử Bitcoin Hard Fork

Tính từ ngày đầu thành lập, Bitcoin đã trải qua nhiều sự kiện Hard Fork. Sau đây là những lần Hard Fork đáng chú ý.

Bitcoin XT

Bitcoin XT là một trong những hard fork đáng chú ý đầu tiên của Bitcoin. Phần mềm được Mike Hearn đưa ra vào cuối năm 2014, bao gồm một số tính năng mới. Trong khi phiên bản trước của Bitcoin cho phép tối đa bảy giao dịch mỗi giây, thì Bitcoin XT nhắm đến 24 giao dịch mỗi giây. Để thực hiện điều này, nó đã đề xuất tăng kích thước khối từ 1 Mb lên 8 Mb.

Bitcoin XT ban đầu đã thành công, với hơn 1,000 nodes chạy vào cuối mùa hè năm 2015. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, dự án đã mất đi sự chú ý của người dùng và về cơ bản đã bị lãng quên. Cho tới bây giờ Bitcoin XT đã không còn tồn tại nữa.

Bitcoin Classic

Khi Bitcoin XT biến mất, một số thành viên trong cộng đồng vẫn muốn kích thước được đẩy vào khối tăng lên. Vì vậy một nhóm các nhà phát triển đã tung ra Bitcoin Classic vào đầu năm 2016. Không giống như Bitcoin XT, đề xuất tăng kích thước khối lên 8 Mb, Bitcoin Classic chỉ có ý định tăng lên 2 Mb.

Giống như Bitcoin XT, Bitcoin Classic đã nhận được sự quan tâm ban đầu, với khoảng 2,000 nodes chạy trong vài tháng sau đó. Và dự án này vẫn còn tồn tại đến ngày nay nhưng không nhận được nhiều sự chú ý với vị trí 1,317 trên bảng xếp hạng vốn hóa tính tới thời điểm viết bài.

Bitcoin Unlimited

Bitcoin Unlimited vẫn còn là một bí ẩn kể từ khi phát hành vào đầu năm 2016. Các nhà phát triển của dự án đã phát hành code nhưng không chỉ ra loại fork mà họ muốn. 

Bitcoin Unlimited tự tạo sự khác biệt bằng cách cho phép người khai thác quyết định kích thước khối của họ với giới hạn các nodes lên tới 16 Mb.

Mặc dù được quan tâm trong thời gian dài, nhưng Bitcoin Unlimited dường như đã không được chấp nhận cho tới nay.

Segregated Witness 

Nhà phát triển Bitcoin Core, Pieter Wuille, đã trình bày ý tưởng về Segregated Witness (SegWit) vào cuối năm 2015 và được thực hiện năm 2017.

Nói một cách đơn giản, SegWit nhằm mục đích giảm kích thước của mỗi giao dịch Bitcoin và cho phép nhiều giao dịch diễn ra cùng một lúc. 

Về mặt kỹ thuật, SegWit là một soft fork và cũng gây ra nhiều tranh cãi nhất. Tuy nhiên, nó đã đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của Hard Fork tiếp theo.

Bitcoin Cash

Và Hard Fork tiếp theo đó chính là Bitcoin Cash. Đáp lại SegWit, một số nhà phát triển Bitcoin và người dùng đã quyết định bắt đầu một Hard Fork để tránh các bản cập nhật giao thức mà SegWit mang lại. 

Bitcoin Cash là kết quả của đợt Hard Fork này. Nó tách ra khỏi chuỗi khối chính vào tháng 8/2017, khi ví Bitcoin Cash từ chối các giao dịch và khối Bitcoin.

Bitcoin Cash vẫn là đợt hard fork thành công nhất của Bitcoin. Tính đến tháng hiện tại, BCH đứng ở vị trí thứ 12 trên bảng xếp hạng vốn hóa. Một phần nhờ sự hỗ trợ của nhiều nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng tiền điện tử và nhiều sàn giao dịch phổ biến.

Bitcoin Cash cho phép các nodes với kích thước 8 Mb và không chấp nhận SegWit. 

hard fork bitcoin cash
Hard Fork Bitcoin Cash 2017

Bitcoin Gold

Bitcoin Gold (BTCG) là một đợt hard fork diễn ra ngay sau Bitcoin Cash, vào tháng 10/2017.

Những người tạo ra đợt hard fork này nhằm khôi phục chức năng khai thác với các đơn vị xử lý đồ họa cơ bản (GPU). Vì họ cảm thấy rằng việc khai thác đã trở nên quá chuyên biệt về mặt thiết bị và phần cứng yêu cầu.

Một tính năng độc đáo của Hard Fork Bitcoin Gold là "pre-mine", một quá trình mà nhóm phát triển đã khai thác 100,000 coin sau khi fork diễn ra.

Nhiều coin trong số này đã được đặt vào một "khoản tài trợ" đặc biệt. Các nhà phát triển đã chỉ ra rằng khoản tài trợ này sẽ được sử dụng để phát triển và tài trợ cho hệ sinh thái Bitcoin Gold, với một phần của những đồng tiền đó cũng được dành để trả cho các nhà phát triển.

Nói chung, Bitcoin Gold tuân thủ nhiều nguyên tắc cơ bản của Bitcoin. Tuy nhiên, nó khác về thuật toán bằng chứng công việc (PoW) mà nó yêu cầu đối với các thợ đào. Nhằm giúp thợ đào Bitcoin dễ tiếp cận hơn bằng cách thay đổi phần cứng 

Tổng kết

Như vậy trên đây là kiến thức về hai loại fork tiền điện tử đó là Soft Fork và Hard Fork. Mong rằng sẽ đem lại kiến thức bổ ích dành cho bạn trong quá trình tìm hiểu và đầu tư tiền điện tử.

Nếu bạn có thêm ý kiến đóng góp nào về hai loại fork này thì hãy để lại bình luận ở dưới để chúng ta cùng thảo luận nhé!

RELEVANT SERIES