Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Kháng cự Hỗ trợ là gì? 3 Cách giao dịch với đường kháng cự hỗ trợ

Kháng cự Hỗ trợ là gì? Cách xác định ngưỡng kháng cự hỗ trợ như thế nào? Phương pháp giao dịch với đường hỗ trợ và kháng cự ra sao? Tìm hiểu tại đây.
kaylin
Published Jun 02 2021
Updated Aug 17 2022
12 min read
thumbnail

Kháng cự hỗ trợ là một trong những đường hay vùng giá sẽ đảo chiều. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng trả lời các câu hỏi sau:

  • Kháng cự - Hỗ trợ là gì?
  • Có phương pháp nào để hỗ trợ giao dịch với Kháng cự Hỗ trợ?
  • Cách xác định đường kháng cự hỗ trợ đơn giản và chi tiết?
  • Khi giao dịch với đường kháng cự hỗ trợ cần lưu ý gì?

Tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!

Kháng cự Hỗ trợ là gì? 

Kháng cự là gì?

Kháng cự là một đường hay một vùng giá mà tại đó các nhà đầu tư kỳ vọng giá sẽ đảo chiều do tập trung số lượng người bán nhiều. Khi giá gặp kháng cự sẽ có xu hướng đảo chiều từ tăng thành giảm mạnh. Một cách dễ hiểu hơn, kháng cực là vùng mà ở đó áp lực bán chiếm ưu thế so với áp lực mua, có thể coi là vùng giá phù hợp để mở vị thế bán.

đường kháng cự
Mô tả đường kháng cự

Hỗ trợ là gì?

Hỗ trợ là một đường hay một vùng giá mà tại đó các nhà đầu tư kỳ vọng giá sẽ đảo chiều do tập trung số lượng người mua nhiều. Khi giá gặp hỗ trợ sẽ có xu hướng có xu hướng đảo chiều từ giảm thành tăng mạnh. Nói dễ hiểu hơn thì hỗ trợ là vùng có áp lực mua chiếm ưu thế so với áp lực bán, có thể coi đây là vùng giá phù hợp để mở vị thế mua.

đường hỗ trợ
Đường hỗ trợ

Như vậy nói đơn giản thì hỗ trợ sẽ là các đáykháng cự sẽ là các đỉnh.

Lưu ý: Nếu mức hỗ trợ và kháng cự bị phá vỡ thì hỗ trợ sẽ chuyển thành kháng cự, ngược lại kháng cự sẽ chuyển thành hỗ trợ.

Bản chất của đường kháng cự hỗ trợ

2 yếu tố chính cấu thành nên đường hỗ trợ và kháng cự:

  • Tâm lý thị trường: Là khái niệm chỉ sự chuyển động của thị trường phản ánh (hoặc bị ảnh hưởng bởi) trạng thái cảm xúc của những người tham gia. Đây là một trong những chủ đề chính của kinh tế học hành vi - một lĩnh vực nghiên cứu các yếu tố khác nhau trước các quyết định kinh tế.
  • Thói quen tiếc nuối quá khứ.

Về cơ bản, sẽ có 3 đối tượng chính tham gia thị trường bao gồm: 

  • Người mua.
  • Người bán.
  • Những người đứng ngoài thị trường.
kháng cự hỗ trợ
Mô tả đường kháng cự và hỗ trợ

Xét ví dụ sau: Cặp BTCUSDT 

  • Đầu tiên những người mua đặt lệnh BUY ở $56,411 với target kì vọng 2% ở mức $58,880 nhưng giá sau khi chạm target thì tiếp tục tăng cao hơn.
  • Khi thấy giá tăng cao những người mua này sẽ hình thành tâm lý nuối tiếc, muốn BUY lại ở đúng vùng giá đã BUY trước đây (theo tâm lý họ sẽ không chấp nhận BUY mức cao hơn).
  • Sau một thời gian BUY ở vùng này đến lần thứ 3 giá chạm không tiếp tục đảo chiều đi lên mà giảm mạnh xuống phá đường này bằng nến bao trùm.
  • Đến lúc này những người mua đã “đu đỉnh" và mong muốn hoàn vốn nên sẽ đặt lệnh SELL lại ngay vùng đã trước đây.

Như vậy có một đường kháng cự - hỗ trợ mạnh của BTC ở mức $56,411 được hình thành. 

Ngoài vấn đề tâm lý, 1 điểm cần nói tới đó chính là giá cả được quyết định bởi cung và cầu.

  • Khi 1 vùng giá được hình thành, đó là sự đồng thuận giữa phe mua và phe bán. Tức phe mua cho rằng $56,411 là mức giá hợp lý để mua vào và phe bán cũng thấy rằng $56,411 là mức giá hợp lý để bán ra.
  • Khi cả 2 cùng đồng thuận cho rằng giá $56,411 là đáy rồi sẽ ngăn cản không cho giá bị đẩy thấp xuống nữa, nên đã hình thành một đường hỗ trợ. Và từ mốc này có hàng trăm hàng nghìn người tham gia.
  • Tới lúc này, những người tham gia muộn sẽ tiếc nuối mức giá $56,411 ở quá khứ và chờ giá quay lại để mua lại. Và nếu tại đây sự đồng thuận giữa người mua và người bán vẫn tiếp tục tin tưởng mức $56,411 thực sự là 1 mức hợp lý thì giá từ đây có thể tiếp tục được đẩy lên cao hơn.
  • Nhưng ngược lại, nếu phe mua lúc này cho rằng giá này quá cao, họ muốn giá thấp hơn, nên sẽ chờ giá giảm xuống dưới $56,411 mới mua lại và lúc này đã khiến cho $56,411 không còn là vùng hỗ trợ mà đã biến thành kháng cự.

Cách xác định ngưỡng kháng cự hỗ trợ

Thông thường, rất nhiều tài liệu cho rằng: Kháng cự - hỗ trợ là một vùng giá chứ không phải là một mức giá. 

Nhưng theo mình, để có thể giao dịch hiệu quả bạn cần tỉ mỉ trong quá trình vẽ kháng cự hỗ trợ để tìm ra chính xác một mức giá thật sự mạnh để tránh trường hợp đặt lệnh mà không khớp. 

Vậy một ngưỡng hỗ trợ - kháng cự mạnh phải thoả điều kiện gì?

Để có thể xác định được đó có phải là ngưỡng kháng cự - hỗ trợ mạnh hay không, cần phải bao gồm 3 yếu tố (nếu thiếu có nghĩa là chưa đủ mạnh):

  • Đi qua các đỉnh giá.
  • Đi qua các đáy giá.
  • Có nến bao trùm đi qua (đây là điểm phá vỡ mạnh, bạn có thể hiểu đơn giản là nơi mọi người đều đồng lòng mua hoặc bán không có sự do dự).
Những điểm trên đường kháng cự hỗ trợ

Phương pháp giao dịch với đường kháng cự hỗ trợ

Đặt lệnh BUY ngay hỗ trợ và SELL ngay kháng cự

đặt lệnh ngay kháng cự hỗ trợ
Đặt lệnh Buy ngay hỗ trợ - Sell ngay kháng cự

Trên khung D1, trên cặp BTCUSDT xác định vùng kháng cự hỗ trợ như hình, sau đó mình sẽ lên chiến lược BUY khi giá về hỗ trợ và SELL khi giá lên gặp kháng cự.

  • Lệnh đầu tiên: BUY tại hỗ trợ và bán ở kháng cự => Đây là một lệnh đúng.
  • Lệnh thứ hai: BUY tại hỗ trợ một lần nữa và bán ở kháng cự => Đây là một lệnh đúng.
  • Lệnh thứ ba: BUY tại hỗ trợ. Tuy nhiên đến lần này giá không đảo chiều đi lên mà lại break xuống phá hỗ trợ này.

Vậy câu hỏi được đặt ra là: Tại sao mình làm lại lệnh BUY y chang lần trước mà lần này lại thua?

  • Điều này có thể trả lời đơn giản là do mình đặt lệnh tại hỗ trợ kháng cự mà không dùng kèm bất kì công cụ hoặc tín hiệu nào khác.
  • Ngoài ra, việc đặt lệnh ngay còn có một nhược điểm bạn sẽ rất thường gặp đó là bị quét STOPLOSS. Hỗ trợ kháng cự vẫn hoạt động tốt, tuy nhiên việc bóng nến bị quét mạnh qua hỗ trợ rồi mới đảo chiều biến lệnh đáng lẽ win thành lose.

Chờ tín hiệu đảo chiều tại đường hỗ trợ và kháng cự

Có nhiều công cụ, tín hiệu báo đảo chiều hiệu quả, tùy theo cách bạn lựa chọn cái hợp nhất với mình. Các tín hiệu đó có thể là điểm breakout trendline, tín hiệu đảo chiều của các chỉ báo như: Moving Average, MACD, RSI

Ở bài viết này, mình sẽ hướng dẫn tín hiệu đảo chiều thông qua các mô hình nến đảo chiều. Có 3 lý do chính cho việc này:

  • Tín hiệu nến đảo chiều tại hỗ trợ kháng cự là một tín hiệu rất mạnh.
  • Tín hiệu nến đảo chiều xuất hiện khá sớm giúp cho chúng ta không bỏ lỡ một cơ hội.
  • Tín hiệu nến đảo chiều cũng cho chúng ta vị trí Stoploss rõ ràng.
tín hiệu đảo chiều ở đường kháng cự hỗ trợ
Tín hiệu nến đảo chiều ở đường kháng cự hỗ trợ

Xét ví dụ sau: Cặp giao dịch ETHUSDT có đường hỗ trợ $2,285.

Khi giá hồi về ngay đường hỗ trợ mình sẽ không đặt lệnh liền mà chờ hình thành nến có râu dài ở dưới. Sau đó mình sẽ đặt lệnh BUY ngay ở cây nến sau đó. 

Để tránh bị quét Stoploss mình sẽ đặt Stoploss ở vùng giá thấp nhất của cây nến trước đó. Khi sử dụng cách này bạn cần lưu ý % stoploss phải luôn thấp hơn vùng lợi nhuận bạn có được (hạn chế trường hợp bóng nến quá dài).

Đặt lệnh ngay khi đường hỗ trợ hoặc kháng cự bị phá vỡ

Cách này nghĩa là đặt lệnh ngay khi nhận thấy sự phá vỡ ở vùng hỗ trợ hoặc kháng cự. Cách này thường được áp dụng khi thị trường có xu hướng mạnh. Việc chờ giá hồi về đường hỗ trợ cũ để BUY sẽ không khả dụng vì khả năng cao giá sẽ đi luôn chứ không quay lại.

đặt lệnh ngay khi đường hỗ trợ và kháng cự bị phá vỡ
Đặt lệnh ngay khi đường hỗ trợ và kháng cự bị phá vỡ

Xét ví dụ sau: Cặp ETHUSDT

Sau khi vẽ kháng cự hỗ trợ cho vùng giá này, mình nhận định đây là một xu hướng tăng, việc chờ giá hồi về hỗ trợ cũ sẽ không khả thi vì nếu rớt về khi đó giá cũng phá xu hướng tăng này là khả năng cao sẽ giảm luôn chứ không đảo chiều.

Vậy mình sẽ chờ giá break hẳn đường kháng cự trên và vào lệnh ở cây nến tiếp theo. Khi đó đường kháng cự này sẽ đóng vai trò là đường hỗ trợ mới. 

Chiến lược này sẽ có một khuyết điểm là đối với những bạn vẽ kháng cự không chuẩn sẽ rất dễ bị bẫy hoặc giao dịch trong lúc thị trường bất ổn định, bị làm giá. Vậy làm thế nào để khắc phục khuyết điểm này?

Chờ giá quay lại đường kháng cự hỗ trợ vừa bị phá vỡ

Kháng cự khi bị phá vỡ sẽ trở thành hỗ trợ và ngược lại. Vì vậy bạn hãy chờ vùng kháng cự đó bị phá vỡ rõ ràng và tìm cơ hội khi giá quay lại vùng đó mới vào lệnh (gọi là retest).

Khi giá quay lại vùng kháng cự vừa phá thì đường đó sẽ trở thành hỗ trợ, bạn có thể áp dụng phương pháp giao dịch ở trên để vào lệnh. 

Lưu ý khi giao dịch với kháng cự hỗ trợ

Kháng cự - hỗ trợ chỉ mang tính tương đối

Các đường hỗ trợ - kháng cự dù bạn vẽ tỉ mỉ đến mức nào thì nó cũng chỉ mang tính tương đối, không thể đúng 100%. 

Vì lí do đó khi giao dịch bạn nên có các chiến lược cụ thể cũng như lường trước mọi trường hợp (nếu không đi đúng kịch bản thì bạn sẽ làm gì? Tiếp tục giữ hay out lệnh?).

Kháng cự - hỗ trợ ở hiện tại đáng tin cậy hơn quá khứ

Các vùng hỗ trợ - kháng cự ở hiện tại sẽ có độ chính xác cao hơn ở quá khứ. Bạn nên thường xuyên điều chỉnh lại các đường kháng cự hỗ trợ đã vẽ trong quá khứ sao cho phù hợp với hiện tại.

Lý giải cho điều này, bạn có thể hiểu đơn giản là ở bất cứ thị trường nào đều có các nhà giao dịch mới vào và các nhà giao dịch cũ rời đi. Mà đường hỗ trợ và kháng cự là tâm lý nuối tiếc của nhà giao dịch ở một thời điểm bất kì, như vậy khi họ rời thị trường thì đường đó cũng dần mất đi độ chính xác.

Kháng cự ở khung thời gian lớn sẽ chính xác hơn ở khung nhỏ

Đó là điều tất nhiên! Bạn nên vẽ kháng cự hỗ trợ ở khung lớn sau đó vào khung nhỏ để tìm điểm vào lệnh.

  • Phân tích khung M5 M15 nên vào khung H1 để vẽ kháng cự hỗ trợ.
  • Phân tích khung H1 H2 nên vào khung H4 để vẽ kháng cự hỗ trợ.
  • Phân tích khung H4 nên vào khung D để vẽ kháng cự hỗ trợ.

Tìm hiểu thêm về Cách phân tích đa khung thời gian trong giao dịch.

Tổng kết 

Vừa rồi mình đã giới thiệu với các bạn kháng cự hỗ trợ là gì và cách vẽ kháng cự hỗ trợ cũng như phương pháp giao dịch. Cùng xem qua video để biết cách xác định kháng cự hỗ trợ đơn giản nhé!

Series học tập này dành cho các bạn vừa mới bắt đầu tìm hiểu về kháng cự hỗ trợ cũng như phân tích kỹ thuật có thể dễ dàng đọc hiểu và ghi nhớ.

RELEVANT SERIES