Những dự án Hùng Đinh từng góp mặt trước khi dính cáo buộc rug pull 28 triệu USD
Hùng Đinh là ai?
Hùng Đinh, tên đầy đủ: Đinh Viết Hùng, là một doanh nhân nổi tiếng tại Việt Nam, được biết đến với vai trò sáng lập JoomSolutions và DesignBold.
Được thành lập vào năm 2006, JoomSolutions đã nhanh chóng trở thành một trong những công ty hàng đầu về phát triển ứng dụng mã nguồn mở Joomla những năm 2010.
Năm 2016, Hùng Đinh tiếp tục ghi dấu ấn khi sáng lập DesignBold, một công cụ thiết kế đồ họa trực tuyến tương tự Canva. DesignBold đã gặt hái nhiều thành công, đặc biệt khi đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi Creative Business Cup và đạt giải quán quân. Điều này giúp DesignBold thu hút hàng triệu người dùng trên toàn cầu.
Sau khi DesignBold dừng hoạt động vào năm 2021, Hùng Đinh bước chân vào lĩnh vực blockchain với kỳ vọng tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế.
Ông đã sáng lập RADA Network, một launchpad đa chuỗi (multi-chain) để hỗ trợ các dự án blockchain. Tuy nhiên, những dự án mà RADA xúc tiến như The Parallel, DeFi Horse và Orbitau đều không thành công và gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng.
Quá trình từ sinh viên trở thành doanh nhân
Hùng Đinh sinh ra và lớn lên tại Nghệ An, một tỉnh có truyền thống hiếu học. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là một học sinh xuất sắc, với niềm đam mê học hỏi, nhất là về công nghệ và những xu hướng mới.
Sau khi hoàn thành chương trình học tại trường Phan Bội Châu, một trường trung học phổ thông chuyên hàng đầu của Việt Nam. Sau đó, Hùng Đinh tiếp tục hành trình học tập tại Đại học Ngoại thương, chuyên ngành kinh tế đối ngoại.
Trong suốt thời gian học đại học, Hùng Đinh không có nền tảng về công nghệ thông tin (CNTT), nhưng ông đã tự mình tìm tòi và nghiên cứu về thương mại điện tử.
Tốt nghiệp Đại học, Hùng Đinh làm việc cho một công ty dầu khí lớn với mức lương gần 5,000 USD/tháng vào năm 2004. Tuy nhiên, niềm đam mê được "vùng vẫy" trong lĩnh vực CNTT, để ghi danh Việt Nam trên bản đồ công nghệ của thế giới luôn hiện hữu ở ông.
Vào thời điểm đó, Internet mới chỉ bắt đầu phổ biến và việc phát triển trang web là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Nhận thấy tiềm năng lớn của Internet, ông quyết định theo đuổi đam mê công nghệ dù không có nền tảng chuyên môn.
Trong những năm đại học, Hùng Đinh thường làm thêm và tự kiếm tiền để trang trải cuộc sống. Chính những công việc này đã giúp ông có những hiểu biết đầu tiên về thị trường thương mại điện tử và kỹ năng kinh doanh.
Ông nhận ra rằng nhiều doanh nghiệp sẽ cần một trang web để hoạt động, nhưng rất ít công ty nhỏ tại thời điểm đó có khả năng tự xây dựng các trang web đơn giản và dễ quản lý. Đây chính là lý do khiến ông bắt đầu nghiên cứu và phát triển Joom Solutions, sản phẩm khởi nghiệp đầu tay từ những năm cuối đại học.
Điểm đặc biệt ở thuở thiếu thời của Hùng Đinh là ông đã theo đuổi khởi nghiệp với một cái nhìn chiến lược dài hạn và hướng ra thị trường quốc tế, bởi lúc đó thị trường Việt Nam chưa có nhiều nhu cầu đối với các sản phẩm ông tạo ra. Điều này đã giúp ông tránh được sự cạnh tranh nội địa, đồng thời đưa Joom Solutions và sau này là JoomlArt phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu.
Joom Solutions và DesignBold: Đưa sản phẩm của người Việt ra quốc tế
Joom Solutions
Thành lập Joom Solutions vào những năm cuối đại học tại Đại học Ngoại thương, Hùng Đinh nhận ra tiềm năng to lớn của thương mại điện tử và Internet. Mặc dù không có nền tảng về công nghệ thông tin, ông đã bắt tay vào nghiên cứu và thành lập Joom Solutions vào đầu những năm 2005.
Đây là một công ty chuyên cung cấp giải pháp phát triển web dựa trên nền tảng mã nguồn mở Joomla, một trong những nền tảng mã nguồn mở phổ biến thời bấy giờ.
Thời gian đầu, Hùng Đinh gặp nhiều khó khăn khi khởi nghiệp. Ông bắt đầu với một số vốn ít ỏi, chỉ khoảng 314 USD, số tiền mà ông tích góp từ việc làm thêm và bán sản phẩm qua mạng trong thời gian học đại học. Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thiết kế web và cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp, với hướng đi ban đầu là tập trung vào thị trường quốc tế do nhu cầu ở Việt Nam còn rất hạn chế.
Joom Solutions nhanh chóng mở rộng với sản phẩm chủ lực là JoomlArt, nền tảng chuyên cung cấp các mẫu giao diện web cho cộng đồng mã nguồn mở Joomla và các doanh nghiệp. JoomlArt sau đó đã trở thành một trong những công ty hàng đầu về phát triển các giải pháp mã nguồn mở và thương mại điện tử.
Với hệ thống bid (đấu thầu) cho phép các lập trình viên tự do trên toàn thế giới tham gia đấu giá để nhận dự án, Hùng Đinh đã tạo ra một nền tảng thu hút hàng ngàn lập trình viên từ hơn 15 quốc gia.
Trong khoảng thời gian phát triển, JoomlArt.com thu hút trung bình 1.5 triệu lượt khách mỗi tháng và được xếp hạng cao trên công cụ tìm kiếm Google.
Các mốc thời gian quan trọng của Joom Solutions:
- 2005 - Sáng lập Joom Solutions: Với số vốn nhỏ từ những công việc làm thêm, Hùng Đinh thành lập Joom Solutions, tập trung vào thị trường quốc tế.
- 2007 - Ra mắt JoomlArt: Sản phẩm JoomlArt chính thức ra mắt, chuyên cung cấp các mẫu giao diện và giải pháp phát triển web cho cộng đồng mã nguồn mở Joomla.
- 2010 - JoomlArt đạt mốc tăng trưởng lớn: Công ty bắt đầu chỉ nhận các hợp đồng trị giá từ 2,000 USD trở lên, và nền tảng của Hùng thu hút hơn 21,000 lập trình viên từ nhiều quốc gia.
- Mua lại đối thủ: JoomlArt thành công lớn khi mua lại đối thủ lâu năm là Gavick, một công ty chuyên cung cấp mẫu giao diện cho Joomla và WordPress.
- Giai đoạn phát triển sau đó: Trong quá trình phát triển, JoomlArt tiếp tục củng cố vị thế của mình trong cộng đồng, trở thành lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp cần phát triển web một cách đơn giản và hiệu quả.
Sau những thành công lớn với JoomlArt và Joom Solutions, Hùng Đinh chuyển hướng sang các dự án mới bằng cách bán đi Joom Solutions, chi tiết về số tiền Hùng Đinh kiếm được từ việc bán công ty không được tiết lộ.
DesignBold
DesignBold, do Hùng Đinh sáng lập vào năm 2016, là một công cụ thiết kế đồ họa trực tuyến tương tự như Canva, giúp người dùng tự tạo các sản phẩm thiết kế một cách dễ dàng, từ những người không chuyên đến các nhà thiết kế chuyên nghiệp.
Điểm mạnh của DesignBold là cung cấp kho tài nguyên khổng lồ với hơn 60 triệu hình ảnh, vector, và hơn 4,000 mẫu thiết kế có sẵn để người dùng tùy chỉnh.
DesignBold đã thu hút sự chú ý lớn ngay từ khi ra mắt, đặc biệt là khi nó đại diện cho Việt Nam tham gia cuộc thi Creative Business Cup vào năm 2016 và đạt giải quán quân. Thành công này đã đưa DesignBold trở thành một trong những công cụ thiết kế trực tuyến phổ biến, được sử dụng bởi hàng triệu người dùng trên toàn thế giới.
Hùng Đinh phát triển DesignBold với tầm nhìn tạo ra một nền tảng mạnh mẽ cho phép bất kỳ ai, dù không có kiến thức chuyên môn về thiết kế, cũng có thể tạo ra các sản phẩm sáng tạo nhanh chóng và dễ dàng.
Tuy nhiên, sự phổ biến ngày càng lan rộng của Canva đã khiến DeSignBold dần mất chỗ đứng. Đến năm 2021, DesignBold tuyên bố ngừng hoạt động.
Trên trang web chính thức, công ty cho biết sự biến động của công nghệ và môi trường kinh doanh buộc họ phải thay đổi hướng đi. Hùng Đinh cũng chia sẻ trên trang cá nhân rằng ông quyết định từ bỏ mọi thứ để tập trung 100% vào lĩnh vực blockchain.
Các dự án blockchain liên quan đến Hùng Đinh
RADA: Cái tên nổi tiếng trong năm 2021
RADA Network do Hùng Đinh sáng lập vào tháng 09/2021, là một cộng đồng đầu tư và launchpad phi tập trung (DAO-based AngelList) dành cho các dự án blockchain.
Mục tiêu chính của RADA là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận sớm với các dự án tiềm năng trong lĩnh vực blockchain, đặc biệt là GameFi và Metaverse.
Một trong những sản phẩm nổi bật của RADA là LaunchVerse, một nền tảng launchpad hỗ trợ các dự án IDO một cách dễ dàng hơn. Qua đó tiếp cận được người dùng trên nhiều blockchain khác nhau như BNB Chain, Solana, Polygon và Avalanche.
Đội ngũ của RADA bao gồm những cá nhân có tiếng trong ngành blockchain và GameFi, trong đó Hùng Đinh đóng vai trò là cố vấn.
RADA đã tham gia vào việc phát triển và ươm mầm nhiều dự án như The Parallel, DeFi Horse, và Orbitau. Tuy nhiên các dự án này đều bị cáo buộc có hành vi sai phạm trong quá trình điều hành, dẫn đến sự suy giảm lòng tin từ các nhà đầu tư.
Với tầm nhìn lớn và tham vọng, Hùng Đinh đã giúp RADA trở thành một trong những cộng đồng đầu tư blockchain tiềm năng ở Việt Nam vào những năm 2021. Tuy nhiên, những tranh cãi xung quanh các dự án không thành công và việc quản lý yếu kém đã ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của cả ông và RADA trong thời gian dài.
The Parallel, DeFi Horse và Orbitau: Tập trung vào mảng Game Blockchain
The Parallel là dự án metaverse được ra mắt trong năm 2021 với ý tưởng nhằm tạo ra một thế giới ảo, nơi người dùng có thể sáng tạo và xây dựng các công trình kỹ thuật số. Dự án này nhận được nhiều kỳ vọng nhờ mô hình Play-to-Earn đang tạo xu thế cho thị trường vào thời điểm đó.
Các nhà đầu tư chủ yếu của The Parallel bao gồm Kyros Ventures, Rada Ventures, OKX Ventures và một số quỹ đầu tư blockchain khác. Trong thời gian hoạt động, The Parallel đã huy động được khoảng 4.3 triệu USD. Thế nhưng kể từ tháng 04/2023, dự án đã ngừng cập nhật và không có thông tin mới.
Sau đó, DeFi Horse tiếp tục được ra mắt vào đầu năm 2022, với sự kỳ vọng sẽ trở thành một trò chơi E-sport kết hợp với NFT trên blockchain. Dự án được quảng bá mạnh mẽ với mô hình Play-to-Earn thông qua việc đua ngựa kết hợp blockchain.
DeFi Horse được hỗ trợ bởi các quỹ đầu tư như Rada Ventures, Icetea Labs và một số nhà đầu tư cá nhân. Các KOL và cộng đồng crypto cũng được huy động để quảng bá dự án. Trong các vòng huy động vốn, DeFi Horse đã nhận được hơn 5 triệu USD từ các nhà đầu tư và sự hỗ trợ từ cộng đồng.
Tiếp nối đến dự án thứ ba, Orbitau ra mắt vào đầu năm 2022 cùng thời điểm với DeFi Horse. Đây tiếp tục là một dự án GameFi được hỗ trợ bởi nhiều công ty và nhà đầu tư như MEXC, Icetea Labs và đặc biệt trong đó cũng có cái tên RADA Ventures dưới dạng xúc tiến dự án.
Orbitau gọi vốn thành công tổng cộng 2 triệu USD và cũng ra mắt token. Tuy nhiên, sau đó cả Orbitau và DeFi Horse đều có chung tình trạng, hai dự án trở nên im ắng và không cập nhật thêm bất kỳ thông tin nào khác trên các trang thông tin.
GM.AI: Nơi bắt nguồn của cáo buộc "lừa đảo"
GM.AI là dự án blockchain được giới thiệu lần đầu tiên vào ngày 18/03/2024 bởi tài khoản @dexter_cap trên X. Dự án đã gọi vốn thông qua việc mở bán presale token GM, huy động được 150,000 SOL (tương đương 30 triệu USD) chỉ trong vòng 30 phút.
Ngay sau khi huy động thành công, phần lớn số tiền đã được chuyển lên sàn Binance và swap sang USDC với lý do bảo toàn lượng tiền gọi được khi thị trường đang biến động mạnh.
Trong những tháng tiếp theo, dự án GM.AI đã liên tục trì hoãn kế hoạch TGE. Ban đầu, các nhà đầu tư mong đợi rằng số tiền huy động sẽ được sử dụng đúng cách để phát triển dự án đúng với kỳ vọng.
Tuy nhiên, vào tháng 06/2024 sau nhiều lần trì hoãn liên tục, dự án đã TGE, nhưng chỉ có 2 triệu USD trong tổng số 30 triệu USD được sử dụng để cung cấp thanh khoản. Lúc này, @dexter_cap bị tố lừa đảo nhà đầu tư, chiếm đoạt số tiền 28 triệu USD.
Ban đầu, không ai biết rõ danh tính thực sự của @dexter_cap. Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi khi vào ngày 14/09/2024, một tài khoản X có tên @HungDinhScammer đã cáo buộc @dexter_cap chính là Hùng Đinh, và ông đã chiếm đoạt số tiền từ dự án GM.AI.
Tài khoản này không chỉ cáo buộc mà còn tung cả hình ảnh của Hùng Đinh và gia đình, đe dọa sẽ tiếp tục phanh phui thêm nếu không có lời giải thích hoặc hoàn trả tiền.
Dự án GM.AI chính là giọt nước tràn ly khiến cho cộng đồng chĩa mũi dùi về phía Hùng Đinh, danh tiếng của ông cũng vì thế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt khi cộng hưởng với những tranh cãi từ các dự án trước đó như The Parallel, DeFi Horse và Orbitau, cộng đồng đã không ngừng bàn tán và thậm chí lên tiếng đe dọa đối với ông.
Vào ngày 15/09/2024, tài khoản này đã bất ngờ lên tiếng sau một tháng im lặng và phủ nhận mình là Hùng Đinh, đồng thời không có liên hệ gì với nhân vật này.
Tiếp đó @dexter_cap thừa nhận những sai sót trong việc quản lý dự án và cam kết sẽ bồi thường cho các nhà đầu tư vào ngày 20/09 trước áp lực dư luận.
Đọc thêm: Một doanh nhân Việt bị nhiều tài khoản Twitter tố "cuỗm" 28 triệu USD từ nhà đầu tư Crypto