Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Nến Inside Bar là gì? 3 cách giao dịch với mô hình nến Inside Bar

Trong phân tích kỹ thuật, mô hình nến inside bar được xem là công cụ hiệu quả giúp trader nhận diện xu hướng và cơ hội giao dịch tiềm năng. Với cấu trúc đặc biệt, inside bar cung cấp tín hiệu quan trọng về sự tích lũy hoặc đảo chiều của thị trường.
kaylin
Published Mar 02 2020
Updated Dec 04 2024
14 min read
nến inside bar

Mô hình nến Inside Bar là gì?

Nến inside bar là mô hình bao gồm hai cây nến Nhật, được hình thành khi một cây nến (nến con) có vùng giá nằm hoàn toàn trong phạm vi của cây nến trước đó (nến mẹ).

Tùy theo vị trí xuất hiện, mô hình nến inside bar có thể báo hiệu hai kịch bản: tiếp diễn trong xu hướng mạnh hoặc đảo chiều tại vùng hỗ trợ/kháng cự quan trọng.

Để tín hiệu từ inside bar trở nên đáng tin cậy hơn, cần kết hợp thêm ít nhất một cây nến phía sau để xác nhận xu hướng.

mô hình nến inside bar
Nến inside bar là mô hình bao gồm hai cây nến Nhật
advertising

Các mẫu hình Inside Bar

Mô hình nến inside bar có thể xuất hiện dưới nhiều cấu trúc, phản ánh các tín hiệu và điều kiện thị trường khác nhau. Sau đây là một số mẫu hình inside bar phổ biến:

Mẫu hình Inside Bar hai nến

Mẫu hình nến inside bar hai nến là dạng cơ bản, được chia thành hai loại tùy thuộc vào kích thước thân nến con.

Nến Inside Bar có nến con thân ngắn:

  • Trong mẫu hình này, nến con có phạm vi giá rất nhỏ so với nến mẹ (mother bar), cho thấy sự do dự mạnh mẽ của thị trường.
  • Mẫu hình này thường xuất hiện khi thị trường không có động lực rõ ràng, xác suất tiếp diễn hoặc đảo chiều là thị trường ngang nhau, tùy thuộc bối cảnh thị trường.
mẫu hình inside bar hai nến
Mẫu hình Inside Bar hai nến

Nến Inside Bar có nến con thân dài:

  • Trong mẫu hình này, nến con có thân dài và dao động giá gần bằng nến mẹ, nhưng vẫn hoàn toàn nằm trong phạm vi của nến mẹ, thể hiện sự tích lũy của thị trường.
  • Mẫu hình này thường ưu tiên cho chiến lược tiếp diễn, bởi sự phá vỡ sau giai đoạn tích lũy thường đi theo hướng của xu hướng trước đó.

Mẫu hình Inside Bar nhiều nến

Đây là mẫu hình inside bar có nhiều nến con liên tiếp, tất cả đều nằm trong phạm vi của nến mẹ. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường đang tích lũy trong một giai đoạn dài, và khi giá phá vỡ mô hình này, có thể sẽ có một biến động mạnh.

inside bar nhiều nến và inside bar cuộn lồng
Mẫu hình Inside Bar nhiều nến và nến Inside Bar cuộn lồng

Mô hình Inside Bar cuộn lồng (coiling inside bar)

Mô hình Inside Bar cuộn lồng xuất hiện khi hai hoặc nhiều nến inside bar lồng vào nhau, nghĩa là mỗi nến con hoàn toàn nằm trong phạm vi của nến trước đó. Đây là một biến thể đặc biệt của mô hình inside bar nhiều nến.

Điểm đặc trưng của mẫu hình này là sự tích lũy ổn định, thể hiện qua việc phạm vi giá của các nến con ngày càng thu hẹp. Quá trình này tạo ra áp lực tích tụ trong thị trường, dẫn đến khả năng bứt phá mạnh khi giá thoát khỏi vùng tích lũy.

Mô hình này thường thiên về tín hiệu tiếp diễn xu hướng, và càng có nhiều nến lồng vào nhau, động lực di chuyển của thị trường càng rõ ràng, dự báo một sự biến động đáng kể.

Mô hình Inside Bar Pin Bar

Nến con trong mô hình inside bar pin bar có hình dạng đặc trưng của một pin bar, với thân ngắn và bóng dài.

Trong khi mô hình inside bar thông thường chỉ phản ánh sự tích lũy và do dự của thị trường mà chưa cho biết rõ hướng giá sẽ di chuyển, thì sự xuất hiện của nến con pin bar cung cấp tín hiệu mạnh mẽ hơn về xu hướng sắp tới.

Mô hình inside bar pin bar thường xuất hiện tại các mức hỗ trợ hoặc kháng cự, báo hiệu sự phản kháng mạnh mẽ từ thị trường và khả năng đảo chiều. Khi giá vượt ra khỏi phạm vi của nến mẹ, tín hiệu này càng tăng độ tin cậy.

nến inside bar pin bar và inside bar fakey
Mô hình Inside Bar Pin Bar và Inside Bar Fakey (False Break)

Mô hình Inside Bar Fakey (False Break)

Mô hình Inside Bar Fakey xảy ra khi thị trường thử phá vỡ một mức hỗ trợ hoặc kháng cự nhưng không duy trì được mức phá vỡ, dẫn đến sự hình thành một inside bar.

Đây là một tín hiệu "giả" cho thấy sự phá vỡ không thực sự mạnh mẽ và giá có thể quay lại xu hướng ban đầu.

Mô hình này thường xảy ra tại các vùng giá quan trọng, như hỗ trợ hoặc kháng cự, và có thể là tín hiệu của một sự đảo chiều mạnh mẽ khi giá phá vỡ inside bar.

Ý nghĩa mô hình Inside Bar

Mô hình inside bar có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định các giai đoạn tích lũy và khả năng bứt phá của thị trường. Sự xuất hiện của inside bar cho thấy thị trường đang trong trạng thái tạm dừng, nơi lực mua và bán tạm thời cân bằng và chưa có động lực rõ ràng.

Khi thị trường tích lũy trong một phạm vi hẹp, điều này thường báo hiệu một cú bứt phá mạnh mẽ sắp xảy ra. Khi giá phá vỡ phạm vi của nến mẹ, thị trường có thể tiếp tục xu hướng trước đó hoặc đảo chiều, tùy thuộc vào các yếu tố như vùng hỗ trợ/kháng cự hoặc xu hướng hiện tại.

Vì vậy, inside bar là tín hiệu cho thấy sự chuẩn bị của thị trường cho một thay đổi lớn, đặc biệt khi xuất hiện tại các mức giá quan trọng.

ý nghĩa nến inside bar
Ý nghĩa mô hình Inside Bar

Sự khác nhau giữa Inside Bar tiếp diễn và đảo chiều​

Mô hình Inside Bar tiếp diễn

Đặc điểm:

  • Xảy ra khi thị trường tiếp tục xu hướng trước đó.
  • Thể hiện giai đoạn thị trường tạm nghỉ trước khi tiếp tục xu hướng cũ.

Vị trí: Thường xuất hiện ở giữa xu hướng đang diễn ra.

Cách giao dịch:

  • Trong xu hướng tăng: Chờ giá phá vỡ đỉnh nến mother bar để mua.
  • Trong xu hướng giảm: Chờ giá phá vỡ đáy mother bar để bán.
nến inside bar tiếp diễn so với đảo chiều
Phân biệt nến Inside Bar tiếp diễn và đảo chiều

Mô hình Inside Bar đảo chiều

Đặc điểm:

  • Xảy ra khi thị trường chuẩn bị đổi chiều xu hướng hiện tại.
  • Dấu hiệu cho thấy áp lực từ bên mua hoặc bán đang mất dần, thị trường có thể chuyển sang xu hướng ngược lại.

Vị trí: Thường xuất hiện ở cuối xu hướng.

Cách giao dịch:

  • Trong xu hướng tăng: Chờ giá phá vỡ đáy mother bar để bán.
  • Trong xu hướng giảm: Chờ giá phá vỡ đỉnh mother bar để mua.

Chiến lược giao dịch theo nến Inside Bar​

Chiến lược đánh inside bar dựa trên nguyên tắc thị trường thường tạm dừng trước khi tiếp tục di chuyển. Do đó, việc đặt lệnh order stop có thể được coi như cách "mai phục" để tận dụng sự bứt phá.

Nhiều người thường đặt lệnh ở cả hai đầu của mother bar với hy vọng giá phá vỡ theo hướng nào thì sẽ kiếm lời theo hướng đó. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Có không ít trường hợp, giá kích hoạt lệnh ở một đầu, sau đó nhanh chóng quay ngược lại và kích hoạt đầu còn lại, dẫn đến cả hai lệnh đều bị thua lỗ.

Chính vì thế, cần kết hợp inside bar với các yếu tố khác để tăng độ tin cậy khi giao dịch. Một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực chính là chỉ báo RSI, giúp xác định sức mạnh xu hướng và các vùng quá mua, quá bán.

Sự kết hợp tín hiệu inside bar và chỉ số RSI không chỉ giúp lọc tín hiệu nhiễu, mà còn tăng khả năng thành công trong các quyết định giao dịch. Sau đây là ba cách giao dịch khi kết hợp hai công cụ này:

Cách 1: RSI ở vùng quá mua hoặc quá bán

  • Đặt lệnh Buy Stop/Sell Stop ở mức giá cao nhất/giá thấp nhất nến mother bar khi nến inside bar xuất hiện trong xu hướng giảm/tăng và RSI quá bán/RSI quá mua.
  • Đặt stop loss (SL) với inside bar: Đặt SL ở mức giá thấp nhất/giá cao nhất nến mother bar với lệnh Buy Stop/Sell Stop.
giao dịch inside bar rsi quá mua quá bán
Giao dịch với mô hình Inside Bar khi RSI ở vùng quá mua hoặc quá bán

Cách 2: RSI ở vùng trung tính (30 - 70)

  • Đặt lệnh Buy Stop/Sell Stop ở mức giá cao nhất/giá thấp nhất nến mother bar nếu inside bar xuất hiện trong xu hướng tăng/giảm.
  • Đặt stop loss ở mức giá thấp nhất/giá cao nhất nến mother bar với lệnh Buy Stop/Sell Stop.
giao dịch inside bar rsi trung tính
Giao dịch với mô hình Inside Bar khi RSI ở vùng trung tính (30 - 70)

Cách 3: RSI phân kỳ

  • Điểm vào lệnh với inside bar:
    • Nếu inside bar xuất hiện trong xu hướng tăng và RSI tạo phân kỳ giảm, đặt lệnh Sell Stop dưới đáy của inside bar.
    • Nếu mô hình nến inside bar xuất hiện trong xu hướng giảm và RSI tạo phân kỳ tăng, đặt lệnh Buy Stop trên đỉnh của inside bar.
  • Đặt sl với inside bar ngay giá cao nhất của nến mẹ nếu giao dịch Sell Stop hoặc giá thấp nhất của nến mẹ nếu giao dịch Buy Stop.
giao dịch inside bar rsi phân kỳ
Giao dịch với mô hình Inside Bar khi RSI phân kỳ

Khi giao dịch với nến inside bar, các mức chốt lời có thể xác định theo các cách sau:

  • Chiều dài của nến mother bar: Chốt lời có thể được đặt cách điểm vào lệnh một khoảng tương ứng với chiều dài của nến mẹ.
  • Mức hỗ trợ/kháng cự gần nhất: Chốt lời tại mức hỗ trợ nếu giao dịch bán hoặc mức kháng cự nếu giao dịch mua.
  • Chốt lời theo tỷ lệ rủi ro - lợi nhuận: Xác định mức cắt lỗ, sau đó đặt mục tiêu chốt lời tại một mức giá sao cho tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận là 1:2 hoặc 1:3.

Ví dụ cách vào lệnh với mô hình nến Inside Bar​

Sau đây là ví dụ cụ thể về cách đặt lệnh giao dịch OP/USDT khi kết hợp tín hiệu inside bar và chỉ số RSI trên biểu đồ.

  • Nhìn trên biểu đồ, ta thấy nến inside bar xuất hiện ở cuối xu hướng giảm, lúc này RSI dưới 30, xác định đây là nến inside bar đảo chiều.
  • Đặt lệnh Buy Stop tại mức giá 1.442 USDT, ở trên mức giá cao nhất của nến mother bar.
  • Đặt Stop Loss tại mức giá thấp nhất nến mother bar là 1.228 USDT để bảo vệ vốn.
  • Đặt Take Profit ở ngưỡng kháng cự khoảng 1.947 USDT hoặc ở mức giá bằng chiều dài nến mẹ khoảng 1.676 USDT.
vào lệnh với mô hình nến inside bar
Ví dụ cách vào lệnh với mô hình nến Inside Bar

Kinh nghiệm khi sử dụng mô hình nến Inside Bar​

Sau đây là các kinh nghiệm quan trọng giúp tối ưu hóa việc sử dụng mô hình nến inside bar khi giao dịch:

  • Lựa chọn khung thời gian phù hợp: Inside bar xuất hiện ở khung ngày thường mang lại tín hiệu chính xác hơn so với các khung thời gian ngắn.
  • Inside bar không chỉ giới hạn ở 2 nến: Mô hình này còn có thể kéo dài 3 hoặc 4 nến, thời gian tích lũy càng dài thì sự bứt phá càng mạnh.
  • Kết hợp với điều kiện thị trường mạnh mẽ: Inside bar là mẫu hình nến đơn giản, thế nên càng cần có các điều kiện mạnh mẽ khác về hoàn cảnh thị trường để hỗ trợ thêm nhằm nâng cao khả năng thắng.
  • Giao dịch thuận xu hướng ở vùng giá ít quan trọng: Khi giá đã vượt qua các mức hỗ trợ/kháng cự quan trọng và hình thành inside bar, khả năng xu hướng tiếp tục sẽ cao hơn. Do đó, giao dịch thuận xu hướng sẽ có xác suất thắng cao hơn.
  • Giao dịch ngược xu hướng ở vùng giá quan trọng: Mô hình inside bar có thể báo hiệu khả năng đảo chiều xu hướng khi xuất hiện tại ngưỡng hỗ trợ/kháng cự mạnh. Nghĩa là ở vùng này, việc vào lệnh ngược xu hướng có xác suất thắng cao hơn. Để tăng độ tin cậy, bạn cần quan sát thêm các mô hình giá đảo chiều mạnh của Price Action.
  • Kiên nhẫn và chờ đợi sự xác nhận: Inside bar thể hiện sự tích lũy, nhưng bạn không nên vào lệnh ngay khi mô hình xuất hiện. Thay vào đó, hãy chờ đợi sự phá vỡ của nến mẹ để đảm bảo rằng động lực của thị trường đã đủ mạnh để tiếp tục di chuyển.
lưu ý giao dịch mô hình nến inside bar
Lưu ý khi giao dịch với mô hình nến Inside Bar

Hướng dẫn cài đặt mô hình Inside Bar trên TradingView

Để sử dụng chỉ báo phát hiện mô hình nến Inside Bar trên TradingView, bạn có thể thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào TradingView và chọn cặp giao dịch bạn muốn phân tích.

Bước 2: Nhấn vào nút Indicators (Chỉ báo) phía trên biểu đồ.

Bước 3: Trong khung tìm kiếm, nhập từ khóa inside bar.

Bước 4: Chọn chỉ báo inside bar từ kết quả tìm kiếm và thêm vào biểu đồ.

Hiện nay trên TradingView có nhiều chỉ báo hỗ trợ phát hiện mô hình nến Inside Bar. Bạn có thể thử nghiệm với một vài chỉ báo để kiểm tra độ chính xác. Một mẹo khi chọn là nên ưu tiên các chỉ báo có lượt thích cao, vì chúng thường được cộng đồng đánh giá là hiệu quả.

hướng dẫn cài đặt inside bar trên tradingview
Cách cài đặt Inside Bar trên TradingView

Khi đã cài đặt thành công chỉ báo inside bar trên TradingView, bạn có thể dễ dàng nhận diện các tín hiệu giao dịch và áp dụng chiến lược phù hợp. Hãy tiếp tục thử nghiệm và điều chỉnh các công cụ để tối ưu hóa hiệu quả giao dịch của mình.

RELEVANT SERIES