Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Những siêu lừa khét tiếng xứ crypto

Những năm gần đây, thị trường tiền mã hóa đã phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, miếng bánh tiền mã hóa đã và đang thu hút giới tội phạm và những kẻ lừa đảo khét tiếng.
Avatar
uyntran.web3
Published Dec 25 2022
Updated Apr 08 2024
12 min read
thumbnail

Những năm gần đây, thị trường tiền mã hóa đã phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, miếng bánh tiền mã hóa đã và đang thu hút giới tội phạm và những kẻ lừa đảo khét tiếng. 

Vấn nạn này đã khiến nhiều nhà đầu tư khốn đốn, còn thị trường tiền mã hóa trở nên xấu đi trong mắt nhiều người. Sự sụp đổ hồi tháng 11 của đế chế Sam Bankman-Fried tiếp tục làm giới đầu tư chao đảo bởi tính chất phức tạp và quy mô khủng của vụ việc.

FTX có thể coi là cú lừa kinh điển trong lịch sử crypto nhưng đáng tiếc không phải là duy nhất. Trước Sam Bankman-Fried, rất nhiều dự án “bánh vẽ” khác cũng từng bòn rút hàng triệu, thậm chí hàng tỷ USD của nhà đầu tư.

Crypto Queen đứng sau One Coin

Tháng 7/2022, Ruja Ignatova bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) liệt vào danh sách 10 đối tượng bị truy nã gắt gao nhất. Đến tận bây giờ, “nữ hoàng tiền mã hóa” Ignatova vẫn nằm ngoài vòng pháp luật.

ruja ignatova bị fbi truy nã
Ruja Ignatova bị FBI truy nã nhưng chưa rõ tung tích.

Năm 2014, Ignatova tuyên bố tạo ra loại tiền mã hóa mới mang tên OneCoin để cạnh tranh với Bitcoin. Những lời tâng bốc có cánh của Ignatova khiến nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào OneCoin. Ước tính số tiền đầu tư lên đến 4 tỷ USD.

Bên cạnh khoản tiền đầu tư khủng, Ignatova được Sheikh Al Qassimi, thành viên gia đình hoàng gia Dubai (UAE) giao cho 4 ổ USB chứa 230,000 đồng Bitcoin. Thời điểm đó số tiền trên trị giá khoảng 50 triệu USD nhưng hiện đã tăng lên hơn 3.8 tỷ USD.

Dù được quảng cáo là “sát thủ Bitcoin”, OneCoin không hề có những đặc điểm của tiền mã hóa thông thường. Chủ sở hữu không thể lấy OneCoin để giao dịch hay mua bán bất cứ thứ gì. Giá trị của OneCoin cũng không phụ thuộc vào nhu cầu thị trường mà do dự án toàn quyền quyết định. Ngoài ra, dữ liệu OneCoin có thể bị thay đổi bất cứ lúc nào, trái ngược với bản chất của công nghệ blockchain.

Đến năm 2017, OneCoin đã chiêu mộ hơn 3 triệu nạn nhân. Đây cũng là lúc Ignatova trở mặt và tẩu thoát. Khoảng 98 người bị buộc tội tham gia mô hình lừa đảo trị giá 2.24 tỷ USD. Sau khi kẻ chủ mưu bỏ trốn, hàng loạt đơn kiện OneCoin đã được nộp tại London (Anh), Dublin (Ireland), Brussels (Bỉ) và một số thành phố khác. Tháng 2/2018, Ignatova bị tòa án Mỹ cáo buộc 8 tội danh lừa đảo và rửa tiền.

Một năm sau, Konstantin Ignatov, anh trai của nữ hoàng tiền số bị bắt tại Mỹ với cáo buộc lừa đảo và rửa tiền, lĩnh án 90 năm tù. Tháng 12/2022, đồng sáng lập Karl Greenwood cũng ra nhận tội. Trong khi đó, tung tích của bà vẫn còn là ẩn số. FBI đã treo thưởng 100,000 USD cho bất kỳ ai cung cấp manh mối hỗ trợ bắt giữ Ignatov.

advertising

CEO sàn Thodex

Thodex từng là một trong những sàn giao dịch lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi nền tảng sụp đổ, CEO Faruk Fatih Ozer đã rút toàn bộ tiền của người dùng, gây thiệt hại hơn 2 tỷ USD và lẩn trốn suốt một năm trời.

Thành lập năm 2017, Thodex có gần 400,000 người dùng, trong đó có 390,000 người thường xuyên giao dịch. Đến tháng 4/2021, một người phát hiện giá Dogecoin trên Thodex thấp hơn 30% so với thị trường. Hai ngày sau, sàn giao dịch bất ngờ ngừng hoạt động 4-5 ngày liên tiếp với lý do bảo trì.

ceo sàn thordex ozer
40,564 năm tù là bản án Faruk Fatih Ozer phải nhận.

Ozer thông báo sàn phải dừng giao dịch do bị tấn công mạng và cam kết tiền gửi của người dùng sẽ được hoàn trả trong thời gian sớm nhất. Cùng ngày, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 62 nhân viên, thu giữ toàn bộ máy tính và đóng băng tài khoản của họ. Riêng Ozer đã kịp bay sang Albania với 2 tỷ USD.

Theo công ty bảo mật blockchain Whitestream, Thodex đã chuyển 125 triệu USD Bitcoin đến sàn Kraken trước khi sụp đổ. Đây có thể là cách Ozer và các giám đốc rút tiền khỏi sàn và đánh cắp tài sản của người dùng. Nhiều nhà đầu tư đã tố cáo sàn Thodex với các nhà chức trách. Ozer, khi đó 27 tuổi bị truy nã với tội lừa đảo.

Ozer không may mắn lọt lưới như “nữ hoàng crypto”. Một năm sau, Ozer bị bắt giữ và dẫn độ về Thổ Nhĩ Kỳ. Ozer bị cân nhắc khung hình phạt cao nhất 40,564 năm tù. Ngoài ra, 21 bị cáo liên quan được kiến nghị mức tù giam từ 12,100 năm đến 40,654 năm.

Vua Bitcoin

Nhắc đến nữ hoàng crypto, ta không thể bỏ qua “ông hoàng Bitcoin”. Claudio Oliveira, vua Bitcoin tự xưng, là chủ tịch công ty môi giới Bitcoin Banco Group. Oliveira hứa hẹn trả lãi khủng cho các nhà đầu tư. Công ty này đã bị giới chức Brazil điều tra từ năm 2019 sau cáo buộc chiếm đoạt 7,000 Bitcoin của nhà đầu tư.

bitcoin banco dàn dự hacker
Bitcoin Banco Group bị tố dàn dựng vụ hack để chiếm đoạt tiền của người dùng.

Bitcoin Banco Group đã thu hút các nhà đầu tư bằng những lời hứa lợi nhuận khủng. Cảnh sát cho biết dấu hiệu lừa đảo xuất hiện từ đầu năm 2019 khi nền tảng bắt đầu chặn yêu cầu rút tiền của khách hàng.

Tháng 5/2019, Bitcoin Banco Group tuyên bố bị hacker đánh cắp 7,000 Bitcoin của nhà đầu tư nhưng không đưa ra được bằng chứng cụ thể trước tòa. Một khách hàng sau đó đã đệ đơn kiện công ty nhưng vụ việc được dàn xếp vào tháng 7.

Hai tháng sau, tòa án ra lệnh đóng băng tài khoản của công ty sau khi hơn 200 lá đơn được nộp lên tòa. Ước tính số người chịu thiệt hại là hơn 20,00 người.

Bitcoin Banco Group được bảo hộ để có thời gian dàn xếp với các chủ nợ. Tuy nhiên, công ty không hề có động thái trả nợ mà còn bị phát hiện tiếp tục hoạt động và lôi kéo khách hàng mới bằng các thỏa thuận đầu tư siêu lợi nhuận.

hứa hẹn mang lại lợi nhuận khủng
Claudio Oliveira hứa hẹn mang lại lợi nhuận khủng cho nhà đầu tư. Nguồn: Ticker News.

Tài liệu thuế năm 2018 cho thấy siêu lừa Oliveira có thể đang sở hữu 25,000 Bitcoin (khoảng 422 triệu USD). Olivera phải đối diện với tội danh phá sản giả mạo, biển thủ, rửa tiền và phạm tội có tổ chức ở Brazil. Tuy nhiên, kết quả điều tra của cảnh sát Brazil cho thấy vua Bitcoin có khả năng đã thực hiện các vụ lừa đảo tương tự tại Mỹ và châu Âu. Quy mô thiệt hại theo đó còn lớn hơn nhiều.

Trùm đa cấp khét tiếng iFan

Mô hình Ponzi iFan được điều hành bởi 7 người Việt, trong đó có “trùm đa cấp” Vũ Hữu Lợi và Lê Ngọc Tuấn, hay còn gọi là “Tuấn scam”. Vụ việc đã khiến cái nhìn của nhà nước Việt Nam đối với tiền mã hóa xấu đi suốt thời gian dài. Đồng thời, ngân hàng nhà nước ban hành lệnh cấm các ngân hàng giao dịch tiền mã hóa.

Tháng 4/2018, sàn giao dịch Việt Nam Modern Tech ra mắt hai loại tiền mã hóa là Pincoin và iFan. Dù do người Việt sáng lập, iFan gắn mác là dự án đến từ Singapore và đồng Pincoin đến từ Dubai nhằm lôi kéo nhà đầu tư tham gia cũng như trốn tránh pháp luật.

ifan trùm đa cấp
iFan mượn hình ảnh người nổi tiếng để lấy lòng tin của nhà đầu tư.

Để củng cố thêm niềm tin, iFan lợi dụng tên tuổi và hình ảnh nhiều nghệ sĩ Việt để quảng bá cho hệ thống. Thông qua mời các MC, ca sĩ về dẫn chương trình và biểu diễn, iFan nói dối các nghệ sĩ lớn đang hợp tác cùng iFan. Các nghệ sĩ, điển hình là Đàm Vĩnh Hưng, đã phải lên tiếng phủ nhận liên quan đến dự án lừa đảo.

Dự án huy động vốn bằng cách phát hành token, hứa hẹn xây dựng nền tảng quản lý thu nhập cho nghệ sĩ tại Việt Nam. Quan trọng hơn, Modern Tech tuyên bố cung cấp lãi suất 48%/tháng và hồi vốn trong tối đa 4 tháng, khiến hàng chục nghìn người sa bẫy.

 hà đầu tư tố cáo ifan lừa đảo
Nhà đầu tư tại TP.HCM tố cáo iFan lừa đảo. Nguồn: Báo Lao Động.

Tuy nhiên, không mất nhiều thời gian để họ phát hiện điểm đáng ngờ. Lợi nhuận đầu tư cao một cách vô lý và lấy tiền của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước, rõ ràng là cách hoạt động của iFan không khác gì Ponzi.

Giới chức trách tiết lộ những người đứng sau Modern Tech đã lấy đi 870 triệu USD từ 32,000 nhà đầu tư. Đã 4 năm trôi qua, các nạn nhân của iFan vẫn chưa thể đòi lại được tiền trong khi các đối tượng cầm đầu đã cao bay xa chạy.

Bored Bunny

Bộ sưu tập NFT Bored Bunny có sự tham gia của nhiều ngôi sao nổi tiếng như Floyd Mayweather, DJ Khaled, Jake Paul... Điều này càng khiến cộng đồng NFT có niềm tin mãnh liệt với tiềm năng của dự án.

Dự án hứa hẹn các chú thỏ Bored Bunny có khả năng "sinh sản" ra nhiều NFT con, đồng thời tặng kèm vật phẩm và đặc quyền tham gia các sự kiện trong thế giới thực. Không ngoài dự đoán, Bored Bunny nhanh chóng cháy hàng.

bored bunny không còn hoạt động
Dự án Bored Bunny không tương tác với cộng đồng suốt nhiều tháng.

Trước khi thực hiện lời hứa, đội ngũ dự án tiếp tục ra mắt Bored Bad Bunny. Vài ngày sau, bộ sưu tập Mutant Bad Bunny lại ra đời. Sau đó, không có gì xảy ra. Các nhà phát triển đã huy động được hơn 21 triệu USD nhờ 3 dự án. Kênh Discord tiếp tục giữ im lặng và dự án bị đình trệ.

Cuối tháng 3, nhà phân tích blockchain ZachXBT lật tẩy dự án và những nhà sáng lập trên Twitter. Toàn bộ số tiền thu được từ 3 bộ sưu tập đã được chuyển lên các sàn giao dịch tập trung. Trong khi đó, giá sàn NFT bắt đầu tụt dốc không phanh.

Lúc này, ZachXBT truy tìm những kẻ giấu mặt đứng sau dự án đáng ngờ. Hóa ra nhóm Bored Bunny NFT cũng là tác giả của các vụ rug pull trị giá hàng triệu USD khác như Crazy Camels và Ancient Cats Club. Danh tính của đội ngũ Bored Bunny bao gồm Slavi Kutchoukov Amir Adjaouti và Remy Goma.

Sau khoảng thời gian im lặng, tài khoản Twitter chính thức của dự án bất ngờ phủ nhận cáo buộc lừa đảo. Nguyên nhân họ phản hồi chậm trễ là có quá nhiều tin nhắn và email từ cộng đồng. Dù vậy, nhà đầu tư đã dần rời bỏ bộ sưu tập. Bored Bunny bị xem là dự án “chết” do có rất ít hoặc không có hoạt động giao dịch.

Tổng kết

Thị trường càng mở rộng, những vụ lừa đảo theo đó cũng ngày càng dày đặc và tinh vi hơn. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa chúng ta đánh mất lòng tin vào ngành và lãng quên những dự án nghiêm túc hoạt động suốt bao năm qua. Việc chúng ta có thể làm lúc này là nâng cao cảnh giác và bắt bài những dấu hiệu lừa đảo tiềm ẩn trước khi xuống tiền đầu tư.

Đọc thêm:

RELEVANT SERIES