Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

P2P là gì? Ứng dụng của mạng ngang hàng P2P trong blockchain

Với những newbie, thuật ngữ P2P có lẽ còn khá xa lạ và có nhiều kiến thức xung quanh cần được "khai phá". Tìm hiểu xem Peer to Peer - P2P là gì tại đây.
Avatar
Khải Hoàn
Published Dec 15 2021
Updated Jul 18 2024
10 min read
mạng ngang hàng p2p

P2P là gì?

P2P là từ viết tắt của Peer-to-Peer, được gọi là mạng ngang hàng hoặc mạng đồng đẳng. Người tham gia có thể sử dụng mạng P2P để chia sẻ và lưu trữ tệp mà không cần sự trợ giúp của người trung gian.

Cụ thể, mạng ngang hàng P2P hoạt động dựa trên tính toán và băng thông của các máy tính thay vì tập trung vào một máy chủ trung tâm như thông thường. Mô hình peer to peer P2P cho phép người tham gia có thể là máy chủ của người này hoặc cũng có thể là máy khách của người khác.

Thực tế, thuật ngữ này đã xuất hiện trong lĩnh vực kinh doanh vào năm 1980 nhưng được giới thiệu với công chúng vào năm 1999, khi nhóm sinh viên Đại học Shawn Fanning tạo ra một dịch vụ chia sẻ âm nhạc mang tên Napster. Tuy nhiên, dịch vụ này đã nhanh chóng ngừng hoạt động vì bị kiện bởi ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ. Cũng chính vì điều này đã làm phát sinh một “thế hệ mới” của P2P được sử dụng một cách đa dạng và hiệu quả hơn.

Ngày nay, mô hình P2P được tận dụng trong các công cụ tìm kiếm web, nền tảng phát trực tuyến, blockchain,... và giờ đây mạng P2P cũng đóng vai trò cốt lõi đối với ngành công nghiệp tiền điện tử. Mạng ngang hàng P2P là một hệ thống máy tính kết nối với nhau bằng Internet và có thể chia sẻ dữ liệu không cần máy chủ. Đặc biệt là các máy tính sử dụng cấu trúc phân tán (phi tập trung).

so sánh mô hình mạng ngang hàng
So sánh mô hình “Máy chủ - Máy khách” và mô hình mạng ngang hàng P2P.

Mạng ngang hàng P2P trong crypto

Đó là mạng ngang hàng P2P được sử dụng để giao dịch tiền điện tử hoặc các tài sản kỹ thuật số thông qua mạng phi tập trung. Các sàn giao dịch tiền điện tử P2P cho phép người dùng mua hoặc bán trực tiếp với một người dùng khác.

Không giống như các sàn giao dịch tập trung, nơi bạn phải hoàn thành KYC yêu cầu, hầu hết các sàn giao dịch P2P cho phép bạn gửi/nhận tiền điện tử mà không yêu cầu bạn xác minh danh tính.

Hiện nay, có nhiều sàn giao dịch tiền điện tử P2P tốt nhất có thể kể đến như: Paxful, LocalBitcoins, Binance P2P, HODL HODL, Bisq, Remitano,...

top 5 sàn giao dịch p2p
Top 5 sàn giao dịch tiền điện tử P2P tốt nhất hiện tại
advertising

Phương thức hoạt động của P2P

Như đã đề cập ở trên, mô hình mạng ngang hàng P2P được sử dụng cấu trúc phân tán, các máy tính không có máy chủ hay quản trị trung tâm, do đó mỗi người tham gia (node) hoạt động một cách riêng biệt. Hiểu một cách đơn giản nhất là các node sẽ gửi tệp lên mạng và những người tham gia trong mạng sẽ có thể mở được tệp đó. Cụ thể:

  • Người tham gia sẽ giữ bản sao các tệp, đóng vai trò là máy chủ và máy khách đối với những người tham gia khác.
  • Các node sử dụng ổ cứng riêng để lưu trữ dữ liệu. Khi người tham gia muốn tìm kiếm hoặc tải các tệp mà họ muốn, người dùng cần phải thực hiện thao tác gửi yêu cầu tìm kiếm.
  • Mạng ngang hàng hoạt P2P hoạt động hiệu quả nhờ khả năng lưu trữ, truyền và nhận tệp của các node.

Đối với hoạt động giao dịch tiền điện tử qua mạng P2P, người dùng có thể đăng ký với sàn giao dịch mà không cần phải xác minh danh tính. Việc đăng ký bao gồm một địa chỉ email và mật khẩu. Sau khi đăng ký, người dùng có thể thực hiện các đề nghị mua và bán khác nhau do các cá nhân đăng trên nền tảng.

Lưu ý: Mỗi ưu đãi có các tùy chọn thanh toán khác nhau và người mua có thể chọn một ưu đãi và liên hệ với người bán để thiết lập giao dịch. Nếu là người bán, bạn có thể đăng phương thức thanh toán được chấp nhận cũng như bất kỳ khoản phí nào liên quan. 

Phân loại mạng ngang hàng P2P

Chúng ta có thể dựa vào cấu trúc của mạng ngang hàng P2P để phân loại. Và có 3 loại chính được mô tả dưới đây.

Mạng ngang hàng P2P không cấu trúc

Đối với mạng ngang hàng P2P không có cấu trúc, những người tham gia (node) sẽ kết nối một cách ngẫu nhiên, không theo một trật tự nào cả. Bởi vì một số node thường xuyên tham gia và rời khỏi mạng, do đó hệ thống này được cho là khá phù hợp với điều này.

mạng p2p không cấu trúc
Mô hình Peer to Peer P2P không cấu trúc.

Ví dụ: Khi một nền tảng xã hội nào đó được triển khai trên mạng P2P không có cấu trúc có thể sử dụng nó một cách hiệu quả, bởi vì người dùng có thể tham gia hoặc rời khỏi mạng thường xuyên.

Mặc dù mạng ngang hàng P2P không cấu trúc dễ sử dụng và cũng rất dễ xây dựng, thế nhưng chúng yêu cầu sử dụng CPU và bộ nhớ cao vì các truy vấn tìm kiếm được gửi đến toàn bộ mạng rất nhiều. Do đó, khi chỉ có một vài người tham gia muốn tìm kiếm thực sự nhưng yêu cầu tìm kiếm sẽ được gửi đến các node khác nhiều nhất có thể. Bên cạnh đó, việc yêu cầu tìm kiếm P2P không cấu trúc cũng ghi nhận khả năng tìm kiếm một nội dung nào đó với tỷ lệ thành công khá thấp.

Mạng ngang hàng P2P có cấu trúc

Ngược lại với mạng ngang hàng P2P không cấu trúc, mạng có cấu trúc được tổ chức theo cách thức cho phép các node tìm kiếm nội dung hiệu quả, ngay cả khi dữ liệu đó không phổ biến.

mạng p2p có cấu trúc
Mạng ngang hàng P2P có cấu trúc.

“Rút kinh nghiệm” từ mạng ngang hàng P2P không cấu trúc, các mạng này áp dụng hệ thống DHT (Distributed Hash Table) nhằm giúp cho khả năng tìm kiếm có phần trăm thành công cao. Mặc dù mạng ngang hàng P2P có cấu trúc có tính hiệu quả cao, nhưng chi phí thiết lập và bảo trì cũng tỷ lệ thuận với điều đó. Hơn nữa, khi một lượng người tham gia rời mạng thì hiệu quả hoạt động của cấu trúc này bị giảm đi nhiều.

Mạng ngang hàng P2P kết hợp

Có thể nói rằng, mạng ngang hàng P2P kết hợp hội tụ những “tinh hoa” của mô hình ngang hàng và máy khách - máy chủ truyền thống trên một nền tảng duy nhất.

Mạng sử dụng máy chủ chứa dữ liệu ở trung tâm và sử dụng máy chủ này để tìm kiếm, tạo kết nối với các máy tính ngang hàng trong mạng. Nếu so sánh với 2 cấu trúc nói trên thì mạng ngang hàng P2P kết hợp hoạt động tốt hơn.

mạng p2p kết hợp
Mạng ngang hàng P2P kết hợp.

Lợi ích và hạn chế của mạng ngang hàng P2P

Lợi ích mà mạng P2P mang lại

Từ chính định nghĩa của P2P, mạng ngang hàng hoạt động theo tính “fair play”, khi mà người tham gia đều có thể cung cấp và sử dụng các nội dung mà không phụ thuộc vào bất kỳ máy chủ nào cả. Cũng chính điều này đã mang lại rất nhiều lợi ích khi người dùng sử dụng mạng ngang hàng P2P, trong đó có thể kể đến:

  • Mạng P2P đảm bảo thông tin người dùng được giữ kín.
  • Người tham gia không phải tốn phí cho một bên thứ 3.
  • Không bị kiểm soát bởi bên thứ 3, đặc biệt là chính phủ.
  • Tiết kiệm một chi phí lớn vì không cần đầu tư máy chủ.
  • Dễ thiết lập hơn mô hình máy khách - máy chủ truyền thống, cách thức hoạt động cũng đơn giản hơn nhiều.
  • Khi gặp lỗi tại một số node nào đó, mạng lưới sẽ không bị gián đoạn.

Hạn chế của mạng P2P

Bất kỳ điều gì cũng có hai mặt và mạng ngang hàng P2P cũng không ngoại lệ.

  • Việc một node nào đó bị lỗi tuy không mạng lưới gián đoạn nhưng sẽ xảy ra tình trạng nội dung đó sẽ không có sẵn tại thời điểm đó. Vì vậy, nếu người dùng mong muốn có được thông tin đó thì sẽ không thể sở hữu khi một node rời khỏi mạng.
  • Nếu virus tấn công một máy nào đó thì có thể nhiều người tham gia khác sẽ bị ảnh hưởng.
  • Các tệp được sao lưu một cách riêng lẻ, gây khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu nội dung đó.
  • Chính vì không bị kiểm soát bởi bên thứ 3 nào nên người dùng khó có thể phân biệt được những hoạt động tội phạm hoặc khả năng bị tấn công bởi kẻ xấu.
ưu và nhược điểm p2p
Ưu - Nhược điểm của mạng ngang hàng P2P.

Ứng dụng của P2P trong blockchain

Thực tế, thuật ngữ blockchain đã bắt đầu trở nên phổ biến vào khoảng năm 2008, thời điểm mà Bitcoin cũng được người dùng trên toàn thế giới biết đến. Trong đó, người được cho là tạo ra đồng tiền vua chính là Satoshi Nakamoto đã định nghĩa nó là một “hệ thống tiền điện tử ngang hàng” được xây dựng với mục đích tạo ra một dạng tiền kỹ thuật số P2P mà không cần đến ngân hàng.

Nói một cách đơn giản và dễ hiểu đó là cấu trúc P2P - được xem là công nghệ trung tâm của blockchain nhằm giúp người dùng có thể giao dịch không chỉ Bitcoin mà các loại tiền điện tử mà không cần phải qua cơ quan trung gian.

Như MarginATM đã đề cập, mạng P2P được áp dụng trong đa dạng lĩnh vực. Nó đóng một vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp blockchain nói chung và thị trường tiền điện tử nói riêng.

Tìm hiểu thêm: Blockchain là gì? Công nghệ Blockchain có phải xu hướng tương lai?

Tổng kết

Trên đây là những thông tin chi tiết nhất về mạng ngang hàng P2P để giúp cho người dùng tiền điện tử có thể hiểu và sử dụng một cách hiệu quả nhất. Mong rằng những kiến thức cơ bản, ưu nhược điểm và cách thức hoạt động của mạng ngang hàng P2P sẽ mang lại những thông tin bổ ích cho bạn đọc.

RELEVANT SERIES