Runes Protocol là gì? Giao thức kỳ vọng sẽ thay thế Bitcoin Ordinals
Runes Protocol là gì?
Runes Protocol là giao thức phát hành fungible token trên mạng Bitcoin, được thiết kế để kế thừa các điểm tốt và cải thiện những giới hạn của chuẩn BRC-20 thuộc giao thức Ordinals.
Runes Protocol sử dụng cơ chế *UTXO (Unspent transaction Output) tương tự với BRC-20, tuy nhiên tập trung hơn vào việc hạn chế tạo ra UTXO “rác” có thể gây nghẽn mạng và tăng phí giao dịch trên blockchain Bitcoin.
*UTXO, hay Unspent Transaction Output, là số lượng Bitcoin từ một giao dịch trước đó và chưa được chi tiêu trong bất kỳ giao dịch nào mới. Nó đóng vai trò như "tiền thừa" trong ví điện tử của bạn, chờ để được sử dụng trong các giao dịch sau này. Khi bạn gửi Bitcoin, UTXO này sẽ được dùng để sử dụng cho giao dịch mới đó.
Tài liệu của Rune Protocol chính thức được công bố vào ngày 28/03/2024 bởi Casey Rodarmor, một trong những nhà phát triển nổi tiếng nhất hệ sinh thái Bitcoin.
Runes Procotol hoạt động như thế nào?
Giống như nhiều cơ chế tạo token khác trên Bitcoin, các hoạt động của Runes được viết trong OP_RETURN của một giao dịch. Tin nhắn trong OP_RETURN làm 1 trong 3 việc: tạo một ticker Runes, "mint" một ticker Runes, hoặc gửi một ticker Runes.
Phần OP_RETURN trong giao dịch Bitcoin là một loại metadata cho phép bạn chèn dữ liệu vào giao dịch mà không làm thay đổi các UTXO.
Runes Protocol tận dụng tính năng chèn metadata vào OP_RETURN để lưu trữ thông tin liên quan đến token, như chuyển hoặc tạo token mới. Nhờ OP_RETURN, thông tin về token được gắn vào giao dịch mà không làm tăng gánh nặng lên hệ thống blockchain Bitcoin.
Tạo Runes ticker
Quá trình tạo ra một ticker Runes mới gọi là “etch". Khi bạn etch một ticker Runes mới, bạn trở thành etcher và có thể xác định tổng nguồn cung, số lượng có thể được mint mỗi lần, cùng các quy tắc khác nhau về thời gian có sẵn để mint Runes đó.
Mint một ticker Runes
Mint một Runes là hoạt động đơn giản nhất. Bạn chỉ cần xác định trong OP_RETURN của giao dịch mint rằng bạn "Mint Rune X" và output đầu tiên sẽ chứa số lượng Runes đã được mint mà "etcher" xác định.
Gửi Rune
Ví dụ dưới đây có một input giao dịch chứa 100 Runes, đang gửi 10 Runes cho Alice và số còn lại (90) quay trở lại cho chính người gửi.
Khi muốn chuyển token, Runes Protocol sử dụng các 'edict' - là các chỉ thị được đặt trong giao dịch Bitcoin, định rõ cách thức chuyển token từ UTXO input sang UTXO output.
Cơ chế tiêu hủy Rune
Runes Protocol có một tính năng dùng để quản lý nguồn cung và hạn chế spam giao dịch gọi là “Cenotaph”.
Nếu một Rune được tạo ra (etch) với tổng nguồn cung là 21,000,000 và bạn mắc lỗi khi mint 1,000,000 trong số đó, thì 1,000,000 đó sẽ bị tiêu hủy và tổng nguồn cung có thể mint giảm xuống còn 20,000,000.
Tương tự, nếu bạn mắc lỗi trong một giao dịch chuyển Runes, bạn sẽ mất số Runes đó và nguồn cung sẽ bị tiêu hủy.
Hệ thống này không chỉ giúp kiểm soát lạm phát nguồn cung, mà còn yêu cầu người dùng phải cực kỳ cẩn thận khi thực hiện các giao dịch, qua đó tăng cường tính an toàn và giá trị của token do tính khan hiếm.
Điểm đặc biệt của Runes Protocol
Runes Protocol sử dụng cơ chế UTXO (Unspent Transaction Outputs) trong mạng Bitcoin để theo dõi và quản lý các token fungible, tương tự như BRC-20 nhưng được cải thiện ở các điểm như sau:
- Token hóa Satoshi: Trong Rune Protocol, mỗi satoshi (đơn vị nhỏ nhất của Bitcoin) có thể được gán một danh tính token duy nhất. Điều này cho phép mỗi satoshi đại diện cho một đơn vị của một token cụ thể.
- Ghi chép trong UTXO: Thay vì tạo ra UTXO mới cho mỗi giao dịch token như trong BRC-20, Runes Protocol ghi chép thông tin token vào các UTXO hiện có. Mỗi UTXO có thể chứa thông tin về một hoặc nhiều token khác nhau, cùng với số lượng của mỗi token.
- Quản lý hiệu quả UTXO: Runes Protocol tận dụng UTXO có sẵn để giảm việc tạo UTXO mới không cần thiết, nhằm mục đích tối ưu hóa không gian lưu trữ, xử lý trên mạng và hạn chế việc tạo ra UXTO rác.
- Xử lý Cenotaphs: Trong trường hợp của các giao dịch lỗi (cenotaphs), Rune Protocol có chính sách nghiêm ngặt là tiêu hủy (burn) các Rune trong UTXO Input của giao dịch đó, thay vì bỏ qua lỗi như trong BRC-20.
Như vậy, Rune Protocol tận dụng cơ chế UTXO của Bitcoin để tạo một hệ thống token fungible hiệu quả, giảm thiểu việc tạo ra UTXO không cần thiết và tối ưu hóa việc lưu trữ, xử lý trên mạng.
Toàn cảnh thị trường Runes
Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường Runes đạt tổng giá trị vốn hóa 521 triệu USD, trong đó dự án nổi bật nhất là bộ sưu tập NFT Runestones, chiếm tới 345 triệu USD.
Khi so sánh với giao thức BRC-20 có giá trị vốn hóa lên đến 2.6 tỷ USD, Runes Protocol dường như vẫn đang trong giai đoạn phát triển và mở rộng, hứa hẹn tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
Dự án Runes Protocol sẽ ra mắt cùng lúc vào sự kiện Bitcoin Halving diễn ra vào cuối tháng 04/2024.
Một số dự án xây dựng trên Runes Protocol
RSIC
RSIC là dự án bao gồm 21,000 Ordinals và đang có kế hoạch phát hành một token có tên RUNE. RSIC cũng là dự án đầu tiên trên Runes Protocol.
Tên RSIC được lấy cảm hứng từ từ ASIC, một thiết bị chuyên dùng cho việc khai thác Bitcoin. Những người sở hữu inscription RSIC Ordinals có thể dùng chúng để "đào" token mới mà dự án sắp phát hành.
Runestone
Runestone là dự án NFT thuộc giao thức Ordinals trên blockchain Bitcoin, được phát triển với mục tiêu tăng cường tính minh bạch, tiện ích và tạo mối liên kết mạnh mẽ với cộng đồng.
Dự án này do @LeodinasNFT, KOL trong lĩnh vực NFT trên nền tảng X và có mối quan hệ chặt chẽ với Casey Rodarmor, nhà sáng lập giao thức Bitcoin Ordinals.
Runestone được giao dịch trên Magic Eden và hiện là dự án có market cap lớn nhất được xây dựng trên Runes Protocol.
Runestone NFT được airdrop cho 112,383 địa chỉ hoạt động trên giao thức Ordinal của Bitcoin blockchain với điều kiện rằng phải nắm giữ từ ba inscriptions trở lên. Nhằm mục đích airdrop cho những người dùng ví đầu tiên của hoạt động trên giao thức Ordinals.
Đọc thêm: Saga là gì? Thông tin dự án launchpool thứ 51 của Binance