Singapore đề xuất cấm vay tín dụng tiền mã hóa
Bộ quy định được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt công ty tiền mã hóa lớn sụp đổ, điển hình là Three Arrows Capital và Celsius Network. Một số công ty đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản và chờ tái cấu trúc tại Singapore là Vauld, Zipmex và Hodlnaut. Kể từ đó, chính quyền nước này bắt đầu tăng cường siết chặt quy định về tiền mã hóa.
Theo đề xuất (tại đây), MAS khuyến cáo người dân không nên giao dịch bằng đòn bẩy hoặc vay tín dụng để tránh nguy cơ thua lỗ lớn. Ngoài ra, cơ quan đang tìm cách cấm các nhà cung cấp dịch vụ tiền mã hóa cho phép người dùng vay nợ và sử dụng đòn bẩy khi giao dịch. Việc giao dịch qua thẻ tín dụng cũng có thể bị cấm.
"MAS sẽ tập trung tiếp cận rủi ro để kiểm soát hệ sinh thái tài sản mã hóa. Để tạo điều kiện thuận lợi cho sự đổi mới, các quy định cần phải rõ ràng và tương xứng với rủi ro. Những quy định này nên được xem xét định kỳ để đảm bảo chúng vẫn phù hợp với tốc độ đổi mới", cơ quan tuyên bố.
Một số đề xuất khác bao gồm hạn chế các nền tảng cung cấp ưu đãi cho khách hàng nhỏ lẻ, bao gồm tặng khoản tín dụng hoặc token miễn phí. Điều này đồng nghĩa chương trình airdrop có khả năng bị xóa sổ khỏi Singapore trong tương lai.
Ngoài ra, MAS mong muốn cấm nhà cung cấp dịch vụ tiền mã hóa lấy tiền của khách hàng cho các bên khác vay. “Đối với nhà đầu tư tổ chức, các công ty phải công bố rủi ro minh bạch cho khách hàng và được họ chấp thuận”, MAS nói thêm.
Hiện chưa rõ liệu biện pháp được đề xuất có ảnh hưởng đến dịch vụ staking hay không. Lợi nhuận và phần thưởng staking thường được lấy từ hoạt động cho vay tài sản mã hóa của khách hàng. Zhuling Chen, nhà sáng lập nền tảng hỗ trợ staking RockX, lo ngại các quy định sẽ ảnh hưởng rộng rãi đến các nhà cung cấp giải pháp staking toàn cầu.
Ngày 26/10, MAS ban hành tài liệu tham vấn thứ hai về stablecoin (tại đây). Theo đó, stablecoin chỉ được gắn với đồng SGD của Singapore hoặc nhóm tiền tệ G10: USD (Mỹ), EUR (Liên minh châu Âu), GBP (Anh), AUD (Australia), JPY (Nhật Bản), NZD (New Zealand), CAD (Canada), CHF (Thụy Sĩ), NOK (Na Uy), SEK (Thụy Điển).
Các tổ chức phát hành cũng phải giữ tất cả tài sản dự trữ dùng để hỗ trợ stablecoin trong các tài khoản tách biệt với tài sản riêng của họ.
Theo Chen, những quy định trên có thể cản trở Singapore trở thành trung tâm toàn cầu về đổi mới Web3. Ông cho biết Singapore sẽ “không còn là điểm đến hấp dẫn đối với các công ty Web3 toàn cầu”.
Đọc thêm: Dịch vụ chuyển tiền USDC của MoneyGram ra mắt ở một số quốc gia
MAS đã gây sức ép lên lĩnh vực tiền mã hóa trong nhiều tháng qua. Đầu năm nay, cơ quan quản lý cấm các công ty tiền mã hóa quảng bá dịch vụ ở không gian công cộng, trong đó có quảng cáo trực tuyến và vật lý hoặc cung cấp máy ATM ở các khu vực công cộng. Theo MAS, việc này có thể khuyến khích người Singapore giao dịch tiền mã hóa vô tội vạ.
Các tài liệu tham vấn sẽ chờ phản hồi cho đến ngày 21/12 trước khi thiết lập hướng dẫn cuối cùng. Các công ty tiền mã hóa có 6-9 tháng để sẵn sàng tuân thủ quy định mới.
Đọc thêm: Anh công nhận tiền mã hóa là công cụ tài chính hợp pháp