Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Web 3.0 là gì? Cơ hội đầu tư vào Trend Web3 như thế nào?

Web 3.0 được xem là cuộc cách mạng của ngành công nghiệp Internet. Vậy Web 3.0 là gì? Chúng có mối liên hệ gì với blockchain và cryptocurrency? Tìm hiểu ngay!
Sammie
Published Dec 01 2021
Updated Jul 16 2023
21 min read
thumbnail

Internet chắc chắn là một trong những phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Bởi vậy nên, mặc dù đã tồn tại được hơn hai thập kỷ, nhưng tiềm năng của nó có thể nói là vẫn chưa thực sự được khai thác hết. 

Ở thời điểm hiện tại, nhiều người cho rằng Internet giống như ngành công nghiệp ô tô vào đầu thế kỷ 20 - cần những cải tiến lớn. Hãy tưởng tượng một loại Internet không chỉ làm theo chỉ dẫn của bạn mà còn giải thích và hiểu mọi thứ bạn truyền tải đến nó thông qua văn bản hoặc lời nói, cung cấp cho bạn kết quả phù hợp với nhu cầu của bạn hơn bao giờ hết. Những cải tiến hiện nay được gọi là thế hệ Web 3.0.

Vậy Web 3.0 là gì? Chúng có mối liên hệ gì với blockchain và cryptocurrency? Các tính năng và hạn chế của Web3? Tiềm năng tương lai và một số dự án Web 3.0 nổi bật? 

Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

Web 3.0 là gì?

Web 3.0 (hay Web3) là thế hệ thứ ba của dịch vụ Internet dành cho các trang web và ứng dụng, kết nối nội dung và dữ liệu phân tán với phân tích và tìm kiếm dựa trên công nghệ AI được xem là tầm nhìn về tương lai của Internet.

Với Web 3.0, mọi người có thể hoạt động trên các nền tảng phi tập trung, gần như ẩn danh, thay vì phụ thuộc vào những gã khổng lồ công nghệ như Google, Facebook và Twitter.

Web 3.0 là thế hệ thứ ba của dịch vụ Internet.

Bắt nguồn từ AI và Machine Learning (ML), Internet thế hệ tiếp theo này hiện đang là cầu nối cho một loạt các công nghệ đột phá. Với mục tiêu tạo ra một Internet kết nối và thông minh hơn, ý tưởng cốt lõi của Web 3.0 là sự phát triển của một “web ngữ nghĩa” với khả năng hiểu được kiến ​​thức và dữ liệu.

Các ứng dụng ở giai đoạn đầu của Web 3.0 xây dựng dựa trên dữ liệu có cấu trúc để dạy các hệ thống ML hiểu ý nghĩa của dữ liệu. Nói cách khác, các công nghệ dựa trên Web có thể diễn giải các từ theo những cách riêng đối với ngữ cảnh của con người.

Web 1.0, Web 2.0 và Web 3.0

Web 1.0, Web 2.0 và Web 3.0

Web 1.0 

Web 1.0 là giai đoạn đầu tiên trong quá trình phát triển World Wide Web. Khi đó, chỉ có một số rất ít người sáng tạo nội dung trên Web 1.0 với phần lớn người dùng là end user. 

Các trang web cá nhân rất phổ biến, chủ yếu bao gồm các trang web ở trạng thái tĩnh và người dùng không thể chủ động tương tác với nhau thông qua Internet.

Bị hạn chế bởi tính năng, người dùng Web 1.0 chỉ có thể đọc các trang web HTML - bao gồm các trang báo điện tử, các thông tin của doanh nghiệp, ngân hàng hoặc nội dung không tương tác khác.

Web 2.0

Web 2.0 bắt đầu được sử dụng như một thuật ngữ vào khoảng năm 1999 và là mạng Internet mà ngày nay chúng ta đã quen sử dụng. Trong Web 2.0, người dùng được khuyến khích trở thành người sáng tạo nội dung. Thay vì sử dụng Internet một cách thụ động, Web 2.0 đã cung cấp một môi trường nơi người dùng có thể trở thành người tham gia tích cực. 

Web 2.0 được đặc trưng bởi sự gia tăng của các ứng dụng, nền tảng cho phép tự xuất bản như WordPress và Squarespace, các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Instagram, LinkedIn, YouTube,... nơi mà người dùng có thể tương tác, chia sẻ thông tin, dữ liệu với nhau.  

Web 3.0

Cả Web 1.0 và 2.0 đều có chung một đặc điểm là thông tin sẽ bị kiểm soát bởi phía nhà cung cấp dịch vụ web, các thông tin sẽ lưu ở máy chủ, các tài khoản và dữ liệu người dùng đều do nhà cung cấp dịch vụ kiểm soát và sử dụng tuỳ mục đích của họ.

Do vậy, sự ra đời của Web 3.0 là hoàn toàn cần thiết và hợp lý để loại bỏ các bên trung gian và cho phép người dùng giao dịch P2P an toàn, đáng tin cậy trên toàn cầu.

Mối quan hệ giữa Web 3.0, blockchain và crypto

Vì Web 3.0 sẽ hoạt động trên các giao thức phi tập trung - là sản phẩm của ngành công nghiệp blockchain, nên công nghệ blockchain sẽ là nền tảng của nó, hỗ trợ giao dịch và kết nối ngang hàng, loại bỏ các bên trung gian trong Web 2.0. Blockchain cần thiết cho sự hình thành của Web 3.0 vì nó:

  • Mở: Blockchain ở một mức độ nào đó, là công khai. Các ứng dụng được tạo ra bằng phần mềm mã nguồn mở được phát triển bởi một cộng đồng các nhà phát triển và dễ tiếp cận.
  • Bất biến: Dữ liệu trong blockchain gần như không thể đảo ngược. Để thay đổi được dữ liệu cần phải có sự đồng thuận giữa các nodes và dữ liệu đó sẽ được lưu trữ vĩnh viễn.
  • Bảo mật: Các thông tin, dữ liệu trong các chuỗi được phân tán và an toàn tuyệt đối, loại bỏ những rủi ro đi kèm với dữ liệu được tổ chức tập trung.
  • Minh bạch: Bất kỳ ai cũng có thể truy cập được để theo dõi các thay đổi của tệp, truy xuất lịch sử và nguồn gốc của tệp đó.
  • Không cần cho phép: Web phi tập trung - Web 3.0 - sẽ chỉ thành công nếu nó cho phép người dùng tương tác trực tiếp với nhau mà không cần các cơ quan quản lý tập trung hoặc bên trung gian thứ ba khác. Để đạt được mục tiêu này, cơ chế đồng thuận phi tập trung của công nghệ blockchain cho phép chuyển giao thông tin và giá trị một cách an toàn, linh hoạt mà không cần sự cho phép từ bên ngoài.

Trong khi đó, blockchain vốn được biết tới rộng rãi là nền tảng cho các loại tiền điện tử. Bằng cách trải rộng hoạt động của mình trên một mạng máy tính, blockchain cho phép Bitcoin và các loại tiền điện tử khác hoạt động mà không cần cơ quan trung gian, tạo ra một nền kinh tế phi tập trung cho phép người dùng trao đổi giá trị.

Vậy nên chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi sự kết hợp giữa các công nghệ và lĩnh vực này. Chúng sẽ có thể tương tác, tích hợp liền mạch và tự động thông qua các smart contract, được sử dụng để cung cấp năng lượng từ các giao dịch đến lưu trữ và chia sẻ tệp dữ liệu.

Ví dụ: BitTorrent

Giao thức truyền thông P2P BitTorrent

BitTorrent là một giao thức truyền thông để chia sẻ tệp ngang hàng (P2P), cho phép người dùng phân phối dữ liệu và tệp điện tử qua Internet theo cách phi tập trung. 

Cụ thể: Với BitTorrent, người dùng có thể tham gia vào một cộng đồng mạng để trao đổi tệp tin với nhau. Là một giao thức ngang hàng, các máy tính trong một nhóm BitTorrent (một nhóm máy tính tải xuống và tải lên cùng một torrent) truyền dữ liệu giữa nhau mà không cần máy chủ trung tâm. Đây được xem là một phương thức thay thế cho việc tải từ một nguồn đơn bằng việc tải từ nhiều nguồn khác nhau (mirror sources).

Hãy tưởng tượng bạn muốn tải một tệp phim 700MB. Để tải xuống từ một nguồn có thể mất khá nhiều thời gian, nhưng BitTorrent đủ thông minh để tìm kiếm nhiều người có cùng tệp phim và tải xuống từng phần từ nhiều nguồn cùng một lúc.

Điều này có nghĩa là bạn nhận được tệp nhanh hơn nhiều so với bình thường và đó là điều khiến BitTorrent trở nên phổ biến.

Những ưu điểm của Web 3.0

Những ưu điểm của Web 3.0

Phi tập trung

Phi tập trung là nguyên lý cốt lõi của Web 3.0. Trong Web 2.0, các máy tính sử dụng giao thức HTTP dưới dạng các địa chỉ web duy nhất để tìm kiếm thông tin. Thông tin này được lưu trữ tại một vị trí cố định, thường là trên một máy chủ duy nhất. 

Với Web 3.0, bởi vì thông tin sẽ được tìm thấy dựa trên nội dung của nó, có thể được lưu trữ ở nhiều vị trí đồng thời và do đó hoàn toàn phân cấp. Điều này sẽ phá vỡ cấu trúc cơ sở dữ liệu hiện đang được nắm giữ bởi những gã khổng lồ Internet như Facebook (nay là Meta) và Google, đồng thời ngăn chặn sự thao túng của họ bằng cách giao quyền kiểm soát nhiều hơn cho người dùng.

Không cần trung gian

Ngoài khả năng phân quyền, Web 3.0 cũng sẽ cho phép người tham gia tương tác trực tiếp mà không cần thông qua bên trung gian hay sự cho phép của cơ quan chủ quản. Do đó, các ứng dụng Web 3.0 sẽ chạy trên blockchain hoặc mạng ngang hàng phi tập trung hoặc kết hợp giữa chúng trong một ứng dụng phi tập trung được gọi là Dapp.

Trí tuệ nhân tạo (AI) và Machine Learning

Trong Web 3.0, máy tính sẽ có thể hiểu thông tin giống như con người, thông qua các công nghệ dựa trên các khái niệm Web ngữ nghĩa và xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Web 3.0 cũng sẽ sử dụng Machine Learning, là một nhánh của AI sử dụng dữ liệu và thuật toán để bắt chước cách con người học, dần dần cải thiện độ chính xác của nó. Những khả năng này sẽ cho phép máy tính tạo ra kết quả nhanh hơn và phù hợp hơn trong một loạt các lĩnh vực hiện tại.

Khả năng kết nối và tính phổ biến

Với Web 3.0, thông tin và nội dung được kết nối nhiều hơn, phổ biến hơn, được nhiều ứng dụng truy cập và với số lượng ngày càng tăng các thiết bị được kết nối với Web.

Hạn chế của Web 3.0

Web3 hiện có một số hạn chế:

  • Khả năng mở rộng: Giao dịch trên Web3 chậm hơn vì chúng được phân cấp. Các thay đổi đối với trạng thái. Chẳng hạn như một khoản thanh toán, cần phải được xử lý bởi các nodes và được phổ biến trên toàn mạng.
  • UX: Tương tác với các ứng dụng Web3 có thể yêu cầu các bước bổ sung và phần mềm hỗ trợ phức tạp. Ngoài ra, nếu người dùng không rành về blockchain thì Web3 có thể sẽ hơi khó sử dụng. Đây có thể là một trở ngại cho việc áp dụng Web3 rộng rãi.
  • Khả năng truy cập: Việc thiếu tích hợp trong các trình duyệt web hiện đại làm cho hầu hết người dùng ít truy cập Web3 hơn.
  • Lãng phí tài nguyên: Do dữ liệu tồn tại trên blockchain vĩnh viễn nên chúng khiến cho Blockchain ngày càng trở nên nặng hơn và gây lãng phí tài nguyên do nguồn dữ liệu dư thừa. Hơn nữa, công nghệ blockchain yêu cầu mỗi node phải lưu trữ toàn bộ dữ liệu khiến cho tổng dung lượng của blockchain trên toàn mạng lưới càng lớn hơn nữa.

Tiềm năng tương lai của Web 3.0

Web 3.0 có tiềm năng cung cấp tiện ích lớn hơn nhiều cho người dùng, vượt xa các phương tiện truyền thông xã hội, livestream và mua sắm trực tuyến bao gồm phần lớn các ứng dụng Web 2.0 chúng ta đang sử dụng. Các khả năng như AI, Machine Learning và Blockchain của Web 3.0 có tiềm năng gia tăng đáng kể ứng dụng trong các lĩnh vực mới và tăng sự tương tác giữa người dùng.

Các tính năng cốt lõi của Web 3.0 như hệ thống phi tập trung và phân quyền cũng sẽ cung cấp cho người dùng quyền kiểm soát tốt hơn nhiều đối với dữ liệu cá nhân của họ. Điều này có thể giúp hạn chế hoạt động khai thác dữ liệu từ người dùng Web mà không có sự đồng ý của họ và hạn chế các hiệu ứng mạng đã cho phép các gã khổng lồ công nghệ gần như trở thành độc quyền thông qua các hoạt động quảng cáo và tiếp thị.

Tuy nhiên, phân quyền cũng mang lại những rủi ro pháp lý nhất định. Tội phạm mạng, ngôn từ kích động thù địch và thông tin sai lệch sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn trong một cấu trúc phi tập trung vì thiếu sự kiểm soát. Một web phi tập trung cũng sẽ làm cho việc thực thi các quy định pháp lý trở nên khó khăn hơn. Hãy thử tưởng tượng, luật của quốc gia nào sẽ được áp dụng cho một trang web có nội dung được lưu trữ ở nhiều quốc gia trên thế giới?

Bất chấp những điều đó, Web 3.0 vẫn nhận được sự chú ý đặc biệt từ các tổ chức lớn và các quỹ đầu tư. Kyle Samani, đồng sáng lập và đối tác quản lý của quỹ đầu tư Multicoin Capital, cho rằng Web 3.0 sẽ sớm được người dùng chấp nhận rộng rãi.

Để làm được điều đó, chúng ta sẽ phải bắt đầu sử dụng các dApp của mạng phi tập trung. Điều này không chỉ có nghĩa là sẽ có nhiều dApp hơn, mà các dApp sẽ ngày càng dễ sử dụng và hấp dẫn hơn đối với những người dùng không chuyên.

Đầu tư vào Web 3.0 như thế nào?

Các dự án Web2 và Web3

Bởi vì sự phụ thuộc của Web 3.0 vào blockchain, các dự án Web3 cũng có thể chia thành các mảng riêng biệt như sau:

Mảng cơ sở hạ tầng

Cơ sở hạ tầng phi tập trung Web3 tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý dữ liệu và các vấn đề kỹ thuật để Web 3.0 có thể dễ dàng trao đổi thông tin.

Trong mảng cơ sở hạ tầng, các dự án lại được chia thành những nhánh nhỏ như:

  • Layer 1, layer 2: Là một tập hợp các giải pháp cải thiện giao thức cơ sở để làm cho hệ thống tổng thể có khả năng mở rộng hơn rất nhiều.
  • Oracle: Là nguồn cấp dữ liệu phi tập trung, kết nối blockchain với các dữ liệu off-chain, tạo điều kiện trao đổi thông tin giữa chúng.
  • Storage: Lưu trữ dữ liệu phi tập trung trên blockchain, sử dụng không gian đĩa cứng chưa sử dụng của người dùng trên toàn thế giới để lưu trữ tệp.
  • Index: Công cụ truy vấn dữ liệu phi tập trung.
  • Host Server, RPC: Cầu nối giữa các trang web bình thường và cơ sở hạ tầng Web3.

Cơ sở hạ tầng được xem là nền tảng, là không thể thiếu để xây dựng các ứng dụng Web3 phục vụ người dùng. Do vậy việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể được xem là "ăn chắc mặc bền". Tuy nhiên do bản chất phức tạp của nó, nếu bạn muốn đầu tư vào mảng này thì bạn cần phải tìm hiểu thật kỹ về công nghệ và cái mà dự án hướng tới giải quyết. Ngoài ra, các dự án trong mảng này cũng thường ít phát hành token. Đây được xem là một rào cản đầu tư không nhỏ.

Cần lưu ý rằng, vì đặc thù của quá trình xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng cần thời gian dài, các dự án mảng này sẽ chỉ thích hợp để đầu tư lâu dài.

Một số dự án của mảng này có thể kể đến như: Filecoin, Arweave, Sia, IOTA, Waves, Icon, Nexus,...

Mảng ứng dụng phi tập trung (Dapps)

Được xây dựng trên nền cơ sở hạ tầng là các Dapp. Mảng này thường sẽ thiên về tài chính, giúp luân chuyển giá trị trong hệ sinh thái Web3.

Nếu chia tách theo chiều dọc, mảng này sẽ bao gồm các thành phần cấu tạo nên một hệ sinh thái DeFi thông thường như AMM, DEX, Lending & Borrowing, Aggregator,…

Với mảng này, bạn có thể research dự án tương tự như khi tham gia vào hệ sinh thái DeFi. Các sản phẩm có tính ứng dụng cao, đội ngũ phát triển và backer tốt, whitepaper rõ ràng đầy đủ nên được quan tâm hơn cả. Ngoài ra bạn cũng có thể để ý tới các dự án tốt hiện chưa có token, chủ động trải nghiệm sản phẩm/dịch vụ để có cơ hội nhận retroactive. 

Phần lớn các sản phẩm trong hệ sinh thái DeFi hiện nay đang có sự phát triển theo chiều ngang, tức là sao chép mô hình từ blockchain này sang blockchain khác. Các sản phẩm hay dự án theo lĩnh vực hoàn toàn mới thì đang khá hiếm trong DeFi. Do đó, tốc độ phát triển của DeFi nhìn chung đang bị chậm lại.

Một số dự án của mảng này: Bloom, WeTrust, Ocean, Storj, IPFS,...

Mảng ứng dụng đời thực

Mục đích của mảng này là đem Web 3.0 đến gần hơn với người dùng. Các ứng dụng ở đây bao gồm ứng dụng chơi game, nghe nhạc, sáng tạo và chia sẻ nội dung,...

Đây được xem là mảng có tiềm năng tăng trưởng mạnh nhất trong 3 mảng kể trên, đơn giản là vì nó còn mới. Tuy nhiên cũng chính vì mới nên không ai có thể đảm bảo được hiệu quả cũng như khả năng phát triển của nó.

Đặc thù của các ứng dụng trong mảng này là nó phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của cơ sở hạ tầng và Dapps thuộc hai nhóm trên. Vì thế nếu bạn muốn đầu tư vào mảng này thì hãy chú ý đến những cập nhật và phát triển của 2 mảng trước cũng như để ý tới các giải pháp cũng như chiến lược marketing của bản thân dự án để đưa ra quyết định sáng suốt nhất.

Một số dự án của mảng này: Theta, Steam, Audius, Experty,...

Một số dự án Web 3.0 nổi bật 

Arweave

Arweave (AR) là một protocol được thiết kế để cung cấp khả năng mở rộng và lưu trữ dữ liệu on-chain vĩnh viễn một cách bền vững. Công nghệ cốt lõi cung cấp năng lượng cho Arweave là blockweave.

Tương tự như blockchain là một tập hợp của các block chứa các giao dịch, một blockweave- được thiết kế đặc biệt cho giao thức Arweave - là một tập hợp các block chứa dữ liệu, liên kết với các block trước đó từ mạng. Cấu trúc dữ liệu này cho phép mạng thực thi yêu cầu người khai thác cung cấp “Bằng chứng quyền truy cập” (PoA) cho dữ liệu cũ để thêm các block mới.

Blockweave của Arweave tạo thành cấu trúc dữ liệu cơ bản của mạng permaweb - mảng dữ liệu, trang web và các ứng dụng phi tập trung được lưu trữ trên blockweave, có thể truy cập trên các trình duyệt web bình thường.

Livepeer

Livepeer (LPT) là một giao thức video streaming hoàn toàn phi tập trung, có khả năng mở rộng cao, khuyến khích token tiền điện tử và hướng tới một giải pháp rẻ hơn cho các nhà phát triển ứng dụng so với việc sử dụng các giải pháp live video tập trung truyền thống. 

Tận dụng tính phân quyền của Blockchain, Livepeer giúp người dùng làm chủ được nội dung do mình tạo ra và tự do chia sẻ nội dung một cách hiệu quả. 

Filecoin 

Tương tự như Arweave, Filecoin (FIL) là một dự án cung cấp giải pháp lưu trữ dữ liệu phi tập trung. 

Để lưu trữ tệp trên các công cụ khai thác lưu trữ của Filecoin, người dùng sẽ phải trả tiền. Dung lượng lưu trữ có sẵn và giá của dung lượng lưu trữ đó không bị kiểm soát bởi bất kỳ công ty nào. Thay vào đó, Filecoin tạo điều kiện cho một thị trường mở để lưu trữ và truy xuất các tệp mà bất kỳ người dùng nào cũng có thể tham gia.

The Graph

Các thuộc tính của blockchain như tính hoàn thiện, tổ chức lại chuỗi hoặc các block không có tiêu đề sẽ làm phức tạp thêm quá trình truy vấn dữ liệu từ các blockchain và khiến nó không chỉ tốn thời gian mà còn khó để truy xuất kết quả chính xác nhất từ dữ liệu.

The Graph (GRT) giải quyết vấn đề này bằng một giao thức phi tập trung lập chỉ mục và cho phép truy vấn dữ liệu blockchain một cách hiệu quả. Sau đó, các API này (indexed “subgraphs”) có thể được truy vấn bằng API GraphQL tiêu chuẩn. Ngày nay, có một dịch vụ lưu trữ cũng như một giao thức phi tập trung với các khả năng tương tự, được hỗ trợ bằng việc triển khai mã nguồn mở của Graph Node.

Tìm hiểu thêm Làn sóng mới trong thị trường crypto - DeFi 2.0.

Kết luận

Không ai có thể khẳng định chính xác khi nào chúng ta sẽ thấy một Web 3.0 hoàn chỉnh. Hiện đã có một số dự án blockchain đầy hứa hẹn đang được thực hiện nhằm đưa Web 3.0 vào đời sống.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng kiến ​​trúc Web 3.0 sẽ đòi hỏi nhiều tài nguyên cũng như cơ sở hạ tầng bổ sung và sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng để tạo ra một hệ sinh thái có thể chấm dứt sự độc quyền của các ông lớn ngành công nghệ. Dù vậy, đây vẫn là một cuộc cách mạng có khả năng thay đổi cách chúng ta tương tác trực tuyến và bộ mặt của ngành công nghiệp Internet nói chung.

 

RELEVANT SERIES