Social Token là gì? Toàn tập về thế hệ token tiếp theo của crypto
Những người sáng tạo nội dung - nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, người có ảnh hưởng xã hội - là động lực thúc đẩy doanh thu cho ngành truyền thông, nhưng họ thường phải phụ thuộc vào các phương tiện truyền thông phổ biến hoặc bên thứ ba để kiếm tiền.
Bằng cách trực tiếp thưởng cho những người sáng tạo cho công việc của họ, các social token - một loại tiền điện tử có giá trị phản ánh sự ủng hộ của người hâm mộ - về cơ bản có thể phá vỡ mô hình kinh tế lâu đời trên.
Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về:
- Khái niệm social token.
- Cách social token hoạt động.
- Phân loại social token.
- Công dụng của chúng là gì?
- Những lợi ích và rủi ro của social token.
- Một số social token nổi bật hiện nay.
- Tiềm năng, cơ hội đầu tư vào loại token này.
Social token là gì?
Social token là loại token được cá nhân hoá cho bất kỳ cá nhân hoặc cộng đồng nào, mang đặc trưng của người tạo ra nó. Về cơ bản, social token lấy giá trị từ danh tiếng hoặc địa vị của những người có sức ảnh hưởng như người nổi tiếng, vận động viên, thương hiệu hoặc những người sáng tạo nội dung,...
Social token có một số đặc điểm chính như sau:
- Social token là một cách để kết nối những người sáng tạo nội dung (có thể là thương hiệu, người có tầm ảnh hưởng, vận động viên hoặc người nổi tiếng,...) với người hâm mộ của họ, giúp họ gia tăng thu nhập mà không phải phụ thuộc vào các phương tiện truyền thông thông thường như quảng cáo, đại sứ thương hiệu, bán hàng…
- Chủ sở hữu social token có thể có quyền truy cập độc quyền vào nội dung hoặc ưu đãi nào đó. Chẳng hạn như quyền truy cập đầu tiên vào hàng hóa mới và độc quyền, giảm giá chỉ dành cho chủ sở hữu token, bỏ phiếu cho các quyết định quan trọng, quyền truy cập vào các cuộc trò chuyện trực tiếp thông qua Discord,...
- Các social token được xây dựng dựa trên nguyên tắc “nền kinh tế sở hữu”, với tiền đề rằng một cộng đồng ngày mai sẽ có giá trị hơn ngày hôm nay. Điều đó có nghĩa là cộng đồng của nhà phát hành token càng lớn mạnh thì token đó càng có giá trị.
Cách social token hoạt động
Hãy tưởng tượng một ca sĩ tài năng hoặc một diễn giả truyền động lực hoặc một doanh nghiệp mới có thể tạo ra một tệp những người theo dõi trung thành để họ có thể trực tiếp cung cấp nội dung hoặc dịch vụ phù hợp. Đây chính xác là những gì một social token có thể đạt được.
Những người sáng tạo nội dung và thương hiệu này có thể khởi chạy token của riêng họ và chia sẻ nó với những người theo dõi, người ủng hộ trung thành nhất của họ. Đây là một tương tác đôi bên cùng có lợi. Chủ sở hữu token có được mức sở hữu được xác định trước trong hệ sinh thái mới này mà họ có quyền truy cập và theo thời gian, giá trị của các token này có thể tăng theo nhu cầu mà hệ sinh thái có thể tạo ra.
Nói cách khác, loại token này cũng hoạt động giống như cổ phiếu doanh nghiệp. Sự khác biệt ở đây là không phải ai cũng có thể mua token, nhưng người tạo có thể quyết định ai sẽ sử dụng token và dịch vụ nào sẽ được phân phối cho họ. Tuy nhiên, người hâm mộ hoặc người theo dõi sở hữu token có thể thực hiện biểu quyết để tạo ảnh hưởng đến lịch trình nội dung của người sáng tạo, có quyền truy cập vào nội dung riêng tư và hơn thế nữa.
Phân loại social token
Social Tokens được chia làm ba loại:
- Social Platform token: Là token đại điện cho quyền quản trị một nền tảng giúp tạo và giao dịch các social token. Một số đại diện của social platform token có thể kể đến như Rally (RLY), Bitclout (CLOUT), TryRoll (-),…
- Personal token: Personal token được tạo bởi và tập trung xung quanh các cá nhân (thường là các cá nhân có hồ sơ công khai như doanh nhân hoặc nghệ sĩ - đó là lý do tại sao chúng còn được gọi là “creator tokens”).
Hầu hết các personal token mà chúng ta đã thấy cho đến nay đều có thể đổi được các dịch vụ do người tạo ra chúng cung cấp. Một trong những personal token đầu tiên xuất hiện là vào năm 2019: BOI, có thể dùng để đổi lấy thời gian của người phát hành ra nó - Matthew, làm nhà thiết kế. - Community token: Community token tập trung vào cộng đồng hơn là cá nhân và thường được sử dụng để điều chỉnh tư cách thành viên, quyền truy cập và sự tham gia trong cộng đồng tương ứng. Điều đó có nghĩa là người dùng phải có token để tham gia vào cộng đồng và được hưởng những lợi ích đặc trưng của cộng đồng đó.
Trên thực tế, việc triển khai community token hiện tại thường liên quan đến các nền tảng giao tiếp như Discord, Slack hoặc Telegram được điều chỉnh bởi token. Chỉ những người có token phù hợp mới có thể tham gia nền tảng.
Một trong những dự án đầu tiên đi tiên phong trong việc tiếp cận cộng đồng bằng token là Karma - một cuộc trò chuyện nhóm giới hạn tối đa 650 thành viên, được kiểm soát bằng community token của chính nó.
Social token được dùng để làm gì?
Social token có thể được sử dụng theo ba cách: truy cập, trao đổi và đầu tư.
- Quyền truy cập: Người hâm mộ có thể chỉ cần mua token để có quyền truy cập vào sản phẩm hoặc dịch vụ mà nó cung cấp.
Ví dụ: Ban nhạc The Man của Bồ Đào Nha cung cấp cho những người hâm mộ mua token của họ quyền truy cập vào các lợi ích như kho lưu trữ âm thanh của ban nhạc, cuộc trò chuyện bằng văn bản và video cũng như các lợi ích khác. Người sở hữu token của ngôi sao nhạc rap Lil Yachty nhận được hộp quà do mẹ anh quản lý. - Trao đổi: Social token có thể được sử dụng như một phương tiện trao đổi. Thay vì "lọ tiền tips" được tìm thấy trên một số trang web, do Venmo hoặc PayPal làm trung gian, người hâm mộ có thể tặng social token để ủng hộ cho người sáng tạo.
- Đầu tư: Với nguồn cung hạn chế, nhu cầu tăng cao làm tăng giá trị của social token. Người hâm mộ có thể trao đổi, giao dịch social token, coi chúng như một khoản đầu tư (mặc dù khá rủi ro) và người sáng tạo cuối cùng có thể thực hiện phân phối để tăng thu nhập của họ.
Lợi ích & rủi ro của social token
Lợi ích của social token
Thưởng cho lòng trung thành
Cũng giống như các chương trình khách hàng thân thiết của các hãng hàng không, khách sạn và các doanh nghiệp, các thương hiệu có thể tận dụng social token để thiết lập tệp khách hàng thân thiết tùy chỉnh của riêng họ.
Người sở hữu token có thể có các đặc quyền truy cập vào sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó, đổi các ưu đãi khác nhau tùy thuộc vào số dư token của họ và cũng được trao quyền sở hữu danh mục dịch vụ của thương hiệu.
Tính độc quyền và an toàn
Loại token này được xây dựng trên blockchain do đó không thể xảy ra các giao dịch gian lận liên quan đến quyền sở hữu token. Điều này giúp các thương hiệu tạo ra một hệ sinh thái cho doanh nghiệp của họ, nơi chỉ những người hâm mộ hoặc người tiêu dùng chân chính mới có khả năng tham gia vào trải nghiệm giao dịch.
Điều này cải thiện cơ hội kiếm tiền bằng cách phục vụ cho một danh sách khách hàng độc quyền có mối quan tâm cao với các dịch vụ của họ.
Khoản đầu tư hấp dẫn
Các doanh nhân và thương hiệu kinh doanh mới bắt đầu có thể tận dụng hệ sinh thái social token để tạo ra một nhóm token của riêng họ. Giá trị được liên kết với mỗi token có thể được đảm bảo và xác minh một cách rõ ràng nhờ vào công nghệ blockchain.
Những gì nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu token sở hữu, cách họ có thể thực hiện các quyền của mình và họ có thể thực hiện chúng ở mức độ nào, tất cả đều có thể được xác định trước, đồng ý và mã hóa trong các token này.
Rủi ro của social token
Rủi ro về giá trị của token
Với những người sáng tạo, việc tạo một social token cho cộng đồng của bạn là một cam kết lâu dài. Giá trị social token phụ thuộc vào quá trình sản xuất nội dung liên tục của người sáng tạo. Khi bạn tạo một NFT, bản thân NFT đó có giá trị và bạn không có áp lực phải làm thêm những công việc khác sau khi đã bán nó.
Ngược lại, khi bạn tạo một social token, bạn có nghĩa vụ ngầm là làm cho token có giá trị hơn - cho dù đó là tạo ra nhiều nội dung hơn, cung cấp nhiều đặc quyền hơn hay làm điều gì đó khác cho cộng đồng của bạn.
Với những người ủng hộ cá nhân phát hành social token, hãy thử tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu người sáng tạo kiệt sức? Nếu nền kinh tế cá nhân sụp đổ và người sáng tạo không thể tiếp tục cung cấp giá trị cho token nữa, có khả năng bạn sẽ mất khoản đầu tư của mình.
Rủi ro về quảng cáo sai sự thật
Nếu người hâm mộ mua một social token dựa trên lời hứa về quyền truy cập và phần thưởng không có sẵn trong các bối cảnh khác, những người tung ra mã thông báo xã hội phải đảm bảo rằng các lợi ích đã hứa thực sự là “độc quyền” như đã quảng cáo. Nếu người nắm giữ mã thông báo nghĩ rằng cô ấy đang được giảm giá độc quyền, nhưng nhận ra rằng cô ấy đang nhận được ưu đãi tương tự như được cung cấp cho Câu lạc bộ người hâm mộ, thì các vấn đề có thể phát sinh!
Một số social token nổi bật hiện nay
Rally (RLY)
Rally là một trong những nền tảng lớn nhất để tung ra các social token. Giống như hầu hết các social token, token trên Rally thường cung cấp một số loại quyền truy cập độc quyền hoặc nội dung cao cấp từ người tạo.
Người hâm mộ cũng có thể tips trực tiếp cho người sáng tạo bằng token của họ, cho phép họ hỗ trợ các nghệ sĩ yêu thích của mình. Một số social token có vốn hóa thị trường lớn nhất trên Rally bao gồm token thuộc về cầu thủ bóng đá Nhật Bản Keisuke Honda, chuyên gia tiếp thị Joe Pulizzi và nhạc sĩ Bồ Đào Nha The Man.
Friends With Benefits (FWB)
Friend With Benefits khẳng định mình là “nền tảng kỹ thuật số kết nối công nghệ và văn hóa cộng đồng”. Đây là một nhóm gồm những người có hiểu biết sâu về tiền điện tử và những người sáng tạo tò mò về tiền điện tử tập hợp lại với nhau để bàn về tương lai của Web3, chia sẻ về nhiều khía cạnh khác nhau từ công nghệ, ý tưởng, giải quyết vấn đề,....
Friends with Benefits chuẩn bị cho ra mắt phiên bản đầu tiên vào năm 2021, do đó cộng đồng này rất đáng được coi trọng. Với sự tăng trưởng nhanh của số lượng nghệ sĩ, lập trình viên và nhà văn, FWB token cung cấp quyền truy cập vào các kênh có giá trị cao. Bao gồm bài luận do cộng đồng viết ra, Discord bots để lưu lại những đường link quan trọng, đăng ký độc quyền Substack và cuộc trò chuyện định kỳ #coffee-time.
WHALE (WHALE)
WHALE có thể được xem là social token thành công nhất cho đến nay. Được ra mắt bởi WhaleShark vào tháng 05/2020, hiện WHALE đã đạt mức vốn hóa thị trường là $30 triệu. Điều khiến WHALE khác biệt so với các social token khác là giá trị của nó được hỗ trợ bởi một bộ sưu tập lớn các NFT, được giữ trong “The Vault” với tổng trị giá lên đến $22 triệu. Về cơ bản, chủ sở hữu token là đồng sở hữu của các NFT này.
Chủ sở hữu token cũng có thể:
- Thuê NFT từ vault.
- Truy cập cộng đồng Discord với các chuyên gia nghệ thuật trong lĩnh vực tiền điện tử.
- Nhận các ưu đãi giảm giá và hơn thế nữa.
Alex Masmej (ALEX)
ALEX là một loại social token cực kỳ hấp dẫn đã thu hút nhiều người. Lý do khiến token này nhận được nhiều sự chú ý là do người sáng tạo ra nó, Alex Masmej. Dự án đã huy động được $20,000 thông qua “Initial ALEX Offering”. Tức là một phương pháp hỗ trợ tiền tệ cho anh ta chuyển đến San Francisco để theo đuổi sự nghiệp tiền điện tử. Token ALEX là “sự pha trộn giữa thỏa thuận chia sẻ thu nhập và IPO”.
Thỏa thuận chia sẻ thu nhập của ALEX token cực kỳ thú vị: 15% tổng thu nhập mà anh ta kiếm được trong 3 năm tới (giới hạn ở mức $100,000) được phân phối cho những người nắm giữ token mỗi quý. Token cũng cung cấp cho chủ sở hữu các quyền như cuộc họp 1-1, quyền truy cập vào mạng của anh ấy và thậm chí quản lý một số quyết định trong cuộc sống của anh ấy.
Tiềm năng của social token
Theo Giám đốc điều hành Raoul Pal của RealVision, social token sẽ là cú nhảy vọt của thị trường tiền điện tử và có khả năng thay đổi ngành công nghiệp sáng tạo, giải trí truyền thống.
Web 3.0 là tương lai chúng ta đang hướng tới và social token sẽ là một phần công nghệ cực kỳ quan trọng. Nó cho phép người tạo nội dung tương tác với người hâm mộ của họ một cách dễ dàng hơn bao giờ hết cũng như kiểm soát nhiều hơn doanh thu từ công việc của họ.
Nhờ social token, phân phối phi tập trung trở thành cách chính mà người nổi tiếng kết nối với người hâm mộ của họ. Bằng cách này, các social token vượt xa NFT một bước. Đó sẽ là một sự thay đổi lớn đối với cách chúng ta từng nghĩ về truyền thông.
Trên thực tế, những hãng truyền thông lớn có thể sẽ sớm tham gia vào không gian social token. Đã có một vài tin đồn về việc Disney chuẩn bị tung ra một social token của riêng họ. Bạn có thể tưởng tượng những người hâm mộ Star War hay The Marvel sẽ háo hức giành lấy một token để chứng minh sự ủng hộ của họ và có được những trải nghiệm độc quyền không? Hay một nhóm nhạc K-Pop có một social token hoạt động như fanclub của họ? Các khả năng của loại token này thực sự là vô tận.
Có thể nắm bắt cơ hội đầu tư vào social token như thế nào?
Social Platform token
Tương tự như các nền tảng tạo và giao dịch NFT hiện nay, Social Platform token là lựa chọn an toàn và bền vững do nguồn cung lưu thông không nhiều và là điều kiện cần để tạo ra hai loại token còn lại. Tuy nhiên hiện nay các Social Platform token còn quá mới và cần thời gian để phát triển cơ sở hạ tầng, các tools cũng như model hoạt động hiệu quả,...
Hãy nhìn vào các Social Platform token hiện nay:
- TryRoll chưa có token.
- Bitclout có giao diện khá đơn giản và hiện mới chỉ hỗ trợ những tác vụ hết sức cơ bản.
- Rally có token nhưng cách thức hoạt động chưa được hiệu quả và không tận dụng hết tiềm năng của token đó.
Do vậy việc đầu tư vào social platform token hoàn toàn là có tiềm năng tăng trưởng bền vững và tốt nhất. Tuy nhiên các token dạng này vẫn còn ở giai đoạn khá sớm để khẳng định điều đó.
Personal token
Một số nghệ sỹ tiên phong đã cho ra mắt Personal token của mình, có thể kể đến:
- Nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc từng đoạt giải Grammy - DJ RAC, hay André Allen Anjos, đã ra mắt token RAC của mình trên Zora – một nền tảng dành cho các nghệ sĩ, người sáng tạo và thương hiệu để tạo ra thị trường của riêng họ. Token này được dành tặng cho những người ủng hộ trung thành dự án RAC và có thể mở khóa quyền truy cập vào các đặc quyền khác nhau và nội dung độc quyền.
- Doanh nhân trẻ Alex Masmej đã huy động được $20,000 từ nhưng người quan tâm và ủng hộ mình thông qua token ALEX do anh phát hành để tài trợ cho việc chuyển đến San Francisco và khởi nghiệp trong lĩnh vực tiền điện tử.
Nhìn vào sự quan tâm của giới nghệ sĩ thời gian vừa qua đối với personal token và NFT, vốn là những biện pháp rất hiệu quả để marketing cho bản thân họ, sự bùng nổ của token này có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Nguyên nhân là bởi việc tạo personal token rất đơn giản và bản thân các nghệ sỹ hay người của công chúng vốn đã có sẵn cộng đồng fan cũng như người ủng hộ mình.
Tuy nhiên, khác với Social Platform token, tính bền vững và độ an toàn của token này còn cần phải xem xét. Trào lưu hâm mộ một cá nhân nào đó hoàn toàn dựa trên cảm tính và mang tính tự phát. Nếu có một scandal nào đó xảy ra với nghệ sỹ dẫn đến số lượng fan giảm xuống, giá trị của Personal token cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các nghệ sỹ cũng sẽ phải làm việc liên tục để đưa ra những đặc quyền mới cho token của mình.
Do vậy, bạn cần cẩn thận với các Personal token có thể chỉ là trào lưu trong một khoảng thời gian ngắn nào đó.
Community token
Khá giống với DAO, Community token là loại token có thể tăng trưởng đều đặn cùng với sự phát triển của cộng đồng. Một cộng đồng đủ mạnh với một mục tiêu chung có thể mang lại tiềm năng rất lớn.
Tuy nhiên, số lượng community token hiện nay còn khá ít với số lượng thành viên giới hạn. Nếu muốn đầu tư vào Community token, bạn sẽ cần chú ý đến cộng đồng đó cũng như việc liệu hold token đó có mang lại giá trị lâu dài hay không.
Tìm hiểu thêm: Metaverse là gì? Mảnh ghép của công nghệ blockchain tương lai.
Tổng kết
Social token là một trong nhiều đổi mới mà không gian tiền điện tử mang lại trong những năm gần đây. Các social token có tiềm năng to lớn để xác định lại cách ngành công nghiệp giải trí và truyền thông hoạt động.
Việc cho phép các thương hiệu, người nổi tiếng, nghệ sỹ hay người có ảnh hưởng tới công chúng xây dựng một hệ sinh thái phi tập trung chỉ phục vụ cho khách hàng và người hâm mộ trung thành của họ, hoàn toàn có thể dẫn đến triển vọng tăng trưởng dài hạn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị token tương ứng của họ.