Tài chính cá nhân - Tiêu tiền như thế nào là thông minh?
Sai lầm lớn nhất của thế hệ 8x - 9x là họ gần như không được tiếp cận 2 chữ "tài chính cá nhân" ngay từ khi còn nhỏ, trên ghế nhà trường và thường nghĩ rằng đây là khái niệm gì đó rất vĩ mô, chỉ dành cho các chuyên gia. Thậm chí có một số người khi nói chuyện, giao tiếp với bạn bè mà đột nhiên có ai đó trong số họ nói những từ đại loại như: đòn bẩy tài chính, báo cáo tài chính, margin, tiền nhàn rỗi, đầu tư dài hạn,…thì đều bị cho là khác người và thích thể hiện.
Nhưng thực tế không phải vậy và mình đã học được rất nhiều bài học về tài chính cá nhân có tác động đến quá trình kiếm tiền, quản lý tiền bạc sau những thất bại đầu tư. Hôm nay, mình sẽ chia sẻ với bạn về định nghĩa và tầm quan trọng của tài chính cá nhân cho cuộc sống lẫn việc quản lý vốn khi bước chân vào đầu tư nhé.
Tài chính cá nhân là gì?
Tài chính cá nhân, theo mình hiểu một cách đơn giản là việc ứng dụng các nguyên tắc tài chính vào quản lý và sử dụng tiền của bạn sao cho hiệu quả nhất. Nó bao gồm việc lập ngân sách, thu nhập, chi tiêu, đầu tư, tiết kiệm,…
Quản lý tài chính cá nhân phụ thuộc khá nhiều vào mức thu nhập, yêu cầu cuộc sống, mục tiêu và mong muốn cá nhân của bạn. Bạn sẽ dựa vào đó để đưa ra những kế hoạch trong khả năng tài chính của bạn để đáp ứng các nhu cầu đó. Để tận dụng tối đa thu nhập và khiến tiền đẻ ra tiền, điều quan trọng là bạn cần hiểu về tài chính để có thể phân biệt được những lời khuyên tốt và không tốt, từ đó đưa ra những quyết định thông minh.
Vì sao cần quản lý tài chính cá nhân?
Đa số mọi người đều nghĩ rằng tài chính cá nhân chỉ cần thiết khi chúng ta đã có nhiều tiền. Trên thực tế, điều này là không chính xác. Bạn không thể giảm cân rồi mới bắt đầu ăn kiêng được. Việc học cách quản lý tài chính cá nhân tốt ngay từ khi còn trẻ sẽ đem lại cho bạn nhiều lợi ích tuyệt vời trong tương lai.
Tuy nhiên, quản lý tài chính cá nhân không phải là tằn tiện từng xu một. Nhiều người đánh đồng tài chính cá nhân với việc tiết kiệm quá mức, không thể chi tiêu thoải mái và không được tự do tận hưởng cuộc sống. Nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại.
Quản lý tài chính cá nhân chính là chìa khóa cho phép bạn đạt được tự do tài chính. Tự do tài chính ở đây không hẳn là trở nên giàu có đến mức shopping không cần nhìn giá, mà là khi bạn có thể đưa ra những quyết định trong đời mà không phải đắn đo về chuyện tiền bạc. Khi đó, bạn không còn phải lo lắng về cơm áo gạo tiền và có thời gian, tâm trí để học tập, tận hưởng, từ đó giúp nâng cao chất lượng cuộc sống lên rất nhiều lần.
Vì sao ý thức tài chính nên có trước khi bắt đầu đầu tư?
Ý thức tài chính cá nhân từ sớm để hiểu về tiền của mình
Việc nhận thức về tài chính cá nhân ngay từ khi còn trẻ sẽ giúp bạn hiểu hơn về dòng tiền và tình hình tài chính của chính bản thân mình. Nhờ đó, bạn sẽ biết được mình có cần thêm nguồn thu nhập hoặc phải giảm chi tiêu hay không, nên tiết kiệm hay đầu tư và khoản đầu tư nào là phù hợp,…
Đảm bảo nguồn vốn ổn định
Để có thể bắt đầu đầu tư bất kỳ cái gì, bạn cũng cần có một số vốn tối thiểu. Số vốn này đến từ đâu? Có thể là các khoản tiết kiệm chưa dùng tới, dư dả sau chi tiêu,... Do đó, để đảm bảo cân bằng về mặt tài chính, chi tiêu hợp lí, tiết kiệm từ thu nhập và có đủ vốn để bắt đầu đầu tư, bạn nên có ý thức tài chính cá nhân ngay từ bây giờ.
Chủ động tài chính trong mọi trường hợp
Một nhà đầu tư dù giỏi đến mấy cũng không thể luôn luôn có lãi và không bao giờ bị thua lỗ. Do vậy, việc lập kế hoạch và quản lý tài chính thật tốt sẽ giúp bạn chủ động trong mọi tình huống, tránh lâm vào tình trạng thiếu thốn tiền bạc và phải đi vay mượn. "Chỉ đầu tư số tiền mà bạn sẵn sàng để mất", tuyệt đối đừng sử dụng số tiền trang trải chi phí tối thiểu cho cuộc sống của bạn để đầu tư. Hãy luôn nhớ điều này.
Gia tăng tài sản của bạn
Ý thức về việc quản lý tài chính và lập các mục tiêu tài chính trong tương lai sẽ giúp bạn đầu tư đúng đắn, loại bỏ các khoản nợ không cần thiết, gia tăng tài sản của mình nhanh chóng,...
Sai lầm của tuổi trẻ ai cũng mắc phải: thiếu kiến thức tài chính
Bạn hãy thử hỏi tất cả những người xung quanh mình rằng họ có muốn trở nên giàu có hay không? Mình cam đoan phần lớn câu trả lời sẽ là "có". Sau đó, bạn thử tiếp tục hỏi câu thứ 2: "Bao nhiêu người trong số họ sẵn sàng học về tài chính?" Có lẽ sẽ không còn nhiều người nói "có" nữa. Ngay cả khi bạn nói rằng: "Nếu bây giờ phải học về tài chính 5 năm và sau đó chắc chắn họ sẽ giàu có thì họ có sẵn sàng học hay không?" Mình nghĩ là vẫn sẽ có nhiều người không thể đưa ra được quyết định ngay lập tức.
Tỷ phú Warren Buffett đã từng nói: "Chẳng ai muốn làm giàu chậm cả" khi được hỏi về việc tại sao không ai sao chép phương pháp đầu tư đã giúp ông trở thành người sở hữu hàng tỷ đô la. Đúng vậy, ai cũng muốn giàu nhanh. Chẳng ai muốn bỏ thời gian ra học kiến thức nền tảng, đầu tư, mắc sai lầm, học từ sai lầm đó,... cái quá trình có thể kéo dài vài tháng đến vài năm.
Thực tế, để có được thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào thì bạn cũng cần có một nền tảng kiến thức vững chắc và tài chính cũng không nằm ngoài quy luật đó. Mình sẽ chia sẻ câu chuyện của bản thân mình để bạn thấy được tầm quan trọng của quản lý tài chính cá nhân trước khi bước vào đầu tư là như thế nào.
Mình bước chân vào thị trường crypto với một tâm thế là bạn bè mình rất nhiều người đã có kinh nghiệm lâu năm với tiền điện tử, các bạn phím cho mình cả chục con coin tốt, đầy tiềm năng, backer khủng, chắc chắn sẽ tăng giá trong tương lai,... Việc của mình chỉ là bỏ tiền ra, mua lấy vài con mà các bạn bảo và chờ nó tăng giá trong vài tuần tới để hốt bạc thôi. Đơn giản!
Với suy nghĩ đó, mình mang toàn bộ tháng lương gần nhất đi mua coin theo các bạn phím và ôm hy vọng khi giá tăng, mình sẽ chốt gốc 1 phần để lấy tiền sinh hoạt. Phần còn lại thì hold để x2, x3 tài khoản. Kết quả là coin mình mua tụt giá không phanh. Trước đó khi có dấu hiệu giá giảm, mình đã chọn không cắt lỗ bởi vì các bạn bảo nó chỉ giảm chút rồi hồi lại ngay. Giờ mà cắt lỗ thì tiền gốc cũng chẳng còn lại bao nhiêu.
Đồng ý rằng kết quả thua lỗ này là do mình thiếu hiểu biết, chỉ nghe mọi người phím mà không chịu tự mình phân tích, nghiên cứu. Nhưng một phần của nó cũng là do tư duy tài chính kém cỏi, không biết cách phân bổ và quản lý nguồn vốn sao cho hợp lý đến việc lỗ nhiều hơn, thậm chí còn phải đi vay tiền để sống qua tháng đó.
Do vây, trước khi bắt đầu đầu tư bất kỳ cái gì thì bạn cũng phải học về tài chính cá nhân trước. Làm sao bạn có thể kiếm được tiền khi ngay cả khái niệm về tiền bạn cũng không biết. Quan trọng hơn, khi bạn đã kiếm được thì làm thế nào để giữ được khoản tiền đó, phân bổ nó một cách hợp lý cho chi tiêu thiết yếu hàng ngày, tiết kiệm và đầu tư để khiến nó tự sinh sôi nảy nở hơn nữa.
Vậy giờ bạn phải cắp sách đến trường để học ư? Không. Ngày nay, kiến thức tài chính có thể được tiếp cận hết sức dễ dàng. Bạn có thể tham gia các khóa học ngắn hạn, cả online lẫn offline, trả phí hoặc thậm chí là miễn phí trên các trang web. Hoặc bạn có thể đọc tài liệu trên mạng hay tự mua sách về đọc. Bất kỳ cách nào phù hợp với bản thân bạn.
Làm thế nào để tiền tiếp tục đẻ ra tiền?
Để "tiền đẻ ra tiền", không có cách nào tốt và phù hợp hơn là đầu tư. Bạn có thể lựa chọn đầu tư chứng khoán, vàng, crypto,... bất cứ thứ gì mà bạn cảm thấy có hứng thú tìm hiểu về nó.
Thời gian vừa qua, căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine đã khiến thị trường chứng khoán lao dốc. Thực tế, từ sau Tết đến nay, VN-Index đã trải qua 4 tuần giao dịch liên tiếp chủ yếu chỉ giằng co và đi ngang, ảnh hưởng khá tiêu cực tới tâm lý các nhà đầu tư. Vào lúc mà thị trường vẫn chưa xác định rõ xu hướng tăng hay giảm thì đầu tư vào chứng khoán có vẻ khá rủi ro.
Trong khi đó, vàng được nhận định đã không còn là một loại tài sản trú ẩn tốt như trước đây nữa. Theo các chuyên gia của ngân hàng Goldman Sachs, trong năm 2022, tiền điện tử nhiều khả năng sẽ trở thành tài sản lưu trữ giá trị tương đương với vàng trong xu hướng chung của sự chấp nhận ngày càng rộng rãi đối với tài sản số.
Một thống kê gần đây cho thấy, gần một nửa những triệu phú ở thế hệ Millennials (sinh năm 1980 - 1995) đang sở hữu ít nhất 25% tài sản tiền điện tử.
Vậy nên theo mình, trong năm 2022, thị trường tiền điện tử có khả năng sẽ tiếp tục bùng nổ, đặc biệt khi GameFi đang là xu hướng chính. Năm qua, số tiền được rót vào thị trường blockchain game toàn cầu đã đạt gần $41 tỷ, quy mô tương đương thị trường game truyền thống của thế giới.
Phương pháp quản lý tài chính cá nhân hiệu quả
Theo kinh nghiệm cá nhân, mình thường phân bổ thu nhập hàng tháng theo nguyên tắc 50/30/20, nghĩa là:
- 50% cho nhu cầu thiết yếu như tiền nhà, tiền ăn, tiền đổ xăng, đồ dùng thiết yếu,... tức là chi phí cố định.
- 30% cho các nhu cầu giải trí, du lịch, mua sắm,... nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
- 20% cho đầu tư và tiết kiệm.
Trước đây mình thường chi tiêu theo kiểu thích gì mua đó, mua xong rồi thắt lưng buộc bụng. Tuy nhiên làm như vậy khiến mình khó kiểm soát chi tiêu và thường cuối tháng không nhớ mình đã tiêu những gì. Để khắc phục điều đó, thường thì ngay khi nhận lương mình sẽ chia thành 3 phần như trên và giữ ở các thẻ khác nhau để không tiêu quá lố hay lẹm vào tiền của phần khác.
Ngoài ra mình cũng cố gắng ghi chép lại chi tiêu hàng tháng hoặc sử dụng các app quản lý tài chính cá nhân trên điện thoại như HomeBudget, Fast Budget, My Expenses,... Từ đó mình có thể chi tiêu hợp lý hơn và hoàn thành các mục tiêu tài chính đã đề ra.
Một phương pháp quản lý tài chính cá nhân khác cũng rất được ưa chuộng là nguyên tắc 6 chiếc lọ tài chính.
Phương pháp này coi tổng thu nhập của bạn là 100%, được chia 6 phần khác nhau với tỷ lệ như sau (tương ứng với 6 chiếc lọ):
- Lọ 1 chiếm 55% dùng để phục vụ cho các nhu cầu cơ bản của cuộc sống như: Tiền nhà ở, tiền ăn uống, đi lại,...
- Lọ 2 chiếm 10% là khoản tiết kiệm dài hạn sẽ được dùng cho các mục tiêu dài hạn trong tương lai như mua nhà, mua xe,…
- Lọ 3 chiếm 10% dùng để đầu tư, sinh lời, tạo thu nhập thụ động. Mục tiêu của khoản này giúp bạn nâng cao thu nhập, dần đạt được ngưỡng tự do tài chính trong tương lai.
- Lọ 4 chiếm 10% phục vụ cho nhu cầu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống như du lịch, sở thích cá nhân, mua sắm tự do,…
- Lọ 5 chiếm 10% phục vụ cho mục đích giáo dục nhằm nâng cao kỹ năng bản thân hoặc đầu tư cho học tập của con cái.
- Lọ 6 chiếm 5% số tiền được sử dụng với mục đích cho đi, hỗ trợ người thân bạn bè, người có hoàn cảnh khó khăn hơn hay đơn giản được sử dụng để thăm hỏi mọi người.
Xem thêm 5 “Bài học Vàng" trong đầu tư Crypto mà người mới nên biết.
Kết luận
Trong cuốn "Dạy con làm giàu", tác giả Robert Kiyosaki đã nói: "Không quan trọng là bạn có bao nhiêu tiền trong túi mà điều quan trọng là bạn giữ lại được bao nhiêu tiền và làm cho số tiền đó sinh sôi nảy nở nhiều hơn."
Vì vậy, việc đầu tiên bạn cần làm khi có tiền không phải là nghĩ đến tiêu nó vào việc gì mà là quản lý và phát triển số tiền đó như thế nào. Tài chính cá nhân chính là bước đầu tiên trên con đường đạt được tự do tài chính của bạn.