Thanh khoản tập trung (CLMM) là gì? Sự khác biệt của cơ chế CLMM
Thanh khoản tập trung (CLMM) là gì?
Thanh khoản tập trung (concentrated liquidity market maker - CLMM hay) là một loại mô hình thanh khoản trên các sàn AMM DEX, cho phép các nhà cung cấp thanh khoản (LP) phân bổ token trong phạm vi giá mong muốn.
So với mô hình CPMM thông thường, mô hình CLMM giúp các LP tận dụng nguồn vốn tối ưu hơn và lợi nhuận nhiều hơn. Đổi lại, rủi ro tổn thất tạm thời (impermanent loss - IL) phải chịu cũng sẽ cao hơn.
Mô hình CLMM hoạt động như thế nào?
Đối với mô hình sử dụng công thức x*y=k như CPMM (constant product market maker), biểu đồ thanh khoản sẽ được phân phối và trải đều từ mức giá 0 đến vô cực.
Ngược lại, với mô hình CLMM, biểu đồ phân phối thanh khoản sẽ có nhiều hình dạng khác nhau, tuỳ vào việc LP đang cung cấp thanh khoản trong khoảng giá nào.
Như vậy, trong mô hình CLMM, các LP sẽ được tự do lựa chọn mức giá để cung cấp thanh khoản. Điều này trái ngược lại với việc chỉ cố định một khoảng giá (từ 0 đến vô cực) như mô hình CPMM.
Cách tiếp cận này mang lại lợi ích gia tăng hiệu quả sử dụng vốn cho LP.
Ví dụ cụ thể có thể kể tới việc giao dịch stablecoin. Giả sử có một lượng thanh khoản cố định (1 tỷ USD) với mô hình CPMM, và thanh khoản phân bổ đều từ 0 đến vô cực (giả định là từ 0 tới 10 do giá stablecoin thường là 1 USD).
Lúc này, khoảng giá từ 0.95 - 1.05 sẽ được bố trí lượng thanh khoản khoảng 10 triệu USD (0.1 trên 10). Nếu giá chỉ biến động trong khoảng này, trên thực tế chỉ khoản 1% của lượng thanh khoản 1 tỷ USD trên được sử dụng.
Đối với mô hình CLMM, LP lúc này chỉ cần sử dụng 10 triệu USD và lựa chọn cung cấp thanh khoản trong khoảng giá 0.95 - 1.05. Trong cùng một khối lượng giao dịch với khoảng giá trên, 10 triệu USD thanh khoản sẽ sinh ra được lượng phí giao dịch tương đương với 1 tỷ USD.
Đối với người giao dịch, họ cũng sẽ có thể nhận được lợi ích có được độ sâu thanh khoản tốt hơn (ít bị trượt giá khi giao dịch swap) với mô hình CLMM trong hầu hết các trường hợp. Do LP sẽ có xu hướng cung cấp thanh khoản trong các khoảng giá nhỏ hơn từ 0 đến vô cực và xoay quanh mức giá hiện tại.
Tuy vậy, mô hình CLMM cũng sẽ có những hạn chế nhất định:
- Đối với LP: Họ sẽ phải chịu mức IL cao khi cung cấp thanh khoản ở khoảng giá hẹp.
- Đối với trader: Trong trường hợp một lệnh của họ khiến giá trượt mạnh (ra khỏi vùng có nhiều thanh khoản) thì mức độ trượt giá sẽ càng nghiêm trọng hơn.
Một số dự án sử dụng mô hình CLMM
Dường như cách tiếp cận CLMM đã thành một tiêu chuẩn đối với các AMM DEX trong bối cảnh hiện tại. Kể từ khi Uniswap v3 ra đời, các dự án khác hoạt động trong cùng lĩnh vực đã muốn chuyển đổi mô hình.
Khi giấy phép của Uniswap v3 (nhằm ngăn chặn việc fork code) hết hạn vào tháng 4/2023, các DEX khác đã có điều kiện thuận lợi hơn để chuyển đổi sang ứng dụng thanh khoản tập trung.
Từ đó, CLMM đã trở nên phổ biến trên không gian DeFi.
Ngoài ra, do đặc điểm của mô hình yêu cầu LP cần nhiều kiến thức hơn trong việc cung cấp thanh khoản, CLMM cũng là tiền đề để các dự án quản lý tài sản và tối ưu lợi nhuận ra đời. Kết quả đó là có 2 lớp dự án chính được hình thành:
- AMM DEX: Các sàn giao dịch ứng dụng thanh khoản tập trung.
- Liquidity Manager: Cung cấp các giải pháp quản lý thanh khoản trên các DEX kể trên. Các dự án này sẽ giúp LP tối ưu hoá lợi ích thu được từ phí giao dịch IL (do rủi ro IL của LP trong mô hình CLMM là cao hơn đáng kể).
Các dự án tiêu biểu đối với mảng DEX bao gồm Uniswap, TraderJoe, Pancakeswap, Raydium hay Orca vốn đều là những DEX hàng đầu trên các hệ sinh thái Ethereum, BSC hay Solana ngay từ thời mô hình constant product x*y=k trước đó.
Để quản lý thanh khoản trên các DEX này các dự án như Gamma, Kamino, Arrakis hay Hiveswap đã ra đời.
Tuy nhiên, trên thực tế để mang lại hiệu quả đáng kể cho LP đối với CLMM là rất khó. Vì vậy, các dự án trong mảng này đã không còn giữ được TVL như thời kỳ đỉnh cao trước đó.