Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Vấn đề lớn nhất của metaverse

Metaverse từng là một trong những từ khóa được nhắc đến nhiều nhất năm 2021. Nhưng đến hiện tại, metaverse dường như ngày càng “đuối sức”.
Avatar
uyntran.web3
Published Dec 22 2022
Updated Dec 22 2022
4 min read
thumbnail

Metaverse từng là một trong những từ khóa được nhắc đến nhiều nhất năm 2021. Nhưng đến hiện tại, metaverse dường như ngày càng “đuối sức”.  

Tháng 11/2021, tập đoàn công nghệ hàng đầu Facebook đổi tên sang Meta với mục tiêu đón đầu xu thế metaverse. Ngoài ra, hàng loạt tên tuổi lớn trong nhiều lĩnh vực cũng gia nhập thế giới metaverse, chẳng hạn như tập đoàn phần mềm Microsoft, tổ chức tài chính Goldman Sachs, ông lớn chứng khoán NH Investment & Securities, studio Epic Games…

Không chỉ doanh nghiệp, các chính phủ cũng bắt đầu để mắt đến metaverse. Ví dụ điển hình là Barbados, quốc đảo thuộc vùng Caribbean. Tháng 11/2021, Barbados trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới lập đại sứ quán metaverse thông qua trên nền tảng Decentraland.

coin98
Mark Zuckerberg thông báo đổi tên Facebook thành Meta. Nguồn: The Guardian.

Từng được đánh giá tiềm năng như vậy, metaverse giờ đây lại thường được nhắc đến với những khoản thua lỗ. Báo cáo tháng 12 cho thấy doanh số hàng tháng trên các nền tảng metaverse ghi nhận mức giảm sâu 96% so với đầu năm 2021. 

Trong khi đó, cổ phiếu Meta, người chơi metaverse nhiệt huyết nhất, lao dốc 65%. Bộ phận Reality Labs của công ty cũng báo cáo tổn thất hoạt động lên đến 9.4 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm. Trong quý III, mảng metaverse của Meta lỗ 3.7 tỷ USD. 

Horizon Worlds, sản phẩm metaverse đầu tiên của Meta chỉ có dưới 200,000 người dùng hoạt động hàng tháng. Con số này cách rất xa so với mục tiêu 500,000 mà công ty đặt ra ban đầu và gần như là “muối bỏ bể” so với hàng tỷ người dùng hoạt động hàng tháng của các ứng dụng Facebook, Instagram và WhatsApp.

coin98
Horizon Worlds không được đón nhận như mong đợi. Nguồn: Meta.

Nhiều người cho rằng ván cược đắt đỏ của Mark Zuckerberg đã thất bại. Và có lẽ các con số trên cũng đồng tình với điều đó. Công ty buộc cắt giảm các chi phí, bao gồm sa thải nhân viên trên diện rộng. Vậy vấn đề nằm ở đâu?

Giới chuyên gia blockchain nhận định hiện chưa có nhiều sản phẩm để người dùng trải nghiệm hoặc chỉ có một số nhỏ người dùng được trải nghiệm nên họ không thấy hứng thú. Nói cách khác, người dùng không cảm thấy cần có metaverse hay thậm chí không hiểu metaverse là gì. 

Đọc thêm: Metaverse của Meta bị chính nhà phát triển ghẻ lạnh.

Khái niệm metaverse vẫn còn khá mơ hồ. Metaverse vừa là thế giới ảo, vừa có liên kết với thế giới thực thông qua công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và thực tế lai (MR). Giai đoạn 2020-2021, tức cao điểm dịch COVID-19, metaverse có vẻ là ý tưởng thú vị. Học sinh và người lao động buộc phải làm việc tại nhà. Cuộc sống của hầu hết mọi người thu gọn trong chiếc màn hình. 

coin98
Các thiết bị VR đắt đỏ là một phần của trải nghiệm metaverse. Nguồn: Time.

Nhưng khi đại dịch qua đi, viễn cảnh làm việc trong không gian trực tuyến không còn được ưa chuộng. Nếu có thể mua sắm hay nghe hòa nhạc trong thế giới thực, đó sẽ là lựa chọn của họ thay vì metaverse.

Ngay cả khi phải quay lại làm việc tại nhà, người dùng cũng chưa chắc sẽ nghĩ đến một công nghệ lạ lẫm như metaverse hơn là các ứng dụng quen thuộc như Zoom, Google Meet hay Skype. Đối với nhiều người, metaverse không có ưu điểm vượt trội cả về chi phí, tính tiện lợi và khả năng tiếp cận. Nếu đã có sẵn các ứng dụng khác, tại sao phải phí công đeo tai nghe VR cồng kềnh, đắt đỏ rồi tương tác với các nhân vật hoạt hình?

Điều này không đồng nghĩa ý tưởng metaverse được định sẵn sẽ thất bại. Tuy nhiên, các ông lớn công nghệ cần thay đổi lối tư duy từ thời đại dịch và tìm kiếm những hướng đi thực tế hơn. Những vấn đề metaverse hứa hẹn giải quyết thực ra đã được gỡ bỏ từ lâu. Và trước hết, họ cần xóa bỏ sự mơ hồ của metaverse để người dùng có thể tự tin bước vào vùng đất mới.  

Đọc thêm: Vì đâu game thủ xa lánh metaverse?

RELEVANT SERIES