Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

5 điều có thể bạn chưa biết về Twitter

Đến hẹn lại lên, chuyên mục Sự Lạ Crypto đã sẵn sàng mang đến cho bạn đọc những câu chuyện thú vị trong không gian tiền mã hóa. Và chủ đề ngày hôm nay chính là nền tảng đặc biệt quen thuộc đối với cộng đồng crypto chúng ta - Twitter.
uyntran.web3
Published Nov 13 2022
Updated Jun 26 2024
11 min read
5 điều chưa biết về twitter

Twitter vốn là người bạn đồng hành thân thiết của nhà đầu tư mỗi khi cần chia sẻ, cập nhật tin tức mới về thị trường. Với các dự án, mạng xã hội này lại là phương tiện quan trọng để kết nối người dùng. Thời gian gần đây, Twitter trở thành từ khóa nóng hơn bao giờ hết sau khi chính thức về tay tỷ phú Elon Musk.

Nhưng liệu chúng ta có biết hết tất tần tật về Twitter chưa? Để có câu trả lời, hãy cùng MarginATM tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Dòng tweet đầu tiên có giá 2.9 triệu USD

Dòng tweet đầu tiên trên nền tảng được viết bởi nhà sáng lập Jack Dorsey. Sau khi mã hoá, NFT này được trả giá đến 2.9 triệu USD.

Ngày 22/3/2006, Dorsey đăng trạng thái đầu tiên lên Twitter với nội dung "Just setting up my twttr" (Vừa thiết lập tài khoản Twitter của tôi). Đến tháng 3/2021, ông quyết định rao bán dòng tweet trên Valuables by Cent, marketplace chuyên bán nội dung tweet NFT.

tweet của jack dorsey

Dòng tweet tuổi đời 15 năm của cha đẻ Twitter nhanh chóng thu hút sự chú ý. Chỉ trong vòng vài phút, có người đã trả giá 88,888 USD để sở hữu NFT này. Hai ngày sau, dòng tweet chính thức được ngã giá 1,630 ETH (29 triệu USD vào thời điểm đó). Người mua là Sina Estavi, CEO công ty Bridge Oracle.

Dorsey tuyên bố trên Twitter sẽ chuyển số tiền đấu giá sang Bitcoin và tặng cho tổ chức phi lợi nhuận GiveDirectly’s Africa Response. Khoản tiền trên dùng để giúp đỡ các gia đình châu Phi bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Về số phận của dòng tweet hiện tại, Estavi bắt đầu rao bán NFT trên marketplace OpenSea từ tháng 4/2022. Tuy nhiên, giá thầu cao nhất cho NFT của Estavi chỉ dừng lại ở mức 9,968 USD, thấp hơn 99% so với cái giá ông bỏ ra ban đầu.

advertising

Elon Musk có nhiều follow thứ hai trên Twitter

Với hơn 114 triệu người theo dõi, tỷ phú giàu nhất thế giới đang đứng thứ hai về độ nổi tiếng trên Twitter. Vị trí đầu thuộc về cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng hơn 133 triệu lượt theo dõi.

Đáng chú ý, Elon Musk là doanh nhất duy nhất có mặt trong top 10 bên cạnh hàng loạt nghệ sĩ như Justin Bieber, Katy Perry, Rihanna… cùng hai chính trị gia Barack Obama và Narendra Modi (thủ tướng Ấn Độ). Điều này thể hiện tầm ảnh hưởng của Musk trên các nền tảng mạng xã hội không hề thua kém bất kỳ người nổi tiếng nào. Đặc biệt, từ sau khi lên nắm quyền Twitter, số lượt follow lại càng lên như diều gặp gió.

elon musk có ảnh hưởng nhiều trên twitter

Theo dữ liệu của Social Blade, từ ngày 16/10 đến 26/10, trung bình mỗi ngày Musk “chiêu mộ” thêm 117,000 người theo dõi mới. Trong ngày 28/10, khi ông thông báo khép lại thỏa thuận mua lại Twitter, số lượt theo dõi mới là 279,218. Trước đó một ngày, số tài khoản nhấn nút theo dõi chỉ bằng một nửa so với thời điểm kỷ lục này - 143,302 tài khoản.

Sau một tuần tiếp quản Twitter, số lượt theo dõi của Musk cán mốc 110.6 triệu, khiến ông có nhiều lượt theo dõi thứ 3 trên nền tảng, sau Barack Obama (133.5 triệu) và Justin Bieber (113.8 triệu). Tuy nhiên, chỉ vài ngày tiếp theo, ông chủ Twitter nhanh chóng đạt được 114 triệu người theo dõi và thành công vượt mặt chàng ca sĩ nổi tiếng.

“Cuộc đồ sát” Twitter của Elon Musk

Có thể nói tuần đầu tiên Musk nắm quyền là khoảng thời gian đầy sóng gió đối với Twitter. Toàn bộ hội đồng quản trị và 50% nhân viên đã bị tỷ phú giải tán.

elon musk sa thải nhân viên twitter
Elon Musk sa thải khoảng 3,700 nhân viên sau khi tiếp quản Twitter

Ngay khi lên làm ông chủ, Musk sa thải 4 lãnh đạo cấp cao, bao gồm CEO Parag Agrawal, Giám đốc tài chính Ned Segal, Giám đốc hành chính-pháp chế Vijaya Gadde và cố vấn pháp lý Sean Edgett như MarginATM đã đưa tin (tại đây). Bên cạnh đó, tất cả 9 thành viên trong hội đồng quản trị cũng bị vị tỷ phú càn quét trong ngày đầu tiếp quản công ty.

Tất nhiên, công cuộc thay máu nhân sự của Musk không dừng lại ở đây. Ngày 4/11, khoảng một nửa trong số 7,500 nhân viên Twitter buộc phải rời công ty. Họ là những người từng phụ trách chính sách cộng đồng, sự tin cậy và an toàn, truyền thông, kỹ thuật, tiếp thị và nhân sự.

Cuối ngày 4/11, Musk cho hay Twitter không còn lựa chọn nào khác khi đang lỗ hơn 4 triệu USD/ngày. Đồng thời, ông khẳng định tất cả những người nghỉ việc đều được trợ cấp 3 tháng lương, nhiều hơn 50% so với yêu cầu pháp lý.

Đọc thêm: Elon Musk chính thức sa thải 50% nhân sự Twitter

Các nhân viên mô tả tình hình ở Twitter giống như một “cuộc tàn sát” và quyết định sa thải của vị tỷ phú hoàn toàn “ngẫu nhiên và bừa bãi”. Một cựu nhân viên Twitter tiết lộ với tờ Politico người này thức dậy và bất ngờ phát hiện mình bị tước quyền truy cập vào tài khoản Slack và email công ty.

“Người quản lý nhắn tin hỏi tôi có còn quyền truy cập hay không. Như vậy là lúc đó, ngay cả quản lý cũng không biết nhân viên của họ còn những ai”, cựu nhân viên kể.

nhiều người chỉ trích vì elon musk sa thải nhân viên
Quyết định sa thải hàng loạt của Elon Musk bị nhiều người chỉ trích. Nguồn: Bloomberg

Ngoài ra, nhân viên cho hay Musk đã đưa một số kỹ thuật viên từ Tesla cùng một số nhà đầu tư và bạn bè của ông vào Twitter. Thông tin này vẫn chưa được tỷ phú Tesla và Twitter xác nhận.

Dù sao, quyết định thanh lọc nhân sự quy mô lớn chắc chắn sẽ gây ít nhiều khó khăn cho Musk. Nhiều nhân viên ở Mỹ đã đệ đơn kiện tập thể chống lại Twitter do không được thông báo đầy đủ về việc chấm dứt hợp đồng. Liên minh các nhà hoạt động về dân quyền đã phát động #StopToxicTwitter (Dừng Twitter độc hại) để kêu gọi các doanh nghiệp tẩy chay Twitter. Các công ty lớn như General Mills, Pfizer và GM đã tạm dừng quảng cáo trên nền tảng.

Đọc thêm: 5 lần Elon Musk 'lái' thị trường

Lý do Twitter giới hạn số ký tự

Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao Twitter chỉ cho phép độ dài tối đa 140 ký tự cho mỗi tweet? Những dòng trạng thái ngắn gọn, súc tích trở thành điểm đặc trưng cho Twitter nhưng cũng khiến người dùng gặp không ít bất tiện.

Nguyên nhân Twitter đặt ra con số 140 bắt nguồn từ thuở nền tảng mới ra đời với tên gọi “Twittr” vào tháng 3/2006. Lúc bấy giờ, kết nối di động tốc độ cao chưa phổ biến và khá đắt đỏ. Ngoài ra, thiết bị di động hỗ trợ kết nối Internet cũng chưa phủ sóng toàn cầu. Vì vậy, Twitter nảy ra ý tưởng cho phép người dùng gửi và nhận tweet bằng tin nhắn SMS để bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận Twitter.

giới hạn ký tự twitter là 280
Giới hạn ký tự ban đầu là 140, sau đó được nâng lên thành 280

Tin nhắn SMS có chiều dài tối đa 160 ký tự và sẽ bị cắt thành nhiều tin nhắn nhỏ nếu độ dài vượt giới hạn này. Theo nguyên tắc trên, Twitter dành 140 ký tự cho nội dung tweet, 20 ký tự còn lại dùng để điền thông tin người sử dụng. Như vậy, dòng trạng thái của Twitter sẽ đảm bảo nằm gọn trong SMS.

Tuy nhiên, từ tháng 11/2017, Twitter tăng gấp đôi ký tự giới hạn từ 140 lên 280. Thay đổi này được xem là hướng đi mới của nền tảng nhằm nâng cao số lượng người dùng. Các dòng tweet bằng tiếng Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn giữ nguyên giới hạn cũ 140 ký tự. Theo Twitter, những ngôn ngữ này cần dùng ít từ hơn để biểu đạt so với ngôn ngữ khác.

Trước đây, cộng đồng mạng từng xôn xao tin đồn Twitter sẽ mở rộng giới hạn lên đến 10,000 ký tự. Nhà sáng lập Jack Dorsey nhanh chóng bác bỏ thông tin này. Ông muốn giữ lại những dòng tweet độc đáo của nền tảng để Twitter không bị trùng lặp với bất kỳ trang blog nào khác.

Facebook từng muốn mua Twitter hai lần

Tin đồn Facebook muốn thâu tóm Twitter lần đầu xuất hiện năm 2008. Thông tin này đã được Biz Stone, đồng sáng lập Twitter, xác nhận trong quyền sách Things a Little Bird Told Me.

Theo ông, Zuckerberg đề nghị mua Twitter với giá 500 triệu USD. Đây có lẽ là mức giá cao nhất CEO Facebook có thể nghĩ đến khi suy xét vị thế của Twitter. Trong 3 năm đầu đi vào hoạt động, lợi nhuận của nền tảng vẫn giậm chân ở con số 0.

Năm 2015, Chris Sacca, cổ đông lớn nhất của Twitter, tiếp tục bóng gió Facebook đang lăm le tranh giành miếng bánh Twitter với Google.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Sacca cho hay Google là ứng cử viên sáng giá nhất trong thương vụ mua lại. Từ nhiều năm trước, Google nhiều lần đánh tiếng về việc mua lại Twitter nhưng chưa bao giờ thành hiện thực.

google cũng muốn mua twitter

Dù sẵn sàng chi 50 tỷ USD, khó khăn của Google không chỉ đến từ phía Twitter mà bởi các tập đoàn công nghệ khác. Khi được hỏi liệu có còn ông lớn nào để mắt đến Twitter hay không, Sacca không ngần ngại điểm tên Facebook, đối thủ lớn nhất của Google lúc bấy giờ.

Theo đó, Mark Zuckerberg cho rằng Twitter chưa thể tận dụng hết lợi thế của mình. Zuckerberg tuyên bố sẽ đưa nền tảng lên tầm cao mới nếu có cơ hội mua lại. Tất nhiên, Facebook cũng vấp phải rào cản tương tự Google. Twitter cự tuyệt bán mình lại cho bất kỳ ai vì tin rằng “tự làm mới bản thân mình” là cách duy nhất để phát triển thay vì chờ đợi “người hùng” nào đến cứu.

Tuy nhiên, chủ nhân cuối cùng của Twitter giờ đã ngã ngũ. Không phải bất kỳ tập đoàn công nghệ nào, tỷ phú Elon Musk đã thành công sở hữu Twitter với giá 44 tỷ USD.

Như vậy, MarginATM đã cùng bạn điểm lại những sự thật thú vị về nền tảng mạng xã hội “thân thiết” với cộng đồng tiền mã hóa. Để khám phá thêm series Sự Lạ Crypto, bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây.

Đọc thêm: 5 điều bạn chưa biết về fan token

RELEVANT SERIES