Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

5 lần Elon Musk 'lái' thị trường

“Sự Lạ Crypto” đem đến những câu chuyện thú vị về các loại tài sản hay nhân vật có ảnh hưởng trong thế giới crypto và nhân vật của tuần này chính là Elon Musk.
Avatar
uyntran.web3
Published Oct 02 2022
Updated Sep 30 2023
11 min read
thumbnail

Đến với chuyên mục Sự Lạ Crypto, MarginATM sẽ mở ra cho các bạn những câu chuyện thú vị về các loại tài sản hay nhân vật có ảnh hưởng trong thế giới tiền mã hóa. Và nhân vật chính của chuyên mục tuần này chính là Elon Musk.

Nắm giữ hãng xe điện Tesla và công ty hàng không SpaceX, tỷ phú Elon Musk là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn tới thế giới. Mọi lời nói và bài đăng Twitter của ông đều được cộng đồng đặc biệt chú ý. Với quyền lực của mình, Musk đã trở thành nhân tố lớn ảnh hưởng đến thị trường tiền mã hóa và cổ phiếu. 

Chuyên mục Sự Lạ Crypto tuần này sẽ giới thiệu đến các bạn những lần Elon Musk “lèo lái” giá thị trường.

Lái Tesla thành cổ phiếu đắt giá nhất rồi chê giá quá cao

Một trong những lần lái giá khét tiếng của vị tỷ phú là khi ông đăng về hãng xe điện Tesla của chính ông. Tháng 8/2018, Elon Musk tuyên bố cân nhắc biến Tesla thành công ty tư nhân. Thời điểm đó, giá một cổ phiếu Tesla vào khoảng 420 USD, cao hơn đáng kể so với các công ty khác. Bài đăng Twitter của ông đã kéo giá cổ phiếu tăng hơn 6%. 

elon musk chê giá cổ phiếu tesla quá cao
Elon Musk chê giá cổ phiếu Tesla quá cao để gom hàng.

Ngay sau đó, vị tỷ phú nhận được đơn khiếu nại từ SEC. Cơ quan yêu cầu ông từ chức chủ tịch hội đồng quản trị Tesla và bổ sung 2 thành viên khác vào hội đồng. Ngoài ra, SEC phạt Musk và Tesla mỗi bên 20 triệu USD cho SEC để "bồi thường cho các nhà đầu tư bị thiệt hại theo quy trình của tòa án". Mức phạt này dường như không khiến ông mấy bận tâm.

Sau này, ông vẫn tiếp tục phớt lờ các quy định của SEC. Năm 2020, Musk tuyên bố cổ phiếu Tesla được định giá quá cao, khiến giá cổ phiếu giảm mạnh hơn 10%. Lần vạ miệng này nhẹ nhàng thổi bay 14 tỷ USD của Tesla. Musk mất 3 tỷ USD, tương đương số cổ phiếu ông sở hữu. Đáng chú ý, Musk trước đó tuyên bố đang bán gần như tất cả tài sản, bao gồm nhà của mình.

Kéo giá Bitcoin lên 60,000 USD rồi "đem con bỏ chợ"

Không kể đến yếu tố thị trường hay cơ quan quản lý, chúng ta còn có thế lực khác một tay điều khiển Bitcoin. Ông chủ Tesla từng nhiều lần đẩy giá Bitcoin lên mây chỉ nhờ những phát ngôn và hành động đơn giản.

elon musk thao túng giá bitcoin
Bitcoin cũng từng bị Elon Musk thao túng giá.

Tháng 1 năm nay, giá Bitcoin tăng gần 20% chỉ vài giờ sau khi Musk thêm hashtag “bitcoin” vào tiểu sử Twitter. Đến tháng 2, Musk yêu cầu Tesla bổ sung 1.5 tỷ USD Bitcoin vào quỹ tài sản của hãng xe điện. Một lần nữa, giá Bitcoin nhảy vọt 16% trong vòng một ngày.

Ngày 24/3, Musk khẳng định Tesla sẽ cho phép khách hàng thanh toán bằng Bitcoin. Tuyên bố của ông ngay lập tức kéo giá Bitcoin từ khoảng 54,000 USD lên 60,000 USD. Tuy nhiên, một khi có thể nâng giá Bitcoin, Musk ắt có thể kéo giá đồng coin xuống. Ngày 13/5, ông chủ Tesla bất ngờ đổi ý, không còn chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán nữa.

Lý do được Musk đưa ra là ông lo ngại việc đào và giao dịch Bitcoin sẽ gây tác động xấu đến môi trường. Giá Bitcoin lúc này giảm hơn 12%, thiệt hại hơn 360 tỷ vốn hóa thị trường. Không riêng gì Bitcoin, một số loại tiền mã hóa khác cũng cùng chung số phận. Dogecoin, Ethereum và XRP lần lượt giảm 16%, 10% và 7%.

Dogecoin bùng nổ khi được Elon Musk liên tiếp gọi tên

Chuyện tình ngang trái giữa ông chủ Tesla và Dogecoin (DOGE) là một trong những đề tài nổi tiếng nhất giới tiền mã hóa. Trên thực tế, ông dường như là người có ảnh hưởng lớn nhất đến giá trị của đồng coin này. Mỗi khi được ông đề cập, giá Dogecoin đều có sự biến động mạnh.

nổi tiếng yêu thích dogecoin
Elon Musk nổi tiếng yêu thích Dogecoin.

Bắt đầu từ đầu năm 2021, Musk liên tiếp gọi tên Dogecoin. Ngày 6/2, ông tạo một cuộc khảo sát trên Twitter để những người theo dõi chọn ra “loại tiền tệ tương lai của Trái Đất”. Giữa hai đáp án “Dogecoin to the Moooonn” và “Tất cả những loại tiền mã hóa khác”, 71.3% chọn đáp án đầu tiên. Ngay hôm sau, Musk tiếp tục đăng Twitter: “Ai đã tạo ra Doge?” Những bài đăng liên tiếp như vậy đã đẩy giá Dogecoin tăng 59% trong vòng 24h.

Đỉnh điểm của đà tăng là tháng 5, khi Dogecoin chạm ngưỡng cao nhất mọi thời đại (ATH) 0.69 USD. Trước đó, Musk xác nhận xuất hiện trong “Saturday Night Club” (SNL), chương trình trò chuyện đêm khuya ăn khách của đài NBC. Nhiều người tin rằng nhu cầu Dogecoin sẽ tăng vọt nếu Musk đề cập đồng coin trên sóng truyền hình quốc gia. Và thế là họ mạnh tay mua Dogecoin. 

Điều trớ trêu là sau khi tỷ phú lên sóng SNL được vài phút, giá Dogecoin giảm 30% so với trước khi phát sóng. Sau 1h, giá trị vốn hóa của đồng coin giảm từ 90 tỷ USD xuống còn 68 tỷ USD. Một số người cho rằng hiệu ứng Elon Musk bị phản tác dụng là vì cộng đồng kỳ vọng ông có phát ngôn mang tính đột phá hơn.

Một câu chuyện thú vị khác xảy ra vào tháng 1 năm nay. Đầu tiên, hãng thức ăn nhanh McDonald đánh tiếng “hỏi thăm” cộng đồng tiền mã hóa giữa tình hình thị trường ảm đạm. Đáp lại, Musk khẳng định sẽ ăn suất Happy Meal của McDonald trên sóng truyền hình nếu họ sử dụng Dogecoin làm phương tiện thanh toán.

McDonald cũng tỏ ra không kém cạnh khi tuyên bố sẽ chấp nhận thử thách nếu Tesla cho phép mua hàng bằng grimacecoin. Cuộc "khẩu chiến" nhẹ nhàng chấm dứt tại đó, song giá Dogecoin đã kịp vươn lên 9% bất chấp cuộc khủng hoảng của thị trường tiền mã hóa. Đáng chú ý, suốt một tháng trước đó, giá Dogecoin liên tục sụt giảm 25%.

Ám chỉ Dogecoin, Musk vô tình đẩy giá Shiba Inu

Nhắc đến Dogecoin, chúng ta chắc chắn không thể bỏ qua đối thủ một thời Shiba Inu (SHIB). Tuy nhiên, ở trường hợp này, ông chủ Tesla dường như chỉ vô tình thổi giá SHIB. 

shiba inu tăng nhờ elon musk
Shiba Inu tăng nhờ hiểu lầm của cộng đồng.

Ngày 4/10/2021, Musk đăng bức ảnh chú chó cưng của mình lên Twitter. Cộng đồng tiền mã hóa vốn rất nhạy với tin tức mới. Họ cho rằng tỷ phú hàng đầu thế giới ắt hẳn đang phát tín hiệu về Shiba Inu. Trong vòng một tuần, giá Shiba Inu tăng vọt 367%, vượt mặt Litecoin và Avalanche để trở thành đồng tiền mã hóa lớn thứ 12 về giá trị thị trường. Nhờ Musk nâng đỡ, Shiba Inu đã vươn lên mức cao nhất mọi thời đại (ATH) 0.00004417 USD.

Khi một người dùng Twitter hỏi ông đang nắm giữ bao nhiêu Shiba Inu, Musk đáp “không có”. Trong một bài viết khác, ông khẳng định mình chỉ sở hữu 3 loại tiền mã hóa là Bitcoin, Ether và Dogecoin.

Hóa ra hình ảnh lúc đó chỉ đơn thuần là một chú chó shiba inu chứ không ám chỉ Shiba Inu. Giá token sau đó giảm mạnh 27% xuống mức 0.00003282 USD. Tất nhiên, việc này đã gây phẫn nộ trong cộng đồng Shiba Inu. Họ kêu gọi mọi người tẩy chay ông và dập tắt hiệu ứng Elon Musk.

Thương vụ “hụt” với Twitter

Vụ việc với Twitter đến tận bây giờ vẫn còn là nút thắt khó gỡ. Thậm chí, một cổ đồng Twitter hồi tháng 5 đã kiện Musk tội thao túng giá thị trường

Đầu năm nay, Musk bắt đầu bí mật mua cổ phiếu Twitter. Với hơn 9% cổ phần, Musk trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của gã khổng lồ mạng xã hội. Tin tức khiến cổ phiếu Twitter tăng 20% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa.

elon musk và thương vụ mua twitter
Thương vụ giữa Elon Musk và Twitter vẫn gây xôn xao dư luận.

Sau đó, ông được đề nghị một ghế trong hội đồng quản trị. Lúc đầu, ông chấp nhận nhưng rồi đổi ý khi nhận ra thành viên hội đồng quản trị không được phép mua hơn 15% cổ phần công ty. Ông muốn thâu tóm toàn bộ Twitter.

Và ông thực sự ngỏ ý mua lại gã khổng lồ mạng xã hội này. Hội đồng quản trị Twitter đồng ý bán công ty cho Musk với giá 54.20 USD/cổ phiếu. Cuối cùng, hai bên chốt bán Twitter với tổng giá trị 44 tỷ USD. Sau khi thông tin được công bố, cổ phiếu Twitter tăng khoảng 6%.

Những tưởng mạng xã hội hàng đầu sẽ về tay vị tỷ phú trong êm đẹp, Musk lại đột ngột “quay xe”. Ông tuyên bố phải có đến 20% tài khoản trên Twitter là bot (tài khoản giả mạo). Do đó, thương vụ chỉ thành công nếu công ty chứng minh được Twitter thực sự chỉ có 5% tài khoản rác.

Ngày 8/7, cổ phiếu Twitter được giao dịch quanh mức 37 USD. Sau khi vị tỷ phú xác nhận “hủy kèo” vào ngày 9/7 như MarginATM đã đưa tin (tại đây), cổ phiếu lao dốc xuống dưới 34 USD.

Theo luật sư Matt Levine, Twitter có thể chỉ là trò đùa khác của ông chủ Tesla. Trong khi đó, một số người cho rằng Musk đang lợi dụng thương vụ làm cái cớ bán bớt cổ phiếu Tesla. Từ tháng 4, ông bắt đầu bán cổ phiếu Tesla để gom tiền mua Twitter. Sang tháng 8, ông bán tiếp 7.92 triệu cổ phiếu trị giá 6.9 tỷ USD. Giữa nghi vấn bủa vây, ông giải thích ông chỉ muốn đề phòng trường hợp buộc phải mua lại Twitter.

Cho đến nay, cuộc chiến pháp lý giữa Musk và Twitter vẫn chưa đi đến hồi kết. Và liệu thỏa thuận với Twitter có còn ẩn giấu nguyên nhân gì hay không, có lẽ chỉ có vị tỷ phú mới biết chính xác câu trả lời.

Đọc thêm: 5 điều bạn chưa biết về Dogecoin

RELEVANT SERIES