5 NFT đắt nhất thế giới từ trước đến nay
Nối tiếp chuyên mục Sự Lạ Crypto, hôm nay MarginATM sẽ giới thiệu đến các bạn những câu chuyện thú vị liên quan đến NFT, một phần không thể thiếu trong thế giới tiền mã hóa.
2021 là năm hoạt động sôi nổi của NFT. Dù làn sóng NFT đã phần nào hạ nhiệt, loại hình nghệ thuật kỹ thuật số này vẫn thu hút hàng chục nghìn nhà sưu tập trên khắp thế giới. Giá trị của các NFT có sự khác biệt rất lớn, nhiều bộ sưu tập thậm chí lên tới hàng triệu USD. Những yếu tố tác động đến giá trị của NFT bao gồm người sáng tác, đội ngũ phát triển, khả năng ứng dụng và mối quan tâm của cộng đồng.
Chuyên mục Sự Lạ Crypto tuần này sẽ giới thiệu đến các bạn top 5 NFT đắt nhất thế giới từ trước đến nay.
1. The Merge - 91.8 triệu USD
Ngôi vị đầu thuộc về The Merge, tác phẩm của nghệ sĩ kỹ thuật số Pak. Trong cộng đồng NFT, Pak được biết đến với hình tượng bí ẩn và những tác phẩm mang tính biểu tượng.
Ngày 4/12/2021, The Merge lần đầu ra mắt công chúng trên nền tảng đấu giá Nifty Gateway. Ngay khi được chào bán, NFT này đã nhận được sự quan tâm đông đảo từ cộng đồng. Cuối cùng, The Merge trở thành NFT đắt nhất từ trước đến nay với giá 91.8 triệu USD.
Điểm đặc biệt là The Merge được chia ra đến 312,686 mảnh và có nhiều chủ sở hữu khác nhau. Chỉ trong hai ngày mở bán, The Merge đã thu hút 28,983 nhà sưu tập tìm mua tác phẩm.
Ban đầu, mỗi mảnh NFT có giá khoảng 545 USD. Để sở hữu một phần The Merge, người dùng cần phải mua trực tiếp trong buổi đấu giá. Cứ mỗi 6 tiếng trôi qua, các mảnh này lại đội giá thêm 25 USD. Nhiều người đã xếp hàng chờ đợi từ sớm để mua NFT với giá thấp, sau đó bán lại với giá cao ngất ngưởng để thu lợi.
Pak chia sẻ mục đích họa sĩ tạo ra The Merge đơn giản là mời gọi nhiều người chơi mới đến với NFT. Ngoài ra, Pak hy vọng The Merge, đúng với cái tên “hợp nhất”, có thể hợp thành một NFT duy nhất. Tuy nhiên, mong ước này chỉ có thể thành hiện thực khi ai đó đủ năng lực tài chính để thâu tóm toàn bộ 312,686 mảnh của The Merge. Giá của từng mảnh NFT có thể không quá cao, song bức tranh lớn của The Merge đã tạo nên giá trị khổng lồ 91.8 triệu USD.
Hiện tại, tác phẩm độc đáo này vẫn giữ vững ngôi vương trong bảng xếp hạng giá trị. Dù vậy, nhiều người cho rằng kỷ lục mà The Merge thiết lập có lẽ sẽ chẳng tồn tại quá lâu trước đà tăng trưởng mạnh mẽ của NFT và các đối thủ nặng ký như Bored Ape Yacht Club (BAYC) và CryptoPunk.
2. Everydays: The First 5000 Days - 69.3 triệu USD
Everydays: The First 5000 Days là tác phẩm của nghệ sĩ Mike Winkelmann, bút danh Beeple. Tháng 2/2021, NFT này được bán với giá 69.3 USD tại trung tâm đấu giá Christie’s (New York). Giá khởi điểm vào ngày 25/2 là 100 USD. Trong 8 phút đầu tiên của buổi đấu giá, khoảng 20 nhà thầu đã đẩy giá tác phẩm lên 1 triệu USD.
1h trước khi đóng thầu, NFT được trả giá khoảng 14 triệu USD. Tuy nhiên, vào 10 phút cuối, giá thầu bất ngờ tăng vọt lên 22 triệu USD sau đó dừng lại ở mốc cuối cùng là 60.25 triệu USD. Kết hợp với phí bảo hiểm, người mua phải chi tổng cộng 69.3 triệu USD để sở hữu tác phẩm.
Everydays ghép từ 5,000 bức tranh do Beeple sáng tác trong suốt 13 năm. Từ năm 2007-2020, mỗi ngày Beeple đều đăng những hình vẽ của mình lên trang Instagram cá nhân. Hầu hết tác phẩm của nghệ sĩ 40 tuổi lấy cảm hứng từ bối cảnh hậu tận thế và thường liên kết với văn hóa và sự kiện đương đại. Ngoài ra, bức tranh còn đại diện cho hành trình “trưởng thành” trong nét vẽ của chàng họa sĩ Beeple.
Thông qua Everydays, Beeple là một trong ba nghệ sĩ đương thời có tác phẩm được bán đấu giá cao nhất. Hai người còn lại là họa sĩ Jeff Koons và họa sĩ David Hockney. Người mua NFT của Beeple là một nhà sưu tập có bí danh Metakovan. Đầu tháng 1/2021, Metakovan từng mua lại 20 bức tranh kỹ thuật số từ Beeple với tổng số giá trị 2.2 triệu USD.
3. Clock - 52.7 triệu USD
NFT tiếp theo có nguồn gốc khá khác thường. Clock được tạo ra để gây quỹ bảo vệ một tù nhân tên Julian Assange. Tháng 5/2019, Assange lãnh án tù 175 năm với tội danh gián điệp do công khai nhiều thông tin chính trị nhạy cảm trên trang web WikiLeaks. Bản thân NFT chỉ đơn giản là một chiếc đồng hồ đếm số ngày Assange bị cầm tù.
Vụ án của Assange dấy lên các cuộc tranh cãi gay gắt về tính ẩn danh, quyền tự do thông tin và kiểm duyệt. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Pak, được biết đến với hình tượng bí ẩn, quyết định bắt tay Assange tạo ra Clock.
Hơn 10,000 người ủng hộ ông đã lập nên AssangeDAO, một tổ chức phi tự trị tập trung (DAO). Mục đích của tổ chức là hỗ trợ pháp lý cho Assange. Sau khi mua Clock, AssangeDAO vẫn còn lại 17,422 ETH (22.5 triệu USD) để sẵn sàng mua các NFT khác.
Trong cuộc đấu giá vào tháng 2/2022, AssangeDAO thành công giành được NFT với mức giá khổng lồ 52.7 triệu USD. Mỗi người trong tổ chức được sở hữu một phần NFT tương ứng với khoản tiền họ đóng góp. Toàn bộ số tiền đấu giá được chuyển đến Wau Holland Foundation, cũng là một tổ chức khác mong muốn giải cứu Assange. Số tiền 52.7 triệu USD sẽ được dùng để bào chữa cho Assange, giúp ông sớm có cơ hội được thả tự do.
4. Human One - 28.9 triệu USD
Nghệ sĩ Beeple đã tiếp tục khiến cộng đồng NFT trầm trồ với tác phẩm mới trị giá hàng triệu USD. Tháng 9/2021, Human One xuất hiện tại buổi đấu giá 21st Century Evening Sale của Christie’s. Tác phẩm đã thu hút hàng loạt nhà đầu tư ngay khi thương vụ được công bố.
Cuối cùng, tỷ phú Ryan Zurrer giành được chiến thắng với giá 25 triệu USD. Mức giá này thậm chí cao hơn 10 triệu USD so với mức giá 15 triệu USD Christie’s dự đoán ban đầu. Tính thêm phí bảo hiểm 3.9 triệu USD, Zurrer bỏ ra tổng cộng 28.9 triệu USD.
Human One là tác phẩm kết hợp giữa nghệ thuật điêu khắc và NFT. Lấy bối cảnh không gian, Human One là chiếc hộp cao hơn 2.13 m chiếu cảnh một phi hành gia di chuyển qua nhiều vùng đất khác nhau. Dưới hộp, Beeple gắn đế xoay để người xem có thể chiêm ngưỡng tác phẩm ở nhiều góc độ khác nhau.
Beeple chỉnh sửa video phát trên màn hình LED thông qua công nghệ blockchain. Ông dự định tiếp tục cập nhật các cảnh quay để tạo ra cuộc đối thoại liên tục giữa nghệ sĩ và chủ sở hữu.
5. CryptoPunk #5822 - 23.7 triệu USD
Vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng thuộc về CryptoPunk #5822. Sáng ngày 13/2, cộng đồng tiền mã hóa lại được một phen xôn xao khi cái tên CryptoPunk tiếp tục đánh dấu kỷ lục về giá NFT.
Bộ sưu tập CryptoPunk của LarvaLab được coi là hiện tượng trong giới NFT. Những tấm ảnh avatar của CryptoPunk có giá cao ngất ngưởng, “rẻ” nhất cũng ở tầm vài chục nghìn USD. Ra đời từ năm 2017, bộ sưu tập phong cách 8-bit này là cột mốc quan trọng của ngành tiền mã hóa. Độ nổi tiếng của CryptoPunk bắt đầu bùng nổ vào năm 2021 và duy trì sức nóng đến tận nay.
Với mức giá 8,000 ETH (23.7 triệu USD), CryptoPunk #5822 đã vượt mặt các “anh chị” cùng nhà và vươn lên top 5 NFT đắt đỏ nhất từ trước đến nay. Đây là 1 trong 9 NFT thuộc hệ Alien, hệ hiếm nhất của CryptoPunk. Như mọi loại hình sưu tập khác, độ hiếm là yếu tố lớn ảnh hưởng đến giá NFT.
9 rare CryptoPunks from @LarvaLabs own collection to star in our 21st Century Evening Sale this May in NY.
— Christie's (@ChristiesInc) April 8, 2021
All mint numbers under 1k and yes there is a rare Alien! Punks 2, 532, 58, 30, 635, 602, 768, 603, 757 #CryptoPunks
More at: https://t.co/o41OzqP1UB pic.twitter.com/N0blESQdR1
Người mua là Deepak Thapliyal, CEO của tập đoàn công nghệ Chain. Thapliyal được biết đến như một “đại gia” NFT. Trên trang Twitter cá nhân, ông tuyên bố sở hữu Bored Ape Yacht Club (BAYC), Mutant Ape Yacht Club (MAYC) và Doodle.
Trên đây đều là những NFT được các nhà sưu tập săn đón với giá rất cao. Trong đó, BAYC có thể coi là đối thủ đáng gờm của CryptoPunk khi có giá sàn vượt 100 ETH và được nhiều người nổi tiếng ủng hộ.
Để tìm hiểu thêm về những sự đặc biệt khác về NFT, bạn có thể đọc bài viết: 5 điều bạn chưa biết về NFT.
Đọc thêm: Facebook ra mắt tính năng NFT cho người sáng tạo ở Mỹ