Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Các chỉ số quan trọng của nền kinh tế Mỹ

Chỉ số kinh tế của Mỹ có thể cung cấp cho nhà đầu tư một cái nhìn tổng quát về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ và toàn cầu. Những chỉ số quan trọng nhất là gì?
Avatar
immihu.web3
Published Jul 05 2023
Updated Jun 05 2024
15 min read
các chỉ số quan trọng nền kinh tế mỹ

Là nền kinh tế lớn nhất thế giới, mọi động thái dù là nhỏ nhất của Mỹ cũng sẽ tác động đến thị trường toàn cầu, bao gồm crypto. Các chỉ số kinh tế của cường quốc này có thể cung cấp cho nhà đầu tư một cái nhìn tổng quát về sức khỏe của nền kinh tế, từ đó đưa ra các quyết định phù hợp.

Chỉ số kinh tế là gì?

Chỉ số kinh tế là các số liệu thống kê cho thấy trạng thái kinh tế hiện tại của một quốc gia tùy thuộc vào khu vực kinh tế cụ thể (công nghiệp, thương mại,…), được các nhà phân tích sử dụng để giải thích các khả năng đầu tư hiện tại hoặc trong tương lai.

Bên cạnh đó, những chỉ số kinh tế cũng giúp đánh giá sức khỏe tổng thể của một nền kinh tế. Các chỉ số kinh tế có thể là bất cứ điều gì nhà đầu tư lựa chọn, nhưng các dữ liệu cụ thể do Chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận đưa ra mang tính phổ biến hơn.

đô la mỹ
Đồng USD của Mỹ
advertising

Các chỉ số kinh tế quan trọng của Mỹ

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là chỉ số đo lường tổng giá trị thị trường của tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ được sản xuất ra ở một quốc gia trong một thời kỳ nhất định.

Hàng hóa và dịch vụ được tính trong GDP bao gồm những hàng hoá hữu hình (thực phẩm, xe hơi, quần áo...) và những dịch vụ vô hình (cắt tóc, khám bệnh, lau nhà...).

Đối với một quốc gia, chỉ số GDP có ý nghĩa rất lớn. Thông qua GDP có thể biết được nền kinh tế đó đang tăng trưởng tốt hay chậm lại. Sự suy giảm chỉ số GDP sẽ có tác động xấu đến nền kinh tế và có thể dẫn đến các tình trạng kinh tế suy thoái, lạm phát, thất nghiệp, đồng tiền mất giá…

gdp trong họp fomc 22 3 2023
Báo cáo GDP trong cuộc họp FOMC ngày 22/3/2023. Nguồn: Federal Reserve

Chỉ số GDP bình quân đầu người sẽ cho biết mức thu nhập trung bình cũng như chất lượng sống của người dân ở mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, chỉ số GDP cũng có một số hạn chế nhất định, chẳng hạn như:

  • GDP không phản ánh đầy đủ các hoạt động sản xuất như tự cung tự cấp, không kiểm soát được chất lượng hàng hóa.
  • GDP không định lượng được giá trị của các hoạt động kinh tế phi chính thức như hoạt động của chợ đen, sản xuất hộ gia đình,…
  • GDP chỉ xem xét sản xuất hàng hóa cuối cùng và đầu tư vốn mới mà bỏ qua hoạt động giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp thông qua các hoạt động chi tiêu, giao dịch trung gian.
  • GDP không thể đo lường chính xác sự phát triển của một quốc gia hay đời sống người dân trong quốc gia đó bởi GDP chỉ nhấn mạnh đến sản lượng vật chất mà không xem xét đến thực trạng phát triển tổng thể của một quốc gia. Do vậy cần kết hợp GDP với các chỉ số khác để có cái nhìn toàn diện nhất.

Tỷ lệ lạm phát

Lạm phát là sự gia tăng mức giá chung của các loại hàng hóa và dịch vụ trong một nền kinh tế. Lạm phát quá cao có nghĩa là nền kinh tế đang phát triển quá nóng. Ngược lại, lạm phát thấp có thể là dấu hiệu báo trước của suy thoái kinh tế.

Thông thường, tỷ lệ lạm phát được tính toán dựa trên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hoặc chỉ số giảm phát GDP. Tỷ lệ lạm phát có thể được tính cho một tháng, một quý, nửa năm hoặc một năm.

pce và core pce
PCE và Core PCE  là thước đo lạm phát của FED. Nguồn: Federal Reserve

Tại Mỹ, tỷ lệ lạm phát là một trong những chỉ số quan trọng để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phân tích và đưa ra các quyết định về các chính sách tiền tệ.

Lạm phát ở Mỹ bắt đầu gia tăng từ năm 2021 do sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng, nhu cầu tiêu dùng gia tăng và sự điều chỉnh trong sinh hoạt của người dân sau khi các hạn chế do dịch Covid 19 được gỡ bỏ.

Lạm phát cao trong vòng hai năm qua đã trở thành gánh nặng cho người tiêu dùng ở Mỹ, đe dọa nền kinh tế và là một thách thức của FED. Để kiềm chế lạm phát, FED đã liên tục tăng lãi suất cơ bản kể từ tháng 03/2022. Lần tăng lãi suất gần đây nhất là ngày 04/05/2023 với mức tăng 0.25 điểm, mục tiêu đưa tỷ lệ lạm phát về mức 2%.

Tỷ lệ thất nghiệp

Tỷ lệ thất nghiệp là phần trăm người lao động trong một quốc gia hoặc khu vực nhất định không có việc làm hoặc đang tìm kiếm việc làm. Chỉ số này thường được tính toán dựa trên dữ liệu từ các cuộc điều tra lao động hoặc từ báo cáo chính phủ.

tỷ lệ thất nghiệp mỹ
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ. Nguồn: Investing.com.

Tỷ lệ thất nghiệp thường được xem là một chỉ số quan trọng để đo lường sức khỏe của thị trường lao động và tình hình kinh tế chung của quốc gia. Nó có thể cung cấp thông tin về mức độ sẵn sàng, khả năng tìm việc của người lao động, cũng như tác động của chính sách kinh tế và các yếu tố khác đến thị trường lao động.

Tỷ lệ thất nghiệp cao cho thấy nền kinh tế đang gặp khó khăn, làm giảm sức mua của người tiêu dùng, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và tạo ra áp lực xã hội. Ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp thấp thường cho thấy nền kinh tế đang phát triển tốt và thị trường lao động có nhu cầu cao. Tuy nhiên nó cũng tiềm ẩn nguy cơ gia tăng tỷ lệ lạm phát.

Đọc thêm: Thế giới trải qua bao nhiêu cuộc khủng hoảng?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là chỉ số tính theo phần trăm để phản ánh mức thay đổi tương đối của giá hàng tiêu dùng theo thời gian. Sở dĩ chỉ là thay đổi tương đối vì chỉ số này chỉ dựa vào một giỏ hàng hóa đại diện cho toàn bộ hàng tiêu dùng.

cpi mỹ tháng 6 2023
Chỉ số CPI Mỹ tháng 6/2023. Nguồn: bls.gov

Đây là chỉ số được sử dụng phổ biến nhất để đo lường tỷ lệ lạm phát. Đồng thời, chỉ số này cũng phản ánh tính hiệu quả của các chính sách kinh tế của một quốc gia. CPI thường theo sát chỉ số giảm phát GDP bởi vì tiêu dùng chiếm một phần tỷ lệ rất lớn trong GDP.

Chỉ số giá sản xuất (PPI)

PPI là chỉ số đo lường sự thay đổi giá của hàng hóa và dịch vụ thành phẩm được bán bởi nhà sản xuất trong nước.

Giá này là mức giá cơ bản (chưa bao gồm thuế). Khác với chỉ số giá tiêu dùng CPI, chỉ số giá sản xuất PPI đo lường mức giá chung từ quan điểm của người bán. Dữ liệu PPI thể hiện sự thay đổi hàng tháng về giá trung bình của một giỏ hàng hóa được mua bởi các nhà sản xuất.

Chỉ số này được Cục Thống Kê Lao Động Hoa Kỳ biên soạn và công bố vào lúc 19h30 hoặc 20h30 (theo giờ Việt Nam) vào tuần thứ 2 hàng tháng.

Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 14/06 vừa qua, chỉ số giá sản xuất (PPI) đã giảm 0.3% trong tháng 5, tăng 0.2% so tháng 4.

ppi tháng 6 2023
Chỉ số PPI tháng 6/2023. Nguồn: Investing.com

Đây cũng là tháng thứ ba chỉ số PPI của Mỹ giảm trong vòng 6 tháng đầu năm. So với cùng kỳ năm ngoái, tính đến tháng 05/2023, PPI của Mỹ đã tăng 1,1%, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 12/2020, sau khi tăng 2,3% trong tháng 4.

Chỉ số giá bán buôn (WPI)

Chỉ số giá bán buôn (Wholesale Price Index), viết tắt là WPI, là chỉ số được sử dụng để đo lường mức độ thay đổi của giá cả hàng hóa được giao dịch thường xuyên ở cấp độ bán buôn trong một nền kinh tế. Mỗi quốc gia khác nhau sẽ có cách tính chỉ số WPI khác nhau.

chỉ số wpi mỹ
Chỉ số WPI Mỹ. Nguồn: economy.com

Nhờ WPI, Chính phủ có thể đo lường được mức độ lạm phát của nền kinh tế trong giai đoạn đầu của giao dịch hàng hóa. Nó cho thấy sự thay đổi về giá trung bình của các hàng hóa được chọn theo tỷ lệ phần trăm.

Khi chỉ số WPI biến động có nghĩa là mức độ lạm phát của một quốc gia cũng đang biến động. Nhờ chỉ số WPI mà Chính phủ có thể đưa ra quyết định điều chỉnh các chính sách tài khóa và tiền tệ. Doanh nghiệp cũng có thể dựa vào chỉ số WPI để điều chỉnh lại kế hoạch mua sắm nguyên vật liệu sản xuất cho phù hợp.

Vốn đầu tư nước ngoài

Vốn đầu tư nước ngoài cho biết số tiền đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào một quốc gia và sức hấp dẫn của nền kinh tế. Các nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ giúp tăng trưởng kinh tế cho quốc gia được đầu tư trong dài hạn. Vốn đầu tư nước ngoài gồm hai loại:

  • Vốn đầu tư trực tiếp: Vốn đầu tư trực tiếp, hay FDI là khoản vốn được các cá nhân, doanh nghiệp hoặc tập đoàn nước ngoài đầu tư vào công ty tại một quốc gia dưới dạng tài sản cố định như cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, nhà đầu tư đa phần sẽ luôn nắm quyền kiểm soát mọi hoạt động của cơ sở sản xuất này.
  • Vốn đầu tư gián tiếp: Vốn đầu tư gián tiếp là nguồn vốn đến từ các tổ chức phi chính phủ, tổ chức tài chính quốc tế hoặc Chính phủ các nước khác. Họ trích ra một khoản tiền để đầu tư vào các nước đang hoặc kém phát triển nhằm mục đích phát triển kinh tế cho các quốc gia đó. Nguồn vốn này thường tồn tại dưới dạng một khoản vay dài hạn với lãi suất thấp hoặc không lãi suất dành cho Chính phủ của nước được đầu tư.

Riêng trong nửa đầu năm 2023, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nền kinh tế toàn cầu đã tăng hơn $2,000 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Mỹ tiếp tục giữ vững vị trí số 1, cán mốc 11 năm liên tiếp là quốc gia nhận được vốn FDI nhiều nhất.

Chỉ số giá nhà ở (HPI)

Chỉ số giá nhà ở (HPI) là thước đo sự dịch chuyển trong giá nhà ở Mỹ. Ngoài vai trò là một chỉ số về xu hướng giá nhà, nó còn có chức năng như một công cụ phân tích để ước tính các thay đổi về tỉ lệ vỡ nợ thế chấp, khả năng trả trước và chi trả nhà ở.

HPI do Cơ quan tài chính nhà ở liên bang (FHFA) sử dụng dữ liệu được cung cấp bởi Hiệp hội vay thế chấp quốc gia (FNMA) - Fannie Mae và Tập đoàn vay mua nhà trả góp liên bang (FHLMC) - Freddie Mac tạo ra.

Sự tăng giảm của giá nhà có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế. Giá nhà tăng thường tạo ra nhiều việc làm hơn, kích thích sự tự tin của thị trường và thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng. Từ đó mở đường cho tổng cầu lớn hơn, thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và làm tăng trưởng kinh tế.

khu nhà ở mỹ
Một khu nhà ở Mỹ

Khi giá giảm, điều ngược lại có thể xảy ra. Niềm tin của người tiêu dùng bị xói mòn và các công ty cung cấp dịch vụ bất động sản sa thải nhân viên, do đó có thể gây ra suy thoái kinh tế. Do vậy, HPI chủ yếu được các nhà đầu tư sử dụng để theo dõi các xu hướng kinh tế để lựa chọn đầu tư phù hợp.

Các chỉ số này có ý nghĩa gì với thị trường Crypto?

Các tin tức vĩ mô quan trọng nhất ảnh hưởng đến thị trường crypto là những thông tin liên quan đến đồng USD và các chính sách tiền tệ của FED. Nếu đồng USD yếu đi và lãi suất giảm xuống thì tiền điện tử sẽ được hưởng lợi. Vì vậy, các dữ liệu ảnh hưởng đến quyết định của FED trong việc tăng giảm lãi suất như: tỷ lệ lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng CPI,… đều ảnh hưởng đến thị trường tiền điện tử.

Ví dụ khác, sau quyết định tạm ngừng tăng lãi suất của FED trong cuộc họp ngày 14/06, Bitcoin đã bật tăng lên trên mốc $31,000. Giá BTC rời xa ngưỡng hỗ trợ $24,800 và tăng bật trở lại đã phá vỡ bầu không khí u ám bao trùm thị trường kể từ sau vụ kiện của Ủy ban Sàn giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) chống lại hai sàn giao dịch tập trung có trụ sở tại Mỹ là Binance và Coinbase.

Tương tự, đồng tiền lớn thứ hai thị trường ETH cũng liên tục tăng giá lên trên $1,900.

giá btc
Giá Bitcoin. Nguồn: Trading View

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, mức giá biến động không nhiều của crypto vẫn mang đến tâm lý an toàn cho các nhà đầu tư.

Paul Eisma, người đứng đầu bộ phận giao dịch tại XBTO Group, cho biết: “Sự phục hồi của thị trường tiền điện tử có thể là do phản ứng tăng giá trước việc tốc độ tăng lãi suất giảm dần”.

Chúng ta đang ở trong một môi trường định hướng theo dữ liệu, vì vậy bất kỳ con số kinh tế nào cho thấy lạm phát giảm bớt sẽ hỗ trợ cho các tài sản rủi ro - bao gồm cả tiền điện tử.

Cách cập nhật thông tin về các chỉ số vĩ mô nhanh nhất

Mỗi khi có thông tin mới được đưa ra, thị trường sẽ biến động khá mạnh, vì vậy việc cập nhật các thông tin nhanh chóng, chính xác nhất là vô cùng quan trọng. Có nhiều cách để bạn tìm “nguồn” theo dõi, nhưng dưới đây là một số cách mình hay lựa chọn:

  • Theo dõi trên investing.com/economy.com: Website này cũng cung cấp nhiều dữ liệu về các lịch kinh tế để bạn theo dõi.
  • Theo dõi một số trang tin tức nước ngoài như cnbc.com, bloomberg.com, economist.com, reuters.com, coindesk.com,… Trước mỗi dữ liệu, cuộc họp quan trọng họ đều cập nhật rất nhanh, thậm chí có những bản tin còn được live trực tiếp.
  • Theo dõi qua một số kênh Twitter: Có một số kênh Twitter chuyên cập nhật các tin tức này, thậm chí còn đưa ra rất nhiều nhận định thú vị và hữu ích của các chỉ số kinh tế vĩ mô, ví dụ như @Tier10k/ @KobeissiLetter....
theo dõi lịch kinh tế
Theo dõi lịch kinh tế

Trên thực tế, không một chỉ số chính nào có thể mô tả bức tranh toàn cảnh về tình trạng của nền kinh tế. Tuy nhiên, sự kết hợp của các chỉ số kinh tế chính hàng đầu có thể được sử dụng để cung cấp thông tin cho nhiều quyết định đầu tư quan trọng.

Đọc thêm: Tác động của FOMC tới thị trường tài chính và Crypto

RELEVANT SERIES