Sam Bankman-Fried thừa nhận mình giả tạo
Sam Bankman-Fried tuyên bố chỉ cho Alameda Research vay. Việc lấy tiền của người dùng giao dịch hoàn toàn đến từ phía Alameda, theo Vox.
Ngày 15/11 (giờ địa phương), phóng viên Kelsey Piper đã có buổi trò chuyện qua tin nhắn Twitter với Sam Bankman-Fried. Piper là cây viết của tờ Vox và được cho là có quen biết Bankman-Fried lẫn Caroline Ellison, CEO Alameda Research.
Tài khoản @JagoeCapital chỉ ra Piper từng tương tác với Bankman-Fried trên Twitter. Ngoài ra, Piper tốt nghiệp đại học Stanford, nơi cha mẹ nhà sáng lập FTX làm việc, và tham gia giảng dạy khóa Effective Altruism (tư duy vị tha) với Ellison ở Stanford.
Ngày 13/11, Piper liên hệ với Bankman-Fried để tìm hiểu về vụ phá sản. Hai ngày sau, Bankman-Fried trải lòng về những chuyện đã xảy ra và khẳng định đang nỗ lực huy động vốn để trả lại cho khách hàng. Trong cuộc trò chuyện, anh giải thích về việc lạm dụng tiền gửi của khách hàng, về cơ quan quản lý và hối tiếc đối với hoạt động của FTX cũng như Alameda.
Về nhà quản lý
Trước khi đế chế sụp đổ, Bankman-Fried đã tích cực tham gia vận động hành lang ở Washington để thúc đẩy khung quy định cho tiền mã hóa. Trong tin nhắn, Piper hỏi kế hoạch vận động này có phải nhằm quảng bá hình ảnh hay không. Bankman-Fried trả lời "đúng vậy chỉ là PR". Anh cho rằng chính quyền chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn và không có biện pháp bảo vệ khách hàng.
Bankman-Fried chỉ trích Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) đang từ từ làm suy yếu lợi ích của Mỹ trên toàn cầu và là mối đe dọa lớn nhất của nước này. Anh cũng cho rằng Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Báo cáo Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) không có ích lợi gì.
Thái độ này thể hiện một mặt hoàn toàn khác với Bankman-Fried của trước đây. Nhà sáng lập FTX vốn luôn cố gắng xây dựng quan hệ tốt với các cơ quan quản lý Mỹ và tránh mọi cuộc xung đột với họ. Bankman-Fried ước tính ủng hộ khoảng 400 triệu USD cho đảng Dân Chủ, đảng của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Về hành vi trái đạo đức
Piper nhắc lại cuộc phỏng vấn với Bankman-Fried hồi mùa hè năm nay. Khi đó, Bankman-Fried cho rằng mọi người không nên làm những điều trái đạo đức "vì lợi ích lớn".
Bankman-Fried nhấn mạnh có một số ranh giới mà chúng ta không nên vượt qua. "Cuối cùng bạn có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn là lợi ích", nhà sáng lập FTX nói trong buổi phỏng vấn trước đó.
Ngày 15/11, Bankman-Fried bác bỏ hoàn toàn những quan điểm trên. "Điều đó không đúng, không hẳn", Bankman-Fried trả lời. Anh cho rằng một số anh hùng vĩ đại nhất sẽ không bao giờ được biết đến. Trong khi đó, những người được yêu quý có khi toàn là giả tạo.
Bankman-Fried nhắc tên Changpeng Zhao (CZ), nhà sáng lập Binance. Theo anh, chỉ một tháng trước, CZ là ví dụ điển hình của những người hô hào “đừng làm những việc trái đạo đức hoặc bạn sẽ trắng tay” và giờ đây ông đã trở thành anh hùng.
“Có phải vì ông ấy là một người đức hạnh không? Hay là do số dư tài sản của ông ấy nhiều hơn. Và thế là ông ấy chiến thắng”, Bankman-Fried trả lời.
Piper nhận xét Bankman-Fried rất giỏi nói về chuyện đạo đức dù anh luôn nhìn mọi mặt vấn đề dưới góc nhìn của kẻ chiến thắng và kẻ bại trận. Bankman-Fried cho hay đó là cách danh tiếng của anh được tạo thành.
“Tôi phải như vậy thôi. Tôi cảm thấy tiếc cho những người bị thiệt hại. Trong cuộc chơi ngu ngốc này, chúng tôi phải nói những lời hay ý đẹp để được mọi người yêu mến”, nhà sáng lập FTX viết.
Bị bẻ cong sự thật?
Bankman-Fried khẳng định FTX chưa bao giờ lấy tiền gửi của khách hàng để đi giao dịch hay đầu tư ở nơi khác. Nói đúng hơn, anh cho hay FTX không trực tiếp sử dụng khoản tiền này.
Piper chất vấn thực tế là FTX không hề có sẵn tiền để trả cho người dùng khi họ muốn rút. “Nhưng tiền gửi của họ không hề ở đó mà. Hay ý anh là Alameda?” Piper hỏi.
Bankman-Fried đồng tình. Anh tuyên bố FTX không lấy tiền của người dùng đi trade như truyền thông đưa tin. Alameda Research đã vay tiền từ FTX rồi đi giao dịch. Điều này đã gây tổn hại đến bảng cân đối kế toán của quỹ.
FTX không nhận ra số tiền lớn đến mức nào và có thể để lại hậu quả nghiêm trọng ra sao. Ngoài ra, Bankman-Fried cho rằng Alameda có đủ tài sản thế chấp để hỗ trợ khoản vay. Khi mọi chuyện vỡ lỡ, niềm tin của người dùng đã mất và họ đổ xô rút tiền khỏi nền tảng. Cuối cùng, FTX sụp đổ sau thảm họa bank run.
Giải thích lý do anh nhận thức được tình hình quá trễ, Bankman-Fried đáp: “Tôi không cố ý. Đôi khi cuộc sống sẽ lẳng lặng để lại những cú sốc như vậy”.
Về những chuyện đã xảy ra
Từ tháng 5 năm nay, nhiều người bắt đầu xôn xao giả thuyết FTX sẽ sớm sụp đổ. Alameda được cho là đã thua lỗ nặng sau khi dự án LUNA sụp đổ. Bankman-Fried cho biết anh không nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề vì “báo cáo lộn xộn”, dù lỗ hổng này lên tới hàng tỷ USD.
“Nếu có thể làm lại, anh sẽ chỉ cải thiện quy trình kế toán cẩn thận hơn thôi sao? Chẳng hạn như đừng đụng vào tiền của khách hàng? Không gia nhập crypto” Piper hỏi.
Bankman-Fried đáp FTX sẽ kiểm toán cẩn thận hơn. Ngoài ra, họ sẽ tách khỏi Alameda ngay khi FTX đủ khả năng hoạt động độc lập.
Bankman-Fried thừa nhận anh đã gặp "rắc rối lớn nhiều lần". Dù vậy, anh nhấn mạnh họ có thể tránh được phần lớn rắc rối nếu không tuyên bố phá sản. Việc này đã khiến Bankman-Fried mất quyền kiểm soát các vấn đề tài chính. Hiện vị trí CEO của Bankman-Fried đã được thay thế bởi John J. Ray III. "Những người kế nhiệm đang thiêu rụi tất cả", Bankman-Fried nói với Piper.
Bankman-Fried cho rằng anh lẽ ra nên tiếp tục tập trung huy động thêm vốn thay vì nộp đơn phá sản. Nếu như vậy, "hoạt động rút tiền sẽ được nối lại chỉ sau một tháng". Tất nhiên, đó là điều Bankman-Fried tin tưởng. Trên thực tế, không có dấu hiệu nào cho thấy FTX tìm được nhà đầu tư. Theo Wall Street Journal, ngay cả khi có được nguồn tài trợ mới, FTX vẫn cần đàm phán với các chủ nợ và nhận được sự chấp thuận của tòa án phá sản.
Bankman-Fried nói rằng Gary Wang, đồng sáng lập FTX, đã cảm thấy sợ hãi. Trong khi đó, Giám đốc Kỹ thuật Nishad Singh, chìm trong nỗi "xấu hổ và tội lỗi". Bankman-Fried dường như không có quá nhiều cảm xúc về vụ sụp đổ. "Thế giới không bao giờ vạch rõ giữa đen và trắng", anh nói.
Ngay sau khi FTX nộp đơn xin phá sản, ngày 12/11, ai đó đã chuyển hàng trăm triệu USD khỏi sàn giao dịch. Piper đã hỏi Bankman-Fried về vụ việc. Bankman-Fried trả lời ngắn gọn “hack”. Bankman-Fried tin rằng nhân viên cũ chính là thủ phạm hoặc kẻ tấn công đã chiếm dụng máy tính của các nhân viên.
Khi vụ việc diễn ra, nhiều người cũng đồn đoán vụ hack thực chất là cuộc tấn công nội bộ. Song cho đến nay không ai tìm ra câu trả lời thực sự. Ít nhất 800 triệu USD đã bị rút khỏi FTX nhưng sàn đã thu hồi được “một phần trong số đó”.
Về kế hoạch tương lai
Bankman-Fried cho biết ưu tiên số một của anh bây giờ là huy động 8 tỷ USD để trả cho người dùng. “Đó cơ bản là tất cả những gì quan trọng trong suốt phần đời còn lại của tôi”, Bankman-Fried chia sẻ. Một tháng trước, Bankman-Fried là một trong những người huy động được lượng vốn lớn nhất thế giới. Nhưng giờ đây FTX là phi vụ không mấy ai muốn bước vào, đặc biệt là khi hầu hết người dùng đã quay lưng và tài sản thực của FTX bị vạch trần.
Ngày 16/11, Piper gửi email cho Bankman-Fried để xác nhận liệu anh có đúng là người nhắn tin với Piper qua Twitter hay không. "Vẫn là tôi đây, tôi không bị hack! Chúng ta đã nói chuyện với nhau đêm qua", Bankman-Fried trả lời.
Luật sư của Bankman-Fried từ chối đưa ra bình luận.
Đọc thêm: Hành trình phá sản của FTX.