Tại sao các quỹ như BlackRock lại muốn niêm yết Bitcoin ETF Spot?
Việc nộp đơn xin phê duyệt Bitcoin ETF Spot thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư và tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính. Tại sao các quỹ lớn như BlackRock, Invesco, VanEck… lại chú ý, muốn phát triển và niêm yết sản phẩm này?
Mô hình kinh doanh của các quỹ đăng ký Bitcoin ETF Spot là gì?
Các quỹ đầu tư như BlackRock, VanEck, Invesco,… là các nhà quản lý tài sản. Điều này có nghĩa là khách hàng sẽ gửi tài sản vào các sản phẩm đầu tư do họ cung cấp. Quỹ sẽ lấy số tiền này và phân bổ vào các sản phẩm đầu tư khác nhau (tuỳ theo nhu cầu khách hàng và thiết kế danh mục đầu tư của họ) nhằm tối ưu hoá lợi nhuận.
Đổi lại, quỹ sẽ thu một lượng phần trăm nhất định hàng năm số tiền nạp vào của khách hàng hoặc mức lãi tương ứng của sản phẩm.
Ngoài ra, các quỹ này cũng sẽ cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến đầu tư khác như tư vấn, cung cấp công nghệ hỗ trợ đầu tư…
Nguồn thu khổng lồ từ quỹ Bitcoin ETF
Việc có rất nhiều công ty lớn quản lý hàng nghìn tỷ USD nộp đơn phê duyệt Bitcoin ETF spot đã phần nào cho chúng ta thấy được mức độ tiềm năng cũng như nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm này.
Cụ thể hơn, chúng ta có thể quan sát nhu cầu và tiềm năng thị trường thông qua sản phẩm Grayscale Bitcoin Trust (GBTC) của Grayscale (đang có điểm tương đồng nhất với Bitcoin ETF).
Theo đó, quỹ này đang nắm giữ khoảng 621.8 nghìn BTC có giá trị khoảng 21.6 tỷ USD.
Theo một thống kê khác từ Cryptoquant, các quỹ niêm yết công khai nói chung (ETFs ở các quốc gia khác, Trusts, …) đang nắm giữ khoảng 693.2 nghìn BTC.
Nếu các quỹ này đều thu phí quản lý (management fee) là 2% như Grayscale thì tổng doanh thu hiện tại sẽ lên tới hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Với khoảng 693.2 nghìn BTC sẽ tương đương với khoảng 13.9 nghìn BTC doanh thu mỗi năm (tương đương với khoảng 486 triệu USD tại mức giá 35,000 USD và gần 1 tỷ USD nếu tính theo mức giá đỉnh 69,000 USD).
Đây là một nguồn thu rất lớn đối với bất kỳ công ty quản lý quỹ nào. Lấy ví dụ với BlackRock, hiện nay công ty đang quản lý khoảng 8.6 nghìn tỷ USD (AUM) với khoảng 15 - 20 tỷ USD doanh thu mỗi năm (17.56 tỷ USD trong năm 2022).
Do đó, trong trường hợp BlackRock được SEC chấp thuận Bitcoin ETF spot và thu hút được số lượng tài sản tương đương như trên, quỹ sẽ có được mức doanh thu tăng thêm tương đương với 2.8% doanh thu 2022 với một lượng tài sản chỉ bằng 0.29% AUM hiện tại.
Tiềm năng tăng trưởng của thị trường Bitcoin ETF Spot?
Theo ước tính từ Galaxy, trong năm đầu tiên được phê duyệt sẽ có khoảng 14.4 tỷ USD chảy vào các sản phẩm này. Và đến năm thứ 3, con số này có thể tăng lên 38.6 tỷ USD.
Về tác động tới giá Bitcoin, Galaxy cũng đưa ra ước tính rằng trong tháng đầu tiên khi được chấp thuận, giá Bitcoin sẽ tăng khoảng 6.2% dưới tác động từ yếu tố các quỹ này giải ngân.
Bên cạnh đó, trong tổng 12 tháng tiếp theo, yếu tố kể trên sẽ tác động khiến giá Bitcoin tăng thêm 74% (theo như so sánh tương đương với dữ liệu từ thị trường vàng).
Như vậy, tiềm năng thúc đẩy thị trường từ Bitcoin ETF spot là rất lớn. Bên cạnh các tác động trực tiếp, việc giá cả và thanh khoản tăng cũng là động lực khiến thị trường DeFi phát triển lên một tầm cao mới trong tương lai.
Đọc thêm: Từ khóa “Bitcoin ETF Spot” đạt đỉnh trên Google Trends.
**Không phải là lời khuyên tài chính.