Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Tổng quan về SEC & tác động tới thị trường tài chính và Crypto

Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) vừa kiện Binance, Coinbase. Vậy SEC là gì mà có thể khởi kiện hai sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu trên?
Sammie
Published Jun 21 2023
Updated Apr 12 2024
14 min read
thumbnail

Ngày 05/06 vừa qua, thị trường tiền điện tử chao đảo trước thông tin Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) kiện hai nền tảng tiền điện tử lớn nhất thế giới là Binance và Coinbase. Điều này là một bước tiến cho thấy sự leo thang mạnh mẽ trong cuộc trấn áp của Mỹ đối với thị trường tiền điện tử.

Không chỉ vậy, SEC còn liên tục bổ sung danh sách các coin/token bị họ cho là Chứng khoán và khởi kiện. Con số này đã lên tới 52, vậy SEC là gì mà có thể khởi kiện hai sàn giao dịch tiền điện tử cũng như các token bị họ cho là chứng khoán?

Tổng quan về SEC

SEC (viết tắt của Securities and Exchange Commission) là Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ, một cơ quan quản lý độc lập của chính phủ liên bang chịu trách nhiệm bảo vệ các nhà đầu tư chống lại các hành vi gian lận và thao túng trên thị trường, duy trì sự công bằng và hoạt động trật tự, ổn định của thị trường chứng khoán, đồng thời tạo điều kiện hình thành vốn.

Được thành lập từ năm 1934 bởi Quốc hội Hoa Kỳ với tư cách là cơ quan quản lý liên bang đầu tiên của thị trường chứng khoán, SEC cũng có nhiệm vụ phê duyệt các tuyên bố đăng ký cho người lập kế hoạch giữa các công ty bảo lãnh phát hành.

con dấu sec

Con dấu Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC)

Nhìn chung, chứng khoán được chào bán giữa các tiểu bang, qua thư từ hoặc trên internet đều phải được đăng ký với SEC trước khi bán cho các nhà đầu tư. Các công ty dịch vụ tài chính, chẳng hạn như đại lý môi giới, công ty tư vấn và quản lý tài sản, cũng như các đại diện chuyên nghiệp của họ, cũng phải đăng ký với SEC trước khi tiến hành kinh doanh.

advertising

SEC đóng vai trò gì?

Chức năng chính của SEC là giám sát các tổ chức, cá nhân tham gia vào thị trường chứng khoán Mỹ, bao gồm các sàn giao dịch chứng khoán, đại lý, công ty môi giới, các quỹ đầu tư và chuyên gia, cố vấn đầu tư. Thông qua các nguyên tắc và quy định về chứng khoán đã được thiết lập, SEC khuyến khích tạo ra một môi trường giao dịch công bằng và bảo vệ nhà đầu tư chống gian lận bằng cách cung cấp cho các nhà đầu tư quyền truy cập vào các báo cáo tài chính định kỳ, các biểu mẫu chứng khoán thông qua cơ sở dữ liệu thu thập, phân tích và truy xuất điện tử.

gary gensler
Chân dung chủ tịch SEC đương nhiệm Gary Gensler

SEC được lãnh đạo bởi 5 ủy viên do đích thân Tổng thống Mỹ bổ nhiệm và một trong số họ sẽ được chỉ định làm chủ tịch. Nhiệm kỳ của mỗi ủy viên kéo dài 5 năm, nhưng họ cũng có thể đương nhiệm thêm tối đa 18 tháng cho đến khi tìm được người thay thế. Để thúc đẩy tinh thần phi đảng phái, luật yêu cầu không quá 3 trong số 5 ủy viên này đến từ cùng một đảng chính trị.

SEC bao gồm năm bộ phận và 23 văn phòng. Mục tiêu của họ là giải thích và thực hiện các hành động thực thi luật chứng khoán, ban hành các quy định, quy tắc mới, giám sát các tổ chức chứng khoán và điều phối hoạt động trên thị trường chứng khoán. Vai trò của họ là:

  • Phòng Tài chính doanh nghiệp: bảo đảm các nhà đầu tư được cung cấp đầy đủ các thông tin quan trọng như triển vọng tài chính, giá cổ phiếu hiện hành của một công ty để đưa ra quyết định đầu tư chính xác nhất.
  • Phòng Thực thi: phụ trách việc thực thi các quy định của SEC bằng cách điều tra các vụ án và truy tố các vụ kiện dân sự, hình sự, tố tụng hành chính.
  • Phòng Quản lý Đầu tư: quản lý các công ty và các quỹ đầu tư, các sản phẩm bảo hiểm thay đổi và các cố vấn đầu tư có đăng ký với liên bang.
  • Phòng Phân tích Kinh tế và Rủi ro: sự kết hợp của kinh tế học và phân tích dữ liệu ở SEC.
  • Phòng Thương mại và Thị trường: thiết lập và duy trì các tiêu chuẩn cho thị trường chứng khoán, giữ thị trường luôn minh bạch, công bằng, trật tự và hiệu quả.

Ảnh hưởng của SEC đến thị trường crypto?

Có thể thấy, SEC được tạo ra nhằm điều tiết, quản lý và giám sát thị trường chứng khoán Mỹ, bảo vệ các nhà đầu tư khỏi gian lận. Vậy SEC có liên quan gì đến thị trường crypto?

Trong những ngày vừa qua, thị trường tiền điện tử đã bị giáng hai đòn đánh lớn từ SEC khi họ đệ đơn kiện hai sàn giao dịch crypto là Binance và Coinbase với những cáo buộc như vận hành sàn giao dịch chứng khoán để trao đổi tài sản điện tử nhưng không được đăng ký chính thức, gian lận dân sự, không đưa ra các bảo hiểm an toàn cần có cho các nhà đầu tư.

sec kiện binance
SEC đâm đơn kiện Binance, Coinbase và hàng loạt token bị liệt kê danh sách là chứng khoán. Nguồn Tài liệu

Theo các chuyên gia nhận định, sự kiện này là một điều tất yếu sẽ xảy ra, không sớm thì muộn. Chính quyền Mỹ cũng như các quốc gia trên thế giới vẫn luôn tìm cách kiểm soát thị trường tiền điện tử bằng nhiều chính sách luật thắt chặt.

Chủ tịch SEC, Gary Gensler, từ lâu đã tin rằng tất cả các loại token được giao dịch trong thị trường crypto đều là các dạng chứng khoán, và như vậy phải nằm dưới sự kiểm soát của SEC. Cơ quan này lập luận rằng hầu hết các loại tài sản điện tử không khác gì cổ phiếu, trái phiếu hay các loại chứng khoán khác, bất kỳ công ty nào cung cấp chúng phải đăng ký với SEC như bất kỳ sàn giao dịch chứng khoán truyền thống.

Năm 2020, khi XRP đang trên đà tăng trưởng mạnh thì SEC đệ đơn kiện Ripple Labs. Cáo buộc chỉ rằng công ty này đang bán XRP như là một loại chứng khoán chưa được đăng ký. Không chỉ dừng lại ở đó, tới nay đã có 52 đồng tiền điện tử bị SEC liệt kê vào danh sách chứng khoán chưa đăng ký trên:

chứng khoán chưa đăng ký
Danh sách 52 đồng tiền điện tử bị SEC cho là chứng khoán chưa đăng ký.

Nếu SEC thắng kiện trong các sự việc trên, thị trường crypto nằm dưới sự giám sát của Uỷ ban chứng khoán và hàng loạt đồng coin sẽ bị xử lý vì giao dịch mà chưa đăng ký với SEC, điều gì sẽ xảy ra?

Đọc thêm: SEC kiện Binance, Coinbase

Token mới có thể phải đối mặt với các quy định

SEC đã đưa ra lập trường rõ ràng về các token trong đợt bùng nổ ICO vào năm 2017, khi họ kết luận token DAO là chứng khoán đầu tư.

Vào năm 2020, SEC đã kiện Ripple Labs Inc. và hai giám đốc điều hành của công ty, cáo buộc Ripple đã vi phạm luật chứng khoán bằng cách bán token XRP mà không tuân thủ các yêu cầu đăng ký và tiết lộ đối với các dịch vụ chứng khoán.

Nhiều dự án tổ chức phát hành token thông qua ICO đã bị phạt hoặc giải quyết ngoài tòa án.

xrp và sec
Vụ kiện giữa SEC và Ripple là vụ việc đầu tiên, bắt đầu làn sóng kiện 52 coin/token là chứng khoán của SEC cho tới nay.

Mặc dù SEC đã chỉ đạo hầu hết các hành động thực thi nhằm chống lại ICO, nhưng những năm gần đây đã chứng kiến sự ra đời của hàng loạt các sản phẩm mới, từ tài chính phi tập trung (DeFi) đến NFT.

Giống như ICO, nhiều dự án mới dường như lách luật chứng khoán vì chúng không có người quản lý tập trung hoặc vì token đại diện cho đồ sưu tầm như đồ vật trong trò chơi hoặc tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số. Tuy nhiên, trong phạm vi các dạng token này được bán dưới dạng đầu tư, chúng vẫn phải tuân theo luật chứng khoán.

SEC đã công bố hành động thực thi đầu tiên của mình trong không gian tài chính phi tập trung vào tháng 08/2021 bằng cách giải quyết với nền tảng DeFi Money Market về các cáo buộc rằng họ đã xử lý doanh số bán tổng cộng hơn 30 triệu đô tài sản tiền điện tử lẽ ra phải được đăng ký dưới dạng chứng khoán. Hai người sáng lập dự án đã đồng ý trả 12.8 triệu đô và nộp phạt $125,000 mỗi người.

Vào tháng 2 năm 2022, BlockFi Lending LLC đã đồng ý trả 100 triệu đô trong một thỏa thuận dàn xếp với SEC và 32 tiểu bang của Mỹ vì đã không đăng ký chứng khoán cho tài khoản BlockFi của mình - tài khoản trả lãi suất thay đổi cho các khoản vay tiền điện tử. BlockFi cũng đồng ý đăng ký một sản phẩm cho vay mới với SEC.

Các cơ quan quản lý cũng có thể sớm áp dụng luật chứng khoán đối với NFT. Hester Peirce, một trong những ủy viên thân thiện với tiền điện tử hơn của SEC, đã cảnh báo rằng một số NFT có thể khiến các nhà đầu tư gặp rắc rối với pháp luật.

nft
NFT cũng có thể bị SEC đưa vào quản lý.

Trong bài phát biểu vào tháng 04/2022, chủ tịch SEC Gensler cho biết hầu hết các tài sản tiền điện tử đã đủ điều kiện làm hợp đồng đầu tư theo định nghĩa Howey Test được đưa ra trong phán quyết của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ: “một khoản đầu tư tiền vào một doanh nghiệp chung với kỳ vọng lợi nhuận hợp lý sẽ thu được từ nỗ lực của người khác.”

Mặc dù SEC vẫn chưa công bố bất kỳ hành động thực thi nào nhắm mục tiêu cụ thể vào NFT, nhưng theo báo cáo, họ đã triệu tập những người tạo NFT như một phần của cuộc điều tra.

Tính “ẩn danh” của DeFi sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

DeFi (Decentralized Finance) hay tài chính phi tập trung là nền kinh tế mà trong đó, các tổ chức, thị trường hay các công cụ tài chính được quản lý phi tập trung.

Nói dễ hiểu hơn, DeFi tận dụng sức mạnh của Blockchain là phi tập trung và minh bạch để tạo nên 1 nền tài chính mở, mà trong đó mọi người đều có thể truy cập và sử dụng nó ở bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào mà không chịu sự chi phối bởi cá nhân, tổ chức tập trung quyền lực nào cả.

defi market cap
Defi bùng nổ thời kỳ uptrend 2020 khiến vốn hoá, thị phần tăng mạnh. Nguồn Coingecko

Thế nhưng nếu SEC can thiệp tới nền tài chính phi tập trung này, tính “ẩn danh” và không bị chi phối sẽ bị mất đi dần dần. Đây có phải là một tích cực hay không?

Các thông tin người sở hữu, người giao dịch và các doanh nghiệp, tất cả sẽ phải khai báo và kê khai rõ ràng nếu chịu sự chi phối của chính phủ. Giám đốc điều hành Coinbase, Brian Armstrong gọi điều khoản này là một thảm họa: “Quy chế mới của chính phủ Mỹ có thể giết chết DeFi”.

Các khoản phí ngày một tăng lên

Việc kê khai các hoạt động với SEC và Sở Thuế vụ của các cá nhân và đặc biệt là các dự án tiền điện tử sẽ khiến họ phải gánh thêm một khoản thuế cho tất cả các giao dịch.

Việc các sàn giao dịch phải chịu các chi phí tuân thủ sẽ khiến các nhà giao dịch tại đó vô hình chung sẽ bị tăng lên phí giao dịch của mình. Bởi vì các sàn giao dịch sẽ lấy các mức phí dịch vụ này để bù vào việc nộp cho Chính phủ.

Thị trường Stablecoin bị ảnh hưởng

Thị trường stablecoin là thứ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi chính phủ Mỹ. Các tài sản đứng sau các đồng như USDT hay USDC (2 đồng Stablecoin với tổng vốn hoá lên tới hơn 100 tỷ USD) có rất nhiều các khoản vay, thương phiếu hoặc trái phiếu. Chỉ 61% USDC được đảm bảo bởi tiền hoặc tương đương tiền. Cho nên, mọi động thái của nền kinh tế hay chính sách pháp lý của Mỹ sẽ tác động tới stablecoin khá nhiều.

stablecoin
USDT và USDC là 2 Stablecoin lớn nhất thị trường. Nguồn Coingecko

Hạn chế tội phạm rửa tiền và các hoạt động không minh bạch

Mục đích cuối cùng của các dự luật đưa ra để chống lại việc rửa tiền hay phạm pháp cũng như các phần tử tội phạm lợi dụng crypto để lừa đảo.

Các đạo luật của chính phủ cũng góp phần hợp thức hóa thị trường crypto. Nếu các dự luật của SEC được đưa ra và áp dụng, nó không chỉ ảnh hưởng thị trường crypto ở Mỹ mà còn ảnh hưởng đến thị trường trên thế giới. Vì crypto không giới hạn việc gửi rút giữa các quốc gia.

Có thể nói, với tất cả các yếu tố nói trên thì mọi động thái của SEC luôn được giới đầu tư crypto quan tâm sát sao. Nếu bạn là một nhà đầu tư crypto, kể cả lâu năm hay mới gần đây, bạn cũng nên theo dõi tình hình và hoạt động của tổ chức này để có các đánh giá khách quan và dự đoán thị trường nhanh chóng, chính xác nhất.

Đọc thêm: Crypto chịu tác động từ những nền kinh tế lớn nào?

RELEVANT SERIES