Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Token sàn đã khai tử FTX như thế nào?

Token sàn là xương sống của các sàn giao dịch nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Avatar
uyntran.web3
Published Nov 26 2022
Updated Jun 01 2023
7 min read
thumbnail

Token sàn là xương sống của các sàn giao dịch nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. 

Token FTT đóng vai trò chủ chốt trong sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX và quỹ đầu tư Alameda Research. Theo báo cáo tài chính do Coindesk rò rỉ ngày 2/11, Alameda Research đã sử dụng số lượng lớn FTT để thổi phồng số tài sản trong bảng cân đối kế toán. Chính điều này đã làm dấy lên những nghi ngờ đầu tiên dẫn đến thảm họa.

Bên cạnh đó, FTT còn đóng vai trò là "tài sản thế chấp" danh nghĩa (nhưng thực ra vô giá trị) cho các khoản vay do FTX bảo đảm cho Alameda.

Từ đây chúng ta có một số câu hỏi: Token sàn là gì? Token sàn đóng vai trò ra sao với các sàn giao dịch phát hành chúng? Chúng nên được xử lý như thế nào theo tiêu chuẩn kiểm toán hiện tại? Token sàn có giúp ích cho tính phi tập trung của ngành tiền mã hóa hay không?

Ứng dụng của token sàn

Ở câu hỏi cuối cùng, Coindesk nhận định bản chất của token sàn đi ngược với tính phi tập trung. Token sàn về cơ bản là động lực khuyến khích người dùng tiếp tục sử dụng một sàn giao dịch tập trung. Chủ sở hữu có thể sử dụng token này để được giảm phí giao dịch, nhận phần thưởng hoặc có quyền truy cập sớm vào một số dịch vụ. Một số sàn cũng dùng các đợt bán token của mình để huy động vốn.

FTT không phân phối một phần doanh thu nền tảng FTX hoặc cung cấp bất kỳ quyền quản trị nào cho chủ sở hữu. Hầu hết token sàn khác cũng vậy. Do đó, token sàn thường được xếp là token tiện ích (utility token) thay vì token quản trị (governance token).

Khách hàng mua FTT có thể thực hiện giao dịch trên sàn với mức phí thấp. Họ cũng có thể sử dụng FTT làm tài sản thế chấp. Công ty coi những người nắm giữ FTT là khách VIP.

Trước vụ việc, BNB của Binance và FTT của FTX là hai token sàn lớn nhất tính theo vốn hóa thị trường. Các sàn giao dịch tập trung hàng đầu khác có token riêng bao gồm KuCoin (KCS), Bitfinex (LEO), Crypto.com (CRO), OKX (OKB) và Huobi Global (HT).

Binance cho biết nắm giữ token BNB mang lại cho nhà đầu tư "khả năng cất cao tiếng nói" và là điều cần thiết để tham gia vào quá trình quản trị trên BNB Chain.

Đối với KuCoin, người nắm giữ KCS được giảm phí giao dịch và các chi phí liên quan trên KuCoin. Phần trăm chiết khấu nhà đầu tư nhận được được tùy thuộc vào số lượng mã thông báo KCS họ nắm giữ. Trong khi đó, CRO của Crypto.com cho phép người dùng nhận phần thưởng cho vay cao hơn và được giảm phí giao dịch.

Rủi ro của token sàn

Lúc đầu, rủi ro liên quan đến token sàn có thể không quá rõ ràng.

Trong trường hợp của FTX, nếu một công ty đầu ngành rót số tiền lớn để đầu tư vào FTT thì sao? Nhiều người sẽ cho rằng đây là điều tốt và FTT đang được hỗ trợ để phát triển mạnh mẽ. Ý nghĩ này không hẳn là sai, cho đến khi chúng ta nhận ra đối thủ đó đang nắm giữ một lượng token khổng lồ.

Trên trang web của mình, công ty của Bankman-Fried gọi FTT là "xương sống của hệ sinh thái FTX".

Nhưng người dùng không biết hàng trăm triệu token đó không thực sự được phân phối rộng rãi. Đây là chìa khóa để thị trường xác định giá trị của bất kỳ loại tiền tệ nào. Trên thực tế, rất nhiều FTT thuộc về FTX và các công ty liên kết, điển hình là Alameda Research. Một lượng lớn khác, trớ trêu thay lại nằm trong tay Binance.

Binance nắm giữ 23 triệu FTT, tương đương 529 triệu USD trước khi có thảm họa. Khi CZ và Bankman-Fried còn "cơm lành, canh ngọt", Binance là một trong những nhà đầu tư sớm của FTX năm 2019. Tháng 7/2021, Bankman-Fried muốn mua lại cổ phần vốn chủ sở hữu của FTX từ Binance và đã thanh toán cho Binance bằng FTT.

Bankman-Fried không ngờ số FTT đó sau này sẽ trở thành lưỡi dao làm hại chính mình. Chỉ vài ngày sau báo cáo tài chính định mệnh, CZ, nhà sáng lập Binance tuyên bố sẽ thanh lý toàn bộ FTT họ nắm giữ. Cùng với mối hoài nghi sẵn có, người dùng nhanh chóng sụp đổ niềm tin và bán tháo FTT. Trong thời gian ngắn ngủi, giá trị FTT giảm đến 85.6%.  

Một rủi ro khác khi đầu tư vào token sàn là rủi ro từ đối tác. Trong tiền mã hóa, rủi ro đối tác chủ yếu liên quan đến stablecoin. Dự án thường cố thuyết phục người dùng bằng cách đưa ra những tài sản hỗ trợ cho stablecoin. Token sàn có rủi ro tương tự: Chúng được hỗ trợ bằng cái gì?

Bây giờ, khi sự việc vỡ lở, điều người dùng quan tâm hàng đầu là sàn giao dịch cần có đủ thanh khoản cần thiết để bảo vệ token của mình hay không. Đối với FTX, người dùng đã ồ ạt rút hơn 6 tỷ USD chỉ trong 3 ngày, khiến sàn gặp khủng hoảng thanh khoản trầm trọng. FTX không có cách nào cứu vãn tình hình bởi những tài sản khác trong quỹ dự trữ của họ chỉ toàn là các token có tính biến động giá cao.

Thêm vào đó, quy trình kiểm toán của FTX cũng là vấn đề. FTX đã thêm giá trị FTT vào phần lợi nhuận. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu thông thường không được tính vào tổng giá trị của công ty. Sự gian dối của Bankman-Fried đã trở thành quả bom hẹn giờ khi anh bắt đầu sử dụng FTT làm tài sản thế chấp cho các khoản vay giữa FTX và Alameda cũng như các tổ chức liên quan khác. 

Một mặt, Bankman-Fried tuyên bố với người dùng hai bên luôn hoạt động độc lập. Mặt khác, Bankman-Fried lợi dụng "dây mơ rễ má" giữa hai công ty để làm xáo trộn tài sản thực, che giấu nợ và bơm định giá FTX lên.

Tính nghiêm trọng của vụ việc đã khiến các chủ dự án crypto phải lên tiếng làm rõ lập trường về token sàn và tài sản nội bộ. Tuần trước, CZ khẳng định Binance chưa bao giờ sử dụng BNB làm tài sản thế chấp. Trên Twitter Space, Brad Garlinghouse, CEO Ripple cam kết Ripple không tính lượng XRP khổng lồ của mình trên bảng cân đối kế toán.

Đọc thêm: Vì sao FTX mua lại Voyager và BlockFi dù nhẵn túi?

RELEVANT SERIES