Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Phân tích xu hướng Airdrop trên Multi-chain & Tiềm năng của Multi-chain ID

Thay vì airdrop cho người dùng trên một chain riêng lẻ như trước, giờ đây, phần lớn các dự án đều airdrop trên nhiều chain khác nhau. Điển hình như Pyth Network, Dymension và Wormhole. Vậy xu hướng này mang lại lợi ích và bất cập gì?
Avatar
Vy Bùi
Published Mar 12 2024
Updated May 31 2024
8 min read
xu hướng airdrop trên multi chain

Xu hướng airdrop trên multi-chain

Gần đây, thị trường đang chứng kiến một sự chuyển dịch trong xu hướng airdrop cho người dùng sớm của các dự án. Cùng với sự nổi lên của xu hướng multi-chain, các dự án cũng dần triển khai chiến lược multi-chain airdrop. Nghĩa là dự án sẽ airdrop cho người dùng tương tác với họ thông qua nhiều chain khác nhau, thay vì trên một chain đơn lẻ (single-chain). 

Cùng xét qua ba đợt airdrop multi-chain lớn và gần đây nhất là Pyth Network, Dymension và Wormhole.

Pyth Network là dự án thuộc mảng oracle hoạt động trên Solana, sau đó dần mở rộng sang BNB Chain, Ethereum và các blockchain khác. Dự án này đã thực hiện hai đợt airdrop, trong đó: 

  • Đợt airdrop đầu tiên vào tháng 11/2023, phân phối khoảng 255 triệu token PYTH trị giá khoảng 203.5 triệu USD (tính theo giá ATH tại 0.789 USD) cho người dùng của hơn 200 dApp sử dụng dữ liệu của Pyth, trên khoảng 27 blockchain.
  • Đợt airdrop thứ hai vào tháng 2/2024, phân phối khoảng 100 triệu token PYTH trị giá khoảng 79.8 triệu USD (tính theo giá ATH tại 0.789 USD) cho 167 dApp có liên kết với Pyth Network, bao gồm Synthetix, Mango Markets, Bonfida, Helium, PancakeSwap…
pyth airdrop trên multi chain
Pyth Network airdrop cho người dùng trên multi-chain.

Dymension là blockchain layer 1 với mạng lưới các ứng dụng rollup (gọi là RollApp) được xây dựng phía trên và có khả năng tương tác với Cosmos thông qua cầu nối IBC. 

Ngày 03/01/2024, Dymension đã airdrop 70 triệu token DYM (tương đương 581 triệu USD, tính theo giá ATH tại 8.3 USD) cho người dùng của một số dApp trên các blockchain khác như Celestia, Arbitrum, Optimism, Cosmos, Solana, Blast. 

dymension airdrop multi chain
Các điều kiện airdrop của Dymension.

Wormhole là giao thức cross-chain messaging cho phép truyền thông tin và tài sản giữa các ứng dụng được xây dựng trên các mạng blockchain khác nhau. 

Ngày 07/03/2024, Wormhole cũng thông báo airdrop 617.3 triệu token W cho người dùng sớm của dự án, bao gồm người dùng trên Ethereum, Solana, Avalanche, Aptos, BNB Chain, Sui, Optimism, Arbitrum, cùng với các dự án cộng đồng nhất định.

wormhole airdrop multichain
Wormhole airdrop cho lượng lớn người dùng trên nhiều mạng lưới, dApp và cộng đồng.

Có thể thấy rằng, các dự án trong crypto dần đã cởi mở hơn với việc airdrop cho người dùng trên nhiều chain, các điều kiện airdrop cũng rộng hơn, từ đó mở rộng cơ sở người dùng sớm cho chính dự án và các đối tác của họ. 

Ngoài ra, đối với các dự án multi-chain sau này, họ có thể dễ dàng hơn trong việc thu hút người dùng sớm vì kỳ vọng về việc airdrop trên multi-chain ngày càng tăng. 

advertising

Bất cập của chiến lược Airdrop trên Multi-chain

Mặc dù những lợi ích về việc thu hút lượng người dùng sớm lớn mà xu hướng này mang lại, nhưng nó vẫn tồn tại một số bất cập khi claim token. Điển hình là đợt airdrop của Dymension.

Đầu tiên là sự bất cập trong quy trình kiểm tra tính hợp lệ và nhận (claim) token DYM. Đối với những người dùng trên mạng Solana hoặc Cosmos, họ phải nhập địa chỉ ví Solana để kiểm tra mình có được nhận airdrop hay không và số lượng token được airdrop là bao nhiêu. Nếu có, họ phải nhập địa chỉ ví EVM để dự án gửi DYM về ví, và ví này phải thêm mạng Dymension thì mới thấy được token DYM. 

Không chỉ riêng Dymension, quy trình claim token của Pyth cũng tương tự. Người dùng cũng phải kết nối từng ví trên từng chain để kiểm tra ví hợp lệ, sau đó cung cấp địa chỉ ví Solana để nhận đầy đủ token được airdrop.

claim airdrop dymension
Dymension yêu cầu người dùng cung cấp ví EVM mới nhận được token airdrop.

Quy trình này khiến nhiều người cảm thấy rườm rà, mất thời gian và tiềm ẩn rủi ro sai sót cao. Trong trường hợp tệ hơn, ở bước thứ hai, họ có thể nhập nhầm ví Solana cũ thay vì ví EVM để nhận token, dẫn đến việc dự án gửi token sai ví và người dùng không thể lấy lại.

Thứ hai là sự bất cập trong việc nhận token trên ví EVM. Ngày 08/02, trên diễn đàn của Dymension xuất hiện nhiều phản hồi của người dùng trên mạng Solana và Cosmos về các vấn đề tương tự nhau, khi họ đã gửi địa chỉ ví EVM nhưng đến hạn claim token thì lại không nhận được token trên ví EVM.

vấn đề ví claim airdrop dym
Diễn đàn của Dymension xuất hiện nhiều phản hồi của người dùng khi claim token.

Thậm chí, nhiều người sử dụng ví Phantom để nhận token vì nó có hỗ trợ EVM, tuy nhiên họ vẫn không claim được token DYM về ví vì mạng Dymension không được hỗ trợ trên ví. Lúc này, người dùng lại phải sử dụng private key của ví Phantom để khôi phục trên ví Metamask thì mới claim được token.

Đối với những người sử dụng ví cứng Ledger để bảo vệ private key của ví Phantom, việc claim token thậm chí còn khó khăn hơn. Nói dễ hiểu, Phantom hỗ trợ kết nối ví Ledger với cơ chế riêng, khiến cho người dùng không thể khôi phục ví này vào MetaMask theo cài đặt mặc định của MetaMask.

Nhìn chung, có thể thấy rằng việc airdrop trên multi-chain của Dymension tồn tại một số bất cập:

  • Quy trình kiểm tra và claim token rườm rà, mất thời gian và tiềm ẩn rủi ro gửi nhầm ví.
  • Khả năng mất token vì những lí do mà người dùng ở thế bị động như sự không tương thích giữa các ví, không thể khôi phục ví này trên ví kia…
  • Trải nghiệm người dùng (UX) kém vì dự án chưa có sự nghiên cứu kỹ để lường trước vấn đề, đồng thời không đưa ra giải pháp thích đáng và kịp thời.

ID trên multi-chain có phải giải pháp tối ưu?

Trong xu hướng airdrop mới này, chúng ta bắt đầu nhìn thấy tiềm năng của việc định danh trên multi-chain một cách rõ ràng hơn. 

Trong chu kỳ 2021-2023, thị trường crypto đã từng chứng kiến sự bùng nổ của các giải pháp định danh (identity), nổi bật nhất là mảng name service. Theo dữ liệu từ Dune (tại đây), tính đến thời điểm hiện tại (ngày 11/03/2024), ba dự án ID lớn nhất thị trường bao gồm:

  • Ethereum Name Service (ENS) hoạt động trên Ethereum, có hơn 2.9 triệu domain được đăng ký, 695 nghìn người dùng.
  • SPACE ID (ID) hoạt động trên BNB Chain có hơn 755 nghìn domain được đăng ký, 547 nghìn người dùng.
  • Unstoppable Domains hoạt động trên Polygon có hơn 3 triệu domain được đăng ký, 856 nghìn người dùng.
domain người dùng name service
Lượng domain đăng ký và người dùng trên các nền tảng Web3 Name Service. Nguồn: Dune.

Tuy nhiên, các dự án phía trên đều chỉ hoạt động trên single-chain. Điều này dẫn đến vấn đề rằng mỗi ID chỉ có thể đại diện cho một ví trên một chain riêng lẻ, và người dùng phải đăng ký nhiều ID cho từng ví trên từng chain khác nhau. 

Quay lại câu chuyện airdrop trên multi-chain, nó đồng thời mở ra tiềm năng mới cho việc định danh multi-chain. Lúc này, thị trường cần có một giải pháp định danh cho ví multi-chain, tức là một ID đại diện cho nhiều ví trên nhiều chain khác nhau. 

Ví dụ: ID vybui.atm có thể là đại diện của ví EVM từ MetaMask, ví Solana từ Phantom, ví Cosmos từ Kelpr, ví Aptos từ Martian… Khi cần sử dụng hoặc kết nối ví với một nền tảng bất kỳ, bạn chỉ cần nhập ID và chọn chain phù hợp là được. 

Bằng cách cho phép sử dụng ID multi-chain, những vấn đề mà người dùng đã gặp khi claim airdrop Dymension trước đó sẽ bị loại bỏ. Hãy tưởng tượng nếu Dymension tích hợp giải pháp này, bạn chỉ cần nhập một ID, phần còn lại là do Dymension xử lý bao gồm: 

  • Kiểm tra các ví hợp lệ.
  • Hiển thị lượng token được airdrop cho mỗi ví.
  • Gửi token vào đúng ví trên mạng Dymension.

Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chỉ nằm ở “tiềm năng trong tương lai” chứ chưa có ứng dụng nào trong thực tế. Câu hỏi đặt ra bây giờ là: Liệu trong tương lai, thị trường crypto sẽ có giải pháp ID multi-chain nào thực hiện đúng chức năng như đã nêu phía trên hay không? 

Đọc thêm: OneID là gì? Giải pháp danh tính trên multi-chain