ERC20 là gì? Toàn tập về ERC-20 và các standard token phổ biến
ERC-20, TRC20, OMNI,... là những standard token phổ biến mà chắc hẳn bạn đã từng nghe qua khi tham gia vào các dự án ICO. Trong đó ERC-20 là một trong những token quan trọng và được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nắm được những thông tin cơ bản về ERC-20 và một số standard token phổ biến:
- ERC20 là gì?
- Ưu và nhược điểm của ERC-20
- Mua token ERC-20 ở đâu uy tín
- Có những ví lưu trữ ERC20 Wallet nào?
- Một số standard token mà bạn nên biết
Chúng ta hãy bắt đầu ngay nhé!
ERC20 là gì?
ERC20 là những token được viết theo chuẩn ERC20, được thiết kế và chỉ có thể sử dụng trên nền tảng Ethereum.
Vậy còn chuẩn token là gì? Chuẩn token (Standard token) là một bộ các tiêu chuẩn mà những token được phát triển trên một nền tảng blockchain nào đó phải tuân thủ theo. Để tạo ra các token trên nền tảng blockchain thì phải lập ra các hợp đồng thông minh (smart contract). Các hợp đồng thông minh này phải được lập trình theo tiêu chuẩn nhất định.
Hiện tại, blockchain được sử dụng phổ biến nhất để xây dựng các hợp đồng thông minh là Ethereum và ERC-20 lại là tiêu chuẩn kỹ thuật phổ biến nhất cho các token hoạt động trên blockchain này.
Nội dung của tiêu chuẩn ERC20
ERC20 chứa một số chức năng mà các mã token phải tuân theo quy tắc bắt buộc như sau:
- TotalSupply: Cung cấp các thông tin về tổng nguồn cung cấp token.
- BalanceOf: Cung cấp số dư tài khoản của tài khoản chủ sở hữu.
- Transfer: Thực hiện chuyển một số lượng token cụ thể đến một địa chỉ cụ thể.
- TransferForm: Thực hiện chuyển một số lượng token cụ thể từ một địa chỉ cụ thể
- Approve: Cho phép người dùng rút một số lượng token từ một tài khoản cụ thể.
- Allowance: Trả về một số lượng token từ người dùng cho chủ sở hữu.
Ưu điểm của token ERC20
Hoán đổi linh hoạt
Token ERC-20 có khả năng hoán đổi qua lại cho nhau bởi chúng sở hữu chức năng giống nhau. Nhờ vào tính linh hoạt này, người dùng không cần mua nhiều loại token ERC-20 nhưng vẫn có thể sở hữu chúng thông qua việc hoán đổi.
ERC-20 token không chứa thuộc tính riêng, được gọi là fungible token. Do đó ERC-20 có thể hoán đổi một cách linh hoạt.
Khác với ERC 721 - có thuộc tính khác nhau, không thể thay thế (non-fungible token) và không hoán đổi linh hoạt như ERC-20 vì mỗi NFT là duy nhất. Chúng thường chỉ được ứng dụng vào NFT Market.
Ví dụ: Token tranh kỹ thuật số thì mỗi bức tranh được kỹ thuật số thành các NFT mang tính độc lập hoàn toàn. Dù hai bức tranh giống nhau nhưng nó điều có thuộc tính riêng biệt và không thể hoán đổi qua lại được. Trong khi đó các token ERC20 hoàn toàn trao đổi qua lại vì chúng giống nhau.
Đơn giản hơn cho các token mới
Về cơ bản, Token ERC-20 làm mọi thứ trở nên đơn giản hơn. Với cùng một tiêu chuẩn, các token mới có thể được trao đổi hoặc chuyển giao về một ví tự động, một khi token được tạo ra.
ERC-20 cũng giúp cho việc tạo ra các token mới cực kỳ dễ dàng. Đó là lý do tại sao Ethereum đã trở thành nền tảng phổ biến nhất cho ICO.
Tính ứng dụng cao
Token ERC-20 được tạo ra để sử dụng vào những mục đích khác nhau. Chẳng hạn như dùng làm phương tiện thanh toán, trao đổi mua bán, thanh toán phí giao dịch, đầu cơ trong ngắn hạn hoặc lâu dài,… Đặc biệt, người dùng khi sở hữu token ERC-20 còn có quyền tham gia quản trị dự án.
Độ phổ biến cao
Các token ERC-20 được niêm yết trên hầu hết các sàn giao dịch tiền điện tử. Chúng có tính phổ biến cao, thuận tiện để giao dịch và thanh khoản cũng khá cao. Nhờ đó người dùng có thể mua bán nhanh chóng và thuận tiện.
Hạn chế của token ERC20
Độ trễ trong giao dịch
Trong vài năm gần đây, mạng Ethereum thường xuyên xảy ra tình trạng tắc nghẽn và tốc độ không còn ổn định như trước. Độ trễ khi thực hiện giao dịch là tình trạng khá phổ biến. Không những tốc độ xử lý giao dịch chậm mà phí gas cũng trở nên cao hơn.
Đây không phải là vấn đề riêng của Ethereum. Đúng hơn thì nó là một sự đánh đổi cần thiết với tính bảo mật và tính phân tán của hệ thống. Hiện vấn đề này đang được giải quyết trong quá trình chuyển đổi sang Ethereum 2.0.
Nguy cơ lừa đảo
Chính bởi quy trình tạo ra một token ERC-20 khá đơn giản nên bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào cũng đều có thể tham gia tạo token. Không hiếm những dự án phát hành token ERC ra đời với chỉ với mục đích là để lừa đảo các nhà đầu tư.
Một vài thống kê gần đây đã cho thấy, có đến gần 90% dự án ICO trên Ethereum đều thuộc dạng lừa đảo, không đáng tin cậy. Những dự án này thường mô tả cho nhà đầu tư một tương lai vô cùng tươi sáng với lãi suất khủng. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian hoạt động, nhà đầu tư sẽ nhận ra mọi thứ không dễ dàng như họ được hứa hẹn ban đầu.
Mua token ERC-20 ở đâu?
Có 2 cách để bạn có thể sở hữu token ERC-20:
- Mua từ các dự án ICO, IEO, IDO,..: Đây là cách phổ biến nhất mà nhiều nhà đầu tư dùng để mua token ERC20. Các nhà đầu tư gửi ether đến địa chỉ hợp đồng và đổi lại là nhận được các token mới.
Tiền thu được được sử dụng để tài trợ cho việc phát triển hơn nữa của dự án. Người dùng mong đợi có thể sử dụng các token của họ (ngay lập tức hoặc vào một ngày sau này) hoặc bán lại chúng để kiếm lợi nhuận khi dự án phát triển. Khi bạn mua token ở giai đoạn này thì giá token cũng rẻ nhất. - Mua từ các sàn giao dịch DEX và CEX: Sau khi ICO kết thúc thì thường nhóm phát triển dự án đó sẽ cố gắng list token lên các sàn giao dịch. Nếu bạn không mua được khi mở bán ICO thì có thể mua trên sàn. Giá token khi lên sàn có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá ICO. Bạn có thể tham khảo một số sàn như IDEX, ForkDelta, Binance, Bitmax, Bittrex, Kucoin,…
Ví lưu trữ ERC-20 token
Token ERC-20 thuộc nền tảng Ethereum nên bạn có thể lưu trữ tại các ví ETH. Dưới đây mình sẽ liệt kê một số ví hỗ trợ lưu trữ token ERC-20 (ERC20 Wallet) phổ biến và an toàn nhất bạn có thể dùng.
- MyEtherWallet (còn được gọi là Ví MEW): Đây là ví lưu trữ token ERC-20 có thể nói là phổ biến nhất hiện nay. Ví này cực kỳ dễ sử dụng bởi giao diện đơn giản. Tuy nhiên nhược điểm là bảo mật của ví không cao, đã từng xảy ra các vụ hack khiến người dùng mất tài sản.
- Metamask: Metamask cũng là một ví khá an toàn cho bạn. Nó là một ví dạng Extension có thể dễ dàng cài đặt và sử dụng trên trình duyệt web chrome.
- Ledger và Trezor: Đây là 2 loại ví cứng hay ví lạnh khá phổ biến và an toàn để trữ token ERC. Tuy nhiên nó hơi phức tạp để sử dụng.
- Coin98 Wallet: Đây là ví non-custodial (không lưu trữ thông tin người dùng) được phát triển bởi Coin98 Finance - đội ngũ các nhà phát triển ở Việt Nam. Hiện ví Coin98 đang hỗ trợ token trên nhiều blockchain khác nhau như Ethereum, Binance Smart Chain, Solana, Tomochain. Coin98 Wallet có cả phiên bản Mobile và Extension.
- Ví các sàn giao dịch: Nếu bạn thường xuyên giao dịch mua bán các token ERC-20 thì có thể lưu trữ trực tiếp trên các ví sàn, nhưng tất nhiên ví sàn thì sẽ có rủi ro hơn là để ở ví riêng.
Đọc thêm: Hướng dẫn sử dụng Coin98 Wallet chi tiết dễ hiểu (mới nhất 2021).
Có những tiêu chuẩn Ethereum nào khác ngoài ERC20 token?
- ERC-721: Đây là những token không thể thay thế (non-fungible token). Mỗi token đều là duy nhất và điều này đã dẫn đến một thị trường NFT.
- ERC-1400: Đây là những security tokens được bán dưới dạng chứng khoán.
- ERC-223: Là mã token được người dùng GitHub Dexaran đề xuất nhằm mục đích khắc phục vấn đề khi gửi một hợp đồng thông minh không tương thích với ERC-20.
- ERC-777: Mã token này nhằm mục đích cải tiến tiêu chuẩn ERC20 bằng cách giảm chi phí và bổ sung các tính năng mới. Mã token này nó có thể được áp dụng rộng rãi hơn.
Một số Standard Token phổ biến khác
OMNI
Đây là một chuẩn token được phát hành bởi Bitcoin blockchain. Do đó, địa chỉ ví của các dự án tiền điện tử được phát hành trên mạng lưới này là địa chỉ ví Bitcoin.
Sức mạnh và tính đơn giản giúp Omni trở thành một giao thức token hàng đầu dựa trên Bitcoin.
TRC20
Tương tự như Ethereum hay Bitcoin, đây là tiêu chuẩn token được phát hành dựa trên TRON blockchain.
TRC20 hoàn toàn tương thích với tiêu chuẩn ERC-20 của Ethereum. Do đó các mã token đã phát hành dựa trên ERC-20 có thể chuyển Smart Contract sang sử dụng TRC20.
Nep-5
Đây là chuẩn token được thực hiện trên NEO blockchain. Sự khác biệt chính giữa NEP-5 và các tiêu chuẩn khác nằm ở phí và tốc độ giao dịch. Về tốc độ, mất 15 giây để tạo thành một khối trong mạng NEO, trong khi Ethereum dành khoảng 6 phút cho một hoạt động như vậy. Ngoài ra, các giao dịch trong NEP-5 không mất phí.
EOS
EOS là token gốc của Blockchain EOS. Chúng được xây dựng theo tiêu chuẩn ERC20.
Bản thân token EOS không thực hiện chức năng. Chúng chỉ hữu ích khi các nhà phát triển phát triển ứng dụng trên nền tảng. Khi đó, họ phải sử dụng token này để tạo token ứng dụng cụ thể của họ.
Mỗi ứng dụng được xây dựng trên nền tảng phụ thuộc vào việc bỏ phiếu của chủ sở hữu token.
BEP2 và BEP20
BEP2 là một tiêu chuẩn của các token chạy trên Binance Chain trong khi BEP20 chạy trên Binance Smart Chain BSC. Đây là hai blockchain chạy song song và độc lập với nhau.
Cả token BEP2 và BEP20 đều được xác nhận bằng đồng coin BNB. Những người xác thực các giao dịch trong blockchain sẽ nhận được BNB như một khoản phí cho việc xác thực của họ.
Binance Smart Chain (BSC) được hình dung như một nền tảng mở rộng cho Binance Chain. Với kiến trúc chuỗi kép, cả hai chuỗi đều bổ sung cho nhau. Binance Smart Chain phục vụ các ứng dụng phi tập trung mà không làm nghẽn chuỗi ban đầu, được tối ưu hóa cho tốc độ giao dịch nhanh chóng.
SPL
SPL token là fungible token (token có thể thay thế được) trên Solana Blockchain. Các token này có thể được lưu trữ trong các ví tương thích với Solana (như ví Coin98 Wallet và ví Sollet.io).
Tuy nhiên các token SPL sẽ có định dạng ví khác biệt với ví gốc Solana. Do đó bạn cần lưu ý điều này khi nạp rút tài sản. Ngoài ra trước khi nạp hay rút token SPL thì yêu cầu bạn phải có 1 lượng SOL để làm năng lượng khởi tạo hợp đồng thông minh.
Tìm hiểu thêm: Non Fungible Token (NFT) là gì? Sự khác biệt giữa NFT game với các NFT khác.
Kết luận
Đến nay, đã có hàng ngàn token dựa trên chuẩn token ERC-20 ra đời, thúc đẩy sự phát triển bùng nổ của thị trường tiền điện tử.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu được ERC20 là gì và có được những thông tin cần thiết về ERC-20 token kèm theo một số standard token phổ biến khác.