Hành trình "lên đỉnh" 22 ETH của NFT Pudgy Penguins
Nếu bạn là một nhà tiếp thị (marketer) làm việc trong lĩnh vực NFT, Pudgy Penguins chắc chắn là một case study đáng để bạn học hỏi về các chiến lược phát triển và quảng bá thương hiệu. Bộ sưu tập NFT này đã thành công gây chú ý trong thế giới nghệ thuật tiền điện tử, đặc biệt là sau khi đạt được mốc ATH với giá 22.9 ETH vào ngày 17/02/2024.
Sự “xâm chiếm” của Pudgy Penguins
Tưởng tượng một ngày nọ, bạn đang bước vào Walmart (chuỗi siêu thị bán lẻ lớn đa quốc gia có trụ sở tại Hoa Kỳ) và ghé vào quầy đồ chơi trẻ em để mua quà sinh nhật cho em gái mình. Ánh mắt của bạn bị thu hút bởi mấy con thú nhồi bông chim cánh cụt tên Pudgy đáng yêu, “đúng thứ mình cần tìm rồi”, không ngần ngại, bạn liền chọn lấy một con và cho vào giỏ hàng của mình.
Trong lúc đến quầy tính tiền, bạn nhận được thông báo tin nhắn từ sếp, đó là một chiếc GIF hình chim cánh cụt với dòng chữ “Good Morning” và vài tin nhắn hỏi về công việc. Thậm chí ngay sau đó, màn hình LED trong siêu thị còn đang chiếu quảng cáo về một trò chơi mà nhân vật trong game lại là những chú chim cánh cụt mập mạp tương tự.
“Quái lạ, mấy con chim cánh cụt này như đang xâm chiếm thế giới vậy ta?”. Có thể bạn sẽ nghĩ như thế.
Tuy nhiên trên thực tế, chiến lược marketing này đã được sử dụng nhiều trong thị trường truyền thống, khi hình ảnh đại diện của một thương hiệu tiếp cận người tiêu dùng theo các hình thức và sản phẩm khác nhau. Điều đáng chú ý ở đây là những chú chim cánh cụt Pudgy này không đơn thuần chỉ là hình ảnh đại diện của một thương hiệu, mà nó vốn dĩ có khởi nguồn là tài sản kỹ thuật số dưới dạng NFT.
Cho đến ngày 17/02/2024, giá NFT Pudgy Penguins đã ghi nhận mức all-time-high (ATH) tại 22.9 ETH trên OpenSea, tăng khoảng 763 lần so với giá mint ban đầu của nó (0.03 ETH), đồng thời trở thành bộ sưu tập NFT lớn thứ ba trên Ethereum (tính theo vốn hoá), chỉ sau CryptoPunks và BAYC (theo CoinGecko).
Vậy Pudgy Penguins đã làm gì để trở nên “bành trướng” như vậy? Liệu nó có thể soán ngôi “blue chip” trên Ethereum để vượt qua CryptoPunks và BAYC không? Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi khám phá câu chuyện về sự ra đời và hành trình phát triển của Pudgy Penguins, sau đó cùng thảo luận về những yếu tố tạo nên sự thành công của những chú chim cánh cụt này.
Pudgy Penguins là gì?
Pudgy Penguins là bộ sưu tập bao gồm 8,888 NFT với hình ảnh được vẽ bằng tay của những chú chim cánh cụt mập mạp đáng yêu sống ở vùng Cực Bắc, được phát triển trên blockchain Ethereum và ra mắt lần đầu vào tháng 07/2021. Mỗi NFT được tạo ra theo chuẩn token ERC-721 với đặc tính không thể bị thay thế và chia nhỏ.
Bộ sưu tập Pudgy Penguins hướng đến những giá trị cốt lõi về tình yêu, tinh thần lạc quan, sự đồng cảm và lòng trắc ẩn. Mỗi chú chim cánh cụt đều sở hữu năm đặc tính riêng như trang phục, màu da, khuôn mặt, cơ thể và hình nền, làm tăng thêm sự độc đáo và hấp dẫn của chúng.
Những người nắm giữ NFT Pudgy Penguins sẽ được gọi là “Pengus” và trở thành thành viên của “The Huddle”, đồng thời được hưởng các quyền lợi như quyền truy cập độc quyền vào các sự kiện, hội nhóm; được cấp phép quyền sở hữu trí tuệ đối với NFT của mình…
Câu chuyện đằng sau Pudgy Penguins
Năm 2021: Sự sinh sôi của những chú chim cánh cụt & “Cú sốc” đầu đời
Ngày 23/07/2021, dự án Pudgy Penguins được ra mắt lần đầu tiên dưới dạng NFT PFP với sự đồng sáng lập của ColeThereum và Mr Tubby, cho phép người dùng đúc (mint) mỗi NFT trên mạng Ethereum với giá 0.03 ETH. Tổng cộng 8,888 NFT đã được bán hết chỉ trong 20 phút, dự án thu về 266.64 ETH tương đương gần 565 nghìn USD tại thời điểm đó (giá ETH lúc đó là khoảng 2,124 USD).
Đây cũng là thời kỳ bùng nổ của lĩnh vực NFT trong không gian tiền mã hoá, với hàng loạt con số ấn tượng từ các bộ sưu tập NFT lớn nhỏ khác nhau. Điển hình từ tháng 07-09/2021, khối lượng giao dịch NFT mỗi tuần đều nằm trong khoảng từ 250 triệu - 500 triệu USD.
Thừa thắng xông lên, đội ngũ tiếp tục ra mắt hai bộ sưu tập nhỏ mang tên Pudgy Rods và Lil Pudgys nhằm kêu gọi thêm vốn cho lộ trình phát triển mới của dự án.
Cụ thể, vào tháng 08/2021, Pudgy Rods được airdrop cho những người nắm giữ NFT Pudgy dưới dạng những quả trứng, sau đó chúng lại nở thành những chiếc cần câu. Mặc cho sự hoang mang và những phản hồi tiêu cực từ người dùng, mọi hoạt động liên quan đến Pudgy Rods đều bị bỏ ngỏ và nó dường như trở nên vô giá trị đối với các holder.
Đến tháng 12/2021, dự án tiếp tục ra mắt Lil Pudgy với tổng nguồn cung 22,222 NFT, một phần sẽ được airdrop cho các holder của Pudgy Penguins và phần còn lại sẽ được mint với giá 0.03 ETH, thu về thêm khoảng 400.02 ETH.
Tuy nhiên mọi thứ dần trở nên tồi tệ hơn, theo tiết lộ trên Twitter (hiện là X) của tài khoản @9x9x9eth (nhà sáng lập OpenDAO và sở hữu hơn 200 NFT Pudgy Penguins), hoạt động thực tế của Pudgy Penguins dường như đã không được như những gì mà Cole Thereum đã hứa hẹn vào tháng 9/2021, về việc sẽ phát triển game metaverse, ra mắt token, sách giáo dục về NFT… Hơn nữa, Cole Thereum cũng bị chỉ trích về việc bòn rút số tiền từ kho bạc của dự án (chi tiết tại đây).
Những tưởng những chim cánh cụt vốn dĩ sống ở nơi vùng cực sẽ thích nghi tốt với sự giá lạnh của mùa đông, thế nhưng mùa đông 2021 lại là “cú sốc” đầy khắc nghiệt đối với những người nắm giữ NFT trong bộ sưu tập này. Chỉ 5 tháng sau khi ra mắt, ngày 26/12/2021, giá sàn của Pudgy Penguins giảm mạnh hơn 84%, từ mức cao nhất vào tháng 8/2021 3.79 ETH xuống mức thấp nhất (all-time-low hay ATL) là 0.55 ETH.
Cộng đồng lúc này thậm chí còn bỏ phiếu về việc loại bỏ các nhà sáng lập của Pudgy Penguins ra khỏi dự án. Sau cùng, một cuộc chiến đấu thầu đã nổ ra vào tháng 1/2022 để giành lấy quyền điều hành và kiểm soát dự án. Những người tham gia bao gồm Luca Netz của Netz Capital, Zach Burks (nhà sáng lập của Mintable) và BeanieMaxi (KOL). Và đây là lúc dự án bắt đầu được tái sinh…
Năm 2022-2023: Thời kỳ tái sinh với những khởi đầu mới
Pudgy Penguins cuối cùng đã được Luca Netz mua lại với giá 750 ETH vào tháng 04/2022, tương đương 2.5 triệu USD, đồng thời anh cũng đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành (CEO) của dự án.
Điều đáng chú ý là số tiền 2.5 triệu USD này đã được chuyển trực tiếp đến những người sáng lập cũ của dự án, bên cạnh đó, họ rời bỏ dự án và mang theo tất cả số tiền đã huy động được từ hai vòng mint NFT trước đó (tổng cộng 666 ETH). Điều này có nghĩa là ngoại trừ danh tiếng sẵn có Pudgy Penguins, Netz gần như đã phải gây dựng lại dự án này từ đầu.
Tháng 12/2022, sau khi được tái sinh, đội ngũ phát triển mới đã thay đổi định vị cho Pudgy Penguins, từ bộ sưu tập PFP (profile picture NFT) đơn thuần thành một công ty toàn cầu với quyền sở hữu trí tuệ và phát triển thương hiệu riêng.
Ngày 08/05/2023, dự án thông báo đã ký thoả thuận đại diện với William Morris Endeavor (WME), một trong những công ty giải trí hàng đầu tại Mỹ và là ngôi nhà chung của các nghệ sĩ nổi tiếng như Adele, Alicia Keys, Bruno Mars, Drake, Rihanna, Sam Smith và Childish Gambino… Theo đó, Pudgy Penguins sẽ có quyền sở hữu trí tuệ đối với hình ảnh của những nhân vật chim cánh cụt đáng yêu trên truyền hình, phim ảnh và trò chơi…
Chỉ một ngày sau đó (ngày 09/05/2023), dự án tiếp tục mang đến tin vui cho những người nắm giữ NFT thông qua việc công bố vừa thành công huy động được 9 triệu USD vòng Seed, với sự dẫn đầu của 1kx và sự tham gia của một số nhà đầu tư khác như Big Brain Holdings, Kronos Research…
Những sự kiện này xuất hiện như một “chỉ báo” tích cực, làm tăng niềm tin của nhiều nhà đầu tư về một khởi đầu “tươi sáng” hơn trong hành trình chinh phục đỉnh cao 22 ETH của Pudgy Penguins.
Năm 2023: Từ Bộ sưu tập PFP đến Thương hiệu toàn cầu
Quay lại một chút về năm 2022, việc thay đổi định vị trở thành công ty phát triển thương hiệu (Brand Development - BD) và sở hữu trí tuệ (Intellectual Property - IP) là một trong những sự kiện quan trọng, mang tính bước ngoặt nhất của Pudgy Penguins.
Trang thông tin về quyền sở hữu trí tuệ của Pudgy Penguins: https://pudgypenguins.com/ip-rights
Trước Pudgy Penguins, thị trường crypto cũng chứng kiến một trường hợp mà nhà đầu tư được cấp phép sử dụng và quản lý về quyền sở hữu trí tuệ đối với NFT mà họ nắm giữ, đó là bộ sưu tập BAYC được phát triển bởi công ty Yuga Labs. Sau đó, công ty này cũng đã thực hiện thương vụ mua lại IP của hai bộ sưu tập NFT khác là CryptoPunks và Meebits.
Có thể thấy rằng quyền sở hữu trí tuệ dần trở thành yếu tố quan trọng trong thế giới NFT, nhưng nó có ý nghĩa thế nào đối với những người nắm giữ NFT, hay cụ thể ở đây là Pudgy Penguins?
Theo hướng phát triển mới này, những người nắm giữ Pudgy Penguins sẽ được cấp quyền sở hữu một cách minh bạch và rõ ràng hơn để sử dụng các tác phẩm nghệ thuật liên quan đến NFT của họ, bao gồm cả mục đích cá nhân và thương mại, trong phạm vi của thoả thuận IP phía trên.
Ví dụ: Người nắm giữ NFT có thể sử dụng Pudgy Penguins làm gương mặt đại diện cho thương hiệu quần áo mới của họ, với thoả thuận rằng tổng doanh thu của họ không được vượt quá 500,000 USD hàng năm (nếu có, họ cần phải thoả thuận lại để được cấp phép với quy mô lớn hơn theo quy định).
Vì vậy, việc tái định vị này cũng là tiền tố, đóng vai trò tiên quyết cho những kế hoạch và hoạt động tiếp theo của Pudgy Penguins.
Thương hiệu đồ chơi - Pudgy Toys
Tháng 05/2023, Pudgy Penguins ra mắt Pudgy Toys thông qua sự hợp tác với PMI Toys (chi tiết tại đây), công ty sản xuất đồ chơi trẻ em quốc tế với tuổi đời hơn 25 năm. Ngoài ra, Pudgy Penguins cũng hợp tác với Retail Monster (công ty cấp phép & mở rộng thương hiệu) để tăng quy mô và khả năng phân phối sản phẩm.
Chỉ hai ngày ngay sau khi mở bán, sản phẩm Pudgy Plushies đã đạt được số lượt mua hơn trị giá hơn 500,000 USD, với hơn 20,000 món đồ chơi riêng lẻ được bán ra. Pudgy Plushies đồng thời trở thành sản phẩm mới bán chạy nhất trên nền tảng thương mại điện tử Amazon trong danh mục Thú nhồi bông & đồ chơi cho trẻ mới biết đi (Toddler Stuffed Animals & Toys).
Đến tháng 09/2023, Pudgy Penguins tiếp tục ký thoả thuận với Walmart (chuỗi siêu thị lớn có trụ sở tại Mỹ và nhiều cửa hàng trên hơn 27 quốc gia toàn cầu) để cho Pudgy Toys lên kệ của 2,000 cửa hàng Walmart trên toàn quốc tại Mỹ. Theo sau đó là các cửa hàng Smyths tại Anh và Toys R Us tại Canada.
Pudgy Toys đã mang lại cho Pudgy Penguins mức doanh thu 10 triệu USD với hơn 750,000 sản phẩm bán ra trong vòng chưa đầy một năm (nguồn tại đây).
Thương hiệu quần áo - Igloo
Tháng 08/2023, Pudgy Penguins ra mắt thương hiệu quần áo mang tên Igloo nhằm mở rộng thị phần và tăng khả năng tiếp cận đến đại chúng. Bên cạnh việc tận dụng thiết kế của những chú chim cánh cụt từ bộ sưu tập NFT Pudgy Penguins, các sản phẩm của Igloo còn tập trung vào sự tối giản với những mẫu áo đơn điệu, chỉ in logo thương hiệu.
Điều này giúp Igloo trở nên khác biệt so với những thương hiệu được phát triển bởi những dự án NFT khác (chỉ in thiết kế liên quan đến hình ảnh đại diện của NFT lên sản phẩm), nhờ đó nhắm đến tệp người dùng rộng hơn, kể cả những người dùng web3 và web2 (chưa quen thuộc với NFT).
Gia nhập thế giới metaverse
Tháng 12/2023, Pudgy Penguins tuyên bố gia nhập lĩnh vực metaverse với việc sẽ ra mắt Pudgy World, được hỗ trợ phát triển trên zkSync Era, một trong những blockchain layer 2 hàng đầu trên Ethereum. Lúc này, giá NFT Pudgy tăng từ khoảng hơn 10.75 ETH (ngày 09/12/2023) lên 12.9 ETH sau khi có thông báo về Pudgy World.
Dự kiến ra mắt vào quý 01/2024, Pudgy World là một không gian kỹ thuật số vượt ra ngoài bộ sưu tập NFT đơn thuần, mang lại những trải nghiệm thú vị cho các chủ sở hữu của Pudgy Toy, nhà sưu tập Pudgy Penguin, các game thủ…
Năm 2024: Cột mốc 22 ETH & Ứng cử viên “Blue Chip” trên Ethereum
Ngày 29/01/2024, Pudgy Penguins cộng tác với SaaSyLabs để giới thiệu Overpass, nền tảng cấp phép IP on-chain cho các sản phẩm NFT trong web3, giúp loại bỏ sự phức tạp của cấu trúc cấp phép web2 truyền thống.
Với việc ra mắt phiên bản Beta của Overpass, sẽ có thêm 88 NFT từ Pudgy Penguins và Lil Pudgys sẽ được cấp phép IP và có thể được sản xuất thành những món đồ sưu tập dưới dạng vật lý như thú nhồi bông, nhân vật hành động, bức tượng nhỏ… Theo đó, những người sở hữu NFT này sẽ được chia một tỷ lệ phần trăm tiền bản quyền nhất định tuỳ theo thoả thuận (ví dụ: 20%) dựa trên tổng doanh thu từ việc bán dòng đồ chơi mới.
Đến ngày 17/02/2024, giá sàn của Pudgy Penguins trên nền tảng OpenSea ghi nhận mức ATH tại 22.9 ETH, tương đương khoảng 63,799 USD. Kể từ tháng 11/2023, giá sàn của Pudgy Penguins đã chứng kiến một đợt phục hồi mạnh mẽ và tăng từ khoảng giá 5 ETH lên quanh mức 22 ETH, ghi nhận mức tăng 340%.
Điều này đưa Pudgy Penguins trở thành ứng cử viên sáng giá cho danh xưng “blue chip” trên Ethereum. Đến thời điểm hiện tại (ngày 05/03/2024), Pudgy Penguins vẫn là bộ sưu tập NFT lớn thứ ba về giá trị vốn hoá trên mạng Ethereum (khoảng 509.6 triệu USD), chỉ đứng sau hai cái tên đình đám BAYC (702.2 triệu USD) và CryptoPunks (2 tỷ USD).
Sự “bành trướng” trên mạng truyền thông đa phương tiện
Pudgy Penguins không chỉ hoạt động tích cực trên các nền tảng như X và Discord (hai nền tảng phổ biến trong cộng đồng web3), mà còn mở rộng phạm vi và mạo hiểm thâm nhập vào các mạng lưới “đông đúc” hơn như Instagram, TikTok, Giphy để tận dụng các chiến lược marketing dựa trên mạng lưới creator “dồi dào” của các nền tảng này.
Tính đến ngày 05/03/2023, Pudgy Penguins đã thu hút được hơn tổng cộng 1.6 triệu lượt theo dõi ấn tượng từ hai nền tảng Instagram và TikTok, nhờ vào chiến lược nội dung tập trung vào những video ngắn với các nhân vật là chú chim cánh cụt đáng yêu trong Pudgy Penguins IP.
Không chỉ dừng lại ở đó, trên GIPHY (nền tảng GIF lớn nhất hiện nay), Pudgy Penguins cũng đạt hơn 15 tỷ lượt xem trên tất cả các ảnh GIF của họ. Các GIF này đã được lan truyền rộng rãi và sử dụng trên nhiều nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Snapchat, Tiktok, hay cả các ứng dụng nhắn tin như Whatsapp, Telegram.
Điều đáng chú ý là các nội dung của Pudgy Penguins đều hạn chế đề cập đến NFT hay tiền điện tử, bởi đây là một trong những nội dung được xem là “nhạy cảm” trên các nền tảng mạng xã hội và dễ bị hạn chế về khả năng tiếp cận người xem. Thay vào đó, họ chia sẻ những video về nhân vật hoạt hình dễ thương với các tình huống thân thuộc, đời thường nhằm tạo cảm giác gần gũi và dễ tiếp cận hơn với người xem.
Điều gì tạo nên sự thành công của Pudgy Penguins?
Chiến lược marketing “Con ngựa thành Troy”
Lấy cảm hứng từ câu chuyện Cuộc chiến thành Troy của thần thoại Hy Lạp, Pudgy Penguins đã tận dụng chiến lược này vào kế hoạch marketing cho thương hiệu Pudgy Toys của họ.
Để tóm tắt câu chuyện về cuộc chiến thành Troy, đội quân Hy Lạp đã nghĩ ra kế rằng giấu binh lính vào một con ngựa gỗ, sau đó nhổ trại ra đi. Quân thành Troy tưởng rằng quân Hy Lạp đã đại bại, bèn kéo con ngựa vào trong thành. Đến đêm, quân Hy Lạp phá tung ngựa gỗ, chui ra đánh úp toàn bộ thành Troy. Lúc này, thành Troy đã bị quân Hy Lạp thiêu rụi.
Về bản chất, đây là điều mà Pudgy Toys hướng tới đạt được trong thị trường đồ chơi truyền thống, thông qua Pudgy World và sự ra mắt liền mạch của NFT IP.
Có thể thấy, Pudgy Penguins đã thành công “thâm nhập” vào nhiều thị trường khác nhau, khéo léo giới thiệu IP của mình trên nhiều loại sản phẩm, từ đó thu hút nhiều đối tượng nhân khẩu học - đây là điểm tạo nên sự khác biệt của bộ sưu tập này. Mặc dù xuất phát điểm là một dự án NFT, Pudgy Penguins nhấn mạnh vào việc xây dựng và phát triển không chỉ cho cộng đồng web3 mà còn cho cả đại chúng nói chung.
Cách tiếp cận toàn diện này đã giúp Pudgy Penguins khác biệt với các bộ sưu tập NFT khác, trở thành công ty dẫn đầu trong việc phát triển thương hiệu (BD) và là một case study đáng chú ý. Bên cạnh đó, thông qua việc hợp tác và bố trí các sản phẩm mang tính chiến lược, họ đã đưa thương hiệu của mình vào cuộc sống hàng ngày một cách mượt mà, biến Pudgy Penguins trở nên thân thuộc và phổ biến ở nhiều đối tượng người tiêu dùng với các độ tuổi khác nhau.
Hiệu ứng Luca Netz (CEO)
Bất chấp những tranh cãi trong quá khứ của đội ngũ sáng lập cũ và sự bi quan về tương lai của bộ sưu tập, Pudgy Penguins vẫn được vực dậy một cách “ngoạn mục” để trở thành một trong những “blue chip” trên Ethereum. Không thể phủ nhận rằng phần lớn sự thành công này là nhờ vào CEO Luca Netz, với sự kiện “thay máu” mang tính bước ngoặt cho Pudgy Penguins là tái định vị từ một bộ sưu tập NFT thành một thương hiệu IP.
Những thành tựu ban đầu của anh trước khi đến với Pudgy Penguins, từ việc kiếm được 1 triệu USD đầu tiên trước khi bước sang tuổi 18 cho đến vai trò chiến lược là nhà đầu tư và CMO của Gel Blasters (công ty sản xuất súng đồ chơi), đã nhấn mạnh sự am hiểu của anh trong lĩnh vực marketing và phát triển thương hiệu (BD).
Tuy nhiên, sự hồi sinh và thành công của Pudgy Penguins dưới sự hướng dẫn của Luca Netz là minh chứng thuyết phục nhất cho thấy năng lực của anh trong lĩnh vực này.
Tái định nghĩa việc cấp phép và quản lý Quyền sở hữu trí tuệ (IP)
Pudgy Penguins không phải là bộ sưu tập NFT đầu tiên áp dụng việc cấp phép IP và mở rộng quyền thương mại cho những người nắm giữ NFT. Trước đó, Yuga Labs với bộ sưu tập BAYC và việc mua lại IP Crypto Punks, Meebits đã đặt ra tiêu chuẩn cao về quy mô và phạm vi tiếp cận trong lĩnh vực này.
Dẫu vậy, với sự ra mắt của nền tảng Overpass, Pudgy Penguins đã cho thấy động thái có chủ ý hướng tới việc tăng cường cấp phép IP trong web3 và xây dựng quan hệ đối tác với các thương hiệu toàn cầu trong web2.
Overpass cung cấp quy trình cấp phép IP tương đối hợp lý và tối giản, từ đề xuất thỏa thuận đến gửi tài sản và thanh toán tiền bản quyền. Việc này không chỉ nhằm mục đích mở rộng phạm vi tiếp cận của các thương hiệu IP, mà còn đảm bảo rằng những người nắm giữ cũng sẽ nhận được những lợi ích mang tính hữu hình hơn thông qua thoả thuận phân phối lại giá trị cho cộng đồng, nhờ đó gắn kết thành công của cá nhân với thành công của thương hiệu.
Chiến lược airdrop “không bao giờ là lỗi thời”
Kể từ đợt airdrop mang tính biểu tượng của Uniswap vào năm 2020, với hơn 6.43 tỷ USD dưới dạng token UNI (tính theo giá ATH của UNI là 42.88 USD) được phân phối cho người dùng sớm trên Uniswap, airdrop cũng dần trở thành hoạt động truyền thống trong thị trường crypto. Các dự án thường sử dụng airdrop như một cách thức để thưởng cho những người dùng đã tiếp cận, sử dụng và đóng góp cho sự phát triển của giao thức từ sớm.
Gần đây hơn, nhiều giao thức bắt đầu airdrop token cho những người nắm giữ các NFT trong các bộ sưu tập. Ví dụ: người nắm giữ NFT Mad Lads trên Solana sẽ đủ điều kiện để nhận airdrop từ Pyth Network, Dymension và Wormhole. Vì vậy, việc nắm giữ NFT dần trở thành một trong cách để nhận được airdrop từ các dự án hoạt động trên cùng blockchain đó.
Pudgy Penguins cũng không phải ngoại lệ. Tháng 01/2024, Dymension đã thông báo về việc sẽ airdrop cho người dùng sớm, trong đó có bao gồm những người nắm giữ NFT Pudgy Penguins. Theo đó, mỗi Pudgy Penguin sẽ được airdrop 1,250 token DYM, trị giá hơn 10,000 USD nếu tính theo giá ATH tại 8.4 USD/DYM.
Việc này dẫn đến nhu cầu về Pudgy Penguins tăng vọt, sau thời điểm này giá sàn cũng tăng từ 15 ETH lên khoảng 20 ETH.
Kết luận
Pudgy Penguins đã trải qua hành trình đầy thăng trầm kể từ cơn khủng hoảng cuối năm 2021 để đạt được cột mốc 22 ETH và vươn lên vị trí top ba dự án NFT có vốn hoá lớn nhất trên Ethereum. Tuy nhiên, giữa cơn sóng tăng mạnh mẽ của Pudgy Penguins, câu hỏi mà các nhà đầu tư đặt ra ở thời điểm hiện tại là: Liệu Pudgy Penguins sẽ có thể soán ngôi của CryptoPunks và BAYC hay không?