Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Hành trình trở lại sau 8 tháng thua lỗ liên tục

Một khi dấn thân vào thị trường, ắt hẳn chúng ta đều nhận thấy thua lỗ là người bạn đồng hành không thể thiếu trong quá trình đầu tư. Bản thân mình cũng từng nếm trải cay đắng suốt thời gian dài rồi mới dần “quay lại và lợi hại hơn xưa”.
Avatar
uyntran.web3
Published Oct 30 2022
Updated Sep 30 2023
20 min read
thumbnail

Một khi dấn thân vào thị trường, ắt hẳn chúng ta đều nhận thấy thua lỗ là người bạn đồng hành không thể thiếu trong quá trình đầu tư. Bản thân mình cũng từng nếm trải cay đắng suốt thời gian dài rồi mới dần “quay lại và lợi hại hơn xưa”.

Dù là dự án sụp đổ, thị trường chán nản hay lỡ tay bán một đồng tiền mã hóa sai thời điểm, gần như mọi nhà giao dịch sẽ đối mặt với một (hoặc nhiều) khoản lỗ lớn. Hiểu là một chuyện, vượt qua điều đó vẫn là vấn đề không hề dễ dàng, đặc biệt là khi chúng ta chứng kiến tài khoản của mình hao hụt mỗi ngày. 

Vậy làm thế nào để hồi phục sau nhiều ngày thua lỗ? Trong chuyên mục hôm nay, mình sẽ nhắn gửi bạn một số kinh nghiệm để vực dậy từ nỗi đau thua lỗ kéo dài. Thay vì đưa ra bí quyết, bài viết này chỉ đơn giản kể lại hành trình thua lỗ suốt 8 tháng của mình và bài học mình rút ra được sau những lần vấp ngã đó.

Thất vọng khó tránh khỏi

Ở thất bại đầu tiên, mình không khỏi cảm thấy bất ngờ, thất vọng hay thậm chí sợ hãi thị trường. Với những người từng liên tiếp “trúng đậm” trước đó (như mình), cú sốc đầu đời có thể càng dữ dội hơn. Ban đầu, mình thắng với số vốn nhỏ. Sau nhiều lần thắng liên tiếp, mình quyết định đặt cược lớn hơn và thua trắng.

cảm xúc thất vọng khi thua lỗ
Cảm xúc thất vọng là chuyện bình thường nhưng đừng để nó nuốt chửng bạn.

Nếu bạn hỏi mình thấy thế nào khi lần đầu trade lỗ, có lẽ nhìn chung vẫn là sốc và thất vọng như bao người. Bước những bước đầu tiên vào thị trường, nhìn chung ai cũng hình thành kỳ vọng kiếm được lợi nhuận. Do đó, khoản lỗ đã bào mòn sự tự tin và khiến mình chùn tay. Từ khi mất tiền, mình không còn ngủ đủ 8 tiếng, tô bún bò buổi sáng không còn thấy ngon…

Đầu năm nay, mình từng có lần lỗ kha khá vì đồng NEAR. Thời điểm đó, NEAR liên tục tăng. Nghe nhiều người nhận định về tiềm năng tăng trưởng của NEAR, mình cũng bỏ tiền mua ở mức giá 14 USD rồi bán với giá 19 USD. 

Khi đồng coin lập đỉnh 20 USD, mình cho rằng giá sẽ bay tiếp, thậm chí là bay gấp nhiều lần giá đỉnh. Nghe các chuyên gia Youtuber có cùng suy nghĩ, mình càng vững tin hơn và lại mạnh tay mua vào. Nhưng cái gì đến cũng phải đến. 

near giảm mạnh từ đỉnh 20$
Giá NEAR sập mạnh từ đỉnh 20 USD. Nguồn: TradingView.

Thị trường nửa cuối tháng 1 đỏ lửa rồi dần dần giảm về vùng giá 15, 14, 12 rồi liên tục lao dốc. Trái tim mách bảo mình vững tin và tiếp tục DCA. Do đó, mình vẫn chưa cảm thấy lo lắng và đi theo quyết định ban đầu của mình. Tuy nhiên, khi giá chia hai và các KoL im hơi lặng tiếng, mình bắt đầu lo sợ. Hiện tại, NEAR đang được giao dịch ở khoảng 2 USD. Tất nhiên, mình không bán ra ở giá này. Nhưng có thể nói tài khoản mình lúc đó đã chia khoảng x lần (x tiểu học).

Cảm giác thất vọng, buồn bã chắc chắn khó tránh khỏi. Nhiều người thậm chí từ chối nói chuyện với mọi người xung quanh. Dù mình “may mắn” không trắng tay hay nợ nần, mình vẫn cảm thấy tội lỗi, hối hận, không biết làm sao chia sẻ điều đó với gia đình. Ngoài ra, crypto vẫn là thị trường còn khá mới và khó hiểu với nhiều người. Điều đó càng khiến chúng ta khó mở lời hơn.

Sau nhiều ngày thua lỗ nặng nề, chúng ta có thể bắt đầu hoài nghi bản thân và cảm thấy lạc lối. Bạn có thể bỏ hàng quá nhanh hoặc cố nắm giữ quá lâu. Ngoài ra, bạn có thể đi theo hai chiều hướng. Một là quá sợ hãi và bỏ lỡ cơ hội đầu tư. Hai là lao vào quá nhiều giao dịch với tâm lý muốn “phục thù”. Dù thế nào, chúng ta cũng dễ mất tỉnh táo và mắc phải sai lầm. 

Lúc đó chắc là vào tầm tháng 5, Bitcoin có giá khoảng 30,000 USD. Người người nhà hô hào bắt đáy khiến mình cũng bị cuốn theo. Người ta thường nói: “Đừng mắc một sai lầm quá nhiều lần”. Mắc ít thì được. Nghĩ vậy, mình lại tiếp tục mua vào NEAR và nhìn tiền của mình lũ lượt ra đi.

Học cách chấp nhận

Bài học đầu tiên mình có được chính là biết chấp nhận thất bại. Nhiều nghiên cứu chỉ ra tâm lý phủ nhận, cảm giác ức chế và thái độ đổ lỗi có thể khiến nhà đầu tư càng thiệt hại nặng nề. Trái lại, những nhà giao dịch học cách chấp nhận và bước tiếp có khả năng hồi phục tốt hơn sau thua lỗ. 

Trốn tránh thực tại có thể là cách con người tự bảo vệ bản thân khỏi nỗi đau. Dù vậy, chúng ta cần phải đối mặt để bước tiếp. Bằng cách chấp nhận sai lầm, mình có thể suy ngẫm về những quyết định dẫn đến mất mát của bản thân để không lặp lại lỗi sai. Giá như mình nhận ra lỗi lầm và không chày cối mua NEAR thì mình đã không mất nhiều tiền đến thế. Dù sao, nhờ vậy mà mình rút ra được bài học đắt giá để chia sẻ cho các bạn.

near tiếp tục giảm xuống 5$
NEAR tháng 5 vẫn là NEAR của những niềm đau. Nguồn: TradingView.

Ngoài ra, đừng cố tìm đến các chuyên gia online để lấy lại tiền. Những người này hiện hữu ở khắp mọi nơi trên Internet, từ Youtube, Twitter cho đến Telegram. Họ có thể cam kết giúp bạn thu hồi 50%, 70% hay toàn bộ khoản lỗ, tất nhiên với điều kiện là bạn trả tiền cho họ. 

Tuy nhiên, bất kỳ ai tuyên bố đảm bảo lợi nhuận trên thị trường chắc chắn đều nói dối. Không ai chắc chắn được thị trường ngày mai sẽ thay đổi ra sao. Nếu các thị trường truyền thống như chứng khoán vốn đã biến động, crypto lại càng khó đoán hơn.

Dù không có các nghiên cứu trên, chúng ta vẫn hiểu rõ tâm lý không ổn định thì không thể nào đưa ra phán đoán chuẩn xác được vì đây là điều vô cùng hiển nhiên. Việc mình không giữ được bình tĩnh đã dẫn đến khá nhiều quyết định sai lầm.

Trên thực tế, thua lỗ là chuyện hết sức bình thường. Ngay cả Masayoshi Son, tỷ phú Nhật Bản nổi tiếng “đánh đâu thắng đó”, cũng từng lỗ Bitcoin 130 triệu USD. Trong khi đó, nhà quản lý quỹ đầu cơ hàng đầu thế giới Bruce Kovner thậm chí tự hào với cách ông đối mặt với những khoản lỗ đầu tiên của mình. 

bruce kovner không ngại chuyện thua lỗ
Phù thủy thị trường Bruce Kovner không ngại chuyện thua lỗ. Nguồn: Forbes.

"Thua lỗ ư, đó là điều không thể tránh khỏi. Tôi từng thua lỗ nặng nhưng tôi coi đó là khoản tiền giúp tôi cải thiện phương pháp giao dịch tối ưu hơn", ông tuyên bố. 

Tóm lại, bất kỳ nhà giao dịch nào dù tài giỏi đến đâu cũng có thể thất bại. Quan trọng là bình tĩnh nhận ra sai lầm ở đâu để không đi vào vết xe đổ của chính mình trong tương lai. 

Tạm rời thị trường

Khi mình thua lỗ, mong muốn lớn nhất của mình là lấy lại tiền càng nhanh càng tốt. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra. Với tâm lý không ổn định, mình càng trade càng lỗ. Thật vậy, càng muốn phục thù thì mình càng giống đánh bạc hơn là giao dịch. Lúc nào mình cũng nghĩ đến việc vào lệnh mà không màng đến rủi ro.

Mình tin mỗi ngày phải có đến hàng trăm nhà giao dịch cùng trải qua tình huống tương tự. Do đó, chúng ta không hề đơn độc, thời gian sẽ giúp chữa lành vết thương. 

Ban đầu, mình cũng nghĩ đây chỉ là câu nói suông vì tiền đã mất thì không thể lấy lại được. Đúng vậy, tiền của chúng ta vẫn mất nhưng cảm xúc tiêu cực sẽ qua đi. Một số người có thể mất vài ngày, còn số khác có thể mất vài tuần để hồi phục.

nghỉ ngơi sau thua lỗ
Nghỉ ngơi đôi khi là lựa chọn tốt nhất.

Vậy trong lúc nghỉ ngơi chúng ta làm gì? Theo mình, lấp đầy thời gian bằng các sở thích cá nhân sẽ giúp chúng ta không có khoảng trống để nghĩ đến thị trường. Tùy vào mỗi người, một người bạn trong team mình thường chơi thể thao hay tập gym để tiêu hao năng lượng. Những người có chướng ngại tâm lý với việc vận động như mình có thể chọn vẽ vời hoặc tranh xếp hình. Đây là các hoạt động nhẹ nhàng giúp bạn hướng sự tập trung ra khỏi chuyện đầu tư.

Ngoài ra, đặt giới hạn là một cách điều chỉnh tâm lý hiệu quả. Hãy tự giao ước số lệnh lỗ tối đa để bạn tạm ngừng đặt lệnh giao dịch. Tất nhiên, con số bao nhiêu tùy thuộc vào mỗi người, miễn là bạn cảm thấy hợp lý. 

Chẳng hạn, mình đặt ra giới hạn là 5 lệnh lỗ liên tiếp. Sau đó, mình sẽ nghỉ ngơi vài ngày, không vào lệnh hay kiểm tra biểu đồ. Chắc ăn hơn, bạn có thể rút tiền khỏi tài khoản hoặc tắt app để không đưa ra bất kỳ quyết định bốc đồng nào.

Nhìn lại sai lầm

Sau khoảng thời gian thư giãn là lúc chúng ta đối diện với sai lầm của mình. Mình nhận ra mình thường mắc 3 lỗi chính dẫn đến thua lỗ. 

Một là thiếu chiến lược đầu tư. Nhiều người, kể cả mình, thường chỉ giao dịch dựa trên linh cảm, trực giác hay lời khuyên của người khác. Cách giải quyết cho vấn đề này đơn giản là cần chủ động tìm hiểu, phân tích dự án để có chiến lược đầu tư của riêng mình.

Đọc thêm: 9 tiêu chí vàng để đánh giá và lựa chọn dự án crypto tiềm năng.

Tiếp đến, cảm xúc luôn đóng vai trò chi phối quan trọng. Trong trường hợp của mình, không ít lần mình bị lòng tham làm mờ mắt và không chốt lời đúng lúc. Khi nhận ra, mọi chiến thuật đều trở thành mua đỉnh, bán đáy. Đôi lúc, mình chốt lời thành công nhưng lại tiếc nuối khi thấy giá vẫn tiếp tục tăng. Và câu chuyện tiếp theo cũng khá dễ đoán. Mình lại lao vào mua và ôm lỗ.

Những lúc như vậy, bạn có thể tìm đến một vị “quân sư” nào đó để níu lại sợi dây lý trí của mình. Người này không nhất thiết cho bạn lời khuyên về mặt thị trường mà chỉ đơn giản là giúp bạn dễ dàng nói “không” khi cảm thấy phân vân.

Cuối cùng, thiếu kỹ năng và kiến thức điều người mới khó tránh khỏi. Kỹ năng ở đây có thể là cách đọc các chỉ báo kỹ thuật trên biểu đồ hoặc phương pháp quản lý vốn hiệu quả. Bạn có thể tiếp cận các kênh thông tin để học hỏi thêm và tập thói quen ghi chú lại giao dịch để dễ dàng kiểm soát.

Gây dựng lại tự tin

Sau khi thua lỗ lớn, lòng tự tin của của chúng ta bị hao hụt. Trạng thái tinh thần thiếu tỉnh táo có thể khiến bạn muốn rời khỏi thị trường hoặc nôn nóng phục thù. Không có tình huống nào đem lại kết quả tốt.

Những lúc thế này, mình thường nghĩ đến giao dịch trên tài khoản demo. Một số sàn giao dịch hiện cung cấp tài khoản demo để khách hàng trải nghiệm cảm giác đầu tư nhưng không phải chịu rủi ro. Khi bạn đăng ký tài khoản demo, các sàn sẽ tạo cho bạn tài khoản tiền mã hóa và bạn có thể sử dụng số tiền này để dùng thử dịch vụ của họ. 

trở lại giao dịch bằng tài khoản demo
Tài khoản demo giúp ta lấy lại cảm giác sau nhiều ngày ngừng giao dịch.

Với người mới, demo giúp họ có thêm cơ hội thực hành và tích lũy thêm kinh nghiệm trước khi "thực chiến". Riêng những người vừa trải qua thất bại như mình và muốn vực dậy tinh thần cũng có thể tận dụng tài khoản demo.  

Hãy dùng demo trong vài ngày để lấy lại cảm giác. Demo giúp mình dễ dàng nhận ra vấn đề của mình hơn mà không phải mất tiền. Bởi vì đây không phải là tiền thật, bạn sẽ ít chịu áp lực hơn và dễ dàng tập trung vào giao dịch thay vì vấn đề tài chính.

Một vài chiến thắng trong tài khoản demo sẽ nâng cao mức độ tự tin của bạn. Sau nhiều lần thua liên tiếp, mình thường trở lại với vị thế quy mô nhỏ hơn. Nếu không may thất bại, số tiền mình mất cũng không đáng kể. Ngay cả khi có lời, chúng ta không nên vội vàng với vị thế quá lớn. Tuy nhiên, đánh demo quá nhiều dễ khiến chúng ta say trong chiến thắng và trở nên tự cao khi trở lại đánh tiền thật. Bất kể thất bại hay chiến thắng, hãy luôn tỉnh táo.

Đặt kỳ vọng hợp lý

Trước hết, đừng nên nghĩ đến việc lấy lại số tiền đã mất. Việc này gây áp lực không cần thiết về thời gian và số lượng. 

Chẳng hạn, khi mình mất 500 USD, mình từng đặt ra mục tiêu lấy lại số tiền đó trong vòng một tháng. Do áp lực kiếm lợi nhuận trong thời hạn đó, mình bất chấp rủi ro và cố vào lệnh nhiều hơn. Tất nhiên, rủi ro thường đi kèm với kết quả không mấy tốt đẹp.

Giữa giàu từ từ và nghèo nhanh chóng, mình tin bạn sẽ thích lựa chọn đầu tiên hơn. Với mình, đầu tư là một nguồn thu nhập phụ bên cạnh công việc chính. Do đó, mình cảm thấy việc đặt ra kỳ vọng đổi đời hay làm giàu trong ngắn hạn là không hợp lý và dễ dẫn đến quyết định sai lầm.

Chúng ta cũng không nên mong đợi vài tháng gia nhập thị trường của chúng ta sẽ ngang bằng các nhà giao dịch chuyên nghiệp với nhiều năm kinh nghiệm. Do tính chất biến động của thị trường, việc đầu tư luôn đòi hỏi yếu tố may mắn. Tuy nhiên, để đạt được tài khoản khủng, đó là kết quả của lượng tích lũy dồi dào cả về tài sản, thời gian và kinh nghiệm.

luna sập vào tháng 5/2022
Cú rơi “khó quên” của LUNA vào tháng 5. Nguồn: TradingView.

Do đó, mình hướng đến châm ngôn “chậm mà chắc”. Thời điểm bắt đầu, mình chủ yếu giao dịch dựa trên cảm tính và lời khuyên của người khác. Dần dần, mình hiểu được quyết định đầu tư đúng đắn nhất phải đến từ chính kiến thức và hiểu biết của mình về dự án. 

Để làm được điều đó, không có cách nào khác ngoài tự trau dồi nền tảng kiến thức và thông tin mới cho mình. Và điều này hiển nhiên không thể làm được trong ngày một ngày hai. Trong quá trình đó, chúng ta có thể hình thành phương pháp đầu tư phù hợp với tính cách và hoàn cảnh của bản thân. 

Vì không muốn dành nhiều thời gian theo dõi sát sao thị trường, mình chuộng phương thức đầu tư dài hạn hơn. Mình cảm thấy đây là phương thức thích hợp với mình vì mình sẽ không bị ảnh hưởng tâm lý quá nhiều khi đồng tiền mã hóa có biến động. Bởi lẽ mình đã chuẩn bị sẵn tâm lý hold dài lâu nên có thể nhẹ nhàng lướt qua những đợt giảm giá. Bên cạnh đó, hold dài hạn có khả năng mở ra cho mình những cơ hội thắng lớn hơn. 

Đọc thêm: Cách hold Bitcoin đến 1,000,000 USD.

Đó là phương thức mình lựa chọn dựa trên trải nghiệm bản thân. Bạn nên từ từ tìm hiểu để tìm ra con đường phù hợp với mình nhất, không nên áp đặt mình vào khuôn mẫu của bất kỳ ai.

Đầu tư số tiền bạn sẵn sàng đánh mất

Cách hiệu quả nhất để không quá đau khổ khi thua lỗ là chỉ đầu tư số tiền bạn sẵn lòng “buông tay”. Khi đầu tư bằng tiền nhàn rỗi, chúng ta chuẩn bị sẵn tâm lý nói tạm biệt khoản tiền đó khi không may thất bại.

đầu tư bằng tiền nhàn rỗi
Đầu tư tiền nhàn rỗi giúp bạn bình thản hơn khi thua lỗ.

Trên thực tế, đây là điều ai cũng biết nhưng ít ai làm được. Vì sao? Thứ nhất là tâm lý “liều ăn nhiều”. Thứ hai là khi mất tiền, chúng ta dễ mất bình tĩnh và muốn gỡ gạc lại “sơ suất” trước đó. Nếu bạn từng tự nhủ “lần này sẽ khác” rồi đổ thêm tiền vào, bạn đã mắc phải bẫy tâm lý này.

Kết cục, từ tiền nhàn rỗi (tạm gọi là A), công thức cho khoản tiền đầu tư bắt đầu kéo dài thành A + B lần cuối + B lần cuối cuối + B lần cuối cuối cuối… Nếu số tiền này nằm trong phí sinh hoạt, tiền thuê nhà hay thậm chí vay mượn từ ai đó, bạn sẽ càng cảm thấy nôn nao hơn. Bạn không đơn giản là thất vọng mà sẽ suy sụp, tuyệt vọng do thua lỗ nặng nề. 

Mặt khác, việc có lợi nhuận cũng tiềm ẩn rủi ro không kém. Như kể trên, mình đã mua thêm NEAR ở giá 20 USD sau khi chốt lời ở mốc 19 USD. Trái với suy đoán ban đầu, NEAR lao dốc không phanh, mang theo cả tiền trong tài khoản của mình. Tuy nhiên, số tiền mình đem đi đầu tư chỉ là một phần tiền nhàn rỗi, tức nếu mất đi cũng không có ảnh hưởng quá lớn tới cuộc sống.

Nhiều người khác lại không như vậy. Họ vay mượn để rót thêm tiền vào khoản đầu tư, ôm hy vọng kiếm được càng nhiều tiền hơn. Họ quên rằng thị trường vốn rất khó đoán và xu hướng giá có thể đổi chiều lúc không ai mong đợi nhất. Bên cạnh đó, một số biến cố rủi ro như dự án sập là điều khó có nhà đầu tư nào kịp trở tay. 

do kwon ông chủ dự án luna
Do Kwon, ông chủ dự án LUNA, khiến nhiều nhà đầu tư điêu đứng. Nguồn: Bloomberg.

Vụ sụp đổ của LUNA hồi tháng 5 đã khiến nhiều người lao đao vì mất trắng tài sản, thậm chí là nợ nần chồng chất. Thời điểm đó, diễn đàn Reddit tràn lan thông tin những người đưa ra quyết định cực đoan vì thua lỗ nặng nề. Tóm lại, đầu tư theo hướng “all in” như thế thường khiến nhà đầu tư nhận về “mất” hơn là “được”. Phương án an toàn không mang lại lợi nhuận cao nhất hay ngăn chặn thua lỗ tuyệt đối nhưng sẽ giúp bạn đi đường dài hơn.

Sau 8 tháng thua lỗ, mình đã học được những bài học đáng nhớ và trở lại thị trường. Không chỉ lấy lại được số tiền đã mất, mình còn tìm được cách cân bằng giữa cuộc sống thường nhật và việc đầu tư.

Tổng kết

Đây là những chia sẻ kinh nghiệm đứng dậy sau thua lỗ của mình. Hy vọng các nhà giao dịch mới và cả chuyên nghiệp có thể đúc kết bài học gì đó cho bản thân, hoặc ít nhất là có được sự đồng cảm trong chặng đường đầu tư. Dù thế nào, hãy ghi nhớ thất bại chỉ là một chương trong cuộc sống và kiên trì bước tiếp để tiến đến chương tiếp theo. 

RELEVANT SERIES