Play to Earn là gì? Top 3 game Play to Earn kiếm tiền nổi bật nhất
Play to Earn là gì?
Play-to-earn là một hình thức chơi game để kiếm tiền thông qua việc giao dịch, trao đổi, mua bán các vật phẩm trong game. Nhìn chung, hình thức này đã được áp dụng từ rất lâu trước kia vào các trò chơi nổi tiếng như Võ Lâm Truyền Kỳ, Liên Minh Huyền Thoại, Fifa, Đột Kích,...
Trong game, các game thủ có thể bán nhân vật, vũ khí và các trang bị quý hiếm mà họ kiếm được thông qua việc chơi game. Thậm chí với những game thủ tài năng, họ còn có thể tham gia những giải đấu chuyên nghiệp do các nhà phát hành tổ chức để nhận được các danh hiệu và phần thưởng lớn hơn.
Hiện nay, hình thức play-to-earn ngày càng trở nên phổ biến hơn, đặc biệt trong thị trường tiền điện tử. Các trò chơi với cơ chế play-to-earn này được xây dựng trên nền tảng blockchain cho phép người chơi sở hữu các NFT (vật phẩm) và tham gia trực tiếp vào hệ sinh thái mà game xây dựng. Bằng những NFT này, các player không những có thể chơi game mà còn thu được lợi nhuận từ việc bán các NFT khác được tạo ra trong trò chơi và nhận các phần thưởng là token của game.
Điều gì đã khiến Game Play-to-Earn bùng nổ?
Dù đã xuất hiện từ rất sớm, nhưng mãi cho đến khi tiền điện tử được biết đến rộng rãi hơn thì cái tên play-to-earn mới được trỗi dậy một lần nữa. Theo đó, ta có thể thấy những ưu điểm mà crypto mang lại chính là nhân tố giúp cho lĩnh vực trò chơi play-to-earn thật sự bùng nổ, và một trong số đó có thể kể đến là đòn bẩy NFT và quyền sở hữu của người chơi.
Đòn bẩy NFT
NFT (Non-Fungible Token) là loại token không thể thay thế bởi những token khác. Có thể nói một cách dễ hiểu, đây là một loại token độc nhất tượng trưng cho các vật phẩm, tài sản có giá trị sưu tầm khác nhau. Chính vì thế, hầu hết các game trên thị trường hiện nay đều cố gắng token hoá NFT của mình vì tiềm năng rất lớn mà chúng mang lại.
Giá trị của 1 NFT được tạo ra bởi 2 yếu tố chính đó chính là thông điệp và giá trị mua bán của chúng. Ta có thể dễ dàng thấy được điều đó thông qua các loại hình NFT truyền thống như tranh ảnh, âm nhạc,... Khi đến với thế giới crypto, NFT còn có thêm 1 giá trị khác đó chính là tính ứng dụng. Chính vì thế mà NFT ngày càng trở nên phổ biến hơn và thúc đẩy cho việc mở rộng thị trường để tiến tới mainstream.
Quyền làm chủ của người chơi
Các trò chơi điện tử truyền thống thường sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nhà phát hành game khi họ hoàn toàn có thể kiểm soát nguồn cung, công dụng và giá trị của vật phẩm. Không những thế, trong trường hợp các nhà sản xuất ngưng phát triển game thì xem như tất cả các khoản đầu tư, công sức, thời gian bạn dành cho game đều trở nên “đổ sông đổ biển”.
Tuy nhiên, với các game play-to-earn được xây dựng trên nền tảng blockchain có thể giúp cho các game thủ loại bỏ bớt những nỗi lo lắng này vì với các đặc điểm nổi bật và tính ứng dụng của NFT mà người chơi sẽ có được quyền sở hữu chính đáng và tính kế thừa cho các tài sản của mình.
Dễ dàng để chơi
Các tựa game play-to-earn trên blockchain hiện nay khá đơn giản và có giao diện thân thiện với người dùng. Tất cả những gì bạn cần có là 1 ví điện tử để có thể kết nối với nền tảng của game và bắt đầu chơi mà thôi. Đa phần các game này hiện đều được hỗ trợ để chơi trên trên trình duyệt web nên bạn có thể tham gia bằng bất kỳ loại thiết bị điện tử nào mà mình có.
Dễ dàng mua bán
Với các vật phẩm được tạo ra trong game là các NFT cho phép bạn có thể mua bán một cách rất dễ dàng. Thông thường mỗi game play-to-earn đều sẽ xây dựng cho mình một marketplace (chợ) riêng, tạo điều kiện cho người chơi mua bán và trao đổi các nhân vật, vật phẩm trong game 1 cách trực tiếp mà không cần thông qua một bên trung gian thứ 3 nào. Điều này sẽ góp phần tạo nên tính xác thực và giảm thiểu rủi ro khi mua bán cho người chơi.
Cơ chế của mô hình Play to Earn (P2E)
Các game play-to-earn hiện nay hoạt động theo cơ chế khá đơn giản, đúng như tên gọi của nó là chơi game và kiếm tiền. Tuy mỗi game sẽ có những đặc điểm và tính chất khác nhau, nhưng tổng quan có thể thấy rằng thông qua việc chơi, tương tác với game mà người dùng sẽ nhận được các phần thưởng là token hoặc các NFT có thể quy đổi ra tiền.
Để cho bạn dễ hình dung, mình sẽ lấy ví dụ về 2 tựa game play-to-earn khá nổi trong thời gian gần đây là Axie Infinity và Metamon.
Với Axie Infinity, bạn sẽ dùng những nhân vật Axie được mua trên chợ để chiến đấu với những người chơi khác để có thể giành được phần thưởng là Smooth Love Potion (SLP). Sau đó, bạn có thể bán những token này để thu về lợi nhuận cho riêng mình.
Tương tự với Metamon, bạn cũng sẽ cần đầu tư một khoản tiền mua nhân vật Metamon để bắt đầu chơi game. Tuy nhiên với trò chơi này, bạn sẽ không nhận được token của game mà thay vào đó là các NFT (trứng Metamon) và sẽ tiến hành bán các NFT này trên chợ để thu về RACA - token của game.
Những thách thức của game Play-to-Earn
Thể loại game không đa dạng
So với game truyền thống thì các thể loại game play-to-earn trên nền tảng blockchain còn khá đơn giản và chưa có sự đa dạng. Ta có thể thấy được mặc dù đa số các game truyền thống không giúp người chơi kiếm thêm được quá nhiều nguồn thu nhập nhưng vấn thu hút được đông đảo các gamer, vì có rất nhiều các thể loại cuốn hút và hấp dẫn như Moba, bắn súng FPS, sinh tồn, nhập vai,...
Còn đối với các game play-to-earn hiện nay hầu như thu hút được người chơi chỉ vì lợi nhuận mà nó mang lại, chứ thật sự không có quá nhiều tính chất giải trí. Chính vì thế, việc cải thiện thể loại game cũng như đồ họa và lối chơi là một nhân tố thiết yếu để giúp các tựa game này có thể phát triển bền vững và lâu dài hơn trong tương lai.
Cơ sở hạ tầng chưa đủ mạnh
Một trong những vấn đề hay gặp phải ở các tựa game play-to-earn đó chính là thường xuyên bị bảo trì. Vì các thao tác trong game sẽ đòi hỏi có một tốc độ xử lý cao cũng như đảm bảo tính ổn định trong suốt quá trình chơi. Do đó, để có thể đáp ứng được lượng người dùng ngày càng lớn trong tương lai, các dự án game play-to-earn cần có những nền tảng blockchain mới nhằm tối ưu hoá về tốc độ xử lý, chi phí cũng như độ ổn định của game.
Vốn đầu tư khá cao
Để tham gia được vào các dự án game play-to-earn, người chơi cần phải bỏ ra một số tiền đầu tư nhất định. Khoản đầu tư này nhiều hay ít sẽ tuỳ thuộc vào từng game và sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến hiệu suất chơi game cũng như khả năng kiếm tiền từ trò chơi ấy.
Ví dụ: Với tựa game quốc dân Axie Infinity, người chơi cần phải mua ít nhất 3 con thú Axie với mức giá tầm khoảng $600 trở lên thì mới có thể bắt đầu chơi game được. Ngoài ra, 1 trò chơi cũng khá hot trong thời gian gần đây chính là Metamon vì nguồn lợi nhuận khủng mà nó mang lại cho người chơi, tuy nhiên đi kèm với đó cũng là một khoảng đầu từ không hề nhỏ với hơn $4,000 cho 1 con Metamon.
Có thể thấy, đây là một rào cản tương đối lớn cho những người muốn trải nghiệm các game trên nền tảng blockchain vì nhiều người còn khá e ngại khi phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ chỉ để tìm hiểu một tựa game.
Do đó, game Thetan Arena vừa được ra mắt thời gian gần đây đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng crypto khi vừa áp dụng cơ chế play-to-earn kết hợp với free-to-play, cho phép người dùng có thể trải nghiệm trò chơi một cách hoàn toàn miễn phí trước khi bắt đầu đầu tư vào tựa game này. Có lẽ đây sẽ là một yếu tố mà các trò chơi play-to-earn nên thay đổi và áp dụng để có thể mở rộng phạm vi người dùng của mình.
Tiềm năng tương lai của Play to Earn
Sự phát triển mạnh của mảng Gaming
Một trong những yếu tố có thể thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực play-to-earn gaming đó chính là nhu cầu chơi game của người dùng. Theo báo cáo phân tích thị trường của Newzoo cho thấy, thị phần người chơi game truyền thống trên toàn cầu đã gia tăng đáng kể từ năm 2015. Tính đến thời điểm năm 2021 con số ấy đã đạt đến 2.96 tỷ người và được dự đoán sẽ chạm mốc 3.32 tỷ người vào năm 2024.
Điều đó có nghĩa là hiện đang có ⅓ người dân trên toàn thế giới chỉ chơi game với mục đích để giải trí là chính và đa phần sẽ không kiếm thêm được nguồn thu nhập qua những tựa game này. Chính vì thế, nếu các game blockchain xây dựng được thêm những thể loại hấp dẫn và cuốn hút người chơi hơn, kết hợp với yếu tố play-to-earn sẽ là một điểm cộng cực kỳ lớn giúp cho lĩnh vực này có thể bùng nổ mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Nhu cầu về DeFi
Một trong những điểm cuốn hút và nổi bật bất của blockchain gaming đó chính là yếu tố tài chính phi tập trung hay còn gọi là DeFi. Gần như tất cả mọi người trên thế giới đều sử dụng một hình thức hệ thống tiền tệ nào đó, có thể là ngân hàng truyền thống hay DeFi.
Theo báo cáo phân tích của Dune Analytics cho thấy, DeFi đang phát triển và được áp dụng với tốc độ đáng kinh ngạc với hơn 4 triệu người dùng và tăng trưởng liên tục trong thời gian qua.
Với việc ứng dụng yếu tố DeFi vào trò chơi của mình, các game play-to-earn dường như đã tạo ra một nền tài chính phi tập trung cho riêng mình, giúp cho người chơi có thể dễ dàng mua bán và trao đổi các vật phẩm trực tiếp với nhau mà không cần thông qua bất kỳ bên trung gian nào, tăng tính minh bạch cho game.
Liệu play-to-earn có phải là trend nhất thời?
Hầu như mọi người đều biết đến khái niệm play-to-earn nhờ sự phát triển mạnh mẽ của Axie Infinity vào giữa năm 2021 vừa qua, ngay khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới.
Khi ấy Axie Infinity nổi lên như một hiện tượng và trở thành vị cứu tinh cho người dân ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Philippines, khi giúp họ tạo ra được nguồn thu nhập trong thời gian thất nghiệp vì dịch bệnh. Đó cũng là lúc các trào lưu về game blockchain bắt đầu nở rộ và nhiều người cũng đặt ra câu hỏi rằng liệu đây có phải là một lĩnh vực tiềm năng mới hay chỉ là trend nhất thời trong mùa dịch?
Tuy nhiên, ta có thể thấy được play-to-earn là một lĩnh vực kết hợp được rất nhiều yếu tố như nhu cầu thị trường, tính ứng dụng của sản phẩm, đồng thời còn mang lại giá trị thu nhập cho người chơi. Chính vì thế, mình nghĩ game play-to-earn sẽ còn có thể tiến xa và phát triển mạnh hơn trong tương lai chứ sẽ không giống như các trend nhất thời như meme coin vừa qua.
Một số game P2E nổi bật hiện nay
Axie Infinity
Nhắc đến game play-to-earn thì không thể nào bỏ qua Axie Infinity, một tựa game đến từ Việt Nam phổ biến nhất trong lĩnh vực crypto. Dự án được lấy cảm hứng từ Pokémon này là một loại game chiến thuật, ở đó bạn sẽ sẽ điều khiển Axie của mình chiến đấu với đối thủ bằng các lá bài chức năng được phát sẵn.
Thông qua việc chơi game, bạn sẽ nhận được phần thưởng là các token SLP. Lượng SLP kiếm được từ Axie đã trở thành một trong những nguồn thu nhập chính của người dân ở các nước đang phát triển, đặc biệt trong đợt đại dịch COVID-19 vừa qua.
Thetan Arena
Thetan Arena cũng là một từ khoá khá hot trong cộng đồng crypto trong thời gian qua. Dự án tạo nên điểm khác biệt khi kết hợp cả 3 cơ chế play-to-earn, free-to-earn và cả free-to-play vào trò chơi của mình.
Thetan Arena cho phép các game thủ có thể bắt đầu trải nghiệm trò chơi hoàn toàn miễn phí bằng những tướng được cung cấp ở đầu game. Không những thế, các tướng này còn có thể giúp người chơi kiếm được THC - token của Thetan Arena - thông qua các phần thưởng thứ hạng. Tuy sẽ không nhiều bằng các tướng được mua trên marketplace nhưng phần nào đó sẽ góp phần mở rộng phạm vi người chơi đối với tựa game này.
Xem thêm: Hướng dẫn cách chơi game Thetan Arena kiếm tiền
Metamon
Metamon được cộng đồng crypto ví von là “game dành cho người giàu” vì người chơi phải đầu tư hàng trăm triệu đồng thì mới có thể bắt đầu tham gia trò chơi này. Đây là một tựa game được phát triển bởi dự án vũ trụ thực tế ảo – The USM Metaverse - cho phép người dùng mua bán, giao dịch hoặc mint (tạo trứng) ra những NFT dưới dạng Metamon Eggs.
Những trứng được tạo ra trong game hiện đang được bán trên marketplace với giá lên đến 80,000 RACA (~$400)/ trứng. Tuy rằng cần phải bỏ ra một số vốn lớn nhưng với lợi nhuận “khủng” mà Metamon mang lại thì tựa game này cũng đang tạo ra một sức hút mạnh trong cộng đồng crypto hiện tại.
Xem thêm: Cách chơi game Metamon kiếm tiền cho người mới từ A-Z.
Tổng kết
Như vậy, MarginATM đã chia sẻ với bạn về Play to earn là gì cũng như sự đột phá của nó trong thời gian qua. Tuy còn nhiều điểm hạn chế, nhưng với việc ứng dụng được các điểm mạnh của mình, play-to-earn được đánh giá không chỉ là trend nhất thời mà còn là một trong những lĩnh vực tiềm năng để có thể mở rộng và phát triển mạnh hơn trong tương lai.