Bong bóng hoa Tulip là gì? So sánh hội chứng hoa Tulip và Bitcoin
Vào thời điểm tháng 11/2021, Bitcoin đã đạt mức ATH mới là $69,000 - một con số khiến ai cũng bất ngờ. Điều này đã làm dấy lên nhiều tranh cãi xung quanh tương lai của đồng tiền điện tử này. Mặc dù hầu hết mọi người đều nhìn thấy tiềm năng của công nghệ blockchain, nhưng vẫn còn rất nhiều cá nhân khác gọi Bitcoin và tiền điện tử là bong bóng đầu tư hoặc thậm chí là một kế hoạch Ponzi thời hiện đại.
Một số người khác, như Jamie Dimon của JP Morgan Chase, thậm chí còn so sánh Bitcoin với cơn sốt hoa tulip xảy ra vào thế kỷ 17 ở Hà Lan. Và anh ấy không phải là người đầu tiên đưa ra sự so sánh này.
Vậy bong bóng hoa Tulip mà mọi người đang nhắc đến ở đây là gì?
Bong bóng hoa Tulip là gì?
Bong bóng hoa Tulip hay còn gọi là Tulipmania, được nhiều người chấp nhận như bong bóng kinh tế đầu tiên trong lịch sử tài chính toàn cầu. Sự kiện này xảy ra tại Hà Lan vào những năm đầu của thế kỷ 17 - thời kỳ hoàng kim của đất nước này với thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới.
Cho đến nay, câu chuyện về bong bóng hoa Tulip vẫn được coi là một phép ẩn dụ kinh điển cho các bong bóng kinh tế lớn được thúc đẩy bởi lòng tham và đầu cơ quá mức, khiến giá trị thực tế của một tài sản tăng vọt so với giá trị nội tại của bản thân nó.
Lịch sử của bong bóng hoa Tulip
Vào đầu thế kỷ 17, đất nước Hà Lan bước vào thời kỳ khi thu nhập bình quân đầu người tăng cao và nhanh chóng một trong những quốc gia giàu có nhất trên thế giới. Điều này được thúc đẩy bởi việc giao thương giữa Hà Lan và các thuộc địa của họ trải dài khắp các châu lục.
Trong khi đó, củ Tulip lần đầu tiên xuất hiện ở châu Âu vào cuối thế kỷ 16. Và không lâu sau đó, người dân Hà Lan bắt đầu nhận ra rằng những bông hoa này có thể dễ dàng chống chọi với khí hậu tương đối khắc nghiệt của đất nước họ và trồng rộng rãi.
Hoa tulip nhanh chóng trở nên phổ biến, không chỉ ở Hà Lan mà còn ở Pháp. Các thành viên của giới quý tộc Pháp sẵn sàng trả hàng trăm guilder (đơn vị tiền tệ của Hà Lan) để mua hoa tulip về trang trí trên váy. Không mất nhiều thời gian để mọi người bắt đầu kinh doanh và thu gom củ hoa tulip để kiếm lời.
Tuy nhiên, chỉ từ sau năm 1634, thị trường mới bắt đầu thực sự hỗn loạn. Trước đó đó, hầu hết những người tham gia buôn bán củ hoa tulip đều là những người trồng hoa tulip chuyên nghiệp hoặc những người giàu có. Nhưng từ năm 1634, rất nhiều người bắt đầu bỏ việc để trồng hoa tulip. Điều này dẫn đến không chỉ thị trường giao dịch củ hoa tulip mà còn cả hợp đồng tương lai hoa tulip - được sử dụng để có quyền mua củ hoa tulip trong tương lai, trở nên cực kỳ sôi động.
Những hợp đồng tương lai này sau đó thường được bán cho người khác và có thể được bán qua bán lại nhiều lần với giá cao ngất ngưởng: một giao dịch được ghi nhận vào năm 1635 liên quan đến 40 củ hoa tulip được bán với giá 100.000 guilder Hà Lan, tương đương với giá của một ngôi nhà sang trọng vào thời điểm đó.
Vào mùa đông năm 1636-1637, khoảng 5000 người đã tham gia buôn bán hoa tulip, tức là khoảng 1% dân số lao động lúc bấy giờ. Thời điểm đó, nhiều người coi việc buôn bán hoa tulip như một loại cờ bạc và đã lên tiếng chống lại nó.
Vào ngày 03/02/1637, thị trường hoa tulip đột nhiên sụp đổ. Trong vòng một tuần, giá củ hoa tulip đã giảm chóng mặt và nhiều thương nhân tìm cách bán các hợp đồng tương lai củ hoa tulip cho những người không có khả năng mua chúng.
Sau đó, thị trường hoa tulip ổn định trở lại, nhưng không bao giờ có thể quay lại thời kỳ hưng thịnh như trước được nữa.
Nguyên nhân sụp đổ của cơn sốt hoa Tulip
Khi hoa tulip trở nên phổ biến và nhu cầu ngày càng tăng cao, các nhà đầu cơ đã tham gia vào thị trường. Lúc này, mọi chuyện vẫn nằm trong tầm kiểm soát khi cung đáp ứng đủ cầu. Tuy nhiên chẳng bao lâu, vấn đề này đã vượt tầm kiểm soát khi rất nhiều người đua nhau đi trồng hoa tulip vì tâm lý FOMO.
Điều này đã thúc đẩy khối lượng giao dịch và đẩy giá hoa tulip lên gấp nhiều lần. Thời cao điểm, mọi người sẵn sàng trả 100.000 guilder cho 40 củ hoa tulip - gấp khoảng 10 lần lương làm việc một năm của một công nhân lành nghề.
Giao dịch hợp đồng tương lai hoa tulip cũng được mệnh danh là "tay cầm gió" vì người mở hợp đồng không thực sự sở hữu củ hoa tulip nào tại thời điểm mua. Thay vào đó, người ta ký hợp đồng mua hoa tulip trong tương lai, sau đó bán lại để thu lợi cao hơn. Có những lúc, hoa tulip đã đổi chủ mười lần trước khi được giao dịch thực sự.
Vào khoảng tháng 02/1637, nhiều người bắt đầu nhận ra rằng không có nguyên tắc cơ bản nào để duy trì giá của củ hoa tulip. Trên thực tế, "sự nhiệt tình của các nhà đầu tư" đã khiến giá trị thị trường của hoa tulip tăng gấp nhiều lần so với giá trị nội tại của nó đến mức nhiều người gọi đây là "sự phóng đại phi lý". Những người có kiến thức về hoa tulip bắt đầu rời khỏi thị trường và ngừng giao dịch các hợp đồng mua bán. Tại thời điểm cuối năm 1637, không ai sẵn sàng trả giá để mua những bông hoa tulip đắt đỏ nữa. Cầu giảm và thị trường sụp đổ.
Một ví dụ ở thị trường Việt Nam chính là những thương vụ tương tự như Lan đột biến, Bạch hải đường… Chúng bị thổi giá cực nhanh chỉ trong vài ngày lên tới vài tỉ, vài chục tỉ Việt Nam Đồng một cây và sau đó sụp đổ khiến rất nhiều nhà đầu tư mất trắng.
So sánh hội chứng hoa Tulip và Bitcoin
Bitcoin liệu có phải là phiên bản hiện đại của bong bóng hoa Tulip? Để giải đáp điều đó, bạn cùng MarginATM tìm hiểu những điểm so sánh dưới đây:
Quy mô và phạm vi thị trường
Thời kỳ đỉnh cao của cơn sốt hoa tulip, chỉ có khoảng 5.000 người tham gia vào giao dịch mua bán củ của loại hoa này và phạm vi chỉ diễn ra tại Hà Lan. Trong khi đó, Bitcoin có tầm ảnh hưởng lớn hơn và phạm vi người dùng trải dài trên toàn thế giới.
Bản thân sản phẩm
Củ hoa tulip là một sản phẩm vật chất đã có "thị trường cuối cùng": giới quý tộc sử dụng nó như một món hàng xa xỉ. Thậm chí nó còn là một xa xỉ phẩm dễ hư hỏng, dễ bị nhiễm bệnh và các mối nguy hiểm khác. Giá trị nội tại của một bông hoa tulip (chủ yếu là vẻ đẹp của nó) bị giới hạn, hoặc ít nhất là không thể so sánh được với giá mà người ta đã trả cho nó ở thời kỳ đỉnh cao của bong bóng hoa tulip.
Trong khi đó, Bitcoin là một token phi vật lý, được sử dụng nhằm mục đích thanh toán hoặc lưu trữ của cải. Nó vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công của các hacker hay mất private key, nhưng nó là cách lưu trữ của cải lâu bền hơn nhiều so với củ hoa tulip.
Bên cạnh đó, giá trị nội tại của Bitcoin là "đại diện cho những nỗ lực cần thiết để khai thác nó". Bất kỳ người nào có phần cứng đủ mạnh cũng có thể tạo ra đồng Bitcoin mới bằng cách xử lý các giao dịch. Đồng thời, họ cũng giao dịch Bitcoin để kiếm lợi nhuận. Do đó, nỗ lực này dẫn đến việc kích hoạt mạng lưới thanh toán trên toàn cầu, có thể đại diện cho một giá trị nội tại khá lớn. Đây là một trong những khía cạnh khiến tiền điện tử trở thành một hiện tượng hoàn toàn khác so với củ hoa tulip.
Nguồn cung
Không giống như với củ hoa tulip, Bitcoin có tổng cung là 21 triệu BTC. Mặc dù hiện nay có rất nhiều đồng coin mới ra đời với công nghệ tiên tiến hơn Bitcoin, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn sẽ chọn Bitcoin vì tên tuổi của nó.
Ngoài ra, một số người lo ngại rằng hard fork diễn ra 4 năm 1 lần của Bitcoin cũng làm tăng tổng nguồn cung BTC hiện nay. Về mặt lý thuyết, điều này là có thể là đúng, bằng cách tạo ra nhiều token hơn cho các nhà đầu tư mới lựa chọn. Mặc dù vậy, tổng số tiền đầu tư vào thị trường tiền điện tử sẽ không bị thay đổi bởi một đợt fork. Ngoài ra, số lượng Bitcoin "thật" đang lưu thông trên thị trường sẽ không bị ảnh hưởng.
Các nhà đầu tư đang đầu tư BTC trong một khoảng thời gian dài cũng có thể là một yếu tố lớn làm giảm nguồn cung BTC có sẵn. Ở Mỹ và một số quốc gia khác, việc bán Bitcoin và quy đổi thành tiền tệ fiat sẽ khiến nhà đầu tư phải chịu thuế. Nếu các nhà đầu tư này tiếp tục giữ khoản đầu tư của mình sẽ khiến tổng nguồn cung bị thắt chặt, khó có thể đẩy giá BTC tăng hoặc giảm đột ngột trong một thời gian ngắn như bong bóng hoa tulip.
Hợp đồng tương lai và các công cụ phái sinh
Trong hội chứng hoa tulip, các hợp đồng tương lai là chất xúc tác quan trọng dẫn đến bong bóng đầu cơ. Còn đối với Bitcoin, đã tồn tại các thị trường hợp đồng tương lai và thị trường phái sinh. Mặc dù vậy, các loại hợp đồng phái sinh này thường được giao dịch với mức phí ký quỹ lớn so với giá Bitcoin và không được coi là một lựa chọn thay thế nghiêm túc cho việc sở hữu Bitcoin thật.
Tìm hiểu thêm về Thị trường phái sinh và công cụ phái sinh trong crypto.
Kết luận
Rõ ràng, có rất nhiều khía cạnh khác biệt giữa Bitcoin và hội chứng hoa Tulip. Công nghệ phát triển nhanh hơn nhiều so với thực vật tự nhiên và mạng lưới phi tập trung có nhiều lợi ích tài chính hơn là một bó hoa. Mặc dù thị trường tiền điện tử vẫn còn rất sơ khai, nhưng với NFT và DeFi, blockchain rõ ràng là tương lai của ngành công nghiệp Fintech chứ không phải là bong bóng hoa Tulip như nhiều người vẫn nói.