Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

“Làn sóng” cắt giảm nhân sự bắt nguồn từ đâu?

Nếu như 2021 là một năm bùng nổ và đáng nhớ của lĩnh vực crypto thì 2022 lại là cảnh tượng ảm đạm của các đồng coin.
Avatar
quynhnguyen
Published Jun 19 2022
Updated Oct 19 2022
15 min read
thumbnail

Nếu như 2021 là một năm bùng nổ và đáng nhớ của lĩnh vực crypto thì 2022 lại là cảnh tượng ảm đạm của các đồng coin. Các yếu tố vĩ mô không mấy khả quan cùng những điều kiện tiêu cực đã tạo ra sức ép và đẩy thị trường lâm vào downtrend. 

Trong bối cảnh bear market, tâm lý nhà đầu tư trở nên sợ hãi tột độ, đã có không ít các công ty thua lỗ và “hiệu ứng” cắt giảm nhân sự đồng loạt diễn ra. Vậy “làn sóng” này bắt nguồn từ đâu và tác động thế nào đến các builder trong lĩnh vực crypto? Hãy cùng mình tìm hiểu qua bài viết này nhé! 

Bối cảnh kinh tế vĩ mô và điều kiện thị trường

Làn sóng sa thải nhân sự của các công ty crypto lớn trên thế giới diễn ra trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trở nên tiêu cực. Trước hết đó là vấn đề lạm phát tiếp tục gia tăng lập đỉnh với mốc 8.6% tại Mỹ. Con số này được Cục Thống kê Lao Động Mỹ công bố vào ngày 10/6. Trên thực tế con số này lớn hơn 0.3% so với mức nhiều chuyên gia dự đoán (8.3%) trước đó. Đồng thời đây cũng là mức kỷ lục chưa từng có trong 4 thập kỷ qua kể từ 1981. 

Chỉ số CPI của Mỹ tăng chạm đỉnh 8.6%

Tình hình lạm phát gia tăng đã gây áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang, khiến cơ quan này phải đưa ra các quyết định tăng lãi suất để kìm hãm chỉ số trên và ổn định nền kinh tế. Cuộc họp FOMC diễn ra vào ngày 16/5 đã kết thúc với việc lãi suất chuẩn được nâng lên 0.75%. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Theo kỳ vọng, lãi suất chuẩn của Fed sẽ kết thúc năm ở mức 3.4%, tăng 1.5% so với ước tính. 

Đáng chú ý là, sau khi Mỹ công bố lạm phát, Bitcoin đã chứng kiến cú giảm 23% cùng với màu đỏ của các chỉ số chứng khoán. Tuy nhiên, sau thềm cuộc họp tăng lãi suất của FED, Bitcoin và thị trường tiền điện tử dường như có những điều chỉnh hoàn toàn đối lập so với trước đó. Cụ thể, đồng tiền vua đã tăng hơn 2,000 giá (10%) lên vùng 22,000 USD kéo theo cú pump mạnh của hàng loạt altcoin.

Fed tăng lãi suất lên 0.75%, theo dự kiến sẽ kết thúc năm ở mức 3.4%.

Thế nhưng, xét về các yếu tố vĩ mô, thị trường crypto vẫn chịu các tác động từ ảnh hưởng của cuộc chiến Nga-Ukraine. Mặc dù chiến tranh giữa hai quốc gia này đã diễn ra từ đầu năm 2022 nhưng cho đến thời điểm hiện tại, căng thẳng địa chính trị này vẫn chưa được giải quyết trong êm xuôi. Theo các nguồn tin cho biết Ukraine tiếp tục yêu cầu viện trợ thêm vũ khí chiến đấu để phục vụ cho cuộc chiến. Có thể thấy, chiến tranh chưa đi vào hồi kết là một tín hiệu tiêu cực cho toàn bộ nền kinh tế và tất cả các doanh nghiệp. 

Tác động của chiến tranh xảy ra là dẫn đến các động thái trừng phạt của Mỹ và khối nước đồng minh nhắm về phía Nga. Chính điều đó đã khiến giá nhiên liệu, đặc biệt là dầu tăng cao đột biến khi lượng cung không đủ đảm bảo đáp ứng nhu cầu. Giá cả năng lượng có lẽ là một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng lạm phát tăng cao. 

Ở một khía cạnh khác, Trung Quốc đang gặp những thách thức trong việc thực hiện chính sách mở cửa hậu đại dịch Covid-19. Theo Bloomberg, quốc gia này phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch ở Thượng Hải và Bắc Kinh. Có lẽ việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng phần nào khiến giá dầu tăng lên. 

Các yếu tố kinh tế vĩ mô tiêu cực đã tác động đáng kể đến hầu hết các thị trường tài chính và crypto cũng không là ngoại lệ. Nhiều người cho rằng thị trường tiền điện tử đã có màn khởi đầu 2022 không mấy tốt đẹp. Cho đến thời điểm hiện tại, toàn bộ không gian vẫn chìm ngập trong màu đỏ, Bitcoin có động thái sideway quanh vùng 20,000 USD đến 22,000 USD mà chưa thể bật mạnh. Thị trường ảm đạm khiến tâm lý nhà đầu tư không tránh khỏi sợ hãi tột độ.

Bitcoin hiện rớt về vùng giá 18,000 USD, nhiều altcoin giảm mạnh.

Điều đặc biệt là trong bối cảnh đó, hàng loạt FUD tràn ngập liên quan đến nhiều dự án lớn. Gần đây nhất có lẽ không thể bỏ qua vụ việc của Celsius, thông báo tạm ngừng rút tiền trên ứng dụng trước tin đồn đứng bên bờ vực phá sản. Bên cạnh đó là lùm xùm liên quan đến quỹ đầu tư Three Arrows Capital khi phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ và bị thanh lý tài sản.

Như vậy, có thể thấy bối cảnh kinh tế vĩ mô lẫn điều kiện thị trường dường như đều mang đến những sức ép lớn cho các dự án trong lĩnh vực crypto. Chính điều đó đã dẫn đến động thái sa thải nhân sự của không ít công ty lớn, tạo nên hiệu ứng domino kéo theo hàng loạt nền tảng tuyên bố đóng băng tuyển dụng.

“Làn sóng” cắt giảm nhân sự của các công ty crypto

Thị trường đi vào downtrend phải chăng là thời điểm hàng loạt công ty sa thải bớt số lượng nhân sự. Trong đó phải kể tên những cái tên lớn như Coinbase hay Gemini là các sàn giao dịch tiên phong về động thái này. 

Trước hết đó là thông báo của các nhà sáng lập Gemini vào ngày 2/6, Cameron và Tyler Winklevoss về việc cắt giảm 10% số lượng nhân viên của mình. Được biết, sự việc này có liên quan đến khối lượng giao dịch thấp của sàn, chiếm ít hơn 2% thị phần. Tuy nhiên, về phía sàn không tiết lộ thông tin cụ thể sẽ cắt giảm số lượng bao nhiêu nhân sự. Đây được cho là lần đầu tiên Gemini thông báo về việc sa thải nhân viên kể từ khi thành lập vào năm 2014. 

Sàn Gemini sa thải 10% nhân sự.

Nối tiếp Gemini, Coinbase - một trong những sàn giao dịch crypto lớn hàng đầu nước Mỹ cũng đã thông báo cắt giảm 1,100 nhân sự (chiếm khoảng 18%). Đội ngũ nhân viên của Coinbase đã tăng gấp bốn lần trong vòng 18 tháng qua với khoảng 5,000 nhân viên. Trong một thông báo ngày 14/6, Giám đốc điều hành của Coinbase - Brian Armstrong đã đưa ra quyết định sa thải bớt nhân viên để đảm bảo duy trì tính ổn định của sàn giao dịch trong thời kỳ suy thoái kinh tế này. 

Trước đó Coinbase đã chịu khoản lỗ khoảng 430 triệu USD trong doanh thu Q1/2022. Cụ thể, công ty tiết lộ rằng họ đã thu về 1.17 tỷ USD doanh thu trong 3 tháng đầu năm. Theo đó, con số này thấp hơn rất nhiều so với 2.5 tỷ USD đã đạt được trong Q4 năm 2021. Thậm chí, nó còn thấp hơn cả so với mức dự đoán được nhiều nhà phân tích đưa ra trước đó cho Q1 là 1.5 tỷ USD. Hơn nữa giá cổ phiếu COIN của Coinbase cũng chứng kiến sự lao dốc trong thời gian gần đây.

Trong bối cảnh đó, đối với Coinbase, việc cắt giảm nhân sự là cấp thiết để giúp sàn hoạt động ổn định trong thời gian biến động này. Hơn nữa, điều đó còn là để hạn chế các chi phí trả cho nhân viên, tiết kiệm khoản tiền bỏ ra quá lớn trong khi doanh thu kiếm về lại thua lỗ. 

Bên cạnh các sàn lớn như Coinbase, Gemini, vào ngày 13/6 nền tảng cho vay tiền điện tử có trụ sở tại New York - BlockFi cũng đã thông báo công ty đang trong quá trình cắt giảm nhân sự, sa thải khoảng 20% nhân viên. Theo tuyên bố của đồng sáng lập công ty -  Zac Prince và Flori Marquez cho biết các điều kiện thị trường đã tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng của công ty. Theo đó, BlockFi đang cắt giảm chi tiêu cho hoạt động tiếp thị và cắt giảm 20% nhân sự

BlockFi cắt giảm 20% nhân sự.

Ngoài ra một số công ty khác trong lĩnh vực này như Bitso, sàn giao dịch crypto lớn nhất Mexico, vừa cắt giảm 10% nhân viên của họ. Hay Buenbit, một sàn giao dịch tiền điện tử có trụ sở tại Argentina cũng đã sa thải 45% nguồn nhân lực hiện có.

Có lẽ trong tình hình bear market, động thái lần lượt thông báo cắt giảm nhân sự của các công ty lớn là điều có thể dự đoán được. Chính điều đó đã tạo “hiệu ứng” domino khiến thực trạng này xảy ra hàng loạt. Điều này phần nào khiến tâm lý thị trường trở nên tiêu cực hơn và tác động đến không ít các builder trong lĩnh vực crypto.

Niềm tin của các dự án lớn 

Thị trường biến động cũng là lúc để các dự án lớn tập trung build cho các kế hoạch tiềm năng chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sắp tới. Bất chấp nhiều công ty sa thải nhân sự, nhiều nền tảng vẫn có các động thái tích cực, tiếp tục tuyển dụng. 

Trong đó phải kể đến sàn giao dịch lớn nhất thế giới Binance với tuyên bố của CZ: “Mùa đông tiền điện tử là thời điểm tốt để tuyển dụng và mua lại”. Ông chủ Binance tin rằng mùa đông tiền điện tử (crypto winter) là thời điểm tốt nhất để tăng cường đầu tư và thu hút những tài năng mới đến với nền tảng này. 

 

Hơn nữa, CZ cũng cho biết sàn đang mở hơn 2,000 vị trí tuyển dụng trong hiện tại. Binance cũng vô cùng thận trọng với kế hoạch marketing cho các dịch vụ của mình. Trong đó bao gồm cả chiến dịch quảng cáo tại SuperBowl hoặc nhận quyền đặt tên ở các địa điểm thể thao khác nhau. Gần đây, CZ đã ghé thăm nhiều quốc gia trên thế giới và bao gồm cả Việt Nam để thảo luận về tương lai của công nghệ blockchain.

Ngoài ra, CEO sàn FTX, Sam Bankman-Fried đã tuyên bố rằng sàn giao dịch sẽ tiếp tục phát triển dịch vụ của mình và không đóng băng việc tuyển dụng nhân sự bất chấp thị trường downtrend. 

Trên trang Twitter chính thức của mình, Sam đã giải thích rằng sàn giao dịch sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động của họ và tuyển dụng các nhân viên mới giống như thời điểm thị trường crypto tích cực hơn vào trước đó. 

Vào ngày 7/6, Sam cũng nhấn mạnh rằng công ty của anh đã giảm tốc độ tuyển dụng. Tuy nhiên, anh cho rằng điều này không phải do thiếu hụt về nguồn vốn mà là nhằm đảm bảo rằng các thành viên trong công ty có thể có đủ thời gian để hướng dẫn nhân viên mới một cách hợp lý. Trước đó, CEO FTX cũng đã tuyên bố rằng sàn chuẩn bị chi hàng tỷ USD cho các thương vụ mua lại sắp tới. 

Hay mới đây, Kraken và Polygon là hai nền tảng tiếp tục mở rộng kế hoạch tuyển dụng giữa bối cảnh thị trường ngày càng suy thoái. Cụ thể, sàn giao dịch lớn ở khu vực Bắc Mỹ - Kraken đã tiết lộ cần lấp đầy hơn 500 vị trí nhân sự trong thời gian tới. 

Trong khi đó Polygon cho biết sẽ chiêu mộ thêm ít nhất 50 nhân sự có kinh nghiệm trên khắp thế giới. Điều này được hé lộ trong một tin tuyển dụng đăng tải vào ngày 16/6 của nền tảng này.

Nhận định

Downtrend có lẽ là thời điểm các công ty trong lĩnh vực crypto tranh thủ cắt giảm các chi phí của mình. Vì thế việc đóng băng tuyển dụng hay sa thải nhân viên theo mình là một điều dễ hiểu. Điều này có thể giúp họ tiết kiệm được đáng kể các khoản tiền chi trả cho nhân viên, hạn chế chi tiền ra trong khi nguồn doanh thu nhận về không mấy khả quan. 

Hơn nữa, đối với nhiều dự án, đây là giai đoạn họ đã build xong những sản phẩm cốt lõi trên nền tảng và đi qua những cột mốc tập trung nguồn lực mạnh mẽ để phát triển chúng. Bởi vậy, thị trường giảm mạnh cũng chính là lúc họ cắt giảm bớt nhân sự của mình đi.

Nhìn chung, thời điểm bear market cũng chính là lúc để thanh lọc các dự án bánh vẽ ra khỏi thị trường để nhường chỗ cho các dự án có giá trị thực sự. Giai đoạn này, những dự án “chân chính” sẽ tập trung để phát triển những sản phẩm tiềm năng của họ. 

Đồng thời đây cũng là lúc để các công ty trong ngành công nghiệp tiền điện tử tranh thủ tìm kiếm các builder thực sự tâm huyết và chiêu mộ họ về “cùng chung nhà”. Theo mình, lúc thị trường có dấu hiệu suy thoái, những builder chán nản sẽ rời bỏ crypto và công việc của mình. Chính vì vậy nhiều công ty sẽ cần tuyển dụng để lấp đầy các chỗ trống này. Đó cũng chính là cơ hội dành cho những ai muốn tham gia vào lĩnh vực tiền điện tử.

RELEVANT SERIES