Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

5 cú sập gây rúng động giới tiền mã hóa

Nối tiếp chuyên mục Sự Lạ Crypto, MarginATM sẽ bật mí cho các bạn những sự thật thú vị của thế giới tiền mã hóa với 5 cú sập gây rúng động trong crypto.
uyntran.web3
Published Nov 27 2022
Updated Jun 26 2024
14 min read
5 cú sập trong giới crypto

Năm 2022 thực sự là quãng thời gian đầy gian nan với nhà đầu tư. Không chỉ thời kỳ downtrend dai dẳng, chúng ta còn phải đối mặt với hàng loạt biến cố. Để khép lại những khó khăn đó, hôm nay chúng ta sẽ cùng điểm lại 5 tổ chức tỷ đô từng sụp đổ trong năm 2022 và những năm qua.

Họ từng ở trên đỉnh cao như thế nào và sụp đổ ra sao? Hãy cùng khám phá ở bài viết sau đây nhé.

Cú ngã của vua Bitcoin Mt. Gox

Nhắc đến những cú sập kinh hoàng của crypto, ta không thể không nhắc đến Mt. Gox. Lúc bấy giờ, Mt. Gox là sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới. Sự sụp đổ của Mt. Gox theo đó cũng được coi là một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất lịch sử.

mtgox bị hack
Mt.Gox gặp hạn sau vụ hack nghiêm trọng

Đầu năm 2014, Mt. Gox xác nhận 850,000 Bitcoin đã không cánh mà bay khỏi sàn. Lúc bấy giờ, 850,000 Bitcoin có giá 450 triệu USD. Xét tỷ giá hiện tại, số tiền bị mất lên đến 13.4 tỷ USD. Đây không phải lần đầu sàn Bitcoin hàng đầu thế giới bị hacker viếng thăm. Tháng 6/2011, Mt. Gox cũng bị lấy đi khoảng 8.75 triệu USD.

Dù vậy, vụ hack năm 2014 đã một bước kéo sập Mt. Gox. Mark Karpeles, CEO Mt. Gox đã lên tiếng xin lỗi khách hàng trong buổi họp báo tại Tokyo (Nhật Bản). “Những yếu kém trong hệ thống đã khiến Bitcoin của chúng tôi bị đánh cắp”, Karpeles phát biểu.

Mãi đến tháng 7/2021, cơ quan pháp luật Mỹ mới bắt giữ được nghi phạm trong vụ hack. Alexander Vinnik, CEO sàn giao dịch Bitcoin BTC-e bị cáo buộc tấn công Mt. Gox rồi rửa tiền trên sàn giao dịch của mình.

tiền của chúng tôi đâu mt gox
Biểu ngữ của người dùng: "Tiền của chúng tôi đâu?"

Việc Mt. Gox phá sản không ảnh hưởng tiêu cực đến giá Bitcoin. Trái lại, sàn giao dịch đã có cơ hội trả nợ cho khách hàng nhờ Bitcoin tăng. Tài sản và nợ của Mt. Gox được ấn định theo giá đồng yen, trong khi đó số Bitcoin còn lại trên sàn tăng vọt từ 400 USD lên hơn 4,000 USD. Một số chủ nợ của Mt. Gox hy vọng sẽ được trả nợ bằng Bitcoin. Tuy nhiên, luật pháp Nhật Bản quy định khách hàng chỉ được nhận lại số tiền tương đương giá Bitcoin năm 2014.

Ngày 15/3/2021, cựu CEO sàn Mt. Gox bị Tòa án Nhật Bản tuyên án 2.5 năm tù treo với tội danh giả mạo hồ sơ tài chính công ty và thao túng dữ liệu. Karpeles không bị kết tội tham ô do không đủ bằng chứng.

advertising

BitConnect - vụ lừa đảo thế kỷ

Không phải ngẫu nhiên BitConnect được mệnh danh là cú lừa thế kỷ trong lĩnh vực tiền mã hóa. Thủ đoạn tinh vi cùng độ ảnh hưởng đáng kể đã khiến hàng loạt nhà đầu tư mắc bẫy và chịu thiệt hại nặng nề. Ước tính hàng chục nghìn người Việt đã trở thành nạn nhân của BitConnect.

BitConnect được biết đến bởi mô hình cho vay lãi suất cao. Tuy nhiên, tiền lời sẽ về tay người dùng thay vì sàn. Cụ thể, người dùng sẽ cho người dùng khác vay tiền và hưởng lãi suất 30-40% mỗi tháng. Trong khi lãi suất ngân hàng thông thường chỉ vào khoảng 7-8%/năm, mức lợi nhuận khủng của BitConnect đã thu hút nhiều nhà đầu tư trên thế giới.Mô hình đa cấp của BitConnect khiến nhiều người sa bẫy.

bitconnect lừa đảo
Mô hình đa cấp của BitConnect khiến nhiều người sa bẫy

Nhận thấy dấu hiệu bất thường, các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới đã lên tiếng cảnh báo cộng đồng. Vitalik Buterin, nhà sáng lập Ethereum, tuyên bố bất kỳ hình thức huy động tài chính nào có lãi suất cao hơn 1%/ngày đều là ponzi.

Và sự thật đúng là như vậy. Sau khi BitConnect sụp đổ, người dùng mới nhận ra chương trình đầu tư lãi suất cao của BitConnect chỉ là trò lừa đảo. BitConnect hứa hẹn cung cấp lợi nhuận cao bằng cách lấy tiền của nhà đầu tư mới trả cho nhà đầu tư trước. Nếu bạn cảm thấy hình thức này có chút “quen quen”, đây chính xác là định nghĩa của mô hình đa cấp ponzi.

Ngày 4/1/2018, Ủy Ban Chứng khoán Texas ra lệnh cho BitConnect dừng hoạt động khẩn cấp do vướng cáo buộc đầu tư gian lận và lừa đảo. Website của BitConnect sau đó liên tục hiển thị thông báo bảo trì và nâng cấp hệ thống. Ngày 17/1, BitConnect tuyên bố dừng hoạt động và đóng sàn giao dịch. Hàng loạt nhà đầu tư không thể rút tiền về và chịu cảnh trắng tay.

Dù không có số liệu thống kê cụ thể, số lượng người Việt là nạn nhân của BitConnect không hề nhỏ. Các group Facebook liên quan đến BitConnect thời điểm đó luôn xôn xao bàn luận về hệ thống lừa đảo này.

google trends bitconnect
Số lượt tìm kiếm BitConnect tăng vọt sau vụ việc. Nguồn: Google Trends

Số lượt tìm kiếm về BitConnect cũng tăng đột biến, kèm theo các từ khóa liên quan là “giá Bitcoin giảm mạnh”, “Bitcoin rớt giá”, BitConnect bảo trì”. Theo dữ liệu Google Trends, Việt Nam là quốc gia tìm kiếm Bitconnect nhiều thứ hai sau Kosovo.

Thảm họa LUNA 40 tỷ USD

Sự sụp đổ của LUNA là một trong những sự kiện chấn động của thị trường tiền mã hóa. Khó có ai ngờ được một token đang ở mức giá hơn USD lại gần như không còn giá trị trong thời gian ngắn ngủi.

Terra ra đời năm 2018. Sau 4 năm, Terra đã đạt được một số thành công nhất định. UST trở thành đồng stablecoin phi tập trung lớn nhất thị trường. Trong khi đó, Terra vươn lên thành hệ sinh thái có tổng giá trị tài sản bị khóa (TVL) lớn thứ hai sau Ethereum.

luna khiến nhiều người phá sản
LUNA, dự án từng được nhiều người tin tưởng bị thiêu rụi trong chớp mắt

Mất 4 năm để gây dựng nhưng mọi thứ đã vỡ vụn chỉ trong 4 ngày. Ngày 12/5, LUNA rơi tự do, giảm 98% trong vòng 24h. Đến ngày 13/5, giá LUNA chia khoảng 12 triệu lần so với mức cao nhất mọi thời đại 119.18 USD.

Bể máu LUNA bắt đầu vào ngày 9/5 với một loạt tin xấu xung quanh UST. Thời điểm đó, Terraform Labs rút về 150 triệu UST thanh khoản từ Curve Finance. Một phút sau, hàng trăm triệu UST bị swap sang USDC khiến pool thanh khoản mất cân bằng trầm trọng.

Đồng thời, 108 triệu UST được nạp lên sàn Binance. Đây là con số lớn nhất được ghi nhận từ trước tới nay. Sự trùng hợp này khiến một số người suy đoán vụ tấn công do một tổ chức nào đó đứng sau hoặc thậm chí do chính nhà sáng lập Do Kwon đạo diễn.

Ngoài ra, một lượng tiền lớn cũng chảy ra khỏi Anchor Protocol, nền tảng cho vay chính của Terra. Trong 3 ngày, 5 tỷ UST bị rút khỏi giao thức. Con số tăng lên 10 tỷ UST một tuần sau đó. Khi nguồn cung quá lớn, UST không thể giữ được peg và lao dốc với tốc độ chóng mặt.

Đọc thêm: LUNA và bài học lớn cho các nhà đầu tư

Bong bóng nợ Three Arrows Capital

Three Arrows Capital (3AC) từng là quỹ đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực tiền mã hóa. Điều gì đã khiến một quỹ với quy mô 10 tỷ USD đi đến bờ vực phá sản? Câu trả lời chính là lòng tham quá lớn.

3ac phá sản sau luna
Mong muốn gỡ gạc khiến Three Arrows Capital chìm trong biển nợ

Năm 2012, Su Zhu và Kyle Davies thành lập 3AC tại Singapore. 3AC ban đầu chỉ hoạt động  giao dịch trong mảng tài chính truyền thống. Năm 2017, 3AC quyết định chuyển đổi mô hình sang đầu tư phát triển tiền mã hóa. Công ty sử dụng tiền từ các nhà đầu tư khác để đầu tư, sau đó chia lợi nhuận cho các bên tham gia. Mô hình hoạt động của 3AC tương đối linh hoạt và đôi khi có thể nói là kém minh bạch.

Với khẩu vị đầu tư rủi ro cao, 3AC đã tự đào hố chôn mình khi liên tiếp đặt những đòn bẩy lớn. Sự kiện mở màn cho thảm kịch của 3AC là cú sập kinh hoàng của LUNA. Theo một số nguồn tin, 3AC đã tự ý đem tiền của các nhà đầu tư mua LUNA và rót vào Anchor Protocol để nhận lãi suất 20%/năm.

trụ sở 3ac
Trụ sở bị bỏ hoang của Three Arrows Capital ở Singapore. Nguồn: Bloomberg

Khi Anchor không chịu nổi cú sốc LUNA, hơn 600 triệu USD của 3AC tan thành mây khói. 200 triệu USD Davies đốt vào LUNA hồi tháng 2 cũng về với cát bụi. 3AC đã vay thêm tiền để bù đắp khoản lỗ lớn. Tuy nhiên, họ không dừng lại ở đó.

Mất khoản đầu tư khổng lồ, 3AC sử dụng chiến lược đòn bẩy để gỡ gạc lại. 3AC mua số lượng lớn Grayscale Bitcoin Trust (GBTC). Tuy nhiên, khi giá GBTC lao dốc, 3AC buộc phải thanh lý toàn bộ số lượng GBTC. Bên cạnh đó, 3AC cũng đầu tư số ETH trị giá 660 triệu USD vào Lido Finance để nhận lại stETH. Trớ trêu thay, stETH lại chung số phận mất peg.

Gần như không có công ty nào muốn mua lại 3AC, đặc biệt là khi quỹ này trong trạng thái nợ chồng nợ không xác định. Cuối cùng, 3AC nộp đơn phá sản theo Chương 15. Hai nhà sáng lập cũng rời khỏi trụ sở ở Singapore và nhiều lần bị cáo buộc không hợp tác thanh lý tài sản.

Đọc thêm Hành trình “phá sản" của Three Arrows Capital (3AC)

Đế chế điêu tàn FTX

Thảm họa FTX với nhiều người còn gây sốc hơn cả cái tên LUNA. FTX không chỉ là sàn giao dịch tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới mà còn là đứa con của Sam Bankman-Fried, người có sức ảnh hưởng hàng đầu trong giới.

Trước sự cố, Bankman-Fried được mệnh danh là anh hùng giải cứu thị trường. Bankman-Fried thành công ghi tên vào danh sách những gương mặt nổi bật dưới 30 tuổi của Forbes. Cái tên Sam Bankman-Fried cùng logo của FTX xuất hiện ở mọi nơi, từ những chiếc xe đua F1 cho đến sân đấu bóng rổ ở Miami.

ftx phá sản khiến sam trắng tay
Sam Bankman-Fried từ anh hùng thành kẻ trắng tay

Bankman-Fried nổi tiếng với khoản cứu trợ lên đến hàng tỷ USD. Giữa lúc thị trường chao đảo, FTX lại mạnh tay chi tiền mua lại các công ty gặp khó khăn như BlockFi, Voyager Digital, Celsius Network,… nhằm “ngăn chặn làn sóng khủng hoảng thanh khoản lây lan”. Có lẽ Bankman-Fried cũng không ngờ cơn bão thanh khoản đó sẽ rơi trên đầu mình.

Dấu hiệu của thảm họa xuất hiện vào đầu tháng 11. Trang Coindesk tung báo cáo tài chính của Alameda Research cho thấy token FTT của FTX chiếm phần lớn tài sản của quỹ đầu tư này. Alameda cũng là công ty do Bankman-Fried lập ra vào năm 2017. Điều này đặt ra dấu chấm hỏi lớn về quan hệ giữa hai công ty dù Bankman-Fried luôn khẳng định họ hoạt động độc lập.

Đọc thêm: Hành trình phá sản của FTX

Vài ngày sau, Changpeng Zhao (CZ), nhà sáng lập sàn Binance tuyên bố sẽ bán toàn bộ FTT. Tiếp đến là các cáo buộc FTX và Alameda lạm dụng tiền gửi của người dùng tràn lan khắp những phương tiện truyền thông. Những ngày đó gần như là địa ngục với FTX. Niềm tin đổ vỡ, người dùng đổ xô rút hơn 6 tỷ USD khỏi sàn trong 3 ngày. Đến ngày 8/11, FTX vỡ trận và chặn người dùng rút tiền. 3 ngày sau, FTX chính thức đệ đơn phá sản, Bankman-Fried cũng rời ghế CEO. Ngoài 134 công ty liên kết trực tiếp với FTX, một số dự án đã nối gót FTX nộp đơn phá sản.

dự án liên kết với ftx
Những dự án lớn có liên kết với FTX. Nguồn: Bloomberg

Chỉ trong vòng chưa đến một tuần, giá trị tài sản của nhà sáng lập FTX bốc hơi hoàn toàn từ mức 16 tỷ USD. Trong hồ sơ phá sản, FTX có hơn 1 triệu chủ nợ. 50 chủ nợ lớn nhất đang chờ FTX thanh toán 3.1 tỷ USD.

Hóa ra mọi thứ xung quanh Bankman-Fried trước nay đều là lớp vỏ “hão”. Theo Forbes, một nửa tài sản của Bankman-Fried đến từ FTX, mà tài sản của FTX lại phụ thuộc vào những token kém thanh khoản cùng các khoản vay thế chấp. Trong cuộc phỏng vấn ngày 15/11, chính nhà sáng lập FTX thừa nhận những hành động tốt đẹp trước đây chỉ nhằm đánh bóng hình tượng hào nhoáng.

Đọc thêm: Bài học kinh nghiệm sau sự sụp đổ của FTX

Tổng kết

5 cái tên kể trên đều là những tổ chức lớn, thậm chí từng tạo lập đế chế riêng trong lĩnh vực của họ. Ngay cả khi chúng ta không ngờ được họ sẽ ngã xuống, thực tế chứng minh không gì là không thể xảy ra và hiệu ứng domino rõ ràng vô cùng tàn khốc khi ngày ấy đến. Thảm họa LUNA là ví dụ điển hình. Không kể đến các tổ chức nhỏ, quỹ đầu cơ hàng đầu Three Arrows Capital đã bị thua lỗ nghiêm trọng để rồi sa ngã giữa những khoản đầu tư nguy hiểm.

Ngoài ra, đế chế FTX thực tế đã rạn nứt từ sau cú sập LUNA. Alameda cũng không nằm ngoài bão lớn và phải liên tiếp nhận chi viện từ FTX. Bản án tử của FTX đã được định sẵn, chỉ là đến chậm hơn những tổ chức khác. Bài học dành cho nhà đầu tư là hãy luôn cảnh giác với mọi dự án dù là có vẻ đáng tin cậy nhất. Bên cạnh đó, nhà đầu tư không nên để trứng vào cùng một giỏ và cố bắt đáy trong những biến cố lớn.

Đọc thêm: TOP 5 Triệu Phú Crypto Tuổi Teen

RELEVANT SERIES