Hợp đồng tương lai vĩnh cửu là gì? Tại sao giới trader ưa chuộng đến thế?
Hợp đồng Tương lai Vĩnh cửu là gì?
Hợp đồng Tương lai Vĩnh cửu (hay còn gọi là Perpetual Futures Contract) là một loại hợp đồng tương lai đặc biệt. Không giống như hình thức truyền thống của Hợp đồng Tương lai, Hợp đồng Tương lai Vĩnh cửu không có thời hạn thực hiện. Vì vậy, trader có thể giữ một vị thế bao lâu tùy ý.
Ngoài ra, các Hợp đồng Tương Lai Vĩnh cửu được thực hiện dựa trên Chỉ số giá (Index Price) chứ không phải là tài sản cơ sở. Chỉ số giá này gồm giá trung bình của một tài sản theo giá Spot và Khối lượng giao dịch tương đối của tài sản đó.
Do đó, các Hợp đồng Tương lai Vĩnh cửu thường được giao dịch với mức giá ngang bằng hoặc gần giống với thị trường Spot.
Nhiều bạn vẫn chưa biết về Hợp đồng tương lai (Futures Contract) thì mình sẽ giải thích một chút để bạn dễ hiểu. Hợp đồng tương lai là một thỏa thuận mua hoặc bán một loại hàng hóa, tiền tệ hoặc một công cụ với mức giá được định trước tại một thời điểm xác định trong tương lai.
Với Hợp đồng Tương lai, người mua và bán giao dịch bằng một hợp đồng xác định việc thanh toán sẽ diễn ra vào một ngày trong tương lai. Trên Website đã có bài viết kỹ về Hợp đồng Tương lai, bạn đọc có thể tham khảo kỹ hơn tại đây.
Sự khác biệt giữa Hợp đồng Tương lai và Hợp đồng Tương lai Vĩnh cửu
Hợp đồng Tương lai Vĩnh cửu là một dạng Hợp đồng Tương lai nhưng điểm khác nhau ở chỗ:
- Hợp đồng Tương lai Vĩnh cửu không có thời hạn thực hiện cụ thể như Hợp đồng Tương lai, thay vào đó trader có thể giữ lệnh bao lâu cũng được. Nên người ta gọi đây là hợp đồng Vĩnh cửu.
- Giá thực hiện Hợp đồng Tương lai Vĩnh cửu được tính gần ngang bằng với giá trên thị trường Spot. Vì vậy tránh được rủi ro chênh lệnh quá lớn gữa 2 thị trường độc lập.
Ưu nhược điểm của Hợp đồng Tương lai Vĩnh cửu
Ưu điểm
Hợp đồng Tương lai Vĩnh cửu là một trong những sản phẩm phái sinh được ưa chuộng nhất hiện nay, lý do là bởi:
- Các Trader có thể sử dụng đòn bẩy tài chính và giao dịch với khối lượng lớn hơn số dư mà họ có, mục đích là để nâng mức lợi nhuận có thể có lên nếu dự đoán đúng xu hướng giá. Mức đòn bẩy mà Hợp đồng Tương lai Vĩnh cửu cho phép trong Crypto có thể lên tới x20 - x100.
Ví dụ: Bạn có $1000 và thực hiện giao dịch Hợp đồng Tương lai Vĩnh viễn với vị thế Mua (Long) x100, vậy thì tổng khối lượng giao dịch của lệnh này sẽ tương đương với $1000 x 100 = $100,000. Mức lợi nhuận theo chênh lệch giá sẽ tính theo tổng khối lượng $100,000 bạn đang thực hiện này.
- Tối ưu lợi nhuận, phòng ngừa rủi ro và quản lý rủi ro: Điều này bạn có thể hình dung rằng khi bạn mua một đồng Coin ở thị trường giao ngay, bạn sẽ chỉ được giao dịch mua giá thấp và bán giá cao để sinh lời. Nhưng với Hợp đồng Tương lai, bạn có thể tiến hành giao dịch 2 chiều dù không sở hữu bất kỳ đồng Coin nào. Ví dụ: Mua (Long) lên khi kỳ vọng giá tăng, Bán (Short) xuống khi kỳ vọng giá giảm. Như vậy dù thị trường biến động như thế nào bạn cũng có thể sinh lời và bù đắp cho khoản thua lỗ khác của mình.
- Cho phép bán khống: Bán khống (Short selling) là phương thức giao dịch hấp dẫn nhất trong bối cảnh thị trường giảm giá. Đặc biệt là thị trường biến động mạnh như Crypto, việc sử dụng Hợp đồng Tương lai Vĩnh cửu để thực hiện bán khống là ưu điểm nhưng đồng thời cũng là nhược điểm bởi nếu nhà đầu tư không có kinh nghiệm thì điều này khiến họ thua lỗ nhiều hơn.
Nhược điểm
Việc cho phép sử dụng đòn bẩy tài chính là ưu điểm nhưng cũng chính là nhược điểm của Hợp đồng Tương lai Vĩnh cửu.
- Nhược điểm lớn nhất có lẽ là ở chỗ sử dụng đòn bẩy. Điều này không chỉ tăng khả năng sinh lợi mà còn tăng rủi ro cao hơn so với giao dịch Spot thông thường. Khi sử dụng đòn bẩy, nếu bạn dự đoán sai xu hướng dịch chuyển của giá tài sản và tiến hành thực hiện lệnh thì dễ bị thua lỗ. Mức thua lỗ sẽ tính theo khối lượng giao dịch đã gồm đòn bẩy nên nó rất rủi ro, đặc biệt đối với người mới chưa có kinh nghiệm.
- Hợp đồng Tương lai Vĩnh cửu thường được trader xem là phương thức đốt tiền nhanh nhất và rất gây nghiện. Nhiều người thua lỗ nặng hay cháy tài khoản không phải do họ mua Spot, mà phần lớn do giao dịch có đòn bẩy mà ra.
- Ngoài ra, mức phí được tính đối với loại giao dịch này cao hơn rất nhiều so với mức phí Spot. Ở Spot việc bạn nắm giữ Coin trong thời gian bao lâu hầu như là không phát sinh chi phí nào nhưng ở các lệnh Futures thì phí được tính hàng ngày, hàng giờ và nếu giữ lệnh lâu, chi phí có thể âm luôn vào cả số tiền bạn ký quỹ.
Các khái niệm liên quan đến Hợp đồng Tương lai Vĩnh cửu
Initial Margin - Ký quỹ ban đầu
Ký quỹ ban đầu (Initial Margin) là giá trị tối thiểu bạn phải trả để mở một vị thế có đòn bẩy. Bạn có thể hiểu đây là tài sản thế chấp cho sàn để vay thêm tiền sàn và thực hiện giao dịch đòn bẩy.
Ví dụ: Mình sử dụng 107 USDT để làm mức ký quỹ ban đầu cho giao dịch đòn bẩy X20 của lệnh ATOM, tương đương với việc bạn có thể giao dịch với tổng khối lượng là 2140 USDT, mua được 79.3 ATOM ở mức giá 27.336 USDT/ATOM. Trong trường hợp này số tiền ký quỹ là 10% tổng lệnh.
Maintenance Margin - Ký quỹ duy trì
Ký quỹ duy trì hay Maintenance Margin là số tiền ký quỹ tối thiểu bạn phải duy trì để giữ các vị thế giao dịch mở. Nếu số dư ký quỹ của bạn giảm xuống dưới mức này, bạn sẽ nhận được yêu cầu nạp thêm tiền vào tài khoản hoặc chấp nhận việc vị thế đang mở bị thanh lý.
Hầu hết các sàn giao dịch Crypto sẽ tiến hành thanh lý vị thế luôn. Điều này có lợi cho trader trong trường hợp thị trường tiếp tục biến động mạnh, việc nạp thêm tiền vào có thể sẽ mất thêm tiền. Nhưng bất lợi cho trader ở chỗ họ sẽ chính thức thua lỗ số tiền đó.
Ký quỹ duy trì là một giá trị động, nó thay đổi theo giá thị trường và số dư tài sản thế chấp của bạn. Tổng khối lượng giao dịch của vị thế bạn mở càng lớn thì thanh lý vị thế luôn.
Thanh lý
Như mình đề cập ở trên, nếu tài khoản ký quỹ duy trì của bạn không đủ tiền để giữ lệnh thì lệnh sẽ bị thanh lý. Có nghĩa là sàn sẽ tiến hành đóng lệnh bắt buộc và bạn phải chịu mức lỗ đó.
Khi lệnh bị thanh lý, sàn sẽ thu thêm phí để thực hiện lệnh thanh lý đó. Vì vậy để tránh trường hợp mất thêm tiền bạn có thể tự đóng lệnh trước khi nó chạm đến mức giá thanh lý hoặc nạp thêm tiền vào tài khoản để gồng.
Tuy nhiên, khi thị trường biến động mạnh thì lựa chọn nào cũng khiến bạn chịu rủi ro lớn. Vì vậy tốt nhất vẫn là để tài khoản không đối diện với thanh lý bằng cách giao dịch một cách có kỷ luật, đặt điểm dừng lỗ (stoploss) theo mức rủi ro có thể chịu từ trước.
Funding Rate - Tỷ lệ tài trợ
Funding Rate có nghĩa là khoản thanh toán thường xuyên (đều đặn trong khoảng thời gian nhất định) mà người bán và người mua phải trả theo một tỷ lệ nhất định cho bên còn lại.
Khi tỷ lệ Funding Rate đạt số dương (>0) có nghĩa là các vị thế Mua (Long) được mở nhiều hơn vị thế Bán (Short), do đó những người Mua sẽ phải trả phí này cho người Bán.
Ngược lại khi tỷ lệ Funding Rate đạt số âm (<0) có nghĩa là các vị thế Mua (Long) được mở ít hơn vị thế Bán (Short), do đó những người Bán sẽ phải trả phí này cho người Mua.
Funding Rate được tính khác nhau ở các sàn giao dịch phái sinh, ở FTX là 1 giờ/lần, ở Binance là 4 giờ/lần. Ngoài ra các nhà phân tích thị trường còn dự vào Funding Rate để xác định phe Mua hay Bán đang thống trị trên thị trường và đưa ra tâm lý đám đông cũng như dự đoán hành động của cá voi thời gian tới.
Mark Price - Giá tham chiếu & PnL
Giá tham chiếu (Mark Price) là ước tính giá trị thực của hợp đồng (giá hợp lý) so với giá giao dịch thực tế của nó (Last Price trên Orderbook). Việc tính toán giá tham chiếu ngăn không cho xảy ra những giao dịch thanh lý không công bằng khi thị trường biến động mạnh.
PnL (Profit and Loss ratio) là viết tắt của lợi nhuận và thua lỗ, nó có thể ở trạng thái được thực hiện hoặc chưa thực hiện. Khi bạn có các vị thế mở trên thị trường Tương lai Vĩnh cửu, PnL sẽ tính là chưa được thực hiện (Unrealized PnL) - có nghĩa là nó vẫn đang thay đổi theo các biến động giá. Khi bạn đóng các vị thế của mình, PnL chưa thực hiện trở thành PnL được thực hiện (một phần hoặc toàn bộ).
Bởi vì PnL đã được thực hiện chính là lợi nhuận hoặc khoản lỗ của các vị thế đã đóng nên nó không liên quan trực tiếp đến giá tham chiếu mà tính theo giá được thực hiện của các lệnh.
Giao dịch Hợp đồng Tương lai Vĩnh cửu ở đâu?
Các giao dịch Hợp đồng Tương lai Vĩnh cửu hay còn gọi là Perp được hỗ trợ ở rất nhiều sàn giao dịch hiện nay, cả tập trung và phi tập trung. Một số sàn tập trung nổi tiếng có thể kể tới là Binance, MEXC, KuCoin,... và sàn phi tập trung có thể kể tới là: Perpetual Protocol và Drift Protocol.
Tuy nhiên theo trải nghiệm cá nhân mình thì mình khuyến khích bạn đọc giao dịch trên các sàn tập trung vì thanh khoản cao và dễ thực hiện hơn trên các sàn phi tập trung (DEX).
Binance Futures là sàn giao dịch phái sinh không chỉ mình mà rất nhiều anh em yêu thích sử dụng vì hỗ trợ nhiều cặp giao dịch Altcoin. Ngoài ra, Binance Futures còn cho phép người dùng sử dụng cả USDT, BUSD hoặc các Crypto để làm tài sản ký quỹ, thế chấp cho giao dịch.
Xem thêm: Hướng dẫn giao dịch trên Binance Futures
Lưu ý khi giao dịch Hợp đồng Tương lai Vĩnh cửu
Hợp đồng Tương lai Vĩnh cửu là sản phẩm phái sinh rất được ưa chuộng vì trader có thể kiếm được lợi nhuận cao hơn so với mức vốn họ bỏ ra khi mua Spot. Tuy nhiên, lợi nhuận cao đi cùng với rủi ro cao. Vì vậy sau đây là một số lưu ý mình rút ra được khi giao dịch sản phẩm này:
- Trước khi giao dịch hãy học, đọc để hiểu cơ chế tính phí, tính PnL và cách thức thực hiện các giao dịch Futures.
- Tuyệt đối không all in tài sản vào giao dịch Futures. Chỉ nên sử dụng nhiều nhất là 10% vốn bạn có để tham gia thị trường này.
- Không sử dụng vốn vay mượn để có tâm lý thoải mái nhất.
- Nên bắt đầu với số vốn nhỏ nhất, số vốn có thể mất. Mỗi lệnh nên đi với số tiền ký quỹ bằng 1/5 tổng tài khoản Futures. Có nghĩa là lệnh bạn mở với ký quỹ $100 thì tài khoản nên có ít nhất là $500 để làm giáp (kinh nghiệm cá nhân).
- Mẹo để tiết kiệm phí Funding là hãy canh đóng lệnh trước thời gian tính Funding của các sàn giao dịch.
- Giao dịch một cách có kỷ luật, đặt Stoploss và Take Profit kỷ luật để giảm thiểu rủi ro. Thà đi chậm mà chắc còn hơn đi nhanh mà bị cháy tài khoản. Có không ít trader rơi vào tâm lý tham lam, đang lãi nhưng không chốt để nó giảm về cán Stoploss hoặc gồng lệnh âm đến cháy tài khoản.
- Nếu bạn là người mới, tốt nhất đừng trade Futures sớm.
Còn nếu bạn là người mới, muốn giao dịch Futures thì đừng bỏ qua bài viết: 5 cách “sống sót” khi giao dịch Futures dành cho trader mới
Tổng kết
Như vậy trong bài viết hôm nay chúng ta đã đi tìm hiểu về phương thức giao dịch rất phổ biến là Hợp đồng Tương lai Vĩnh cửu. Các thông tin mình đề cập trên đây đã được nghiên cứu, tóm tắt và kết hợp cả kinh nghiệm cá nhân trong quá trình giao dịch của chính mình.
Mong rằng các kiến thức mình chia sẻ sẽ giúp bạn phần nào trong quá trình tìm hiểu và đầu tư. Lưu ý rằng mọi thông tin đều nhằm mục đích tham khảo, không phải lời khuyên đầu tư.