Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

IEO là gì? Kiến thức đầu tư IEO cho người mới (2022)

IEO là một trong số những cách kêu gọi vốn khá phổ biến trong thời gian gần đây. Vậy cụ thể IEO là gì? Làm sao để tham gia IEO? Tìm hiểu tại đây.
quynhpham
Published Jan 19 2022
Updated Jul 23 2022
14 min read
thumbnail

Đi cùng với xu hướng phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp blockchain trong thời gian gần đây, các dự án về tiền điện tử ngày càng nở rộ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng có nguồn vốn nội bộ ban đầu đủ lớn để giúp chúng có thể xây dựng và phát triển một cách hoàn thiện. Chính vì thế, đa số các startup tiền điện tử đều sẽ cần đến các nguồn tài trợ từ bên ngoài.

Hiện tại có khá nhiều cách huy động vốn khác nhau và IEO là một trong số những cách kêu gọi vốn khá phổ biến trong thời gian gần đây. Vậy cụ thể IEO là gì? Với vai trò là một nhà đầu tư thì chúng ta có nên tham gia vào IEO của các dự án không? Hãy cùng MarginATM tìm hiểu thông qua bài viết sau nhé!

IEO là gì?

IEO (Initial Exchange Offering) là phương thức kêu gọi vốn ban đầu thông qua việc bán token trên nền tảng của một sàn giao dịch tiền điện tử. Trái ngược với ICO, dự án IEO được quản lý bởi một sàn giao dịch tiền điện tử thay mặt cho công ty startup thực hiện gây quỹ bằng các token mới được phát hành.

IEO là phương thức kêu gọi vốn ban đầu thông qua việc bán token trên nền tảng

Vì việc bán token được tiến hành trên nền tảng sàn giao dịch, các nhà phát hành token cần trả phí niêm yết cùng với tỷ lệ phần trăm token được bán trong IEO. Đổi lại, token của các startup tiền điện tử sẽ được bán trên các nền tảng của sàn giao dịch và được listing ngay sau khi IEO kết thúc.

Sự khác nhau giữa IEO và ICO

Về mặt lý thuyết, IEO cũng sẽ tương tượng như ICO và đều là lần kêu gọi vốn thông qua việc phát hành token đầu tiên của 1 dự án crypto. Tuy nhiên, IEO sẽ là hình thức phát hành token thông qua 1 sàn giao dịch tập trung (CEX) chứ không phải phát hành trực tiếp đến nhà đầu tư như ICO.

Điều này có nghĩa là khi tham gia đầu tư ICO, bạn sẽ làm việc trực tiếp với chủ của dự án đó và toàn bộ các quá trình xác nhận cũng như mua token đều sẽ không cần bất kỳ bên trung gian thứ ba nào.

Các dự án ICO thường sẽ được phân phối trên nhiều kênh đa dạng giúp bạn có được nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên vì các dự án ICO sẽ tự phát hành token của mình trực tiếp ra thị trường nên nên các điều kiện của token sẽ phụ thuộc vào đội ngũ phát hành của dự án đó, cũng như các chính sách pháp lý để bảo đảm cho những nhà đầu tư tham gia. Do đó, ICO sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn và cần bạn tìm hiểu thật kỹ dự án trước khi tham gia đầu tư.

Đối với IEO, vì được phát hành thông qua 1 sàn CEX nên các token của những dự án này sẽ được kiểm tra và đánh giá theo tiêu chuẩn của sàn đó, đảm bảo được một phần chất lượng khi tham gia đầu tư. Ngoài ra, việc mua token được phát hành lần đầu tiên của dự án thông qua trung gian là sàn CEX sẽ đảm bảo tính minh bạch của dự án rõ ràng hơn, từ đó giảm bớt đi phần nào rủi ro khi đầu tư hơn.

So sánh IEO và ICO

Ưu & Nhược điểm của IEO

Ưu điểm của IEO

Độ tin cậy cao

Lợi thế đầu tiên mà IEO khiến các nhà đầu tư an tâm là về sự uy tín của phương thức đầu tư này. Trước khi bất kỳ dự án nào được tổ chức huy động vốn công khai trên nền tảng của mình, các sàn giao dịch thường chọn lọc và kiểm tra độ tin cậy của dự án rất kỹ để đảm bảo uy tín và tránh các trường hợp scam lừa đảo. Chính vì điều này nhà đầu tư phần nào yên tâm khi tham gia IEO trên các nền tảng sàn giao dịch.

Tăng cường bảo mật

Thường để tham gia IEO thì các nhà đầu tư cần tham gia tạo tài khoản, bao gồm cả KYC trên các nền tảng sàn giao dịch trước. Vì thế khi tham gia IEO họ sẽ bớt mối lo rằng sẽ phải tiến hành KYC mới hoàn toàn cho một dự án chưa được ra mắt chính thức. Nhờ vậy mà mọi thông tin dường như được đảm bảo bảo mật tuyệt đối bởi sàn giao dịch.

Dễ dàng mua bán token

Việc IEO thông qua sàn giao dịch giúp dự án dễ tiếp cận đến người dùng hơn so với việc tự làm một mình. Bằng việc trả % token và phí niêm yết, sàn giao dịch sẽ giúp dự án tiếp thị và tổ chức IEO theo số tiền gọi vốn mong muốn mà dự án đặt ra mà không cần thực hiện thêm thao tác nào. Ngoài ra, dự án còn có thể tận dụng nguồn khách hàng dồi dài trên sàn giao dịch và nhận được sự đóng góp của tệp người dùng này dành cho dự án.

Nhược điểm của IEO

Chi phí cao

Với những ưu điểm trên, IEO dường như được xem là giải pháp thay thế hoàn hảo dành cho ICO. Tuy nhiên, để được IEO, mức phí dự án phải trả sẽ khá cao, có lúc lên tới 20 BTC và thậm chí còn chia thêm 10% token được bán trong vòng huy động này cho các sàn giao dịch để được tiến hành IEO. Đây cũng trở thành nhược điểm lớn nhất của IEO so với các phương thức gọi vốn khác.

Cần phải sở hữu lượng token gốc tối thiểu

Đối với IEO, nhà đầu tư sẽ bị yêu cầu nắm giữ token gốc nền tảng tối thiểu khá cao nếu muốn tham gia. Việc hold token gốc có thể gây ra nhiều rủi ro đi kèm. Đầu tiên là sẽ có một số nhà đầu tư tiềm năng từ bỏ vì yêu cầu hold lượng lớn token và họ không đáp ứng được yêu cầu đó.

Thứ 2 là bằng việc thiết lập số lượng hold tối thiểu, tạo nhu cầu mua token cho các nhà đầu tư, sau đó sàn giao dịch tăng giá token một cách không trung thực để tạo độ khan hiếm và hình thành rủi ro về giá đối với người tham gia.

Các bước đầu tư IEO

Các bước tham gia đầu tư IEO

Quy trình tham gia đầu tư IEO nhìn chung sẽ bao gồm các bước cơ bản sau

Bước 1: Đầu tiên bạn cần tìm hiểu và kiểm tra thật kỹ thông tin về dự án sắp thực hiện IEO. Bước này khá quan trọng vì nó sẽ giúp bạn hạn chế phần nào rủi ro khi đầu tư. Bên cạnh đó, bạn còn đánh giá được mức độ tiềm năng của dự án để quyết định có nên đầu tư dài hạn hay không.

Bước 2: Kiểm tra thông tin về sàn giao dịch tổ chức IEO đó. Vì một dự án IEO có thể được tổ chức trên nhiều sàn và mỗi sàn sẽ có sự khác nhau về cách chơi cũng như loại tiền tệ được chấp nhận. Do đó bạn nên nghiên cứu để chọn ra sàn nào uy tín và có cơ chế chơi phù hợp với mình.

Bước 3: Khi đã chọn được sàn giao dịch mong muốn, bạn sẽ tiến hành đăng ký tài khoản và hoàn tất các thủ tục xác minh (KYC) cần thiết cho tài khoản của mình.

Bước 4: Kiểm tra loại tiền điện tử nào được chấp nhận cho dự án IEO đó. Thông thường, token của sàn sẽ là tiền tệ yêu cầu cho dự án IEO của sàn đó. Bạn cần phải mua và hold đồng tiền đó trong 1 thời gian nhất định theo yêu cầu thì mới tham gia IEO được nhé.

Bước 5: Sau khi hoàn thành các bước trên, bạn hãy đợi đến ngày bắt đầu IEO để mua token của dự án đó nhé. Thường thì số người tham gia IEO rất đông, chính vì thế bạn cần canh đúng thời gian để vào mua IEO. Nếu chậm trễ thì số lượng token IEO sẽ bị bán hết và xem như là bạn đã mất cơ hội mua IEO của dự án đó.

Để hiểu hơn về IEO và các bước khi tham gia đầu tư IEO, bạn có thể tham khảo ví dụ cụ thể khi tham gia IEO trên sàn Binance thông qua bài viết sau: 

Cách tham gia IEO trên Binance Launchpad

Các tiêu chí chọn sàn IEO

Với xu hướng tham gia đầu tư vào các dự án IEO ngày càng nhiều, hiện nay cũng có rất nhiều sàn giao dịch đứng ra tổ chức IEO. Tuy nhiên, không phải bất kỳ dự án IEO của sàn nào cũng “ngon” và giúp bạn thu về lợi nhuận. Chính vì thế, MarginATM sẽ liệt kê ra một vài tiêu chí có thể giúp bạn dễ dàng đánh giá và chọn được 1 sàn giao dịch phù hợp để tham gia IEO.

Tiêu chí 1: Độ uy tín của sàn

Khi chọn một nơi để gửi tiền vào thì độ uy tín là yếu tố đầu tiên mà bạn cần quan tâm. Vì khi giao dịch với các sàn có uy tín cao sẽ giúp bạn yên tâm được phần nào về độ bảo đảm an toàn cho tài sản của bạn. Bên cạnh đó, với tên tuổi và danh tiếng đã xây dựng trước đó, các sàn giao dịch này cũng sẽ đánh giá và lựa chọn được những dự án IEO chất lượng để bạn có tham gia đầu tư.

Tiêu chí 2: Volume giao dịch cao

Để thu hút người dùng tham gia đầu tư vào các dự án IEO trên sàn của mình, có rất nhiều sàn giao dịch đã dùng tool để tạo ra volume ảo. Khi ấy nhiều nhà đầu tư sẽ cho rằng dự án của sàn này tốt, được nhiều người ủng hộ và bắt đầu “rót tiền” của mình vào. Với các dự án IEO trên sàn có volume ảo thì khả năng sàn thao túng giá là rất cao. Do đó bạn cần phải cẩn trọng và kiểm tra volume thật sự của sàn giao dịch để tránh đầu tư vào các dự án kém chất lượng.

Tiêu chí 3: Chọn lọc dự án tốt

Việc chọn dự án IEO cũng tương tự như việc đầu tư bất động sản vậy. Một dự án tốt sẽ có tính thanh khoản cao và có tiềm năng tăng giá mạnh trong tương lai. Chính vì thế, việc sàn giao dịch chọn lọc được các dự án thật sự chất lượng để bạn có thể tham gia, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả đầu tư của mình. Tuy nhiên không phải sàn nào cũng có đủ khả năng để đánh giá và chọn ra các dự án tốt, bạn nên lựa chọn các sàn đã có kinh nghiệm tổ chức những dự án IEO lớn và thành công để tham gia đầu tư.

Tiêu chí 4: Sàn có Tokenomics được thiết kế tốt.

Đa số các sàn giao dịch tiền điện tử tổ chức IEO đều đã phát hành token của riêng mình, đặc biệt là với các sàn lớn. Thông thường để tham gia IEO, bạn cần phải nắm giữ token của sàn đó. Do đó, với token của sàn có Tokenomics được thiết kế tốt, bạn vẫn sẽ giữ được giá trị của tài sản đó khi IEO kết thúc.

Ngoài ra để hiểu thêm về Tokenomics là gì và tầm quan trọng của Tokenomics bạn có thể tham khảo chi tiết trong bài viết sau: Tokenomics là gì? Hiểu rõ cuộc chơi để tăng tỷ lệ chiến thắng.

Top các nền tảng IEO nổi bật

Hiện nay có khá nhiều sàn giao dịch trên thị trường tiền điện tử có hỗ trợ nền tảng IEO. Dưới đây là một số sàn IEO nổi bật được cộng đồng crypto đánh giá cao trong thời gian gần đây:

Binance Launchpad - Binance

Binance Launchpad là nền tảng phát hành IEO đầu tiên và uy tín nhất hiện nay. Binance được xem là một trong những sàn giao dịch nổi tiếng nhất trong thị trường crypto. Chính vì thế, với độ uy tín đã được xây dựng từ trước, cùng với cộng đồng người dùng đông đảo của sàn, đã khiến cho các dự án IEO trên Binance Launchpad trở nên “hot” nhất hơn bao giờ hết. 

Một số dự án IEO thành công trên Binance Launchpad có thể kể đến như Bittorent, Sand, AXS, Matic,…

Huobi Prime - Huobi

Sau Binanance Launchpad, cái tên nổi bật thứ 2 có thể kể đến đó chính là Huobi Prime. Với mục tiêu chính là mang lại lợi ích cho người dùng, các dự án IEO trên nền tảng này đều được đội ngũ Huobi đánh giá thông qua một quy trình kiểm tra khá chặt chẽ.

Một trong những dự án IEO nổi bật của Huobi Prime có thể kể đến là TOP Network - với lượng token TOP đã “sold out” chỉ vài giây sau khi mở bán và ghi nhận mức tăng trưởng khá ổn sau đó.

OK Jumpstart - OKEx

Với mục tiêu hỗ trợ và phát triển các dự án startup về tiền điện tử tiềm năng, OKEx đã thành lập nền tảng IEO chính thức đầu tiên của mình với tên gọi OK Jumpstart.

Để đảm bảo cho chất lượng của các dự án IEO trên OK Jumpstart, OKEx cũng thiết kế cho mình một quy trình kiểm tra, đăng ký và phân bổ token theo quy tắc nhất định. Từ đó giúp các nhà đầu tư có thể yên tâm về tính minh bạch và nhất quán của các dự án.

Tổng kết

Hiện nay IEO là một hình thức đầu tư khá phổ biến trong cộng đồng crypto. Nếu bạn muốn tham gia mua token phát hành đầu tiên của các dự án nhưng lại muốn giảm thiểu rủi ro thì IEO sẽ là một hình thức đầu tư phù hợp với bạn.

Mặc dù được đánh giá là ít rủi ro hơn ICO, nhưng bạn cũng cần nên tìm hiểu và chọn lọc cẩn thận trước khi tham gia đầu tư vào bất kỳ một dự án IEO nào để có thể mang lại kết quả tốt nhất nhé!

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào bạn có thể để lại bình luận dưới bài viết, đội ngũ MarginATM sẽ phản hồi bạn sớm nhất có thể. Hẹn gặp lại bạn ở những bài viết sau!

RELEVANT SERIES