Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Top 5 tỷ phú crypto nổi tiếng

Đến hẹn lại lên, chuyên mục Sự Lạ Crypto sẽ mở ra cho bạn đọc những câu chuyện ngỡ quen mà lạ trong không gian tiền mã hóa, trải dài từ các nhân vật đặc biệt, NFT cho đến những đồng coin.
uyntran.web3
Published Oct 21 2022
Updated Sep 30 2023
10 min read
thumbnail

Đến hẹn lại lên, chuyên mục Sự Lạ Crypto sẽ mở ra cho bạn đọc những câu chuyện ngỡ quen mà lạ trong không gian tiền mã hóa, trải dài từ các nhân vật đặc biệt, NFT cho đến những đồng coin. 

Khi gia nhập thị trường tiền mã hóa, có lẽ ai trong chúng ta cũng hướng tới giấc mơ tỷ đô. Vậy ai là những người sở hữu khối tài sản khủng nhất giới tiền mã hóa? Họ đã làm gì để có được nhiều tiền đến vậy? Hãy cùng khám phá qua bài viết Sự Lạ Crypto tuần này nhé.

Changpeng Zhao - 65 tỷ USD

Đứng đầu danh sách là Changpeng Zhao (CZ), nhà sáng lập sàn giao dịch Binance. Bản thân Binance cũng là sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới và chiếm 2/3 tổng khối lượng giao dịch của tất cả các sàn. Năm 2021, Binance thu về 16 tỷ USD lợi nhuận. 

Theo dữ liệu của Forbes, CZ nắm giữ khoảng 70% cổ phần Binance. Khối lượng tài sản của ông ước tính lên tới 65 tỷ USD. Với số tài sản khủng này, CZ đã thành công ghi danh vào top 19 tỷ phú giàu nhất thế giới.

cz nghĩ rằng mình không có quá nhiều tiền
CZ nghĩ rằng mình không có quá nhiều tiền.

Con số 65 tỷ USD hiện tại thực ra là kết quả từ sự suy thoái của thị trường tiền mã hóa. Theo ước tính của Bloomberg, giá trị tài sản của CZ từng chạm mức cao nhất 96 tỷ USD. Chỉ trong 5 năm thành lập sàn Binance, ông đã gần đuổi kịp các tỷ phú công nghệ hàng đầu như Mark Zuckerberg. 

Dù vậy, ông chủ Binance vẫn không tin mình giàu. “Mọi người nên biết giá trị tài sản ròng của các tỷ phú chỉ là con số ước tính. Khi nhìn vào ví tiền mã hóa, tôi thấy mình chẳng có bao nhiêu tiền. Tôi không giàu đến vậy đâu”, ông chia sẻ.

Ngoài ra, CZ không mấy hứng thú với lối sống xa xỉ như nhiều tỷ phú khác. Không phải những bộ cánh hào nhoáng, chiếc hoodies in logo Binance và áo thun giản dị mới là trang phục làm nên thương hiệu CZ. Ngay cả trong buổi phỏng vấn với tờ Fortune, CZ tiết lộ mình mặc bộ âu phục mua từ 4 năm trước với giá 300 USD.

áo hoodie đồng hành cùng cz
Chiếc áo hoodie đồng hành cùng CZ qua năm tháng. Nguồn: Bloomberg.

CZ tỏ ra hoài nghi trước độ đắt đỏ của nhiều loại hình tài sản mã hóa, điển hình là NFT. Theo ông, các nhà đầu tư hẳn đã mất trí khi chi hàng triệu USD cho các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số.

Sam Bankman-Fried - 24 tỷ USD

Sam Bankman-Fried được công nhận là người giàu nhất thế giới dưới 30 tuổi. Sau khi gọi vốn thành công 400 triệu USD vào tháng 1, sàn giao dịch FTX của Bankman-Fried đạt định giá 32 tỷ USD. 

Forbes ước tính Bankman-Fried sở hữu một nửa số tài sản của sàn FTX. Ngoài ra, tỷ phú trẻ tuổi nắm giữ số token FTT trị giá 7 tỷ USD. Không chỉ vậy, Bankman-Fried cho rằng 5 đồng nghiệp khác cùng anh kiến tạo nên FTX đều đã trở thành tỷ phú ở độ tuổi 30.

Dù sở hữu khối tài sản lớn, Bankman-Fried trung thành với lối sống tiết kiệm. Anh tuyên bố chỉ dùng 1% thu nhập (khoảng 100,000 USD/năm) để phục vụ nhu cầu cá nhân.

sam không có nhà riêng
Sam Bankman-Fried không có nhà riêng, thường ngủ lại công ty. Nguồn: Financial Times.

Với số tiền còn lại, tỷ phú 30 tuổi ấp ủ kế hoạch làm từ thiện. Lý tưởng này có lẽ bắt nguồn từ quãng thời gian Bankman-Fried làm việc tại một tổ chức từ thiện 5 năm trước. Lúc bấy giờ, anh tình cờ biết đến Bitcoin và quyết định dùng tiền mã hóa để kiếm thật nhiều tiền. Từ đó, anh có thể giúp đỡ nhiều người khó khăn hơn.

Nhà sáng lập FTX chia sẻ đã quyên góp khoảng 50 triệu USD trong năm 2021 nhằm hỗ trợ tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ và giải pháp chống nóng lên toàn cầu. Dù vậy, con số này có lẽ chẳng thấm vào đâu so với hoài bão của Bankman-Fried.

Năm 2022, vị tỷ phú trẻ tuyên bố sẽ bỏ ra 1 tỷ USD để cứu vãn thị trường tiền mã hóa. Trước đó, anh từng khởi động nhiều khoản cho vay khẩn cấp trị giá hàng trăm triệu USD để hỗ trợ các công ty tiền mã hóa trước bờ vực phá sản. Trong hai tuần đầu tháng 6, khoảng 15 công ty đã liên hệ sàn FTX để nhờ cậy.

sam cùng châm ngôn kiếm tiền để cho đi
Ông chủ FTX thích lối sống giản dị cùng châm ngôn “kiếm tiền để cho đi”.

Bên cạnh đó, FTX cũng sử dụng khối tài sản lớn của mình cho nhiều thương vụ mua lại như một cách hồi sinh các công ty. Đầu năm 2022, FTX mua lại sàn giao dịch tiền mã hóa Liquid. Sau khi hứng chịu vụ hack 97 triệu USD vào tháng 8/2021, Liquid đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Ngày 27/9, FTX tiếp tục thắng thầu công ty cho vay Voyager Digital với giá 1.4 tỷ USD. Hiện Bankman-Fried đang có kế hoạch mua lại Celsius Network. Theo anh, mục đích của FTX và nhà sáng lập chỉ có một: vực dậy các công ty và hoàn lại tiền cho khách hàng bị thiệt hại.

Đọc thêm: Theo chân người đàn ông chi 1 tỷ USD để cứu thị trường crypto.

Brian Armstrong - 6.6 tỷ USD

Nhà sáng lập Coinbase sở hữu 19% cổ phần sàn giao dịch, ước tính giá trị tài sản là 6.6 tỷ USD. Trước đây, ông từng là kỹ sư phần mềm cho ứng dụng đặt phòng quy mô thế giới Airbnb. 

Năm 2012, Armstrong thành lập Coinbase tại San Francisco (Mỹ). Armstrong góp công lớn trong đợt phát hành cổ phiếu IPO của Coinbase, đẩy định giá sàn lên 100 tỷ USD. Đây được coi là sự kiện quan trọng giúp Armstrong phất lên chỉ sau một đêm.

coinbase ipo
Đợt IPO của sàn giao dịch Coinbase được hưởng ứng mạnh mẽ.

Ngày 14/4/2021, cổ phiếu Coinbase chính thức chào sân. Khi thị trường mở cửa, cổ phiếu của Coinbase được giao dịch ở mức 381 USD, tăng 52.4% so với giá tham chiếu 250 USD. Khi đóng cửa, cổ phiếu chốt phiên với giá 328.28 USD.

Được định giá lên tới gần 100 tỷ USD, Coinbase lúc bấy giờ có giá trị gấp ba lần NDAQ và thậm chí nhỉnh hơn so với công ty mẹ Intercontinental Exchange (ICE) của Sở giao dịch chứng khoán New York.

Tháng 1, tỷ phú 39 tuổi chi mạnh 133 triệu USD để mua biệt thự ở Bel-Air (California, Mỹ). Đây một trong những giao dịch nhà đắt đỏ nhất thành phố cho đến nay.

Gary Wang - 5.6 tỷ USD

Đồng hành cùng Sam Bankman-Fried tại FTX là Gary Wang. Ông đang giữ chức đồng sáng lập và giám đốc công nghệ của sàn giao dịch. Wang sở hữu 16% cổ phần trong hoạt động kinh doanh toàn cầu của FTX, đồng thời nắm giữ lượng token FTT trị giá 600 triệu USD.

gary wang đồng hành cùng sam
Gary Wang là một trong những người đầu tiên đồng hành với Bankman-Fried.

Trước khi bước vào thị trường tiền mã hóa, Wang học ngành khoa học máy tính tại Đại học MIT. Sau đó, Wang trở thành kỹ sư phần mềm tại Google. Trong khi đó, Sam bắt đầu sự nghiệp tiền mã hóa tại Jane Street Capital, công ty chuyên kinh doanh mảng ETF quốc tế.

Năm 2019, Wang bắt tay Bankman-Fried thành lập FTX dưới hình thức sàn giao dịch phái sinh tiền mã hóa. Hầu như mọi người ở Alameda Research khi ấy đều hoài nghi về ý tưởng này. Tuy nhiên, hai nhà sáng lập vẫn kiên định với lý tưởng của mình. Wang và Bankman-Fried đã lên đường đến Hong Kong để khởi đầu dự án mới đầy rủi ro.

Quyết tâm của họ đã thu về quả ngọt. Trong năm đầu tiên, Alameda hỗ trợ phần lớn thanh khoản cho sàn giao dịch. Với khẩu hiệu “được xây dựng bởi nhà giao dịch và dành cho nhà giao dịch”, FTX dần vươn lên vị trí sàn tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới tính theo thị phần (10.8%). 

Chris Larsen - 4.4 tỷ USD

Đứng ở vị trí thứ 5 là Chris Larsen cùng khối tài sản 4 tỷ USD. Năm 2012, Larsen thành lập công ty Ripple nhằm đẩy mạnh thanh toán quốc tế thông qua công nghệ blockchain. Năm 2016, Larsen rời ghế CEO Ripple nhưng tiếp tục giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị. 

Đáng chú ý, nhà sáng lập Ripple từng được Forbes bình chọn là người giàu nhất tiền mã hóa vào năm 2018. Với khoảng 5.19 tỷ token XRP, Forbes ước tính giá trị tài sản của Larsen là 37.3 tỷ USD, thậm chí vượt mặt Mark Zuckerberg. Vị trí thứ hai là Joseph Lubin, cha đẻ ConsenSys và đồng sáng lập Ethereum. Đương kim vô địch CZ lúc bấy giờ chỉ ngồi ở vị trí thứ 3.

chris larsen
Ồn ào kiện tụng giữa Ripple và SEC từng là tâm điểm dư luận.

Với khối tài sản lớn, Larsen và Ripple khá chăm hoạt động xã hội. Năm 2018, công ty công bố sáng kiến blockchain trị giá 50 triệu USD cho 17 trường đại học toàn cầu. Mục đích của Larsen là mở rộng giáo dục về blockchain và tiền mã hóa.  

Một năm sau, Larsen và vợ là bà Lyna Lam tiếp tục tặng 25 triệu USD cho Đại học San Francisco. Đây là khoản quyên góp tiền mã hóa lớn nhất cho một trường đại học lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, khoảng thời gian hưng thịnh của Ripple đã tạm qua đi. Bên cạnh thị trường downtrend, cuộc chiến pháp lý dai dẳng với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã tác động tiêu cực đến hoạt động của công ty. Từ năm 2020, SEC liên tục khẳng định XRP là chứng khoán và cáo buộc Ripple phát hành chứng khoán không đăng ký.

Tháng 9/2022, phần thắng có dấu hiệu nghiêng về phía Ripple. Giá XRP bắt đầu phục hồi nhẹ và tăng hơn 30% trong vòng một tuần.

Tổng kết

Top 5 người giàu nhất giới tiền mã hóa thực ra đều là những gương mặt khá quen thuộc. Đáng chú ý, 4 trong số 5 người là cha đẻ của các sàn giao dịch hàng đầu. Thậm chí sàn Binance của CZ và sàn FTX của Bankman-Fried lần lượt giữ vị trí hai sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới.  Riêng Chris Larsen cũng là chủ của một công ty blockchain lớn. 

Đọc thêm: 5 điều có thể bạn chưa biết về sàn giao dịch Binance.

RELEVANT SERIES