Phân tích cơ bản là gì? Nên chọn phân tích cơ bản hay phân tích kỹ thuật?
Phân tích cơ bản là gì?
Phân tích cơ bản (Fundamental Analysis hay FA) là một phương pháp đánh giá tài sản dựa trên việc xác lập giá trị nội tại. Giá trị nội tại là giá trị ‘thật’ của một tài sản, không phải lúc nào cũng được phản ánh trong giá thị trường của nó.
Đây là phương pháp để xác định liệu một tài sản có được định giá quá cao hay không dựa trên bối cảnh và tiềm năng tương lai của nó.
Phân tích cơ bản lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1934 trong một cuốn sách về đầu tư tên là “Phân tích bảo mật”. Trong cuốn sách này, các tác giả lập luận rằng các nhà đầu tư nên xem xét tất cả các yếu tố cơ bản xung quanh một chứng khoán trước khi đầu tư vào nó. Sau cuộc Đại suy thoái, điều này là rất quan trọng để xem xét tiềm năng tương lai của một chứng khoán.
Cuộc Đại suy thoái đã kết thúc từ lâu, nhưng ý tưởng về việc xem xét từng yếu tố cơ bản vẫn rất quan trọng. Có thể bạn sẽ bị hấp dẫn khi thấy một chỉ số đầy hứa hẹn và đưa ra lựa chọn đầu tư. Tuy nhiên, các số liệu đơn lẻ có thể không chính xác, khiến các nhà đầu tư quá nhiệt tình đổ tiền vào một thứ không có tiềm năng lâu dài.
Phân tích cơ bản hoạt động dựa trên ý tưởng rằng ban đầu thị trường có thể định giá thấp hoặc định giá quá cao một tài sản. Tuy nhiên, theo thời gian thị trường sẽ tự điều chỉnh và phản ánh giá trị thực của tài sản đó.
Bằng cách thực hiện phân tích cơ bản, các nhà đầu tư có thể xác định có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong tương lai hay không để đưa ra mục tiêu và quyết định đầu tư đúng đắn.
Đây cũng là khái niệm cốt lõi đằng sau đầu tư giá trị rất nổi tiếng của Warren Buffett. Nguyên tắc đầu tư của ông là tìm mua và nắm giữ lâu dài cổ phiếu của những công ty tốt và đang có thị giá thấp hơn giá trị nội tại.
Nếu khoảng cách giữa các giá trị này càng cao thì độ an toàn càng lớn và lợi nhuận thu về trong tương lai càng cao. Áp dụng nguyên tắc này, Warren Buffett giúp cho tài sản của Quỹ Đầu tư Berkshire Hathaway sinh sôi nảy nở gấp 5 lần chỉ số S&P 500.
Ý nghĩa của phân tích cơ bản
Chúng ta hãy cùng xem xét câu chuyện Starbucks ở Úc để hiểu hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa của phân tích cơ bản.
Năm 2008, Starbucks báo lỗ hơn $105 triệu và họ buộc phải đóng cửa 61 cửa hàng tại Úc (70%). Lý do gì khiến đế chế cafe nổi tiếng tại Mỹ lại không thể thành công tại Úc?
Nguyên nhân là vì họ chưa am hiểu đúng về thị trường địa phương. Đó là kết quả của việc thiếu những phân tích cơ bản ban đầu khi mới bước chân vào một thị trường mới.
Australia vẫn được biết đến là quốc gia xuất khẩu cà phê Arabica với chất lượng và mùi vị riêng biệt.
Starbucks khi scale sang thị trường này họ chỉ lấy những gì đã làm tại Mỹ, Trung Quốc và áp dụng nó tại đây. Menu của Starbucks cũng quá khác biệt so với văn hóa của Úc. Chủ yếu chỉ có các loại cafe cơ bản, lượng sữa và siro khá ngọt, không có quá nhiều hương vị cà phê mà nó gần như là Smoothies cà phê.
Thêm vào đó là giá tiền. Mức giá của Starbucks cao hơn so với các cửa hàng cafe truyền thống tại Úc. Chưa dừng ở đây, Starbuck mở đến 84 cửa hàng trên khắp các bờ biển phía đông của Australia. => Sự thiếu thấu hiểu thị trường và cố chấp dẫn đến thất bại.
Đầu tư vào tiền điện tử cũng mang nhiều nét tương đồng với hình thức đầu tư quán cafe nói trên.
Bài học rút ra đó là, đầu tư bất cứ lĩnh vực nào cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường, tiềm năng phát triển,… Việc nghiên cứu và đánh giá thị trường, khả năng sinh lời trước khi đầu tư gọi là Phân tích cơ bản.
Ý nghĩa của Phân tích cơ bản:
- Mở rộng góc nhìn đầu tư, từ đó đánh giá tốt hơn.
- Hiểu rõ bản chất thị trường/công ty/dự án và lường trước rủi ro.
- Xác định tiềm năng phát triển của dự án, từ đó đặt target hoặc kế hoạch exit.
- Nếu thua, bạn sẽ biết tại sao mình thua.
Một số yếu tố cần cân nhắc khi phân tích cơ bản tiền điện tử
Làm thế nào bạn có thể sử dụng phân tích cơ bản để định giá một tài sản tiền điện tử?
Như với bất kỳ tài sản nào, bạn có thể xem xét các yếu tố xung quanh có thể ảnh hưởng đến nó. Ví dụ: trạng thái của lĩnh vực tiền điện tử, toàn bộ thị trường, môi trường kinh tế trong nước và toàn cầu, cung và cầu, bối cảnh cạnh tranh,... để đặt tên cho một số chỉ số tiềm năng.
Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng không có một công thức chung nào cho phân tích cơ bản. Mỗi dự án đều có đặc trưng riêng biệt và không thể so sánh với nhau. Vì vậy các yếu tố cần cân nhắc khi định giá một tài sản tiền điện tử cũng sẽ khác nhau.
Sau đây là một vài gợi ý cho bạn khi phân tích cơ bản một tài sản:
Thông tin tổng quan về dự án
Whitepaper
Whitepaper (sách trắng) trong crypto tương đương với bản cáo bạch của một công ty. Sách trắng là một bản thảo mô tả chi tiết về dự án mà một công ty hay một nhóm nhà phát triển sẽ thực hiện, giúp nhà đầu tư hiểu hơn và có một cái nhìn tổng quan về dự án, từ đó đưa ra quyết định có nên đầu tư vào dự án này hay không.
Nếu một dự án được giới thiệu mà không có White Paper thì bạn cần đặt ra nghi vấn về tính minh bạch của dự án.
Đội ngũ phát triển
Core team là linh hồn của start-up. Cho dù ý tưởng tốt, market ủng hộ nhưng khả năng của đội ngũ phát triển không tốt cũng khiến dự án lao đao khi gặp khó khăn về tổ chức bộ máy, scale,… Đối với Crypto, đặc biệt cần cẩn trọng những dự án ẩn danh. Profile đội ngũ phát triển nếu không được công khai có thể là red flag nguy hiểm nhất.
Investor, Token Schedule
Nhà đầu tư (Investor)
Đây là một yếu tố bạn có thể cân nhắc khi tiến hành phân tích cơ bản một tài sản tiền điện tử hay một dự án nào đó.
Các nhà đầu tư lớn (các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính, các cá voi cá mập của thị trường,...) thường vận dụng một loạt các công cụ phân tích để tìm ra một dự án có tiềm năng phát triển lớn mạnh trong tương lai.
Trong thị trường Crypto, dự án có investor lớn đứng sau thường được hỗ trợ rất mạnh về marketing. Ví dụ Perpeptual Protocol được Binance đầu tư, không lâu sau khi chứng minh được revenue, PERP đã được niêm yết trên Binance.
Hay Serum, Solana được quỹ Alameda Research (backed bởi sàn FTX) đầu tư, bạn có thể thấy SOL và SRM được FTX hỗ trợ nhiều như thế nào.
Lịch trình phân phối token (Token Schedule)
Bạn có thể tìm thấy những thông tin này trong Whitepaper - thường là ở phần cuối cùng. Cần lưu ý tới thời gian lock và unlock token dành cho các nhóm khác ngoài cộng đồng như đội ngũ phát triển, đội ngũ cố vấn,... Thông thường, thời gian khóa token của các nhóm này càng dài thì càng thể hiện được tính cam kết và sự quyết tâm vì tiềm năng lâu dài của dự án từ đội ngũ phát triển.
Sau đó là xem xét tới giai đoạn trả token cho nhà đầu tư, hay còn gọi là lịch trả token (token release schedule) để nắm được lộ trình ảnh hưởng đến giá cả theo từng khoảng thời gian mở trả token tương ứng.
Định giá qua các vòng token sale
Chúng ta cần biết được số lượng và giá bán token của từng nhóm đã tham gia mua là bao nhiêu. Đặc biệt là số lượng và giá mua của các nhà đầu tư lớn ở các vòng seed sale, private sale trước khi tiến hành đợt bán rộng rãi ra công chúng (public sale). Giả sử khi listing token một dự án, giá chỉ x2 - x3 so với giá các vòng private sale thì các nhà đầu tư vòng này thường có xu hướng không bán token do kỳ vọng lợi nhuận của họ thường cao hơn nhiều. Giá token gần với giá cơ sở của một dự án thì chúng ta có thể cân nhắc vì rủi ro lúc này thấp hơn.
Các chỉ số cơ bản
Tỷ lệ băm (Hash-rate)
Tỷ lệ băm được nhiều nhà đầu tư coi là bằng chứng về sức khỏe của loại tiền điện tử đó. Tỷ lệ băm càng cao, càng có nhiều thợ đào được khuyến khích khai thác để thu lợi nhuận và mạng càng an toàn.
Tính toán tỷ lệ băm cũng có thể giúp các thợ đào xác định được lợi nhuận của chính họ. Tuy nhiên, khi tỷ lệ băm bắt đầu giảm cho thấy sự mất hứng thú từ phía các nhà đầu tư.
Địa chỉ ví hoạt động
Địa chỉ ví hoạt động đo lường số lượng địa chỉ blockchain hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định. Một trong những cách tiếp cận đơn giản nhất là tổng hợp tổng số địa chỉ gửi và nhận trong các khoảng thời gian khác nhau.
Bạn có thể kiểm đếm các địa chỉ ví đang hoạt động trong một khoảng thời gian ngày, tuần hoặc tháng và so sánh sự tăng trưởng hoặc suy giảm để đánh giá hoạt động và sự quan tâm của các nhà đầu tư đến một đồng coin hoặc token nào đó.
Vốn hóa thị trường (Market Cap)
Hiểu một cách đơn giản, đây là giá để bạn mua tất cả coin trong thị trường đó.
Nhìn vào hình trên, bạn có thể thấy rằng giá trị vốn hoá thị trường của Bitcoin (BTC) là $607,087,085,555. Đây chính là giá để bạn có thể mua hết BTC trên thị trường. Như vậy, chỉ số này càng cao nghĩa là thị phần của đồng coin đó càng lớn.
Chắc hẳn bạn cũng đã biết công thức tính market cap. Chúng ta có thể thấy, nếu muốn giá tăng, thì market cap phải tăng (khối lượng tài sản đầu tư vào đồng coin đó tăng) hoặc circulating supply giảm (tính khan hiếm tăng).
Như vậy, nhà đầu tư có thể ước lượng được mức độ khả thi của kỳ vọng so với thực tế về giá dựa vào chỉ số này.
Thanh khoản và Khối lượng giao dịch
Khi khối lượng giao dịch càng nhiều, đồng nghĩa với việc đồng coin đó đang được nhiều người quan tâm đầu tư vào nó. Thông thường, nhà đầu tư nhìn vào khối lượng giao dịch để dự đoán tính thanh khoản của một đồng coin.
Một đồng coin có tính thanh khoản cao, giá ổn định sẽ giúp nhà đầu tư phân tích chính xác hơn, dự đoán chuẩn hơn.
Tuy nhiên, số liệu này không thể chính xác hoàn toàn khi thị trường bị thao túng.
Nguồn cung lưu thông (Circulating Supply)
Nguồn cung lưu thông là số lượng tiền điện tử hoặc token có sẵn công khai và lưu hành trên thị trường mà mọi người có thể tiếp cận. Khác với tổng cung, nguồn cung lưu thông không cố định và có thể thay đổi theo thời gian.
Các nhà phát triển có thể tăng số lượng coin hoặc token lưu hành trên thị trường. Bên cạnh đó, với một số loại tiền điện tử có thể khai thác, hoạt động này cũng làm tăng nguồn cung lưu thông.
Cộng đồng
Môi trường chính trị xã hội
Đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu và tác động mạnh đến thị trường tài chính. Khi đại dịch bùng phát, tất cả tài sản, bao gồm cả tiền điện tử, đều bị bán tháo.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng, chính phủ các nước đã thông qua các gói kích thích hàng nghìn tỷ đô la. Lúc này, các nhà đầu tư chuyển sang tiền điện tử như một kho lưu trữ giá trị và một biện pháp phòng ngừa lạm phát.
Bên cạnh đó, các quy định pháp lý cũng có ảnh hưởng nhất định tới thị trường, như lệnh cấm thanh toán bằng tiền điện tử đột ngột của Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.
Cộng đồng và Truyền thông
Để một dự án có thể tiến xa trong tương lai đòi hỏi cộng đồng người dùng đứng sau phải thực sự mạnh mẽ. Nếu muốn đánh giá mức độ lớn mạnh của cộng đồng người dùng dành cho một dự án nào đó, bạn hãy tham khảo mức độ hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội. Chẳng hạn như số lượng người theo dõi dự án trên Twitter, Facebook, Reddit,...
Ví dụ: Cardano (ADA) bắt đầu từ năm 2017 và đã xây dựng được một cộng đồng người dùng lớn ủng hộ nó. Nguyên nhân có thể đến từ việc người sáng lập ADA có kinh nghiệm cộng tác trên các dự án thành công khác như Ethereum và BitShares, cơ chế đồng thuận của Cardano cũng thân thiện với môi trường hơn và rẻ hơn.
Tuy nhiên đến nay (2021), dù Cardano vẫn chưa thực hiện hết những lời hứa của mình, một số phần của mạng vẫn đang được phát triển. Tuy vậy cộng đồng người dùng dự án này vẫn kỳ vọng về tiềm năng phát triển trong tương lai.
Bạn cũng nên để ý đến chương trình Bounty nhận thưởng mà dự án đã và đang triển khai. Mức độ quan tâm của cộng đồng sẽ phần nào cho biết dự án đó có tiềm năng hay không.
Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận với những thông tin quá tích cực, thổi phồng dự án. Chúng có thể khiến bạn lầm tưởng về tiềm năng phát triển, mức độ quan trọng của giới đầu tư và cộng đồng người dùng.
Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật khác nhau như nào?
Phân tích kỹ thuật, dựa trên việc sử dụng dữ liệu thị trường, cụ thể là khối lượng giao dịch và lịch sử giá cả, để dự đoán diễn biến giá trong ngắn hạn và dài hạn. Các nhà phân tích kỹ thuật tin rằng hiệu suất trong quá khứ của một tài sản được hiển thị trên biểu đồ giá, là một dấu hiệu tốt hơn về hành vi trong tương lai của nó.
Phân tích cơ bản áp dụng chiến lược phân tích rộng hơn và chú trọng hơn vào các yếu tố định tính. Cuối cùng phân tích này sẽ đưa ra một mức giá mục tiêu, sau đó có thể so sánh với giá thị trường. Nếu giá trị nội tại thấp hơn giá thị trường hiện tại, bạn nên cân nhắc bán tài sản. Ngược lại thì bạn nên mua nó.
Phân tích kỹ thuật có thể được sử dụng bởi cả holder và trader. Trong khi đó phân tích cơ bản chỉ thích hợp hơn cho holder, chứ ít sử dụng cho giao dịch trong ngày được. Đặc biệt là giao dịch ký quỹ (Magin) thì không thể không biết về phân tích kỹ thuật.
Nên chọn phương pháp phân tích nào?
Bạn có thể tin rằng có một loại phân tích sẽ phù hợp hơn với phong cách giao dịch của bạn. Tuy nhiên, trên thực tế, không có phương pháp đúng hay sai để dự đoán biến động giá cả trong tương lai.
Vậy nên tốt hơn hết hãy nghĩ về phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản như hai mặt của một đồng xu. Tức là chúng hoàn toàn có thể bổ sung cho nhau.
Theo Michael Marcus - một biểu tượng của giới trader, người đã nhân số tài khoản của mình lên gấp 2,500 lần trong thời gian mười năm thì phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật sẽ giúp dự đoán của bạn có xác suất chính xác cao hơn.
Điều đó không có nghĩa là sự kết hợp này sẽ không bao giờ thất bại. Tuy nhiên, cơ hội cho một kết quả tích cực cao hơn nhiều theo cách này.
Theo cá nhân mình thì bạn có thể dùng phương pháp phân tích cơ bản để lựa chọn một đồng coin đầu tư và giá cơ sở của mỗi coin đó. Sau đó dùng phân tích kỹ thuật để tìm điểm vào, điểm ra và điểm cắt lỗ tuỳ từng trường hợp và giai đoạn của thị trường. Hãy luôn luôn kết hợp hai phương pháp với nhau để đạt được kết quả giao dịch tốt nhất.
Kết luận
Bằng cách tận dụng phân tích cơ bản, các nhà đầu tư có thể hiểu rõ hơn về giá trị thực của tiền điện tử và thời điểm phù hợp cho việc mua bán. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào phân tích cơ bản quá nhiều mà không sử dụng phân tích kỹ thuật sẽ khiến các nhà đầu tư bỏ lỡ thời điểm giao dịch thích hợp.
Để hạn chế rủi ro này, bạn có thể kết hợp phân tích cơ bản với phân tích kỹ thuật. Chúc các bạn có những quyết định giao dịch sáng suốt nhất.