Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Scam Crypto: Những chiêu trò mà dự án scam "móc túi" nhà đầu tư

Nhà đầu tư crypto thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều rủi ro mất tiền. Cùng tìm hiểu 1 vài chiêu trò "móc túi" nhà đầu tư của các dự án scam nhé.
Avatar
Sammie
Published Apr 02 2022
Updated Jul 20 2022
20 min read
thumbnail

Các nhà đầu tư crypto thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều rủi ro khi tham gia thị trường, chẳng hạn như đu đỉnh, chuyển nhầm địa chỉ ví hay dính phải những dự án scam. Theo thống kê, từ tháng 05/2020 đến tháng 10/2021, riêng tại Mỹ đã có gần $14 tỷ đô bị đánh cắp liên quan đến các dự án scam tiền điện tử. Không chỉ nhắm vào những người mới tham gia thị trường, không có kiến thức về đầu tư tài chính,..., các dự án kiểu này còn có rất nhiều cách để lừa được cả các nhà đầu tư lão luyện.

Vậy làm thế nào để nhận biết và bảo vệ bản thân mình khỏi các dự án như vậy? Trước tiên, hãy cùng điểm qua 1 vài chiêu trò "móc túi" nhà đầu tư của các dự án scam nhé.

Cách 1: Rút thanh khoản

Scam theo phương thức rút thanh khoản thường xảy ra nhiều nhất trên các sàn giao dịch phi tập trung (DEX). 

Cụ thể, ở giai đoạn ban đầu, các dự án scam kiểu này thường đầu tư xây dựng sản phẩm rất bài bản, sau đó phát hành coin/token và niêm yết nó trên các sàn DEX thông qua các pool thanh khoản như Uniswap, PancakeSwap,...

Tiếp đó, dự án sẽ tạo ra một cơn bão PR về đồng coin này trên trang mạng xã hội như Facebook, Telegram, Discord... để lôi kéo mọi người vào cung cấp thanh khoản cho pool. Điều này sẽ vô tình đẩy giá trị của đồng coin đó tăng lên và khi đạt một mức nào đó. Lúc này bỗng nhiên họ rút pool để lấy lợi nhuận và nhà đầu tư mất trắng.

Một ví dụ về hình thức scam kinh điển này là dự án Sushiswap - bản fork của Uniswap. Ngay từ ngày đầu đã gây được tiếng vang, sáng lập bởi một nhân vật ẩn danh gọi là Chef Nomi. Sau khi được niêm yết Binance và giá SUSHI đạt đỉnh, nhà sáng lập Chef Nomi đã bất ngờ rút một lượng lớn thanh khoản trị giá $14 triệu và đẩy giá SUSHI từ $9 xuống chỉ còn $1 trong vòng chưa đầy một tuần.

Chef Nomi đã bất ngờ tấn công

Mặc dù sau đó sự việc đã được bàn tay ông chủ FTX: Sam Bankman-Fried cứu dự án nhưng để gây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư, dự án đã tốn rất nhiều thời gian cũng như phải nhờ nhiều vào uy tín của Sam Bankman-Fried.

Dấu hiệu nhận biết dự án scam theo cách này:

  • Hứa hẹn APY cao: Lợi nhuận lớn luôn đi kèm với rủi ro cao. Nếu một dự án hứa hẹn cho bạn mức APY cao ngất ngưởng so với mặt bằng chung thì hãy đặt ra dấu hỏi rằng liệu nó có vẻ là quá tốt để trở thành hiện thực không. Có thể đây chỉ là chiêu trò để thu hút các nhà đầu tư bỏ tiền vào pool nhiều hơn.
  • Thanh khoản thấp: Thanh khoản và khối lượng giao dịch thấp có thể khiến một đồng coin dễ bị thao túng giá hơn. Nhìn chung, bạn nên tìm kiếm các đồng coin có khối lượng giao dịch từ 10% - 40% vốn hóa thị trường của nó.
  • Thanh khoản thả nổi: Các dự án tiền điện tử minh bạch thường sẽ "khóa thanh khoản" để bảo vệ tính hợp pháp của bản thân dự án và token. Khi thanh khoản bị khóa, các nhà phát triển không thể bán token, cam kết phát triển dự án lâu dài, do đó loại bỏ nguy cơ xảy ra lừa đảo. Đồng coin có thanh khoản bị khóa được coi là đáng tin cậy hơn và nhìn chung - thanh khoản bị khóa càng lâu thì càng tốt.

Cách 2: Khóa chức năng bán hoặc mint thêm token 

Ở hình thức này, các nhà phát triển dự án có thể thao túng các chức năng của smart contract để ngăn các nhà đầu tư bán token hoặc cho bán với lượng rất ít, chỉ có thể mua và bảo lưu khả năng bán cho chính họ. 

Token về bản chất là một smart contract có khả năng tự động thực hiện các lệnh theo tiêu chuẩn để đáp ứng các nhu cầu giao dịch. Ví dụ như di chuyển từ ví này sang ví khác. Trong khi đó, smart contract lại hoàn toàn có thể được lập trình lại theo nhu cầu của dev, tức là họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn với token thông qua code smart contract. Đến đây chắc bạn biết vì sao nhiều token chỉ cho phép nhà phát triển bán rồi chứ?

Trắng trợn hơn hình thức khóa chức năng bán là dự án tự mint ra thêm token ngoài số lượng đang lưu hành trên thị trường.

Trong trường hợp như vậy, khi giá token đã được đẩy lên đủ cao, các nhà phát triển dự án sẽ xả hết số token mà họ đang nắm giữ và biến mất, bỏ lại nhà đầu tư vẫn ôm token nhưng không thể bán.

Một ví dụ điển hình cho hình thức scam này là dự án Squid Game ăn theo bộ phim nổi tiếng của Netflix một thời. Nhờ ảnh hưởng của bộ phim, chỉ trong vòng 3 ngày sau khi ra mắt, token SQUID của dự án đã tăng 35,000%, từ $38.32 lên $2,856.54. Ngay sau đó, một địa chỉ ví đã bán phá giá token SQUID và khiến nó tụt xuống gần như bằng 0

Giá token SQUID tụt xuống gần như bằng 0 sau khi đã tăng 35,000%.

Cùng lúc đó, rất nhiều nhà đầu tư không thể đặt lệnh bán SQUID trên PancakeSwap. Lúc này mọi người mới vỡ lẽ đây là 1 dự án scam chính hiệu.

Có một số dấu hiệu rõ ràng mà bạn cần lưu ý để bảo vệ mình khỏi những dự án scam theo hình thức này:

  • Chỉ mua: Như mình đã đề cập ở trên, bạn có thể gặp rủi ro khi không thể bán số coin bạn giữ trong ví. Đồng coin không có chức năng bán thường bị cho là lừa đảo.
  • Đội ngũ sáng lập hoặc nhà phát triển ẩn danh: Nếu có rất ít thông tin về nguồn gốc của dự án hoặc những người sáng lập đứng đằng sau nó thì bạn cần phải cảnh giác. Một đội ngũ lãnh đạo công khai thông tin và minh bạch ít có khả năng đứng sau 1 dự án lừa đảo.
  • Chú ý đến tiểu tiết: Những dấu hiệu này vốn rất dễ phát hiện nhưng thường bị các nhà đầu tư bỏ qua. Hãy nhìn vào dự án Squid Game đã được nhắc tới ở trên. Có vô số các dấu hiệu cho thấy đây là một dự án lừa đảo như:
  • Trang web, tài liệu quảng cáo và whitepaper của dự án có nhiều lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp và những tuyên bố mơ hồ.
  • Kênh Telegram của dự án mới chỉ được tạo ra khoảng vài tuần bởi một người không rõ danh tính.
  • Tài khoản Twitter ngăn người dùng đăng bình luận.
  • Phân bổ token: Bạn hãy kiểm tra xem có bao nhiêu % nguồn cung lưu thông hiện đang do các nhà phát triển nắm giữ hoặc có nằm chủ yếu trong 1 - 2 địa chỉ ví nào không bằng các công cụ như Etherscan. Nếu có, đây rất có thể là dấu hiệu cho việc thao túng giá trong tương lai.

Cách 3: Scam ICO

Scam ICO là một hành vi gian lận khá phổ biến sau sự phát triển bùng nổ của các đợt ICO tiền điện tử vào năm 2017. Phương thức hoạt động của dạng scam này rất đơn giản: những kẻ lừa đảo khởi chạy một dự án tiền điện tử mới, tuyên truyền, quảng cáo về dự án này với những lời hứa hẹn lên tận mây xanh. Đôi khi chúng còn thuê những người nổi tiếng PR dự án của mình. 

Tiếp theo, dự án sẽ phát hành coin/token thông qua một đợt ICO để huy động vốn từ các nhà đầu tư phục vụ mục đích phát triển dự án. Sau khi đã gom góp được một số tiền lớn từ nhà đầu tư, những kẻ lừa đảo bỏ dự án, ôm tiền và biến mất.

Trong thị trường crypto hiện nay, việc các dự án mới chào bán coin/token qua các đợt ICO rất đơn giản và không đòi hỏi hồ sơ, thủ tục pháp lý phức tạp, cũng như việc thiếu các quy định bảo vệ nhà đầu tư khiến các vụ scam ICO xảy ra thường xuyên hơn.

Đã có rất nhiều những vụ lừa đảo ICO diễn ra cho đến nay. Vào tháng 11/2017, một công ty khởi nghiệp tiền điện tử liên quan đến ký quỹ có tên là Confido đã biến mất chỉ sau một đêm sau khi thu về $375,000 thông qua một đợt ICO trong vòng một tuần.

LoopX là một công ty khởi nghiệp tiền điện tử khác có ICO hứa hẹn "lợi nhuận được đảm bảo hàng tuần nhờ phần mềm giao dịch tiên tiến nhất cho đến nay." Nhưng sau đó, nó đã đột ngột đóng cửa vào tháng 2/2018 sau khi huy động được $4,5 triệu từ các nhà đầu tư.

Vào năm 2020, dự án Yfdex.Finance (Yfdex) đã kiếm được $20 triệu tiền của các nhà đầu tư thông qua ICO chỉ sau hai ngày tự quảng cáo trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Để đảm bảo rằng bạn đang đầu tư vào một dự án thực sự đáng giá, hãy kiểm tra một vài dấu hiệu của scam ICO sau đây:

  • Dự án ít trường hợp sử dụng thực tiễn: Dự án mà bạn đang quan tâm có những ứng dụng thực sự mà bạn cũng có thể hiểu được hay họ chỉ sử dụng nhiều từ thông dụng như AI, blockchain, phi tập trung, cách mạng,... Nếu whitepaper của một dự án truyền tải ít thông tin về mục đích của dự án và bạn cảm thấy bối rối khi tìm hiểu nhiều hơn về dự án này thì bạn nên cảnh giác. Đừng đầu tư vào những thứ mà bản thân bạn không thể giải thích được.
  • Dự án có thực sự cần blockchain không?: Liệu dự án mà nhóm đang thực hiện có thể thành hiện thực chỉ với blockchain không? Hay dự án có thể dễ dàng được thực hiện mà không cần sử dụng công nghệ này? Hãy đảm bảo rằng whitepaper của dự án đưa ra rõ ràng lý do tại sao dự án này cần phải thực hiện trên nền tảng công nghệ blockchain và nó đóng vai trò gì trong sự phát triển của các sản phẩm tương lai của dự án.
  • Đội ngũ phát triển ẩn danh/thiếu kinh nghiệm/từng có tiền án lừa đảo: Tất nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể có những thiên tài chưa từng có kinh nghiệm với blockchain và tiền điện tử nhảy ra từ bất cứ đâu. Tuy nhiên, trường hợp này rất ít xảy ra và nhiều khả năng bạn đang bị lừa bởi những người mà bạn thậm chí còn không biết là có tồn tại. Nếu những người sáng lập dự án có định hướng kinh doanh và đã thành công trong ngành - họ đã giành được giải thưởng hoặc đã và đang điều hành các doanh nghiệp có uy tín - sẽ khiến dự án đáng tin cậy hơn rất nhiều.
  • Trang web/whitepaper sơ sài: Mặc dù có thể có những trang web hay whitepaper được thiết kế chưa tốt và thiếu thông tin chi tiết là do dự án vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, nhưng cũng có thể đó là dấu hiệu của một vụ lừa đảo.
  • Roadmap không được chú trọng: Bất kể dự án nghe có vẻ hoành tráng như thế nào và nó đang ở giai đoạn phát triển nào, thì một dự án nghiêm túc phải luôn có một bản phác thảo rõ ràng tất cả các giai đoạn của dự án, bao gồm các mục tiêu và cột mốc trong quá khứ và tương lai. Hãy cảnh giác với những dự án có roadmap sơ sài, thiếu thông tin, thậm chí là không có roadmap.
  • Những người sáng lập ít tương tác với cộng đồng: Một đội ngũ sáng lập đầy nhiệt huyết và gắn bó biết rằng sự tương tác thực sự với những người mà họ phục vụ, ở đây là các nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng, là điều cần thiết. Những người sáng lập của các dự án có uy tín sẽ đảm bảo duy trì dòng chảy thông tin, thường xuyên thông báo cho cộng đồng về những phát triển, thay đổi mới nhất của dự án,... Nếu những người sáng lập luôn che giấu bản thân và gần như không tương tác với cộng đồng, đây có lẽ là dấu hiệu của ICO scam.

 

Cách 4: Tự hack dự án của mình

Mặc dù việc các dự án trong không gian tiền điện tử bị hack cũng khá thường xuyên xảy ra, nhưng rất khó để xác định dự án đó có thực sự bị hacker tấn công không hay chỉ là chiêu trò của đội ngũ phát triển để ăn chặn tiền của nhà đầu tư.

Gần đây nhất, một dự án game “click to earn” có tên là CryptoBike đã bị cáo buộc lừa đảo $700,000 của các nhà đầu tư. Để tham gia game này, ban đầu người chơi cần bỏ ra một khoản tiền nhất định để mua các box chứa các NFT xe đạp. Sau đó sử dụng NFT này để thi đấu và nhận phần thưởng nếu chiến thắng là token CB của dự án.

Sau khi nhận được sự chú ý từ cộng đồng và thu hút một lượng lớn người chơi tham gia vào dự án (góp phần đẩy giá CB token lên $1.5), chỉ 10 ngày sau, 6 triệu CB đã được bán tháo khiến giá token này giảm mạnh chỉ còn $0.036 - mất gần 98% giá trị.

CryptoBike đã bị cáo buộc lừa đảo $700,000 của các nhà đầu tư

Đối mặt với những yêu cầu giải thích từ phía các nhà đầu tư, đội ngũ phát triển của CryptoBike đã đưa ra thông báo trên Twitter cho biết dự án của mình đã bị hacker tấn công. 

Tuy vậy, sau đó các nhà đầu tư đã phát hiện ra rằng thực chất chủ sở hữu của địa chỉ ví đã bán xả 6 triệu token CB kia có mối quan hệ dây mơ rễ má với đội ngũ phát triển dự án. Lúc này, đại diện của dự án đã phải ra thông báo sẽ hoàn lại tiền cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, người này vẫn khăng khăng rằng CryptoBike đã bị hack và dự án chỉ có thể hoàn lại 70% số tiền cho các nhà đầu tư thua lỗ.

Đây chỉ là một ví dụ khá lộ liễu của việc dự án tuyên bố bị hack nhưng thực ra là tự “hack” chính mình. Còn rất nhiều những vụ hack khác trong lịch sử liên quan đến việc rò rì thông tin cá nhân khách hàng, khai thác lỗ hổng bảo mật của các dự án,... và cuỗm đi tiền của nhà đầu tư mà không để lại dấu vết gì.

Rất khó để biết được một dự án có ý đồ tự hack bản thân để scam trong tương lai hay không, nhưng vẫn có một vài dấu hiệu chung cho các dự án lừa đảo, ví dụ như đội ngũ phát triển ẩn danh, hứa hẹn khả năng hoàn vốn nhanh, trang web và whitepaper sơ sài nhưng lại chăm lên mạng xã hội kêu gọi đầu tư,... Vì thế, bạn cần phải tìm cách để tránh gặp phải những dự án như vậy.

Cách bảo vệ túi tiền và tránh được các dự án scam

Nghiên cứu kỹ về dự án trước khi đầu tư

Vào tháng 6/2021, tỷ phú - nhà đầu tư nổi tiếng Mark Cuban đã thua lỗ lớn khi khoản đầu tư $8 triệu vào token TITAN của anh ấy giảm từ $64 xuống bằng 0 chỉ trong vòng 24h. Trả lời CNBC Make It, Cuban đã tự nhận rằng sai lầm này xảy ra là vì anh ấy đã "thờ ơ" và không thực hiện những tìm hiểu cần thiết về dự án trước khi đầu tư vào nó.

Bài học ở đây là, với bất kỳ dự án nào, dù lớn hay nhỏ, bạn cũng nên dành thời gian nghiên cứu thật kỹ về dự án, tìm hiểu thông tin ở whitepaper, website, các trang Discord, Telegram; check thông tin về đội ngũ phát triển, cố vấn, công nghệ đằng sau dự án,... của nó trước khi xuống tiền. 

Mặc dù những thông tin này không thể đảm bảo 100% dự án bạn quan tâm không phải là lừa đảo, thì chúng cũng có thể hữu ích khi bạn bắt đầu tìm hiểu về một dự án.

Kiểm tra smart contract

Smart contract là một giao thức có khả năng tự động thực hiện các điều khoản, kiểm soát và ghi lại các thông tin về sự kiện, giao dịch, dữ liệu,... là nền tảng để một dự án tiền điện tử có thể hoạt động ổn định và bình thường. Cách check smart contract đơn giản nhất là lên Etherscan.io, Bscscan.com,.... để lấy contract chuẩn, kiểm tra source code để tránh dev có thể chỉnh sửa code.

Copy contract để đảm bảo không mua nhầm contract dự án scam

Tuy nhiên, không phải ai cũng am hiểu về code để có thể check smart contract. Vậy nên hiện nay có rất nhiều các dịch vụ hỗ trợ kiểm tra smart contract như RugDoc hay RugScreen để phát hiện những dự án có bất thường trong code.

Dưới đây là một vài dấu hiệu cho thấy một dự án có thể là scam:

  • Không có source code trên Etherscan, Bscscan,….
  • Source code hiển thị thông báo “This contract contains unverified libraries”. Điều này có nghĩa là các nhà phát triển dự án chỉ công bố môt phần source code của smart contract của mình. Đây cũng là một dấu hiệu đáng ngờ bởi các dự án minh bạch thì không có gì phải giấu cả.
  • Smart contract gọi tới một smart contract khác không có source code: đây là dấu hiệu cho thấy dự án chỉ cho mua, không cho bán token.

Sử dụng công cụ hỗ trợ

Bạn có thể sử dụng các dịch vụ hỗ trợ, bot, tool,… để kiểm tra xem coin/token bạn mua có bị khóa chức năng bán hay không ngay từ khi mới mua, ví dụ như @SAFUScannerBot và @SafeAnalyzerbot trên Telegram. Thậm chí, một số bot còn có thể báo trước việc token này chỉ có thể bán hay không và nếu bán được thì mất phí bao nhiêu,… 

Giữ ví của bạn an toàn

Tất cả các ví đều có hai key - public key và private key. Hãy đảm bảo rằng private key của bạn được lưu giữ ở nơi an toàn và không đưa nó cho bất kỳ ai trong bất kỳ trường hợp nào. Bên cạnh đó, bạn cũng nên ưu tiên sử dụng ví lạnh vì độ bảo mật và an toàn cao hơn.

Lưu trữ private key ở nơi an toàn

Ngoài những cách trên, bạn có thể tìm hiểu thêm: 15 cách bảo vệ tài khoản Crypto của bạn khỏi các Hacker.

Kết luận

Trên đây chỉ là một vài hình thức dự án scam dễ nhận biết và thường xuất hiện nhiều nhất. Thị trường tiền điện tử có tiềm năng rất lớn và đang phát triển không ngừng. Do đó, những kẻ lừa đảo sẽ luôn tìm ra những cách mới để đánh cắp tiền của bạn. Trong khi đó, so với thị trường chứng khoán truyền thống, thị trường crypto hầu như không có bất kỳ quy định hay khuôn khổ pháp lý nào để bảo vệ các nhà đầu tư.

Vậy nên, cách tốt nhất để tự bảo vệ mình là trang bị cho bản thân đầy đủ những kiến thức cần thiết để nhận biết cũng như phòng tránh các dự án scam như trên nhé. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích đến bạn.

RELEVANT SERIES