Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Stablecoin là gì? Giải mã toàn tập về đồng tiền Stablecoin từ A - Z

Sau 4 năm, stablecoin dần khẳng định vị thế và đã chiếm thị phần không nhỏ trong danh mục tài sản của các nhà đầu tư. Vậy Stablecoin là gì? Tìm hiểu tại đây.
kaylin
Published Oct 25 2021
Updated Jun 18 2024
10 min read
stablecoin là gì

Stablecoin là gì?

Stablecoin là tiền mã hóa hay tài sản kỹ thuật số được thiết kế nhằm giảm thiểu tối đa mức ảnh hưởng trong biến động của giá bằng cách được “gắn” với tiền pháp định (fiat) như USD hoặc Euro.

Stablecoin cho phép người dùng chuyển đổi giá trị trên toàn cầu với giá rẻ và nhanh chóng trong khi vẫn duy trì sự ổn định về giá.

Ví dụ: Binance USD (BUSD) là stablecoin gắn với đồng USD theo tỷ lệ 1:1, được phát hành bởi sàn giao dịch Binance.

advertising

Nguồn gốc của stablecoin

Theo dữ liệu từ CoinGecko tính đến ngày 16/9, trên thị trường có 84 đồng stablecoin khác nhau. Stablecoin lần đầu tiên được ra mắt vào năm 2014 với 7 dự án.

Đến năm 2018, stablecoin đã bùng nổ với hơn 36 dự án liên tiếp được tung ra thị trường, con số này chiếm 42% các dự án ở thời điểm viết bài.

50% các dự án stablecoin đang hoạt động được phát triển trên blockchain Ethereum. Các dự án này sử dụng tiêu chuẩn token ERC-20 có thể dễ dàng tương tác với ví phần cứng và phần mềm tương thích Ethereum. Điều này phản ánh mô hình Ethereum là nền tảng phát triển phổ biến nhất cho các dự án blockchain.

Bên cạnh đó, theo thống kê thì các stablecoin được hỗ trợ bởi hàng hóa như vàng và bạc có tỷ lệ thất bại cao nhất.

Vai trò của stablecoin trong crypto

Stablecoin được thiết kế để giải quyết vấn đề lớn nhất trên thị trường crypto là sự biến động của giá (volatility). Khi thị trường biến động mạnh (pump hoặc dump) các nhà đầu tư sẽ có xu hướng chuyển tài sản sang stablecoin để tránh khỏi sự biến động nhất thời mà không nhất thiết phải đổi sang tiền pháp định.

Vì thế, stablecoin được ví như cầu nối giữa thị trường crypto với thị trường tài chính truyền thống. Đồng thời, việc chuyển đổi từ fiat sang crypto cũng dễ dàng hơn khi có stablecoin. Ở các sàn giao dịch P2P, người dùng thường có xu hướng mua stablecoin với tiền fiat nhiều hơn là BTC hay các Altcoin khác.

Phân loại & cách hoạt động của stablecoin

Stablecoin có 3 loại chính như sau:

Stablecoin dùng tiền pháp định làm thế chấp

Điều tiên quyết của các dự án dùng tiền pháp định làm thế chấp là phải đảm bảo dự trữ tài sản thế chấp (USD, Euro...) bằng hoặc nhiều hơn số stablecoin ngoài thị trường.

Các hình thức thế chấp khác có thể bao gồm kim loại quý như vàng, bạc, hoặc các hàng hóa như dầu. Nhưng hầu hết các dự án phát hành stablecoin thế chấp bằng fiat hiện nay đều dự trữ bằng USD.

Các khoản dự trữ này được duy trì bởi những bộ phận giám sát độc lập và thường xuyên được kiểm toán để tuân thủ các quy định cần thiết. Tether (USDT) và TrueUSD là các đồng tiền điện tử phổ biến có giá trị tương đương với 1 USD và được hỗ trợ bằng USD.

Stablecoin dùng crypto hóa làm thế chấp

Các stablecoin được đảm bảo bởi crypto tương tự như stablecoin được đảm bảo bởi tiền pháp định. Nhưng thay vì sử dụng USD hoặc loại tiền tệ khác làm tài sản dự trữ, crypto hoạt động như tài sản thế chấp.

Vì tài sản crypto dự trữ có thể có biến động cao, các stablecoin này thường được thế chấp quá mức như biện pháp chống lại sự biến động giá.

Stablecoin thuật toán

Các stablecoin thuật toán không cần tài sản thế chấp và không sử dụng bất kỳ khoản dự trữ nào. Thay vào đó, các thuật toán và hợp đồng thông minh quản lý nguồn cung token được phát hành.

Các stablecoin này hoạt động tương tự như chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương.

Trên thị trường crypto, các dự án phát hành stablecoin này hiếm hơn nhiều so với các stablecoin được đảm bảo bởi tiền mã hóa hoặc tiền pháp định bởi để vận hành nó thành công khá khó và khi nó bị mất peg có thể gây nguy hiểm không chỉ cho công ty phát hành mà còn ảnh hưởng lên toàn thị trường crypto.

Ví dụ: Vào tháng 5/2022, stablecoin UST sau khi mất peg 1 USD đã kéo hoàn bộ hệ sinh thái Terra trị giá hơn 40 tỷ USD sụp đổ như MarginATM đã đưa tin (tại đây).

Những stablecoin này hoạt động tương tự như ngân hàng trung ương in tiền giấy để duy trì định giá của tiền tệ fiat. Stablecoin thuật toán có thể hoạt động bằng cách triển khai hợp đồng thông minh trên một nền tảng phi tập trung có thể chạy theo cách tự chủ.

Ưu nhược điểm của stablecoin

Ưu điểm

Stablecoin giúp đảm tài sản của nhà đầu tư luôn được giao dịch theo tỷ giá USD. Khi họ chuyển bất kì coin/token nào sang stablecoin thì khả năng cao giá sẽ không giảm.

Stablecoin là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư lo sợ những lúc thị trường biến động mạnh.

Nhiều sàn crypto trên thế giới không cho phép giao dịch tiền pháp định mà chỉ cho phép họ mua và bán crypto. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư thường gặp khó khăn khi rút tiền về tài khoản ngân hàng. Và để làm được điều đó, họ phải chuyển qua nhiều sàn giao dịch hoặc thậm chí đợi vài ngày.

Đây là lúc các stablecoin xuất hiện. Bởi vì chúng là tài sản crypto có mặt ở hầu hết các sàn giao dịch. Stablecoin gần giống phiên bản hỗ trợ blockchain của USD.

Nhược điểm

Dù đóng vai trò giúp tiền mã hoá trở nên phổ biến hơn, stablecoin cũng có một số hạn chế nhất định.

Các biến thể được thế chấp bằng tiền pháp định kém phi tập trung hơn so với các loại tiền mã hoá thông thường. Vì luôn cần có bên thứ ba nắm giữ và quản lý tài sản đảm bảo.

Đối với tiền mã hoá được thế chấp và không được chứng minh, người dùng cần phải tin tưởng vào cộng đồng để đảm bảo hệ thống được duy trì. Đây là những công nghệ mới, vì vậy chúng sẽ cần một thời gian để phát triển.

Một số trường hợp stablecoin không phải là đồng tiền ổn định. Chẳng hạn như UST của Terra đã sụp đổ và gần như mất toàn bộ giá trị chỉ trong 5 ngày. Tether (USDT) cũng gặp trường hợp tương tự khi có lúc giảm xuống mức thấp nhất là 0.51 USD trên một số sàn giao dịch.

Một số đồng stablecoin phổ biến

Theo dữ liệu từ CoinGecko, có 87 stablecoin khác nhau với tổng giá trị vốn hoá thị trường hơn 153 tỷ đô. Dưới đây là một số stablecoin phổ biến có vốn hoá lớn trên thị trường.

Một số đồng stablecoin phổ biến hiện nay:

  • Tether (USDT) là một trong những stablecoin lâu đời nhất, ra mắt vào năm 2014 và phổ biến nhất cho đến ngày nay. USDT có vốn hoá khoảng 68 tỷ USD, xếp thứ 3 theo vốn hoá.
  • USD Coin (USDC) là stablecoin được quản lý bởi các công ty Circle và Coinbase thông qua Centre Consortium được ra mắt vào năm 2018.
  • Binance USD (BUSD) là stablecoin được hỗ trợ bởi Binance - một trong những sàn giao dịch crypto lớn nhất thế giới.
  • Dai (DAI) là stablecoin thuộc blockchain Ethereum, chạy trên giao thức MakerDAO, Được ra mắt vào năm 2015, DAI được gắn với USD và được hỗ trợ bởi Ethereum.

Mua stablecoin ở đâu?

Hầu hết các sàn giao dịch tập trung đều hỗ trợ mua bán stablecoin bằng tài sản crypto hoặc giao dịch P2P bằng tiền trong tài khoản ngân hàng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể mua stablecoin trên các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) bằng tài sản crypto.

Ngoài ra, nhà đầu tư có thể truy cập vào trang web CoinGecko (tại đây), nhập tên stablecoin cần giao dịch và bấm vào mục Markets.

CoinGecko sẽ thống kê tất cả các sàn giao dịch cho phép mua bán đồng stablecoin. Nhà đầu tư có thể chọn một trong các sàn giao dịch bên dưới để mua bán stablecoin.

Nếu cần đổi sang VNĐ, nhà đầu tư có thể lựa chọn các sàn có hỗ trợ hình thức giao dịch ngang hàng (P2P) ở như Remitano, Binance hay FTX.

Để có thể mua bán giao dịch dễ dàng hơn, bạn có thể xem qua hướng dẫn của MarginATM:

Có nên đầu tư vào Stablecoin?

Từ năm 2019, stablecoin bắt đầu bùng nổ và phát triển mạnh mẽ. Sau gần 4 năm, stablecoin dần khẳng định vị thế của mình và chiếm thị phần không nhỏ trong danh mục phân bổ tài sản của các nhà đầu tư:

  • Kể từ tháng 5/2020, nguồn cung stablecoin đã tăng gấp 13 lần và hiện ở mức trên 153 tỷ USD.
  • Các gã khổng lồ thanh toán đang tích hợp thanh toán crypto vào mạng lưới của họ như Visa, Paypal,...

Stablecoin đang được các nhà giao dịch và nhà đầu tư sử dụng để bảo vệ danh mục đầu tư của mình. Phân bổ tỷ lệ stablecoin nhất định vào danh mục đầu tư vào là cách hiệu quả để giảm rủi ro tổng thể.

Đồng thời, điều này cũng giúp nhà đầu tư duy trì kho lưu trữ giá trị có thể được sử dụng để mua các loại tiền mã hoá khác khi thị trường đi vào downtrend.

Tương tự, stablecoin có thể được sử dụng để chốt lời trong mùa uptrend mà không cần nhà giao dịch phải rút tiền mặt.

Tìm hiểu thêm: Thuật ngữ crypto quan trọng mà người mới cần biết.

Tổng kết

Dù vẫn còn một số nhược điểm, stablecoin được cho là phần quan trọng của thị trường crypto. Thông qua nhiều cơ chế khác nhau, stablecoin có thể duy trì mức giá ổn định được thiết lập trước. Điều này khiến chúng có được sự tin cậy từ người dùng. Không chỉ làm phương tiện giao dịch, stablecoin còn là nơi trú ẩn an toàn cho nhà giao dịch.

Stablecoin là công cụ mạnh mẽ có thể mang đến nhiều ứng dụng mà tiền mã hoá có biến động mạnh vốn không phải là lựa chọn lý tưởng.

Như vậy, với những thông tin trên độc giả đã hiểu được Stablecoin là gì cũng như tại sao lại có sự xuất hiện của nó. Với những thông tin mà MarginATM chia sẻ, mong rằng sẽ giúp ích cho độc giả trong hành trình đầu tư nhé!

RELEVANT SERIES