Wrapped token là gì? Giải mã toàn tập về Wrapped token
Như các bạn đều biết, mỗi blockchain sẽ cung cấp các chức năng khác nhau và chúng không thể trực tiếp tương tác với nhau. Chẳng hạn như blockchain của Bitcoin không thể tương tác với blockchain của Ethereum. Vậy làm thế nào để bạn có thể giao dịch BTC trên blockchain của Ethereum?
Sau đây hãy cùng tìm hiểu về wrapped token - token có thể giao dịch / di chuyển tài sản giữa các blockchain với nhau qua các nội dung sau:
- Wrapped token là gì?
- Phân loại wrapped token
- Wrapped token hoạt động như thế nào?
- Ưu và nhược điểm của Wrapped token
- Có nên đầu tư vào Wrapped token không?
Wrapped token là gì?
Wrapped token (token được bao bọc) là tiền điện tử được gắn với giá trị của một loại tài sản ban đầu. Tài sản ban đầu thông thường sẽ là các coin nền tảng như BTC, ETH, NEAR,... nhưng đôi khi chúng có thể là vàng, cổ phiếu, cổ phần, bất động sản.
Tài sản gốc sẽ được “bọc” lại vào vault tiền kỹ thuật số để đảm bảo giá trị. Sau đó, một loại wrapped token sẽ được tạo ra để đem đi giao dịch trên các nền tảng khác. Ở đây, tài sản gốc giống như vật thế chấp, còn wrapped token là tấm séc bạn nhận được để đem đi giao dịch sau khi đã thế chấp tài sản gốc của mình.
Dễ hiểu thì wrapped token hoạt động tương tự một stablecoin (USDT, USDC,…) do stablecoin được tính dựa trên giá trị của tiền pháp định. Với wrapped token, tài sản gốc thường là các đồng coin nền tảng của blockchain khác.
Vậy, hiểu một cách đơn giản thì wrapped token là loại token đại diện cho tiền điện tử theo tiêu chuẩn của blockchain khác và có giá trị tương đương với tiền điện tử ban đầu. Wrapped token có thể được sử dụng trên blockchain khác và quy đổi lại tiền điện tử ban đầu.
Chẳng hạn: Để giao dịch Bitcoin trên mạng lưới Ethereum, bạn cần phải chuyển đổi BTC => wBTC.
Phân loại Wrapped token
Wrapped token gồm có 2 loại: Quy đổi thành tiền mặt (Cash-settled) và Quy đổi thành tài sản khác (Redeemable).
Quy đổi bằng tiền mặt (Cash-settled)
Với loại wrapped token quy đổi bằng tiền mặt, Khi đó, Wrapped token không thể dùng để trực tiếp chuyển đổi về tài sản gốc được.
Ví dụ: Cổ phiếu được mã hóa dựa trên lượng cổ phiếu thật rồi đưa lên sàn giao dịch tiền điện tử, thì ở trên sàn đó chúng chỉ có thể được giao dịch theo cặp BUSD hay USDT, không thể đổi lấy cổ phiếu ở sàn chứng khoán được.
Quy đổi thành tài sản khác (Redeemable)
Với loại wrapped token quy đổi thành tài sản khác, ta có thể đổi nó lấy loại tài sản gốc của nó (được bên giám sát đáng tin cậy nắm giữ).
Ví dụ: wETH có để quy đổi thành ETH, wBTC có thể quy đổi thành BTC với giá trị tương đương nhau (1:1) và khoản phí giao dịch.
Wrapped token hoạt động như thế nào?
Bạn có thể hiểu quá trình này như quá trình thế chấp tài sản ở ngân hàng. Quá trình này bao gồm 3 bên:
- Bên đem tài sản đi thế chấp: Người dùng đem đổi tài sản gốc lấy wrapped token.
- Bên đi lấy lại tài sản thế chấp: Người dùng đem đổi wrapped token lấy tài sản gốc.
- Bên thứ 3 (giám sát): Bên nhận tài sản gốc từ người dùng và mint wrapped token theo giá trị tài sản gốc được gửi; hoặc nhận wrapped token từ người dùng và đốt chúng đi, rồi trả lại tài sản gốc cho người dùng. Bên giám sát này có thể là thương nhân (merchant), ví đa chữ ký (multi-sig wallet), DAO hoặc hợp đồng thông minh (smart contract).
Tỉ lệ quy đổi giữa wrapped token và tài sản gốc là 1:1, nên bao nhiêu wrapped token sẽ ứng với bấy nhiêu lượng tài sản gốc.
Ví dụ về quá trình hoạt động của wrapped Bitcoin (wBTC):
- Người dùng chuyển BTC ban đầu vào địa chỉ của bên giám sát trong Blockchain.
- Lượng BTC ban đầu được khóa lại bởi bên giám sát.
- Bên giám sát mint một lượng wBTC theo tiêu chuẩn ERC-20 (thuộc blockchain Ethereum) tương ứng với lượng BTC ban đầu được gửi vào.
- Người dùng yêu cầu chuyển đổi wBTC về lại lượng BTC ban đầu.
Một số wrapped token cơ bản
- Wrapped Bitcoin (wBTC): Là phiên bản ERC-20 của Bitcoin, wBTC chiếm 81% thị trường wrapped token và được bảo đảm bởi công ty giám sát tiền điện tử BitGo. wBTC cho phép người dùng có thể tham gia vào hệ sinh thái DeFi.
- Wrapped Ethereum (wETH): Là phiên bản ERC-20 của ETH, tương thích với các giao thức phi tập trung (do ETH - token gốc của Ethereum, không tuân theo tiêu chuẩn ERC-20). wETH được giám sát bởi 0x Labs. Không như wBTC, bạn không thực sự "bọc" ETH, mà chỉ cần hoán đổi (swap) ETH lấy wETH thông qua hợp đồng thông minh hoặc trên ví điện tử như MetaMask.
- Bridge (cầu nối): Là cầu nối blockchain giúp chuyển đổi token hoặc dữ liệu giữa hai hệ sinh thái blockchain khác nhau. Một số bridge nổi tiếng: Binance Bridge, Avalanche Bridge, Wormhole, Sollet, Allbridge, Anyswap, Polygon POS Bridge,...
Lợi ích của Wrapped token
Tăng khả năng tương tác
Wrapped token giúp token ban đầu có thể tăng khả năng tương tác và trao đổi giá trị với các token khác.
Mỗi blockchain đều có tiêu chuẩn riêng như ERC-20 của Ethereum, BEP-20 của BSC. Tiêu chuẩn của blockchain này không thể áp dụng cho blockchain khác. Điển hình là blockchain BTC không thể chạy các giao thức hợp đồng thông minh hay tương thích với các dApp trên blockchain Ethereum. Nhưng wBTC có thể chạy trên nhiều blockchain khác nhau.
Tăng tính thanh khoản
Khả năng bao bọc tài sản để sử dụng nó trên blockchain khác giúp tăng tính thanh khoản và hiệu quả sử dụng vốn cho các sàn giao dịch.
Ví dụ: BTC có tính thanh khoản lớn hơn nhiều so với các blockchain khác nên việc wrapped BTC (wBTC) sẽ chuyển đổi tính thanh khoản này sang cho Ethereum.
Tiết kiệm thời gian và phí giao dịch
Nền tảng Bitcoin - blockchain thế hệ thứ nhất có tốc độ xử lý giao dịch chậm và phí gas cao hơn blockchain thế hệ thứ hai như Ethereum. Wrapped BTC (wBTC) giúp người dùng được hưởng tốc độ giao dịch nhanh hơn với phí giao dịch rẻ hơn mà không cần phải đổi sang loại token khác.
Tạo thu nhập cho người dùng
Hệ sinh thái tài chính phi tập trung (DeFi) chủ yếu hoạt động trên blockchain Ethereum. Nhờ việc bao bọc BTC thành wBTC, người dùng Bitcoin có thể kiếm thu nhập thụ động thông qua việc tham gia hệ sinh thái DeFi với các hoạt động: yield farming (khai thác thanh khoản), lending (cho vay), staking,…
Hạn chế của Wrapped token
Không có tính phi tập trung
Với công nghệ hiện nay, quá trình bao bọc token vẫn cần có sự tham gia của bên thứ ba - bên giám sát. Điều này làm giảm tính “phi tập trung” của tiền điện tử, đồng thời đòi hỏi người dùng phải có niềm tin vào bên giám sát.
Phí bao bọc token khá cao
Chi phí bao bọc token phụ thuộc vào phí gas của blockchain. Nếu phí gas tăng cao thì chi phí bao bọc cũng sẽ tăng theo.
Có nên đầu tư vào Wrapped token?
Wrapped token được xem là cầu nối tiếp người dùng dễ dàng hơn khi sử dụng trên nhiều nền tảng, blockchain khác nhau. Trong năm qua, tổng vốn hoá của wBTC đã tăng lên đáng kể, hiện token luôn nằm trong top 20 giá trị về vốn hoá (theo CoinMarketCap).
Chính vì thế, hiện nay có khá nhiều nhà đầu tư lựa chọn nắm giữ Wrapped token thay vì các đồng coin nền tảng.
Theo góc nhìn của mình, nếu bạn thường xuyên giao dịch, tương tác với nhiều blockchain, dApps khác nhau thì nên lựa chọn nắm giữ Wrapped token. Mặc khác, với những holder giao dịch trên các sàn tập trung hoặc HODL coin thì nên nắm giữ những đồng coin nền tảng.
Tìm hiểu thêm Stablecoin là gì? Kiến thức về đồng Stablecoin từ A - Z.
Tổng kết
Như vậy, MarginATM đã chia sẻ đến bạn về Wrapped token là gì & cơ chế hoạt động cũng như ưu và nhược điểm của Wrapped token. Để cập nhật thêm các hình thức đầu tư cũng như các thuật ngữ cơ bản khác hãy theo dõi website MarginATM nhé!