Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Top 7 hình thức Scam NFT phổ biến và mẹo hay cho nhà đầu tư

NFT bùng nổ với tiềm năng lợi nhuận to lớn nhưng cũng kéo theo các hình thức Scam. MarginATM sẽ cùng bạn tìm hiểu các hình thức Scam NFT và cách phòng tránh nhé!
quynhnguyen
Published Apr 24 2022
Updated Aug 08 2022
22 min read
thumbnail

NFT dường như đã trở thành mảnh đất màu mỡ quen thuộc đối với bất kỳ ai đã từng bước chân vào không gian crypto. Tài sản này không chỉ mang đến cơ hội cho mọi người thỏa sức sáng tạo và mang quyền sở hữu riêng tư cao mà còn đưa lại những thời cơ kiếm tiền hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Song đằng sau ánh hào quang của lợi nhuận, của tài năng, của công nghệ tân tiến là những góc khuất đen tối tiềm ẩn những rủi ro đến từ các dự án scam nguy hiểm đối với nhà đầu tư. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người mới bắt đầu tham gia vào thị trường NFT vẫn chưa biết cách nhận diện, xác định được các hình thức scam NFT phổ biến và cách phòng tránh chúng ra sao để bảo vệ túi tiền của chính mình. 

Trong bài viết hôm nay, Lia sẽ tiếp tục chia sẻ đến bạn đọc những điều cần biết về scam NFT và các tips hiệu quả để bạn có thể bảo toàn được số vốn đã rót vào tài sản này khỏi các hình thức lừa đảo tinh vi nhất. 

Mời bạn đọc cùng theo dõi!

NFT - Cơ hội cho nhà đầu tư, Scammers cũng không ngoại lệ

Mặc dù xuất hiện kể từ năm 2017, nhưng đến năm 2021 vừa qua NFT đã bùng nổ như một hot trend không thể bỏ lỡ dành cho những ai tham gia thị trường crypto. Với việc NFT đang trở nên một thứ tài sản ngày càng được nhiều người biết đến và hướng cộng đồng đến một kỷ nguyên mới của công nghệ kỹ thuật số, trong đó có sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật, sáng tạo với blockchain

Có lẽ chính điều đó đã trở thành một trong những động lực to lớn thúc đẩy mối quan tâm vô cùng đông đảo của thế giới đổ dồn vào lĩnh vực này thời gian qua. Đặc biệt, đó không chỉ là những nghệ sĩ nổi tiếng - người tạo ra tác phẩm NFT của mình mà còn có rất nhiều nhóm đối tượng khác nhau như nhà đầu tư, các dự án hay các cá nhân…

scam nft trong crypto
Bên cạnh tiềm năng lợi nhuận, các hình thức Scam NFT cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

NFT đã tăng trưởng như vũ bão, lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác nhau kéo theo sự gia nhập của nhiều “ông lớn” trên toàn cầu. Cho đến thời điểm hiện tại, thị trường NFT được định giá lên đến 40 tỷ đô, đồng thời ghi nhận con số tìm kiếm kỷ lục lên đến 216 triệu lượt trên Google. Điều này càng cho thấy rõ rằng việc NFT nở rộ như một “cơn sốt” và tiềm năng tăng trưởng của nó là một sự thật không ai có thể phủ nhận được. 

Thị trường NFT bùng nổ mở ra nhiều cơ hội kiếm lợi nhuận cho các nhà sáng tạo và nhà đầu tư, song cũng tiềm ẩn, manh nha nhiều nguy cơ rủi ro với các hình thức scam vô cùng tinh vi. Đặc biệt, đó là khi việc kiếm tiền trong chính không gian này trở nên dễ dàng và hấp dẫn hơn bao giờ hết thì nhiều scammers liên tục tìm mọi thủ đoạn để moi tiền từ túi nhà đầu tư. 

Chính vì vậy, bản thân Lia cho rằng NFT là một mảnh đất màu mỡ nhưng cũng là miếng mồi ngon béo bở trong mắt những kẻ lừa đảo để đánh cắp tài sản của bạn. Hơn hết là đối với những ai mới tham gia vào không gian này và chưa có đủ kiến thức, kinh nghiệm để tự bảo vệ túi tiền của chính mình.

Tại sao Scam NFT lại trở nên phổ biến?

Như Lia đã đề cập ở trên, sức hot của NFT đã góp phần nâng tầm giá trị của tài sản này, đem lại lợi nhuận vô cùng lớn cho nhà đầu tư. Bạn dễ nhận thấy hàng loạt NFT được bán với giá hàng trăm nghìn, hàng triệu đô trong thị trường này. 

Đơn cử như tác phẩm NFT Everydays - The First 5000 Days của nghệ sĩ nổi tiếng được bán với mức giá 69.3 triệu đô tại sàn đấu giá Christie. Hay như bộ sưu tập 10,000 NFT của CryptoPunk với giá NFT cao nhất lên đến 7.56 triệu đô. Đây dường như cũng chính là động cơ khiến các Scammers bắt đầu âm mưu đánh cắp tài sản của nhà đầu tư để kiếm về khoản tiền lớn trong tay. 

Ngoài ra, lĩnh vực NFT không chỉ cho phép các nghệ sĩ nổi tiếng, các dự án lớn tạo ra tác phẩm của họ mà còn có các cá nhân tham gia vào không gian này. Việc bất kỳ ai cũng có thể đúc được NFT của riêng họ hay những ông trùm đầu tư thuê các nghệ sĩ tạo nên hàng loạt NFT rồi quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội đã gây ra “sự xáo trộn” vô hình trong thị trường. Đặc biệt là với những nhà đầu tư mới, còn “non nớt” về kinh nghiệm chắc chắn sẽ không thể phân biệt được đâu là một NFT có giá trị cao và đâu là tài sản giả mạo. 

scam nft phổ biến
Scam NFT trở nên phổ biến trên thị trường bởi nhiều lý do khác nhau. 

Giá trị của NFT dường như được quyết định bởi nhiều yếu tố. Song theo góc nhìn của cá nhân mình cho rằng sự FOMO của cộng đồng chi phối đáng kể đến giá của một NFT. Khi sự FOMO được đẩy lên đỉnh điểm, nếu không đủ tỉnh táo nhà đầu tư rất dễ bị đánh lừa dẫn đến mất tiền. Nhất là khi tình trạng bơm thổi đã trở thành một hình thức scam quá quen thuộc trong lĩnh vực crypto. Điều đó cũng khiến các trường hợp lừa đảo NFT ngày càng gia tăng thời gian qua, trong đó những nhà đầu tư là nạn nhân chịu hậu quả nặng nề nhất. 

Bởi lẽ đó việc nhận biết được các hình thức Scam NFT và cách bảo vệ tài sản của chính mình là điều hết sức cấp thiết và vô cùng đối với họ. Hãy tiếp tục theo dõi những thông tin mình chia sẻ sau đây để tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân trong quá trình đầu tư NFT bạn nhé! 

7 hình thức Scam NFT phổ biến

Theo quan điểm của Lia, để tránh được scam, trước hết bạn phải biết nó là gì và diễn ra dưới hình thức nào. Cùng theo chân mình điểm qua các trường hợp Scam NFT phổ biến, thường gặp nhất trên thị trường nhé!

Marketplace giả mạo

Việc đầu tư NFT luôn luôn gắn liền với các nền tảng NFT Marketplace nhằm thực hiện các giao dịch mua bán tài sản kỹ thuật số này. Tuy nhiên, không phải bất kỳ ai cũng có thể phân biệt được đâu là Marketplace an toàn và đâu là trang web giả mạo. Đây cũng chính là sơ hở lớn để những kẻ lừa đảo tận dụng và bày trò tạo ra các URL web giống nhau đến từng chi tiết nhỏ, che mắt người giao dịch. 

nft marketplace giả mạo
Ví dụ về việc giả mạo nền tảng NFT Marketplace - OpenSea gửi tin nhắn cho người dùng. 

Nếu vô tính bạn không biết được và nhấp vào link của Scam Marketplace thì trang web có thể sẽ ghi lại tất cả thông tin đăng nhập hay thậm chí là giao dịch của bạn một cách chi tiết nhất. Hơn nữa, nhiều trường hợp còn yêu cầu nhà đầu tư nhập private key (khóa cá nhân) hay cụm pass phrase vào nền tảng từ đó rút toàn bộ số tiền trong tài khoản của họ. Điều này là hết sức nguy hiểm nếu như người dùng không cẩn thận chú ý để phân biệt được sự khác nhau giữa trang web thật và trang web lừa đảo dẫn đến mất tiền oan. 

Fake offers

Theo Lia nhận thấy hình thức Scam này dường như đã kinh điển và xảy ra nhiều trên thị trường thông qua các tin nhắn trên Discord, email, Twitter hoặc bất kỳ phương tiện truyền thông xã hội nào. 

Những kẻ Scammer thường mạo danh các nền tảng giao dịch NFT uy tín để gửi cho nhà đầu tư các tin nhắn với nội dung dự án đưa ra đề nghị về tài sản NFT của bạn. Những email này nhằm mục đích lôi kéo người dùng click vào link giả mạo để đưa đến các NFT Marketplace Scam. Từ đó chúng sẽ yêu cầu kết nối ví và rút dần số dư trong ví của họ. 

Ngay cả đối với OpenSea - nền tảng NFT Marketplace hàng đầu cũng có xuất hiện nhiều email giả mạo được gửi đến người dùng. Điều này có lẽ sẽ khó nhận ra đối với những người mới, chưa từng trải nghiệm nhiều các nền tảng giao dịch NFT. 

Mạo danh bộ phận hỗ trợ kỹ thuật

Trường hợp giả mạo đại diện hỗ trợ dịch vụ khách hàng gửi tin nhắn hỗ trợ kỹ thuật là một hình thức scam không phải hiếm gặp trên thị trường này. Nói một cách dễ hiểu đó là việc người dùng gặp sự cố trong khi sử dụng nền tảng để giao dịch các NFT của họ và yêu cầu support trên một trong các kênh social media của dự án, thường là Discord

Lúc này các scammers sẽ lợi dụng cơ hội để tiếp cận họ thông qua việc yêu cầu chia sẻ màn hình để kiểm tra các lỗi đang xảy ra. Chính điều này đã vô tình khiến nhà đầu tư làm lộ thông tin đăng nhập ví crypto của họ. 

fake opensea support message
Ví dụ về hình thức mạo danh bộ phận hỗ trợ kỹ thuật của OpenSea.

Ngoài ra, các scammers cũng có thể gửi đến cho các bạn một link lạ và đề nghị người dùng điền thông tin cá nhân của họ phục vụ cho quá trình khắc phục sự cố. Đây chính là lúc những người mới dễ sập bẫy và rơi vào kế hoạch lừa đảo của chúng. Một khi bạn đã cung cấp các thông tin về private key hay passphrase thì việc bị hack lấy hết NFT hay tiền trong ví chỉ là vấn đề thời gian. 

Những trường hợp này thông thường Lia thấy rất dễ xảy ra đối với những người mới join vào crypto. Bởi vậy mình luôn luôn lưu ý với các bạn newbie rằng nên ghi chép những thông tin bảo mật này ra một cuốn sổ và cất ở chỗ an toàn nhất. Bất kỳ ai hoặc đại diện nào yêu cầu nhập khóa cá nhân hay passphrase ngoài những lúc backup ví thì khả năng cao đều là scam bạn nhé!

Airdrop và quà tặng

Các vụ Scam Airdrop hoặc bounty có lẽ đã không quá lạ lẫm với cộng đồng crypto nữa. Những kẻ lừa đảo dễ dàng liên hệ với bạn qua các phương tiện truyền thông xã hội và yêu cầu bạn tham gia vào các campaign Airdrop. Những cam kết tặng NFT cho người dùng được đưa ra để đánh lừa người dùng để họ đăng nhập vào trang web scam. Từ đó nhanh chóng rút hết các NFT trong ví hay tiền của bạn. 

Ngoài ra, Lia cũng muốn đề cập đến một trường hợp nữa tương tự như Scam coin/token đó là các NFT scam sẽ được scammer gửi về ví của người dùng. Khi họ đưa các NFT lên chợ mua bán, nếu không đọc kỹ điều khoản và approve ngay lập tức tất cả tiền trong ví sẽ tự động bị chuyển đi do trong NFT scam đã cài sẵn các smartcontract. Nhiều lúc chỉ một sơ suất nhỏ thôi cũng khiến tiền không cánh mà bay là có thật bạn nhé! 

Rug pull

Mình tin chắc rằng ai trong chúng ta cũng đã từng nghe đến cụm từ phổ biến Rug pull. Thế nhưng không phải ai cũng biết cách cảnh giác trước các nguy cơ lừa đảo này cho đến khi bản thân chính là nạn nhân của các vụ việc đó. Vậy Rug pull trong NFT xảy ra như thế nào? 

Hiểu một cách đơn giản nhất về NFT rug pull scam đó chính là một cá nhân hay một dự án nào đó phát hành ra bộ sưu tập NFT, list bán trên các nền tảng Marketplace và đưa ra hàng loạt kế hoạch hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi đã huy động, nắm chắc trong tay được số tiền mà nhà đầu tư rót vốn vào thì ôm tiền bỏ chạy mà không để lại bất kỳ dấu vết gì. 

Và bạn biết điều gì sẽ xảy ra rồi đấy? Những kế hoạch phát triển của dự án cuối cùng bị bỏ ngang, giá trị NFT lao dốc không phanh và nhà đầu tư là người phải hứng chịu tất cả thiệt hại này. Chính vì vậy, bản thân Lia cho rằng để tồn tại và kiếm tiền trong thị trường crypto hãy luôn luôn giữ cho mình một chiếc đầu lạnh, hãy nhìn vào những gì dự án làm thay vì chỉ tin vào những gì dự án vẽ ra. 

Một ví dụ điển hình của hình thức Rug pull scam NFT đó là bộ sưu tập 10.000 NFT có tên "Evolved Apes" được phát hành vào tháng 10 năm 2021 vừa qua. Sau sự thành công đặc biệt từ bộ sưu tập NFT của Bored Ape Yacht Club thì các tác phẩm này được ra đời, kéo theo sự quan tâm đông đảo của nhà đầu tư. 

ví dụ rug pull scam nft
Dự án NFT "Evolved Apes" là một ví dụ điển hình cho Rug pull Scam. 

Người dùng đã tậu về những NFT với thiết kế đặc biệt nhằm sử dụng chúng trong một Game blockchain đang trong giai đoạn phát triển để giành về các phần thưởng token. Tuy nhiên, sau đó nhà phát triển của dự án, có biệt danh là Evil Ape đã biến mất ngay khi bán hết số NFT của mình và thu về 798 ETH (trị giá khoảng 2.7 triệu đô tại thời điểm đó). Cuối cùng dự án sụp đổ, game blockchain cũng chỉ là một chiêu trò lừa đảo để câu mồi nhà đầu tư khiến họ phải hứng chịu tất cả thiệt hại.     

NFT giả

Lĩnh vực NFT mở ra cơ hội cho bất kỳ nhà đầu tư nào tham gia vào thị trường song cũng chính điều này gây ra những rủi ro nhất định. Khi ai cũng có thể đúc NFT của chính mình thì các tác phẩm có giá trị cao của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng sẽ dễ dàng bị ăn cắp bản quyền hay là làm giả mạo. 

Những nhà đầu tư f0, nếu có nhiều kiến thức và còn hơi mơ hồ về cơ chế vận hành của thị trường có lẽ sẽ khó để phân biệt được đâu là tác phẩm thật và đâu là NFT giả. Việc mua phải các NFT giả mạo trên các nền tảng NFT Marketplace đã từng xảy ra với nhiều người mới dẫn đến tình cảnh mất tiền oan rồi mới biết chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên lúc này tiền đã được giao dịch và không có cách nào để lấy lại.

Pump & Dump (bơm thổi giá)

Mình chắc chắn ai trong chúng ta cũng đã từng nghe đến việc bơm thổi giá (Pump & Dump) trong lĩnh vực crypto khi chiêu trò này đã trở nên quá phổ biến với cộng đồng. Giống như đối với coin/token thì với NFT, những kẻ scammers cũng liên tục gom hàng mạnh tay để đẩy lượng cầu của NFT đó tăng lên. Đẩy giá cao lên kéo theo sự FOMO đỉnh điểm của cộng đồng, khiến họ đu đỉnh sau đó tiến hành xả hàng trên đầu các nhà đầu tư. 

Khi này những kẻ lừa đảo đã “ăn” được một khoản lợi nhuận khủng trong khi nạn nhân lại thất thoát nguồn vốn. Nếu không kịp thoát hàng trong các trường hợp này thì chắc chắn nhà đầu tư không thể thoát khỏi cảnh thua lỗ thảm hại.

Làm sao để tránh Scam NFT? 

Mục đích của bất kỳ phương thức đầu tư nào cũng là để kiếm tiền, nhưng làm sao để giữ được tiền cũng là điều quan trọng không kém. Trước khi để bị lừa mất hết tiền, tất cả chúng ta đều cần phải chuẩn bị cho mình những hành trang để tự bảo vệ chính mình khỏi các thủ đoạn hết sức tinh vi của Scammer.

Sau đây Lia sẽ giới thiệu đến bạn đọc 5 cách phòng tránh Scam NFT hiệu quả nhất mà mình đã tìm hiểu, tích lũy, tham khảo và rút ra được từ kinh nghiệm của chính bản thân cũng như của nhiều bậc tiền bối khác. Trong đó bao gồm:

Đừng chỉ click chuột một cách mù quáng

Mình muốn nhấn mạnh rằng không phải bất kỳ link nào được dự án hay nền tảng nào đó gửi đến đều đáng tin cậy bạn nhé. Tốt nhất là bạn nên kiểm tra thật kỹ trước khi nhấp vào chúng, đặc biệt là các link web lạ, không rõ nguồn gốc từ đâu. Không bao giờ nhấp vào các liên kết hoặc tệp đính kèm từ các nguồn không xác định. Khả năng cao những trường hợp này là Scammers gửi liên kết giả mạo về cho bạn và lợi dụng để hack ví. 

Nếu như trong hoàn cảnh bạn gặp sự cố hoặc có thắc mắc gì liên quan đến giao dịch hay các thông tin về NFT thì hãy tìm kiếm đến trang Web chính thức của dự án hay nền tảng Marketplace để yêu cầu hỗ trợ. Thay vì bạn chấp nhận share màn hình hay nhấp vào link lạ do một người đại diện nào đó giả danh bộ phận hỗ trợ kỹ thuật của dự án thông qua các phương tiện truyền thông xã hội.

DYOR về các dự án NFT muốn đầu tư

Bạn đã từng nghe đến DYOR hay chưa? Theo mình được biết DYOR (Do your own research) chính là tự mình tiến hành nghiên cứu một thứ gì đó. Đối với lĩnh vực đầu tư NFT, có thể giải thích đơn giản DYOR đó là việc nhà đầu tư tự tìm hiểu, nghiên cứu tất tần tật thông tin về NFT đó từ dự án, roadmap của họ, đội ngũ phát triển hay nhà sáng tạo, giá trị, độ hiếm của NFT, mức giá, tiềm năng của chúng… 

tiến hành dyor
DYOR là một trong những cách hiệu quả giúp bạn tránh được Scam NFT.

Quá trình này sẽ giúp chính nhà đầu tư có thể tự đánh giá được sự uy tín, độ an toàn và cả tiềm năng của dự án đó. Những yếu tố này sẽ quyết định đến giá trị lâu dài của khoản đầu tư mà họ bỏ ra. 

Đặc biệt là trong thị trường crypto đầy rẫy những vụ scam như thế này thì DYOR lại trở nên một kỹ năng vô cùng quan trọng mà Lia nghĩ ai cũng cần trau dồi cho mình. Ngoài việc nhìn nhận các yếu tố khách quan thì việc đưa ra những đánh giá cá nhân của riêng mình sẽ giúp bạn chắc chắn về khả năng lợi nhuận cho khoản đầu tư của mình hơn. 

Tìm hiểu thêm 5 Bước tiến hành DYOR hiệu quả trong Crypto.

Kiểm tra thật kỹ nguồn gốc của NFT

Đối với bất cứ NFT nào được gửi về ví của bạn dù là thông qua hình thức mua bán hay là Airdrop của dự án thì hãy check thật kĩ nguồn gốc rõ ràng của chúng. Tránh rơi vào các trường hợp scam Airdrop như mình đã đề cập ở trên. Nên nhớ rằng trong thị trường này, bạn luôn phải tự bảo vệ chính mình, một khi đã mất tiền rất khó lấy lại được. 

Hay như việc tránh mua phải các NFT giả mạo, giống hệt như tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng. Để nhận biết được độ thật giả lẫn lộn, nhà đầu tư cần kiểm tra nhiều thông tin cụ thể về NFT và người sáng tạo, lịch sử giao dịch của tài sản này. Nếu không sẽ rất dễ rơi vào bẫy của các Scammers. 

Không để lộ thông tin bảo mật ví crypto 

Như Lia có nhắc đến ở trên, các cụm từ passphrase hay private key là thông tin quan trọng nhất của ví, bạn chỉ có thể cất ở một nơi an toàn chỉ mình bạn biết. Tránh việc sao lưu trên các thiết bị điện thoại, máy tính, phần mềm không thực sự đáng tin cậy hay chia sẻ với người khác. Để tăng tính bảo mật ví, bạn nên sử dụng các mật khẩu khó đoán và bật xác thực hai yếu tố (2FA) như Google Authenticator hay Authy.

Sử dụng ví lưu trữ NFT an toàn 

Thị trường crypto phát triển nhanh chóng kéo theo nhiều sản phẩm ví được ra đời. Tuy nhiên không phải ứng dụng ví nào cũng được đánh giá cao và mang tính bảo mật chắc chắn. Để lưu trữ các NFT, bạn nên chọn lựa cho mình một ví tiền điện tử an toàn, như Coin98 Supper App.

lưu trữ nft trên coin98 super app
Coin98 Supper App là một trong những ví crypto lưu trữ NFT an toàn. 

Đây là một ví crypto không lưu ký và người dùng có thể toàn quyền kiểm soát tài sản của mình khi lưu trữ trên nền tảng. Việc tải xuống ứng dụng ví hoặc tiện ích mở rộng trình duyệt của bạn từ trang web chính thức, hợp pháp để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo. Để có thể biết cách cài đặt cũng như tạo ví Coin98, bạn có thể xem hướng dẫn tại đây.

Tổng kết

“Cơn sốt” NFT đã đưa đến cho không gian crypto một làn sóng mới với sự phát triển nhanh như vũ bão. Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng lợi nhuận hấp dẫn là nhiều nguy cơ rủi ro đến từ những hình thức Scam NFT vô cùng nguy hiểm. Để đạt được mục đích đầu tư và tối ưu hóa lợi nhuận, người dùng cần trang bị cho mình những kiến thức đầy đủ về Scam, cách nhận biết chúng và bảo vệ túi tiền của chính bản thân. 

Như vậy, trên đây Lia đã chia sẻ đến bạn đọc những kinh nghiệm chân thực nhất của mình về Scam NFT và cách phòng tránh chúng. Hi vọng bài viết này có thể trở nên hữu ích đối với các bạn newbie và cả với những ai đang tham gia đầu tư vào NFT.

Xem thêm Top 3 “chiến lược vàng” để đầu tư NFT hiệu quả nhất.

RELEVANT SERIES