Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Những sự kiện crypto nổi bật nhất năm 2022

Năm 2022 khép lại với hàng loạt sự kiện lớn. Thậm chí, nhiều sự kiện còn gây chấn động toàn ngành.
uyntran.web3
Published Jan 01 2023
Updated Jan 17 2024
22 min read
thumbnail

Năm 2022 khép lại với hàng loạt sự kiện lớn. Thậm chí, nhiều sự kiện còn gây chấn động toàn ngành.

Năm 2022 là khoảng thời gian mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho giới đầu tư tiền mã hóa. Chúng ta đã cùng trải qua hàng loạt tin xấu, từ biến động thị trường cho đến những cú sập ngỡ ngàng của các ông lớn trong ngành. Dù vậy, chúng ta không thể bỏ qua những sự kiện đặc biệt tạo động lực cho nhà đầu tư trong thời kỳ ảm đạm kéo dài.

Bước sang năm mới 2023, hãy cùng MarginATM nhìn lại những sự kiện đáng nhớ nhất trong năm qua.

Tháng 1: Thị trường bốc hơi 500 tỷ USD trong tháng đầu tiên của năm

Năm 2022 mở đầu với đợt trượt giá mạnh của Bitcoin và một loạt altcoin. Tính đến ngày 23/1, giá Bitcoin giảm tới tới 50% so với mức cao nhất mọi thời đại (ATH) 69,000 USD hồi tháng 11/2022. Đáng chú ý, có lúc Bitcoin rơi thẳng đứng còn hơn 17,000 USD, khiến cả thị trường tiền mã hóa nhuộm đỏ.

ETH, đồng coin lớn thứ hai theo vốn hóa cũng giảm xuống dưới 3,000 USD. Cùng lúc đó, BNB giảm 3.93%, XRP giảm 7.74 và, Dogecoin giảm 13.92%... Vốn hóa thị trường giảm còn khoảng 900 tỷ USD, thấp hơn gần 3 lần so với mức đỉnh.

Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho xu hướng giảm giá này. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng nguyên nhân hàng đầu đến từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Cuối năm 2021, tỷ lệ lạm phát bắt đầu tăng đột biến và làm dấy lên lo ngại Fed sẽ tăng lãi suất cho vay. 

Khi Fed dự kiến tăng lãi suất vào tháng 3, các nhà đầu tư chuyển sang tìm kiếm các kênh đầu tư an toàn hơn và khởi động đợt bán tháo. Có lẽ chúng ta cũng không ngờ đó chỉ mới là khởi đầu cho những cú rơi thót tim của Bitcoin sau mỗi lần Fed công bố chính sách mới. Fed có 6 lần tăng lãi suất trong năm nay và luôn thành công khiến nhà đầu tư đứng ngồi không yên.

Jerome Powell, Chủ tịch Fed là nhân vật có tầm ảnh hưởng đối với crypto. Nguồn: CNBC.

Trong khi đó, thị trường tiền mã hóa năm 2021 lại có bước khởi đầu rực rỡ. Giá Bitcoin chạm mốc 29,300 USD, tăng 34% so với mức ATH năm 2017. Vốn hóa thị trường nhanh chóng vượt mốc 1,000 tỷ USD chỉ trong một tuần.

Đọc thêm: Fed từng làm gì để chấm dứt lạm phát?

Tháng 3: Vụ hack lớn nhất trong lịch sử crypto

Axie Infinity có thể nói là tượng đài của trào lưu Play-to-Earn và thúc đẩy nhiều dự án game blockchain mới ra đời. Khối lượng giao dịch NFT của Axie Infinity vào năm ngoái vượt mốc 3.5 tỷ USD, chiếm 19% toàn thị trường. Đây là con số đáng nể với bất kỳ dự án GameFi nào trên thế giới. Tuy nhiên, vụ hack đã trở thành đòn trí mạng tấn công nền tảng, khiến Axie Infinity từ phải từ bỏ mô hình GameFi để duy trì hoạt động.

Đêm 29/3, cầu nối Ronin của Axie Infinity thông báo bị hack hơn 600 triệu USD. Ngay sau đó, toàn thị trường rơi vào làn sóng sụt giảm. Các token thuộc lĩnh vực GameFi tương tự Axie Infinity đều rơi giá mạnh. 

Trong vòng vài phút, nhà đầu tư ngỡ ngàng nhìn token MANA của Decentraland, dự án game metaverse có giá trị vốn hóa hàng đầu, giảm từ 2.77 USD xuống còn 2.66 USD. SAND (The Sandbox) và GALA (Gala) lần lượt giảm 4.6% và 5.6%. Không chỉ dự án GameFi, Bitcoin cũng giảm hơn 800 USD trong 20 phút.

Thiệt hại lớn nhất hiển nhiên thuộc về chính dự án và người dùng. Trước vụ tấn công, AXS có giá khoảng 70 USD. Kể từ đó, AXS liên tục lao dốc nặng nề. Hiện đồng token được giao dịch với giá dưới 7 USD, tức chia 10 lần so với thời điểm trước sự cố và thấp hơn 95% mốc ATH. 

Hàng loạt nhà đầu tư cùng người chơi chuyên nghiệp phải nếm trái đắng khi chứng kiến AXS ngày càng giảm sâu. Về phần Axie Infinity, người chơi cũng không còn mấy mặn mà với tựa game này. Cuối tháng 6, đội ngũ phát triển đã quyết định loại bỏ cơ chế Play-to-Earn với hy vọng níu chân giới game thủ truyền thống nhưng bất thành.

Hiện tại, Axie Infinity không còn là tựa game Play-to-Earn như trước mà đã chuyển sang cơ chế Play-and-Earn và Free-to-Play. Thay vì mua các NFT Axie như trước, người chơi được tặng Axie để bắt đầu trải nghiệm game. Người chơi vẫn có cơ hội nhận phần thưởng SLP và dùng các token này mint một số vật phẩm game.

Tháng 5: Bể máu LUNA nhấn chìm nhà đầu tư 

Trước khi thảm họa xảy ra, UST dẫn đầu mô hình stablecoin thuật toán, thu hút dòng tiền hàng chục tỷ USD. Đồng thời, Terra trở thành hệ sinh thái có tổng giá trị tài sản bị khóa (TVL) lớn thứ hai chỉ sau Ethereum. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi vào ngày 10/5. UST mất peg vĩnh viễn trong khi giá LUNA chia 12 triệu lần chỉ trong vòng 4 ngày.

Với quy mô lớn, LUNA đã trở thành quân cờ domino xô đổ hàng loạt người chơi trong thị trường. Kava Labs, đội ngũ phát triển stablecoin USDX đã lấy UST làm tài sản thế chấp. Khi UST sập mạnh, USDX cũng lập tức giảm sâu về dưới 0.5 USD.

Hơn 400 tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường tiền mã hóa trong vòng một tuần. Nhà đầu tư trở nên bất an và ồ ạt rút tiền khỏi thị trường, giáng đòn mạnh vào giá các token. Solana (SOL) giảm 27%, Avalanche (AVAX) giảm 34%, NEAR giảm 38%, FLOW giảm 29% trong cùng khoảng thời gian. Theo DefiLlama, tổng tài sản khóa trên các nền tảng giảm từ 204 tỷ USD xuống còn 113 tỷ USD. 

Tác động kinh khủng nhất có lẽ là sự sụp đổ của nhiều tổ chức lớn. Một tuần sau khi LUNA gặp họa, hơn 1 tỷ USD trên Anchor Protocol bị thanh lý, khiến nền tảng cạn kiệt tiền để trả lãi. 

Trước đó, quỹ đầu cơ Three Arrows Capital (3AC) đã đem tiền của các nhà đầu tư mua LUNA và rót vào Anchor để nhận lãi suất 20%/năm. Hàng trăm triệu USD của 3AC đã bị cuốn bay sạch sẽ, đồng thời hơn 200 triệu USD đầu tư vào LUNA cũng tan thành mây khói. Đây là một trong những yếu tố hàng đầu thúc đẩy 3AC phá sản vào tháng 7.

Tương tự, nền tảng cho vay Celsius Network cũng mất 500 triệu USD khi gửi tiền trên Anchor. Tháng 6, Celsius thông báo tạm dừng rút tiền do khủng hoảng thanh khoản và nhanh chóng nộp đơn phá sản một tháng sau đó. Sự sụp đổ của những dự án lớn này tiếp đến lại giáng đòn mạnh đến hàng loạt dự án lớn nhỏ khác. 

Tháng 5 trở thành cơn ác mộng khó quên của cộng đồng crypto. Trên các diễn đàn như Reddit, chúng ta dễ dàng bắt gặp những dòng chia sẻ cay đắng về LUNA. Người bán nhà, người bán xe, thậm chí là kết liễu đời mình vì trót “đứt tay” khi cố bắt đáy LUNA.

Do Kwon, người đứng sau đế chế Terra cũng trở thành kẻ tội đồ bị cả thế giới săn lùng. Không chỉ cảnh sát Hàn Quốc, Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) cũng phát lệnh truy nã Kwon. Hàng nghìn nhà đầu tư trên toàn cầu đã thành lập tổ chức để truy tìm dấu vết nhà sáng lập Terra. Tuy nhiên, vị trí thực sự của Kwon đến nay vẫn còn là bí ẩn.

Đọc thêm: LUNA và bài học lớn cho nhà đầu tư. 

Tháng 7: Bitcoin có quý giảm mạnh nhất trong 10 năm

Quý 2/2022 ghi nhận mức giảm mạnh nhất của Bitcoin kể từ quý 3/2011. Thời điểm Bitcoin còn non trẻ, đồng coin đã giảm khoảng 58%.

Trong quý 2/2022, giá Bitcoin giảm 59.4% xuống còn 18,879 USD vào ngày 30/6. Lúc này, thị trường vừa trải qua cú sốc LUNA và một loạt động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed. Nhiều công ty tiền mã hóa đứng trước nguy cơ phá sản, thậm chí một số công ty tiền mã hóa hàng đầu như Coinbase, BlockFi và Gemini phải cắt giảm nhân sự hàng loạt.

Cùng với thị trường downtrend kéo dài, các nhà quản lý lại càng xem tiền mã hóa như mối đe dọa với ổn định tài chính và siết chặt giám sát. Các đồng altcoin, chẳng hạn như AVAX (Avalanche) và MATIC (Polygon), giảm hơn 10%. Trong khi đó, Bitcoin được giao dịch quanh mốc 20,000 USD trong nhiều tuần và chạm 19,000 USD vào ngày 30/6. 

Theo dữ liệu Google Trends, số lượt tìm kiếm “Bitcoin dead” (Bitcoin đã chết) đạt mức cao kỷ lục. Kết quả tìm kiếm trên Google phản ánh sự lo lắng của các nhà đầu tư với thị trường tiền mã hóa sau hai tuần bán tháo trầm trọng.

Tháng 9: Sự kiện lịch sử The Merge hoàn tất

13h43 ngày 15/9, Ethereum hoàn thành nâng cấp The Merge. Ethereum thay đổi cơ chế từ Proof-of-Work (PoW) sang Proof-of-Stake (PoS), nâng cao khả năng mở rộng quy mô của mạng lưới và tiết kiệm đến 99.95% năng lượng tiêu thụ. 

Cả cộng đồng hào hứng đếm ngược trước khi Ethereum tiến vào thời khắc lịch sử. Gã khổng lồ công nghệ Google cũng không nằm ngoài dòng sự kiện. Khi người dùng nhập bất kỳ từ khóa nào liên quan đến “Ethereum Merge" hoặc "The Merge" vào thanh tìm kiếm Google, một chiếc đồng hồ đếm ngược sẽ xuất hiện.

Và tất nhiên, lễ hội The Merge không thể nào thiếu vắng các gương mặt lớn trong ngành. Buổi livestream “Ethereum Mainnet Merge Viewing Party” trên kênh YouTube của dự án quy tụ đông đảo các thành viên của Ethereum Foundation và hàng loạt KoL trong cộng đồng crypto. Hơn 12,000 người đã cùng tham dự bữa tiệc từ khắp nơi trên thế giới.

Sau khi The Merge hoàn tất, số phận bấp bênh của các thợ đào lại trở thành chủ đề tiếp theo được chú ý. Giá các đồng coin miệt mài lao dốc, trong khi chi phí điện năng leo thang, nhiều thợ đào đã tính đến chuyện tắt máy đào hoặc buộc phải tìm kiếm các mạng lưới PoW khác.

Điều này thể hiện ở hashrate của các blockchain PoW. Trong vòng 1h sau The Merge, hashrate của nhiều đồng coin đồng loạt tăng mạnh. Hashrate của ETC (Ethereum Classic), RVN (Ravencoin) và CFX (Conflux) lần lượt chạm mốc 103.47 TH/s, 10.092 TH/s và 1.6158 TH/s. 

The Merge khiến cộng đồng vừa mừng vừa lo. Sự thành công của The Merge để lại nhiều đóng góp lớn cho ngành trong năm 2022 nhưng đáng tiếc không được nhớ đến nhiều như những sự kiện khác. Bây giờ khi nhắc đến 2022, có thể chúng ta chỉ nhớ đến những câu chuyện buồn về LUNA, FTX hay những vụ hack. Nhưng nhiều năm sau, bước chuyển công nghệ của The Merge mới là điều đáng nhớ nhất.

Đọc thêm: Những sự kiện đáng chú ý trong tháng 9.

Tháng 10: Elon Musk mua lại Twitter, Aptos airdrop khủng

Elon Musk mua lại Twitter

Tối ngày 4/10, Elon Musk xác nhận đồng ý mua lại Twitter sau 6 tháng liên tục “quay xe”. Đến ngày 27/10, Twitter và Musk chính thức khép lại thỏa thuận mua lại mạng xã hội với giá 44 tỷ USD. Từ khi tiếp quản Twitter, Musk đã thực hiện một loạt thay đổi quan trọng. 

Chỉ vài ngày sau, Musk sa thải 50% nhân sự Twitter, tương đương hơn 3,700 người. Toàn bộ hội đồng quản trị gồm 9 thành viên cũng bị ông chủ mới thẳng tay giải tán. Nhiều cựu nhân viên Twitter đã đệ đơn kiện tập thể Musk do sa thải hàng loạt mà không thông báo trước.

Việc Elon Musk mua Twitter tưởng chừng không ảnh hưởng đến thị trường blockchain. Tuy nhiên, tỷ phú Tesla đã thực hiện một số thay đổi liên quan trực tiếp đến crypto và hé lộ thêm nhiều kế hoạch mới. 

Chẳng hạn, ngày 28/10, vị tỷ phú tiết lộ kế hoạch tích hợp marketplace NFT vào mạng xã hội. Tính năng vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và sẽ hiển thị ngẫu nhiên ở một số nhóm người dùng nhất định. Twitter cũng giới thiệu gói tích xanh 8 USD/tháng dành cho người dùng muốn được xác minh tài khoản. Sắp tới, Musk dự định triển khai ví tiền mã hóa, tweet dạng dài và một hình thức thanh toán mới, được một số người đồn đoán là Dogecoin). 

Aptos mở đợt airdrop khủng

Aptos có thể được ví như cơn mưa rào giữa lúc thị trường nắng hạn. Ngày 18/10, blockchain layer 1 Aptos triển khai mainnet. Ngày 19/10, Aptos Labs thông báo airdrop cho những ai tham gia Aptos Incentivized Tesntet (chương trình chạy node) hoặc sở hữu Aptos:Zero NFT. Mỗi ví ước tính nhận 150-300 APT (tương đương hàng nghìn USD). 

Sự kiện airdrop nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng, khiến nhà đầu tư được nếm trải cảm giác háo hức, mong chờ trở lại sau thời gian dài ảm đạm. Aptos đã airdrop 20 triệu APT cho hơn 100,000 người dùng, chiếm 2% tổng cung của dự án. Không ít người dùng trải nghiệm Aptos đã có cơ hội hưởng airdrop APT ở giá 100 USD.

Không chỉ vậy, tokenomics của Aptos tiết lộ dự án sẽ dành hơn 50% tổng cung token để thúc đẩy và phát triển hệ sinh thái. Do đó, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng các đợt airdrop mới từ các dự án trên Aptos và coi đây là thời cơ tốt để “skin in the game”. 

Mặt khác, dự án tuyên bố 1 tỷ chỉ là tổng cung ban đầu. Nhà đầu tư có thể stake và nhận phần thưởng thông qua hỗ trợ bảo mật mạng lưới. Vì vậy, tổng cung APT sẽ tăng và có nguy cơ lạm phát, gây ảnh hưởng đáng kể đến giá đồng coin trong tương lai. 

Tháng 11: “Có đối thủ đang muốn hại tôi”

Đây là phản ứng đầu tiên của Sam Bankman-Fried sau khi CoinDesk và CZ chia sẻ thông tin tiêu cực về FTX. 

Nếu giữa năm có cú sốc LUNA thì thị trường cuối năm lại kết thúc bằng thảm họa FTX. Với tốc độ kinh khủng hơn cả LUNA, toàn bộ đế chế của Sam Bankman-Fried sụp đổ chỉ trong 6 ngày. 

Ngày 2/11, trang Coindesk công bố báo cáo tài chính của Alameda Research, vạch trần quan hệ mờ ám giữa quỹ đầu tư này với FTX. Ngày 6/11, CZ chia sẻ thông tin của Coindesk trên Twitter của mình và tuyên bố Binance sẽ bán toàn bộ khoản nắm giữ FTT.

Hai ngày sau, giá FTT rơi khỏi mốc 20 USD và có dấu hiệu bị xả mạnh. Tiếp theo đó là chuỗi ngày tụt dốc không phanh của FTT. Hiện FTT chỉ còn hơn 1 USD, giảm 98% so với mức ATH. Không chỉ vậy, hàng loạt nhà đầu tư ồ ạt rút tiền khỏi FTX. Hậu quả tất yếu là FTX lâm vào khủng hoảng thanh khoản nghiêm trọng và phải dừng hoạt động rút tiền.

Không chỉ người dùng lao đao, hàng loạt dự án có số tiền lớn kẹt trên FTX cũng đứng ngồi không yên. Ngoài ra, những dự án từng được Bankman-Fried hỗ trợ như Solana và Serum bị ảnh hưởng đáng kể. Ngày 28/11, nền tảng cho vay BlockFi nộp đơn phá sản sau hai tuần đình chỉ rút tiền. Trong khi đó, Genesis Trading cảnh báo nguy cơ phá sản do ảnh hưởng từ FTX và Three Arrows Capital trước đó.

Theo dữ liệu từ CryptoQuant, 81,712 Bitcoin (1,35 tỷ USD), tương đương hơn 15% Bitcoin trên Binance, bị rút khỏi sàn trong chưa đầy một tuần. Ngoài ra, 125,026 Ether (155 triệu USD) và 1.14 tỷ USD stablecoin cũng bị rút khỏi Binance.

Glassnode chỉ ra nhà đầu tư đang tích cực chuyển tài sản về ví lạnh với tốc độ cao nhất từ trước đến nay. Tổng số dư Bitcoin trên các sàn giao dịch ước tính giảm hơn 73,000 Bitcoin trong vòng một tuần.

Với nhiều người, đây không chỉ là nỗi bất an trước biến cố thị trường mà là cú sốc khi thần tượng bao năm tan vỡ. Những hành động cao cả, danh xưng vị anh hùng cứu rỗi thị trường hóa ra chỉ là lớp bình phong cho kẻ lừa đảo bòn rút hàng tỷ USD của người dùng.

Phản ứng ban đầu của Bankman-Fried hoàn toàn trái ngược với hiện thực. Hóa ra không có đối thủ nào muốn hại anh cả mà họ chỉ vạch trần cách anh đánh cắp tiền của cộng đồng suốt nhiều năm.

Tháng 11-12: Fan token dậy sóng Crypto hòa cùng World Cup 

Đây là dấu hiệu cho thấy crypto đang đi vào áp dụng hàng loạt. Từ sân khấu âm nhạc, tác phẩm nghệ thuật cho đến giải bóng đá lớn nhất hành tinh, đâu đâu cũng in đậm các dấu ấn của blockchain.

Ngày 24/11 đánh dấu thời điểm khai mạc giải World Cup sau 4 năm chờ đợi. Từ hơn một tháng trước, các nhà đầu tư đã đặc biệt quan tâm đến fan token. Lực lượng người theo dõi World Cup hùng hậu đã góp phần đẩy mạnh sức nóng của fan token. 

Các fan token có mức tăng mạnh là fan token do Binance hậu thuẫn như LAZIO và PORTO. Ngoài ra, lượng giao dịch các token liên quan đến những đội bóng, câu lạc bộ có cầu thủ tham dự World Cup tăng đột biến. Trong số này, nổi bật nhất là fan token của các đội tuyển mạnh như Brazil, Argentina, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Một tuần trước World Cup, giá fan token của Argentina (ARG) và Tây Ban Nha (SNFT) tăng 18%. Trong khi đó, giá fan token của Brazil (BFT) và Bồ Đào Nha (POR) tăng lần lượt 9.4% và 13.6%.

Tuy nhiên, cũng giống như bóng đá, sự khó đoán của fan token nhắc nhở nhà đầu tư dù ở phút 90 cũng chớ vội ăn mừng. Các nhà đầu tư chạy theo xu hướng fan token hẳn không lạ gì với những lần fan token phản ứng giá một cách khó hiểu. 

Chẳng hạn, ARG đã giảm 25% xuống còn 5.26 USD sau khi Argentina thua sốc trước Saudi Arabia. Dù có được chiến thắng trước Mexico sau đó, ARG vẫn tiếp tục giảm thêm 22%. Một tuần trước trận chung kết giữa Argentina và Pháp, ARG lại bất ngờ lội ngược dòng hơn 195%. Tuy nhiên, sau khi đội tuyển của Lionel Messi giành ngôi vô địch World Cup, giá token ARG giảm gần 50% so với khi bắt đầu trận đấu về mức 3 USD. 

Tuy xu hướng fan token giờ đã hạ nhiệt, các ông lớn đã kịp nhạy bén nắm bắt sức nóng của thị trường. Từ 2021, Binance đã phát hành 4 fan token LAZIO, PORTO, SANTOS và ALPINE trên BNB Chain. 4 token này không đại diện cho các đội tuyển quốc gia, song làn gió World Cup cùng cái tên Binance đã khiến các token tăng trưởng mạnh mẽ.

Ngoài ra, sự kiện Binance Football Fever 2022 cho phép chủ sở hữu các fan token trên dự đoán về các trận bóng sắp tới và nhận thưởng. Điều này đã khuyến khích người dùng mua giao dịch fan token hệ Binance. 

Sàn giao dịch OKX cũng không bỏ lỡ miếng bánh ngon. Tháng 11, nền tảng giới thiệu OKX Football Festival để hưởng ứng World Cup. OKX cho phép người hâm mộ bóng đá mint tối đa 3 NFT miễn phí ứng với đội bóng họ ủng hộ.

Người nắm giữ NFT sẽ nhận thưởng nếu đội bóng tương ứng giành chiến thắng. OKX cũng triển khai một số chương trình khác cùng chủ đề World Cup để thu hút người dùng mới và khuyến khích giao dịch fan token. Sở hữu các chiến lược tích cực, OKX đang trở thành đối thủ tiềm năng của Binance sau khi FTX sụp đổ.

2022 là mở đầu, không phải kết thúc

Những cơn sóng thần lũ lượt ập đến có thể đã khiến nhiều người đầu tư mất lòng tin vào thị trường, đồng thời bóp méo hình ảnh của crypto trong mắt công chúng. Trên các phương tiện truyền thông nhan nhản những tiêu đề như “bong bóng tiền mã hóa đã vỡ” hay “bữa tiệc tàn của thị trường tiền mã hóa”. 

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên nhà đầu tư crypto phải “nằm gai nếm mật”. Vào cuộc suy thoái tài chính 2018, không ít người cho rằng Bitcoin đã chết sau khi tụt dốc đến 75%. Đến năm 2019, Bitcoin lại bất ngờ gượng dậy và hồi sinh mạnh mẽ. Nhà phân tích Everett Millman của CNN cho rằng cú sụp đổ năm 2018 là sự điều chỉnh cần thiết của thị trường tiền mã hóa sau cơn sốt đầu cơ.

Nói về năm 2022, Changpeng Zhao, nhà sáng lập Binance nhận định những sự kiện xấu có thể đẩy lùi thị trường tiền mã hóa vài năm nhưng cũng cải thiện nó tốt hơn. Các vụ hack nhắc nhở nhà phát triển về tầm quan trọng của bảo mật và cải tiến công nghệ. Trong khi đó, thảm kịch FTX sẽ là chất xúc tác thúc đẩy khung quy định rõ ràng và minh bạch hơn. 

Bên cạnh đó, chúng ta có được 3 bài học lớn của năm. Cú sập của FTX và những cái tên lớn như LUNA và Three Arrows Capital cho thấy không có tổ chức nào là quá lớn để sụp đổ. Ít ai ngờ toàn bộ 24 tỷ USD của Bankman-Fried có thể bốc hơi trong một đêm, cũng không mấy ai nghĩ đến hình tượng anh hùng crypto một thời chỉ là lớp da của kẻ lừa đảo. Nhưng tất cả đều đã xảy ra.

Ngoài ra, các nhà phát triển phải luôn xem bảo mật là cốt yếu. Các vụ hack nhắm vào Axie Infinity, Nomad và Mango Markets đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng công nghệ bền vững. Cuối cùng, dự án hãy giữ mọi thứ minh bạch, đúng với giá trị của blockchain. Niềm tin chính là điểm mấu chốt khiến FTX rơi vào bank run và sụp đổ nhanh chóng.

Đọc thêm:

RELEVANT SERIES