Channel logo
MarginATM
Save
Copy link

Hệ sinh thái trong Crypto là gì? Bí kíp đầu tư vào hệ sinh thái thành công

Hệ sinh thái trong Crypto là gì? Bao gồm những mảnh ghép nào? Có nên đầu tư tập trung vào một hệ? Tìm hiểu bí kíp đầu tư vào hệ sinh thái Crypto thành công.
alice
Published Apr 07 2022
Updated Jul 23 2022
17 min read
thumbnail

Năm 2021, có ít nhất là hai lần dòng tiền trên thị trường được đổ vào các hệ sinh thái Crypto. Điển hình như Solana được bơm mạnh và các dự án con trong hệ tăng trưởng tới vốn hoá hàng trăm, thậm chí là tỷ đô như Coin98, Serum, Raydium…

Người ta ước tính bạn x10 lần với SOL thì bạn có thể x20, x30 lần với các dự án con trong hệ. Đó là lý do vì sao đầu tư vào hệ sinh thái là phương pháp đầu tư được nhiều người lựa chọn, trong đó có cả mình.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là có quá nhiều hệ sinh thái trên thị trường. Vậy nên phân bổ vốn như thế nào? Có nên tập trung vào đầu tư một hệ hay rải vốn ra nhiều hệ để không bỏ lỡ cơ hội? Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với bạn đọc về kinh nghiệm và lựa chọn của mình khi đầu tư vào hệ sinh thái.

Nhưng trước tiên, bạn đã biết hệ sinh thái trong Crypto là gì chưa? Hệ sinh thái Crypto bao gồm những mảnh ghép nào? Cùng mình tìm hiểu ngay trong bài viết nhé!

Hệ sinh thái trong Crypto là gì?

Nhắc tới hệ sinh thái nói chung chúng ta ngay lập tức ngầm hiểu đó là không gian gồm nhiều cá thể liên kết, chung sống và phát triển. Tương tự, chúng ta có thể liên tưởng hệ sinh thái trong Crypto là một hệ thống gồm nhiều sản phẩm có sự liên kết, móc nối và hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển trong cùng một không gian, không gian đó chính là Blockchain.

Vậy hệ sinh thái Crypto có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của Blockchain?

Mỗi blockchain sẽ có một hệ sinh thái khác nhau và hệ sinh thái chính là vũ khí để cạnh tranh giữa các chain. Chỉ khi blockchain có một hệ sinh thái đầy đủ các mảnh ghép cần thiết, đáp ứng được nhu cầu để giữ chân người dùng thì blockchain đó mới là người chiến thắng cuối cùng.

Đó cũng chính là lý do khiến không ít nhà đầu tư lựa chọn đầu tư tập trung vào một hệ sinh thái với kỳ vọng chỉ cần hệ đó phát triển thì các dự án trong đó cũng sẽ cùng đi lên.

Một số hệ sinh thái nổi bật trong thị trường Crypto hiện nay có thể kể chia thành 3 loại. Đó là: 

  • Ethereum, BNB Chain, Polygon là những hệ sinh thái đã phát triển hoàn chỉnh.
  • Solana, Avalanche, Cardano, Terra, Fantom là những hệ sinh thái tiềm năng nhưng còn thiếu một vài mảnh ghép.
  • Nhóm còn lại là các hệ sinh thái đang phát triển các mảnh ghép, còn mới hoặc thậm chí là chưa có gì như Near, Celo, Dfinity, Algo, Elrond,...
Các dự án nổi bật của hệ sinh thái Fantom. Nguồn: Coin98.net

Các mảnh ghép của một hệ sinh thái trong crypto

Một hệ sinh thái Crypto hoàn chỉnh là hệ sinh thái có đầy đủ các thành phần sau:

  • Transactions & Payment Services: Cung cấp các dịch vụ liên quan đến giao dịch, thanh toán trên Blockchain. (Token, Smart Contract, Wallet,…)
  • DeFi: Tài chính phi tập trung (DeFi) đóng vai trò tương tự như Ngân hàng ở thị trường tài chính truyền thống. Ở đây cung cấp đầy đủ các dịch vụ liên quan đến cho vay, gửi tiết kiệm hay giao dịch nhận gửi,… Đây là mảnh ghép quan trọng được các hệ sinh thái tập trung phát triển. (Lending & Borrowing, Staking,…)
  • Social & Entertainment: Nhu cầu tiếp theo là về tương tác giữa cộng đồng và yếu tố giải trí. Là mảnh ghép được tạo thành từ những yếu tố nhỏ như: NFT, Gaming, Music, Sport,… mà chúng ta được tiếp xúc thời gian gần đây.
  • Enterprise Blockchain Solutions: Cuối cùng là các ứng dụng giúp đưa blockchain vào các hoạt động thực tế, đời sống để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con người như: Bảo hiểm, Chăm sóc sức khoẻ, Tài chính, Giáo dục,…

Bối cảnh hệ sinh thái Crypto năm 2021

Trong năm 2021 vừa qua, có ít nhất là 2 lần dòng tiền tập trung duy nhất vào các hệ sinh thái. Cứ blockchain nào có hệ sinh thái dù nhỏ hay lớn đều được bơm rất mạnh trừ 2 hệ lớn nhất là EthereumBinance Smart Chain.

Lần thứ nhất là trước cú sập mạnh vào tháng 5/2021, lúc đó thị trường tăng đều và các Altcoin hệ sinh thái cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh nhưng chưa phải spotlight.

Lần thứ 2 mình chứng kiến dòng tiền đổ vào hệ rõ nhất là trong nửa cuối năm 2021. Lúc đó thị trường đang trong thời gian điều chỉnh dài ngày sau cú sập ngày 19/5 nhưng một ngày tỉnh dậy mình phát hiện SOL, đồng Coin gốc của hệ sinh thái Solana tăng trưởng mạnh mẽ. 

Lúc này mọi người cho rằng SOL tăng do được bơm tiền, nhưng giá liên tiếp tăng không có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí là cán mốc 300% trong 2 tuần đã khiến nhà đầu tư thay đổi suy nghĩ.

Các dự án trong hệ sinh thái Solana. Nguồn: Coin98 Analytics

Không chỉ SOL mà các dự án trong hệ sinh thái Solana cũng theo chân SOL tăng trưởng mạnh mẽ, thậm chí là mạnh hơn SOL. Lúc đó mình nhớ SOL tăng gần 40% ngày đầu tiên nhưng STEP tăng 85%, SAMO tăng 80%, SBR tăng 54%. Sau đó các dự án này đều là dự án X5, X10 trong một con sóng.

Ngay sau đó, các đồng Coin gốc của các blockchain khác cũng lần lượt tăng mạnh. Sau Solana là hệ sinh thái Terra, Fantom và Avalanche. Mãi cho tới khi dòng tiền chảy qua Solana và Terra mình mới đi tìm kiếm cơ hội ở các hệ sinh thái khác và lúc đó mình chọn Avalanche. Thời gian dòng tiền chảy qua các hệ rất nhanh, lúc đó các đồng Coin trong hệ Avalanche cũng đã tăng mấy chục % nhưng mình vẫn chọn vì vốn hoá còn bé.

Tuy nhiên đó là khi mình bám sát thị trường, mình biết được tình hình dòng tiền dịch chuyển và kịp thời Fomo nhưng với những người không theo sát market như mình thì liệu hệ sinh thái họ chọn có phải lúc nào cũng tăng như kỳ vọng hay sẽ đu đỉnh? Vậy điều gì khiến đầu tư vào một hệ trở nên hấp dẫn và điều gì khiến nó trở nên kém hấp dẫn? Và có chỉ nên đầu tư vào một hệ sinh thái duy nhất?

Có nên đầu tư tập trung vào một hệ sinh thái?

Mặt hấp dẫn khi đầu tư tập trung vào một hệ

Nếu bạn muốn tìm kiếm cơ hội để xx tài khoản mà không rủi ro như xổ số thì đầu tư tập trung vào một hệ sinh thái là một trong những lựa chọn ưu tiên.

Với bối cảnh hiện tại, sau Bitcoin, trụ cột giúp Crypto tồn tại chính là sự phát triển của các hệ sinh thái. Bitcoin đóng vai trò thanh toán, lưu trữ giá trị nhưng mạng lưới chưa có đủ yếu tố để trở thành hệ thống tài chính đầy đủ. Do đó mới có sự ra đời của các hệ sinh thái đóng vai trò là bộ máy kinh tế hoàn chỉnh trên blockchain, tồn tại song song với bộ máy kinh tế truyền thống.

Đầu tư tập trung vào một hệ sẽ đặc biệt phù hợp với những bạn không có nhiều vốn và thích an toàn. Thường nhà đầu tư ít vốn tâm lý sẽ muốn đi nhanh, nên họ chọn rải đều ra nhiều coin, nhiều hệ để không bị bỏ lỡ. Nhưng đây là quan điểm sai lầm, bởi họ chưa tính đến rủi ro đu đỉnh khi mua một cách dàn trải như thế.

Nếu tập trung vào một hệ, hãy đảm bảo rằng hệ sinh thái đó đang được tích cực xây dựng, các mảnh ghép có thể còn thiếu nhưng dần hình thành, các dự án bắt đầu bước lên đó. Cơ hội và vị thế ở các hệ sinh thái thường xuất hiện khi nó chưa hoàn thiện, tới lúc nó đã hoàn thiện thì vị thế sẽ không còn đẹp nữa.

Chính vì vào được vị thế đẹp mà khi hệ nhận được dòng tiền đổ vào, bạn dễ dàng có cơ hội xx khoản đầu tư của mình.

Sau khi trải qua mùa uptrend năm 2021 và đặc biệt là được “sống” trong thời điểm dòng tiền chảy vào hệ sinh thái, mình nhận thấy đầu tư vào hệ sinh thái là một lựa chọn khá an toàn đối với Portfolio của mình. Đặc biệt khi chọn được đúng hệ sinh thái tiềm năng thì khả năng xx tài khoản là hoàn toàn có thể.

An toàn vì Coin hệ sinh thái là trụ cột nên lúc nào cũng đón đầu dòng tiền chảy vào trước so với các đồng Coin lĩnh vực khác.

Nếu tập trung vào một hệ, hãy đảm bảo rằng hệ sinh thái đó đang được tích cực xây dựng, các mảnh ghép có thể còn thiếu nhưng dần hình thành, các dự án bắt đầu bước lên đó. Cơ hội và vị thế ở các hệ sinh thái thường xuất hiện khi nó chưa hoàn thiện, tới lúc nó đã hoàn thiện thì vị thế sẽ không còn đẹp nữa.

Bên cạnh đó, đầu tư vào một hệ sẽ giúp bạn tối ưu thời gian và công sức khi theo dõi, cập nhật hơn. Nếu đầu tư dàn trải nhiều hệ, bạn phải luôn trong tình trạng theo dõi xem tình hình phát triển của các hệ như thế nào, liệu có còn tích cực hay đúng với lộ trình không?

Khi tập trung theo dõi một hệ còn giúp bạn tìm ra những cơ hội hay hidden gems và trở thành nhà đầu tư sớm của nhiều dự án tiềm năng trong hệ đó nữa. Nhiều lợi ích là vậy, nhưng đầu tư tập trung vào một hệ có nhiều hạn chế. Cụ thể những hạn chế đó là gì?

Hạn chế khi đầu tư tập trung vào một hệ

Đầu tư vào một hệ giúp chúng ta tối ưu hiệu quả sử dụng vốn nhưng không phải lúc nào điều này cũng đúng. Đây chính là rủi ro đầu tiên - rủi ro bỏ lỡ cơ hội.

Như mình có đề cập ở trên, khi dòng tiền đổ vào hệ sinh thái thường sẽ lần lượt đi qua các hệ sinh thái từ lớn → nhỏ. Sự dịch chuyển này ngày càng nhanh hơn. Nếu bạn chỉ tập trung vốn vào một hệ, có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội ở những hệ khác hay thậm chí là cơ hội ở những lĩnh vực khác.

Điển hình như đợt trước, dòng tiền phân bổ cho các hệ top đầu là hàng chục tỷ đô cho mỗi hệ, là hàng chục tỷ trong số 2,000 tỷ đô của toàn thị trường. Như vậy ngoài hệ sinh thái thì dòng tiền vẫn đang còn ở nhiều lĩnh vực khác nữa nên rất dễ để chúng ta bỏ lỡ.

Bên cạnh đó, Crypto mà chúng ta đang tìm hiểu là thị trường chạy theo xu hướng (trend) nhất thời. Ở mỗi thời điểm khác nhau, sẽ có một xu hướng mới được mọc lên để thu hút dòng tiền. Đầu tư vào hệ sinh thái cũng là một trong hàng loạt xu hướng đó.

Như vậy nếu vốn của chúng ta chỉ để ở trong hệ sinh thái mà không đi theo trend thì chúng ta có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội hơn. 

Ví dụ: Như trend NFT hay Play-to-earn, tưởng như nó là sự Fomo nhất thời nhưng lại giúp rất nhiều người kiếm được tiền.

Ngoài ra, với những bạn là người mới, việc đánh giá để lựa chọn một hệ sinh thái tiềm năng hay thời điểm nào là đầu tư phù hợp là việc không hề dễ. Đôi khi mua trúng các hệ không có tiềm năng hay không đúng thời điểm cũng khiến vốn bạn bị giữ quá lâu, thiếu sự linh hoạt trong dòng vốn.

Bí kíp đầu tư vào hệ sinh thái Crypto thành công

Sau khi đã cùng mình phân tích mặt ưu điểm và nhược điểm của việc đầu tư tập trung vào một hệ, bạn đã có lựa chọn cho mình chưa?

Nếu vẫn đang còn nhiều e ngại thì sau đây mình sẽ chia sẻ một số bí kíp đầu tư vào hệ sinh thái mà mình đã ứng dụng và thấy hiệu quả, phù hợp với cả người vốn ít và vốn nhiều để xây dựng danh mục đầu tư an toàn, có lợi nhuận tốt.

Là mình khi lựa chọn đầu tư vào hệ sinh thái, mình sẽ xác định rằng đó là lĩnh vực đầu tư vừa an toàn vừa mạo hiểm.

Thứ nhất: Khi chọn đầu tư vào một hệ sinh thái, mình sẽ tiến hành nghiên cứu xem hệ sinh thái đang xây dựng như thế nào? Các mảnh ghép trong hệ sinh thái đã đi tới bước nào rồi? Có dễ để người khác tiếp cận chưa? Nếu còn khó tiếp cận nhưng các yếu tố khác đã phần nào ghi điểm với mình thì mình sẽ lựa chọn.

Mình lấy ví dụ rõ nhất trong trường hợp này chính là hệ sinh thái Avalanche. Thời điểm mình đầu tư AVAX mà mình đã nhắc ở trên là thời điểm hệ sinh thái này vô cùng năng động. Hàng loạt dự án mới được mở rộng và sản phẩm như DEX, Wallet sử dụng rất mượt. Chỉ có duy nhất một vấn đề là hệ chỉ Support C-chain trong khi đó các sàn tập trung đang hỗ trợ token ở chuẩn X-chain.

Điều này khiến cho việc tương tác với các token và sản phẩm trên hệ sinh thái này phải trải qua nhiều bước chuyển đổi và trở nên khó khăn hơn. Nhưng lúc đó mình vẫn mua và chờ đợi, chờ đợi ngày các nền tảng hỗ trợ C-chain và ngày đó cũng tới khi Binance công bố sẽ hỗ trợ AVAX chuẩn C-chain.

Thời điểm Binance thông báo hỗ trợ AVAX C-Chain

Sau đó AVAX đã tăng trưởng mạnh mẽ vì dòng tiền vào đây một cách dễ dàng hơn trước rất nhiều, kéo theo hàng loạt Coin trong hệ tăng mạnh. Nếu không phải có vị thế từ đầu mà chờ có tin tức từ Binance mình mới mua vào thì chắc chắn mình đã đi chậm và không có cơ hội xx như kỳ vọng.

Thứ hai: Sau khi đã chọn được hệ sinh thái tiềm năng và nằm trong hàng top các hệ sinh thái, mình sẽ tiến hành phân bổ vốn. Chủ yếu dòng vốn sẽ được phân bổ vào đồng Coin chủ của hệ sinh thái đó. 

Ví dụ: Near thì có NEAR, Solana thì có SOL, Avalanche thì có AVAX. Bởi vì tiền vào một hệ sẽ đẩy vào Coin nền tảng trước, sau đó mới đến những coin nhỏ trong hệ sinh thái.

Tại sao cách đầu tư này vừa an toàn vừa mạo hiểm? Vì việc đầu tư vào Coin chủ của hệ sinh thái theo mình đánh giá là an toàn, dường như không bao giờ sợ mất. Còn mua các Coin nhỏ trong hệ thì mạo hiểm hơn, nếu dòng tiền không được đổ vào hệ thì các dự án này sẽ bị rút tiền nhanh hơn các đồng Coin chủ.

Vì vậy nên phần vốn mà mình phân bổ dành cho Coin chủ sẽ tập trung nhất. Thường là tới 80%, 20% còn lại phân bổ cho nhiều nhất là 2 dự án trong hệ sinh thái đó.

Vậy nếu là mình, mình có lựa chọn đầu tư vào nhiều hệ cùng một lúc không? Trong trường hợp này câu trả lời của mình sẽ là không. Sẽ có lúc các hệ sinh thái tăng đều hoặc hệ khác tăng trước hệ mà mình đầu tư khiến cho chúng ta nóng ruột, tham lam và chạy theo các hệ đó.

Nhưng với kinh nghiệm của mình, cách này không thực sự hiệu quả. Vì khi bạn bỏ vị thế để chạy qua các hệ đang tăng là bạn đang bị Fomo, bạn vừa đánh mất vị thế đẹp vừa dễ bị đu đỉnh, mất tiền.

Ngoài ra, thị trường hiện vẫn dịch chuyển mạnh theo trend nên khi các vị thế ở các hệ sinh thái của bạn chưa sinh lời thì cũng đừng chán nản. Bạn có thể dành một phần vốn nhỏ để đầu tư theo trendcảm nhận nhịp chuyển động của thị trường, kiếm thêm thu nhập trong ngắn hạn để chờ đợi thành quả các khoản đầu tư dài hạn nhé.

Phương pháp đầu tư này phù hợp với những bạn vốn ít và cả vốn nhiều. Nhưng nếu bạn vốn nhiều vẫn có thể lựa chọn cách khác đó là đầu tư dàn trải ra một chút, vào nhiều hơn một hệ sinh thái với kỳ vọng không bỏ lỡ cơ hội ở các hệ sinh thái khác. Điều này chỉ phù hợp với trường hợp nhiều vốn thôi bạn nhé.

Xem thêm 3 cách đầu tư theo trend tối ưu & hiệu quả trong crypto.

Tổng kết

Như vậy, các hệ sinh thái trong Crypto đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của Blockchain. Mỗi hệ sinh thái đều có những đặc điểm và thế mạnh phát triển và cũng như cơ hội khi đầu tư vào hệ sinh thái đó. Trên đây là góc nhìn của mình về việc đầu tư vào các hệ sinh thái trong crypto và câu trả lời cho việc “Có nên đầu tư tập trung vào một hệ sinh thái hay không?”.

Mọi chia sẻ xuất phát từ góc nhìn cá nhân và kinh nghiệm mình đã từng trải qua nên có thể chưa bao quát và phù hợp với tất cả mọi người. Tuy nhiên với người mới mình nghĩ phương pháp của mình sẽ phù hợp để bạn làm quen với dòng tiền.

Tới cuối bài rồi, bạn đã chọn được cho mình phương pháp nào phù hợp chưa? Bạn sẽ chọn đầu tư một hệ hay đa hệ sinh thái? Hãy để lại bình luận để chúng ta cùng thảo luận nhé. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau!

RELEVANT SERIES