Thị trường Crypto nửa đầu 2024: Tiền chảy mạnh vào DeFi, GameFi & Memecoin
Theo báo cáo mới nhất của Binance Research, trong 2 quý đầu năm 2024, thị trường tiền điện tử đã có sự phát triển mạnh mẽ. Nhìn chung, thế giới tài chính đang ngày càng chấp nhận crypto, với các dòng vốn lớn đổ vào quỹ ETF crypto và mảng tài chính phi tập trung (DeFi).
Sau đây là những diễn biến nổi bật nhất của thị trường tiền điện tử trong nửa đầu năm 2024.
Bitcoin & Ethereum dẫn đầu mức tăng trưởng
Tiếp nối sự tăng trưởng trong Q4/2023, tổng vốn hóa thị trường tiền điện tử tiếp tục phát triển tốt trong năm 2024, hiện đạt mức khoảng 2.27 nghìn tỷ USD, tương đương mức tăng 37.3% từ đầu năm đến nay.
Bitcoin tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường và đã tạo ATH 73,750 USD hồi tháng 03/2024. Sự ra mắt của Runes Protocol và việc phê duyệt các quỹ Bitcoin ETF tại Mỹ (tháng 01/2024) đã thu hút hơn 14 tỷ USD dòng tiền đầu tư vào mạng Bitcoin.
Mạng Ethereum cũng chứng kiến sự bùng nổ của mảng restaking (nổi bật là dự án EigenLayer). Bên cạnh đó là việc triển khai thành công bản cập nhật EIP-4844, giúp giảm chi phí gas trên mạng.
Giá ETH cũng đã tăng mạnh kể từ đầu năm, đạt mức tăng 60%, hiện được giao dịch ở khoảng 3450-3500 USD. Sắp tới, các quỹ Ethereum ETF chuẩn bị được niêm yết ở Mỹ, các chuyên dự đoán trong năm 2024, ETH có thể đạt ATH mới, khoảng 5,000 USD.
Mùa airdrop trong thế giới Layer 2
Nửa đầu năm 2024 được gọi là “airdrop season" trong thế giới layer 2 (L2), đặc biệt là dự án ZkSync với công nghệ zero knowledge. Hứa hẹn về việc airdrop đã thu hút lượng lớn vốn đầu tư vào các chuỗi L2, nâng tổng giá trị khóa trên layer 2 lên 43 tỷ USD.
Con số này đồng nghĩa với mức tăng 90% chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm. Trong số đó, các mạng roll-up xây dựng trên nền tảng Optimistic chiếm gần 80% TVL, nổi bật là Arbitrum One, Base và OP Mainnet.
Mảng DeFi được đầu tư mạnh
Mảng tài chính phi tập trung (DeFi) cũng nhận được lượng vốn đầu tư đáng kể, đẩy TVL tăng 72.8%, từ mức 54.4 tỷ USD tăng lên mức 94.1 tỷ USD.
Hầu hết các thị trường trong lĩnh vực DeFi đều được hưởng lợi từ dòng vốn này, nổi bật là liquid staking (52.1 tỷ USD), lending (33.7 tỷ USD), bridge (23.2 tỷ USD) và restaking (18.6 tỷ USD).
Bên cạnh đó, nguồn vốn này cũng dẫn đến sự xuất hiện của các giao thức mới, cung cấp các tài sản tài chính trước đây không thể tiếp cận trên chuỗi như tài sản thế giới thực (RWA).
Vốn hóa thị trường stablecoin hồi phục tốt
Thị trường stablecoin đã có sự phục hồi đáng kể, và chỉ còn cách đỉnh điểm hồi tháng 4/2022 14.5%. Tính đến ngày 30/06, vốn hóa thị trường stablecoin là 161 tỷ USD, đạt mức cao nhất trong 2 năm qua.
USDT tiếp tục chiếm ưu thế với tổng cung 114 tỷ USD, sau đó là USDC với tổng cung 33 tỷ USD.
Ngoài ra, stablecoin USDe của Ethena cũng đã tăng thị phần đáng kể, đạt kỷ lục là stablecoin phát triển nhanh nhất trong lịch sử, hiện tổng cung USDe là 3.4 tỷ USD.
Thị trường NFT nhiều biến động
Thị trường NFT đã có một nửa đầu năm đầy biến động, với khối lượng giao dịch giảm và các dự án lớn trải qua mức giảm giá sàn trên 50%.
Blur tiếp tục thống trị nhờ đợt airdrop token BLAST, trong khi đó, Pudgy Penguins đạt được một số thành công với các sản phẩm đồ chơi thú nhồi bông được bán ở các chuỗi siêu thị phân phối lớn ở Mỹ như Walmart, Target.
Ngoài ra, NFT trên Bitcoin cũng tăng mạnh nhờ các giao thức như Runes Protocol, Ordinals.
Các nền tảng SocialFi phát triển tốt
Các nền tảng mạng xã hội tài chính (SocialFi) tiếp tục phát triển, đặc biệt kể từ khi Ethereum tích hợp đề xuất ERC-6551, cho phép các hồ sơ người dùng (profile) có thể tương tác với blockchain như ví tiền điện tử.
Dẫn đầu SocialFi là dự án Lens Protocol trên mạng Polygon, với hơn 443 nghìn profile người dùng, mỗi profile tương ứng với 1 NFT. Lens cũng thông báo sắp ra mắt mạng cho riêng mình mang tên Lens Network.
Lượng người dùng Farcaster, nền tảng mạng xã hội phi tập trung trên mạng OP mainnet cũng tiếp tục tăng mạnh sau khi ra mắt Frames. Đây là bản cập nhật cho phép xây dựng các ứng dụng trên nền tảng của Farcaster. Nổi bật là ứng dụng Warpcast, với cấu trúc tương tự các mạng xã hội truyền thống như X, Facebook.
Dự án friend.tech cũng đã phát hành token FRIEND và ra mắt phiên bản v2. Kể từ Q4/2023, lượng giao dịch hàng tuần của friend.tech đã chậm lại và dần ổn định, trung bình khoảng 500,000 giao dịch mỗi tuần.
Nhà đầu tư dồn sự chú ý về mảng GameFi
Trong năm 2024, các dự án game play-to-earn đã thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Đỉnh điểm là vào tháng 3 khi thị trường này đạt tổng vốn hoá 32 tỷ USD.
Cứ 10 thương vụ gọi vốn vào mảng gaming thì các dự án game Web3 chiếm 7 phần, thu hút hơn 200 triệu USD vốn đầu tư. Trong đó, các mạng hàng đầu về thị phần Web3 gaming là Ethereum, BNB và Polygon.
Tuy nhiên, công bằng mà nói thì web3 gaming vẫn còn đang ở giai đoạn sơ khai. Kể từ đỉnh, thị trường này đã hạ nhiệt đáng kể, với tổng vốn hóa hiện tại khoảng 18 tỷ USD, chỉ chiếm 0.7% tổng vốn hóa thị trường tiền điện tử. Thậm chí nếu khắt khe hơn, con số này chỉ xấp xỉ vốn hóa của memecoin Dogecoin (DOGE).
Mặc dù vậy, các chỉ số tăng trưởng người dùng vẫn rất tốt với các dự án click-to-earn trên ứng dụng Telegram, nổi bật là Notcoin, Hamster Kombat và Catizen. Các dự án này thu hút được số lượng lớn người chơi nhờ vào việc dành lượng lớn phẩn bổ token để airdrop.
- Notcoin đã airdrop hơn 72 tỷ token NOT, trị giá gần 1 tỷ USD. Vào thời điểm airdrop, dự án có hơn 35 triệu người dùng.
- Hamster Kombat đã thu hút hơn 150 triệu người dùng chỉ trong vòng 3 tháng kể từ khi ra mắt vào 25/03. Dự án cũng có kênh Youtube phát triển nhanh nhất thế giới, với 10 triệu lượt đăng ký trong vòng 1 tuần. Dự kiến Hamster Kombat sẽ airdrop cho người dùng trong tháng 07 này.
Memecoin là tài sản “siêu lợi nhuận"
Các Memecoin chiếm phần lớn giao dịch của thị trường và cũng là narrative mang về lợi nhuận khủng nhất. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, vốn hóa thị trường memecoin đã tăng 279%, trong đó, nổi bật là chú ếch PEPE và các memecoin hệ “chó" như: DOGE, SHIB, WIF.
Các mạng phổ biến nhất cho các “tín đồ" memecoin là Solana và Base. Hai mạng này cũng đã đặc biệt hưởng lợi từ “cơn sốt memecoin", đẩy lượng giao dịch trên chuỗi và số địa chỉ ví hoạt động hàng ngày (DAU) lên mức kỷ lục:
- Lượng giao dịch DEX theo khung tuần trên Solana đã tăng vọt, từ khoảng 455,000 lên 2.9 triệu hồi tháng 6, đạt mức tăng gần 600%.
- Trên mạng Base, lượng giao dịch cũng vượt mức 963,000 giao dịch DEX trên khung tuần, tính đến ngày 24/06.
Đối với Solana, mạng này thu hút người dùng bởi phí giao dịch thấp và các công cụ giao dịch tốt (Raydim, Orca, Jupiter). Biến Solana thành “thủ phủ" memecoin.
Ngoài ra, cơ chế “cày điểm nhận airdrop" cũng đã tạo ra lực cầu mạnh trên mạng lưới, đặc biệt có lợi với các sàn giao dịch phi tập trung (DEX). Qua đó, giữ vững chiều tăng trong lượng giao dịch trên các giao thức DeFi trên Solana.
Đọc thêm: Dòng vốn đổ vào tài sản số trong Q2-2024 không đạt kỳ vọng